Vấn đề xã hội và đổi mới phương thức giải quyết các vấn đề xã hội – Báo điện tử VnMedia – Tin nóng Việt Nam và thế giới

Sau 25 năm đổi mới, đất nước ta gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình cải cách phát triển kinh tế, nhiều vấn đề xã hội mới nổi lên, cả về số lượng và quy mô. Các chính sách xã hội nhìn chung chưa đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Đổi mới để giải quyết vấn đề xã hội đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết, trong đó, đổi mới chính sách xã hội trở thành vấn đề xã hội đầu tiên cần phải giải quyết.

Vấn đề xã hội  và đổi mới phương thức giải quyết các vấn đề xã hội 

Vấn đề xã hội có thể hiểu đó là bất cứ cái gì có tác động bất lợi, tiêu cực đến xã hội, đó là điều mà xã hội chúng ta không mong muốn. Có vấn đề xã hội nông thôn, xã hội thành thị, có vấn đề xã hội theo giới tính, tuổi tác, có vấn đề xã hội mang tính chất địa phương, quốc gia và có cả vấn đề mang tính quốc tế. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, vấn đề xã hội có thể kể đến như nạn tham nhũng, hối lộ, quan liêu, lãng phí. Đó có thể là vấn đề y tế thiếu về số lượng và chất lượng dịch vụ không đạt yêu cầu… Ở những thành phố lớn, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, 3 – 4 bệnh nhân một giường vẫn còn diễn ra… Vấn đề nhức nhối hiện nay chính là văn hóa phong bì, hoặc cách tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục không công bằng; chất lượng hệ thống giáo dục còn thấp, tình trạng dạy thêm, học thêm, thi cử rất nặng nề; tội phạm gia tăng, tắc đường, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm đáng báo động… Có thể nói, những vấn đề xã hội này đã tác động tiêu cực đến xã hội, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quyền lợi của người dân và phát triển xã hội.

Đổi mới sáng tạo vì xã hội hay đổi mới phương thức giải quyết các vấn đề xã hội đã trở thành vấn đề quan trọng. Đây là những giải pháp mới để giải quyết vấn đề xã hội có hiệu lực hơn, hiệu quả hơn, bền vững và công bằng hơn giải pháp hiện hành và giá trị tạo ra được chủ yếu phục vụ cho lợi ích chung của xã hội, chứ không phải lợi ích cá nhân. Trong quá trình đó, xã hội hóa được coi là một đổi mới giải quyết các vấn đề xã hội. Có những vấn đề xã hội và lĩnh vực xã hội ngày càng đóng góp vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong hai lĩnh vực quan trọng đó là lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Xã hội hóa ở lĩnh vực y tế về bản chất là tạo điều kiện và thu hút tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ y tế theo cơ chế thị trường. Thực tế, vấn đề này không giải quyết được, không có sự đổi mới thực sự thì tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên vẫn có thể xảy ra, nạn phong bì vẫn cứ tiếp diễn và bác sỹ vừa làm công, vừa làm tư, “chân ngoài dài hơn chân trong” là khó tránh khỏi… Trong khi đó, nhu cầu xã hội là muốn giảm hoặc xóa bỏ những vấn đề xã hội hay nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội. Muốn vậy, đòi hỏi cần phải có tư duy mới, cần phải có chính sách giải quyết triệt để.

Cần phải làm gì để giải quyết các vấn đề xã hội?
 
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, hiện nay những vấn đề xã hội mới nảy sinh ngày càng nhiều và ngày càng phức tạp đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn. Trong hoạch định chính sách, không chỉ dựa vào sáng kiến từ bên trên, mà còn phải xây dựng được những cơ chế để khuyến khích người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp xã hội ở cơ sở phát triển được ý tưởng của riêng mình, trực tiếp tham gia vào giải quyết các vấn đề xã hội.

Thực tiễn cũng cho thấy, các sáng kiến từ bên dưới thường phong phú đa dạng và đầy tính sáng tạo. Điều này được lý giải bởi những sáng kiến này được hình thành từ chính những đối tượng chịu sự tác động của các vấn đề xã hội nên luôn có tính thực tiễn cao và khi được triển khai thì sẽ dễ dàng được chấp nhận bởi cộng đồng xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, các giải pháp xã hội thường có sự tham gia của cả bộ máy các cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội. Nhà nước chủ động tạo lập các kênh hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương, đồng thời nhà nước cũng thường xuyên thực hiện đổi mới sáng tạo trong các hoạt động của chính mình. Nhờ đó, các vấn đề xã hội đã được giải quyết hết sức hiệu quả và có tính bền vững cao, Thứ trưởng Đông cho biết thêm.

Trở lại vấn đề này ở Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, trong thực thi chính sách, không nên chỉ dựa vào vai trò và nguồn lực của Nhà nước mà còn phải biết phát huy vai trò và huy động nguồn lực của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp ở cộng đồng cho đến từng người dân. Nhà nước cần coi khu vực này như một đối tác để chia sẻ trách nhiệm cũng như gánh nặng về nguồn lực trong giải quyết những vấn đề xã hội. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra thực trạng rằng, hiện nay khoảng cách giữa quy mô và vấn đề xã hội đang gặp phải khá xa với những giải pháp đang có. Hơn nữa, chưa chú ý đến đổi mới sáng tạo trong hoạch định chính sách cũng như trong hoạt động thực tiễn.
 
Có thể thấy, tác động của đổi mới xã hội này có ý nghĩa thiết thực. Kết quả của đổi mới có thể là sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, quy trình sản xuất, có thể là một nguyên tắc, một ý tưởng, một quy định hay văn bản pháp luật, một phong trào xã hội, một sự can thiệp chính sách, hay kết hợp của tất cả những vấn đề nói trên.

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là cần phải có những thay đổi tích cực về những quy tắc, văn bản pháp luật, thể chế, phương pháp giải quyết các vấn đề xã hội. Đổi mới phải có sự hy sinh lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Câu hỏi đặt ra là, chính sách công có phải là vấn đề xã hội không? Chính sách công cũng chính là vấn đề xã hội vì thực tế có những chính sách kém chất lượng làm nảy sinh ra nhiều vấn đề xã hội. Ví dụ như nhiều văn bản gần đây, vừa ban hành ra đã không thực thi được, gây nên những bức xúc trong dư luận xã hội. Những chính sách này lại trở thành vấn đề xã hội. Về vấn đề này, ông Cung cho rằng, đổi mới chính sách xã hội lại trở thành vấn đề xã hội đầu tiên cần phải giải quyết.

Giải quyết các vấn đề xã hội không chỉ là nhiệm vụ của riêng nhà nước mà rất cần sự tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ, của cộng đồng và của chính người dân bởi những sáng tạo xã hội. Tuy nhiên, theo quan điểm của một số chuyên gia thì vấn đề xã hội đầu tiên cần phải giải quyết chính là việc đổi mới chính sách xã hội phải thực sự mang lại hiệu quả tích cực. 

Báo Điện tử VnMedia