Văn hiến là gì?
Hỏi: Tuần san SGGP Thứ Bảy số 823, ngày 6-1-2007, khi trả lời câu hỏi nước ta có mấy ngàn năm văn hiến lại không giải thích văn hiến là gì. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Hà Nội, 1992) giảng văn hiến là “truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp”. Như thế có đúng không?
SONG THU (Vietcombank, quận 1, TPHCM)
Khổng Tử và hai chữ “văn hiến”.
LÊ ANH MINH: Theo thiển ý, giảng như Từ điển tiếng Việt thì khó phân biệt văn hiến với văn hóa (culture), mà bản thân văn hóa lại là một từ hoàn toàn không dễ định nghĩa. Từ điển bách khoa Anh (Encyclopaedia Britannica, 1998, tr. 874) cho biết trong tác phẩm Culture: a critical review of concepts and definitions (1952), hai nhà nhân chủng học người Mỹ là A.L. Kroeber và Clyde Kluckhohn đã dẫn ra đến 164 định nghĩa về văn hóa nhưng những khái niệm này đều có chỗ bất túc, tức là khiếm khuyết. (“In Culture: a critical review of concepts and definitions (1952), U.S. anthropologists A.L. Kroeber and Clyde Kluckhohn cited 164 definitions of culture (…). These conceptions have defects or shortcomings.”)
Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh (1932) định nghĩa văn hiến là “sách vở và nhân vật tốt trong một đời”.
Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức (1970) định nghĩa văn hiến là “sách hay và người tài”; theo nghĩa bóng là “sự tổ chức học hành để tiến tới chỗ khôn khéo”.
Khổng Tử (551-479 TCN) từng nói đến văn hiến. Trong Luận ngữ (Bát dật) có câu: “[Họ không làm thế] vì văn hiến không còn đủ nữa. Nếu còn đủ, ta có thể viện dẫn làm chứng [cho lời ta].” (Văn hiến bất túc cố dã. Túc, tắc ngô năng trưng chi hĩ ).
James Legge (1815-1897) dịch câu trên như sau: “[They do not do so] because of the insufficiency of their records and wise men. If those were sufficient, I could adduce them in support of my words.”
Vậy, Legge hiểu văn hiến là kinh sách và người hiền (records and wise men). Có lẽ cả Legge lẫn Đào Duy Anh và Lê Văn Đức đều theo cách hiểu của Chu Hi (1130-1200) vì Chu Hi chú thích lời của Khổng Tử như sau: “Văn là kinh điển, sách vở; hiến là hiền tài.” (Văn, điển tịch dã; hiến, hiền dã. ).
Từ điển điện tử Từ bá (Đại học Bắc Kinh, 2006) đã loại bỏ yếu tố “người hiền, tài giỏi” ra khỏi nội dung văn hiến khi định nghĩa như sau: Văn hiến [wénxiàn] (document; literature): sách vở có ý nghĩa lịch sử hoặc có giá trị nghiên cứu (hữu lịch sử ý nghĩa hoặc nghiên cứu giá trị đích thư tịch )
Lịch sử văn học thành văn của Việt Nam chỉ có thể tính từ thời Bắc thuộc, tức là lúc Sĩ Tiếp (sử Việt thường chép là Sĩ Nhiếp, 187?-266) truyền bá Hán học tại Giao Chỉ, và Ngô Sĩ Liên (thế kỷ 15) bảo “nước ta trở nên một nước văn hiến bắt đầu từ đó”. Tính từ đời Hán (206 TCN – 220 CN) đến nay, nếu theo định nghĩa của Từ bá như dẫn trên, bề dày văn hiến của Việt Nam chỉ có khoảng hơn 2.000 năm lịch sử mà thôi.