Vận dụng hiệu quả mô hình STEM trong dạy học ở Trường THCS Quang Trung, Bảo Lâm, Lâm Đồng
21.01.2022 09:38
1445 đã xem
“Phải thừa nhận rằng nhờ sự thuần, nhờ những biểu hiện rất rõ về phẩm chất, năng lực của học sinh trường THCS Quang Trung thì chất lượng tiết dạy của giáo viên thi dạy giỏi vừa qua mới có thể vươn tới những tiêu chí chuẩn mới”
Đó là những lời chia sẻ của cô giáo Phùng Thị Hồng Phúc, (Phó hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú huyện Bảo Lâm) thành viên ban giám khảo của Hội thi giáo viên giỏi năm học 2021-2022 của huyện Bảo Lâm, tình Lâm Đồng.
Đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư, các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đang có sự thay đổi to lớn với mục đích cuối cùng là đào tạo ra thế hệ trẻ có đủ trí tuệ và sự nhạy cảm thời đại để thích ứng và phát triển. Một trong những mô hình giáo dục hiện đại nhằm hiện thực hóa mục đích giáo dục nêu trên, đang có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng khắp thế giới đó chính là giáo dục STEM.
STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến (các lĩnh vực) khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học – theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
CLB STEM của trường THCS Quang Trung, Bảo Lâm, Lâm Đồng
Đến với ngôi trường nằm khép mình bên quốc lộ 20 thuộc địa bàn xã nông thôn mới – xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, chúng tôi được chào đón tại tiết Vật lý, lớp 9A4 do cô Mai Hoa đứng lớp. Bước vào lớp cái ấn trường đầu tiên của chúng tôi là ngoài những trang trí thông thường thì lớp học còn có hộp thư “Điều em muốn nói”, góc “Sinh nhật hồng”, bảng “Con đường em đến trường”, góc “Chúng em học tập”…. Sau những hoạt động học tập thú vị của tiết học, điều chúng tôi ấn tượng hơn cả là cách thức hoạt động của nhóm học tập. Nếu ở mô hình trường học cũ, thảo luận nhóm thường chỉ là hoạt động của vài bạn khá giỏi và kéo dài từ 3-5 phút thì ở đây hoạt động nhóm trải qua các bước và không quá gò bó thời gian. Cụ thể, sau khi nghe nhiệm vụ, nhóm trưởng sẽ phân việc cho các thành viên, tất cả lớp lắng vào yên lặng với hoạt động của cá nhân, một lúc sau lớp học bắt đầu lao xao bởi âm thanh báo cáo kết quả của các thành viên, của ghi ghi chép chép, của những trao đổi ngắn và cuối cùng nhóm trưởng đánh giá tiến độ, gắn sản phẩm lên bảng, giáo viên yêu cầu các nhóm nhận xét sản phẩm của nhau, cuối cùng giáo viên chốt kiến thức. Nói về vấn đề này cô Mai Hoa giáo viên đứng lớp chia sẻ “Muốn cho hoạt động nhóm phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh thì then chốt nhất là việc giáo viên phải biết chọn nhóm trưởng, biết chuyển giao nhiệm vụ rõ ràng, chi tiết, hướng cho các con biết tự tìm tòi và chia sẻ lẫn nhau”. Bạn Lê Đới Nhật Hoàng, học sinh lớp 9A4 cho biết “Con yêu thích việc học vì chúng con được chủ động tìm tòi, tương tác, thuyết trình, phản biện, được thu nhận kiến thức và phát triển các năng lực khác nhau trong các tiết học khác nhau”.
Hoạt động trong giờ học STEM của thầy trò trường THCS Quang Trung, Bảo Lâm, Lâm Đồng
Dự giờ xong, rất tò mò, chúng tôi đến phòng trưng bày sản phẩm trải nghiệm sáng tạo và giáo dục stem của học sinh nơi đây. Cánh cửa mở ra, căn phòng khoảng 120m2 có “Ngôi nhà mơ ước” môn giáo dục công dân, có “Siro ho từ lá tần dày”, “Kẹo can xi làm từ vỏ trứng”, “Gạch làm từ bùn Boxit”, “Cảm biến chân chống xe máy”, “Trà hạt bơ” môn Khoa học tự nhiên, có “Mô hình đàn bầu” môn âm nhạc và rất nhiều tranh ảnh, mô hình khác. Chia sẻ về quá trình từ học lý thuyết trên lớp đến trải ngiệm sáng tạo và hoạt động STEM, bạn Nguyễn Trương Quỳnh Thư ( HS lớp 8A1) chia sẻ: “Hồi lớp 6 chúng con rất hào hứng với việc vận dụng các lý thuyết về giâm, chiết, ghép cành của môn sinhh học vào hoạt động trải nghiệm sáng tạo; đến năm lớp 8, từ kiến thức của tổ hợp môn khoa học tự nhiên chúng con mày mò làm ra các sản phẩm stem khác như Trà hạt bơ túi lọc, Phân hữu cơ từ vỏ cà phê”. Theo chia sẻ của thầy Hắc Xuân Phúc, bí quyết để vừa đảm bảo không quá áp lực cho giáo viên và học sinh trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục STEM là “Thường thì, từ cuối năm học trước, các tổ sẽ dựa vào những ý tưởng của học sinh, chủ động vạch kế hoạch, đưa ra các sản phẩm dự kiến, đánh giả mức dộ khả thi của các sản phẩm, đến đầu năm học sau cả thầy và trò sẽ bắt tay vào làm”. Nói về những dấu ấn còn đọng lại về ngôi trường THCS Quang Trung, bạn Mai Trang, sinh viên năm thứ nhất Đại học RMIT – Thành phố Hồ Chí Minh bật mí “Em nghĩ 3 năm cấp 3 là lúc mình gần với độ tuổi được coi là đủ trưởng thành nhất nên hay có những suy nghĩ sâu xa hơn về nhiều điều, nhất là về bản thân. Ví dụ như những câu hỏi “Mình là gì?” ”Mọi người nhìn nhận mình thế nào?” mà khi tự trả lời những câu hỏi đó thì bản thân em thường tự đào sâu về những gì đã xảy ra, thường thì là vào cấp 2 ạ”
Giờ học theo mô hình STEM của HS trường THCS Quang Trung, Bảo Lâm, Lâm Đồng
Chia sẻ với chúng tôi về ngôi trường này, thầy Văn Đức Phương cho biết “Vừa là quản lý, vừa là người trực tiếp đứng lớp, tôi thấy rằng không phải một sớm một chiều mà làm được những điều như ngày hôm nay, đó là cả một quá trình đồng lòng, nỗ lực của nhà trường, thầy cô, phụ huynh và các em học sinh thân yêu”. Chia sẻ về những thành tích ban đầu mà trường đã đạt được, thầy Phương cho biết: 10 năm liền trường là tập thể lao động xuất sắc; bảy năm liền là đơn vị dẫn đầu huyện Bảo Lâm về các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, giáo dục stem và đặc biệt năm năm gần đây, trường 01 lần được Bộ Giáo dục tặng bằng khen, 04 lần nhận cờ thi đua và bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh về các thành tích xuất sắc bậc THCS trong toàn tỉnh.
Chia sẻ về quá trình đi lên của trường THCS Quang Trung, Bảo Lâm, ông Nguyễn Quốc Túy (Trưởng phòng Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng) cho biết: “Từ khi thí điểm mô hình Truờng học mới đến nay, thầy và trò trường THCS Quang Trung, Bảo Lâm đã nỗ lực rất lớn, đạt được nhiều thành tích ấn tượng, nơi đây thực sự là địa chỉ tin cậy để các trường trong và ngoài địa bàn kết nối, chia sẻ”
Không gian STEM tại trường THCS Quang Trung, Bảo Lâm, Lâm Đồng
Rời trường Quang Trung, điều mà chúng tôi thêm vững tin là mặc dù cơ sở vật chất chưa đầy đủ, hiện đại nhưng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường đã vận dụng rất hiệu quả mô hình dạy học STEM phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh. Nó được cụ thể hóa trong việc chủ động lập kế hoạch, vận dụng những điều kiện có thể để triển khai dạy học trải nghiệm, khuyến khích sự sáng tạo và tổ chức các hoạt động giáo dục của trường
Bài viết của thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, trường THPT Lộc An, Bảo Lâm, Lâm Đồng.
Vận dụng hiệu quả mô hình stem trong dạy học ở Trường THCS Quang Trung, Bảo Lâm, Lâm Đồng