Vấn đề tiền bạc—Làm sao giải quyết được? — THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh

Chương 6

Vấn đề tiền bạc—Làm sao giải quyết được?

NGƯỜI TA vẫn bày tiệc đặng vui chơi và uống rượu khiến cho đời vui, song cần tiền bạc để ứng cho mọi sự” (Truyền-đạo 10:19, NW).

2 Tiền bạc là một vấn đề quan trọng trong mọi xứ trên thế giới. Một lý do là vì nạn lạm phát. Vật giá leo thang từng ngày. Nhiều người không có tiền để mua đủ đồ ăn thiết yếu nữa. Càng ngày càng nhiều đàn ông phải làm hai việc và nhiều người vợ phải ra đi làm thêm. Đời sống gia đình và sức khỏe của họ cũng bị ảnh hưởng. Thói quen mua trả góp thường làm cho các vấn đề tiền bạc thêm nan giải. Ỷ vào việc mua trả góp dễ dàng, nhiều người đã mắc nợ rồi mà vẫn tiếp tục mua thêm những vật mà thật ra họ chẳng cần tới. Điều này xảy ra không những chỉ ở các nước tân tiến, mà ngay cả tại các vùng trên thế giới nơi dân chúng có thu nhập kém cũng thế.

3 Kinh-thánh cho ta sự giúp đỡ thiết thực nào trong lãnh vực này? Kinh-thánh có thể giúp bạn tìm được việc làm hay giữ được việc làm không? Kinh-thánh có thể giúp gia đình bạn được nhẹ gánh lo âu về tiền bạc, và do đó dẫn đến đời sống hạnh phúc hơn không?

LƯƠNG THIỆN VÀ CẦN MẪN CÓ GIÚP ÍCH GÌ KHÔNG?

4 Trong một cuộc thăm dò ý kiến, người ta đặt câu hỏi: “Nai lưng làm việc khó nhọc cũng chẳng hơn gì. Bạn có đồng ý thế không?” Có 85% trả lời đồng ý. Dường như thành công thường tùy thuộc vào lường gạt, trộm cắp, hối lộ và quen thuộc những người có thể gây ảnh hưởng. Thế nhưng, Kinh-thánh nhấn mạnh giá trị của tính ngay thật và cần cù. Để thí dụ, Kinh-thánh nói:

“Kẻ vốn hay trộm-cắp chớ trộm-cắp nữa; nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương-thiện, đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu-thốn thì hơn” (Ê-phê-sô 4:28).

“Lòng kẻ biếng-nhác mong-ước, mà chẳng có chi hết; còn lòng người siêng-năng sẽ được no-nê. Con có thấy người nào siêng-năng trong công-việc mình chăng? Người ấy hẳn sẽ đứng ở trước mặt các vua” (Châm-ngôn 13:4; 22:29).

“Hãy ráng ăn ở cho yên lặng, chăm lo việc riêng của mình, lấy chính tay mình mà làm lụng, như chúng tôi đã dặn bảo anh em rồi. Như thế anh em sẽ được sự kính trọng của những người không tin đạo và anh em sẽ không phải nhờ vả ai về những điều mình cần” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:11, 12, NW).

5 Cả thời gian và kinh nghiệm từng trải khắp nơi đã chứng tỏ lời khuyên trên là thiết thực. Đành rằng một số người lười biếng dường như vẫn thành công. Nhưng nói chung và nói cho cùng thì nếu bạn áp dụng lời khuyên của Kinh-thánh, bạn sẽ đạt được những kết quả tốt hơn những người không màng đến lời khuyên ấy.

6 Người làm chủ thường than phiền nhân viên của họ hay đến trễ, ưa đi nhởn nhơ, ăn ở dơ dáy và không thể tin cậy được. Vậy thì người nào tuân theo các nguyên tắc Kinh-thánh, tỏ ra đúng giờ, cẩn thận, sạch sẽ, đáng tin cậy và cần mẫn thì thường thường sẽ tìm được việc làm. Và chắc hẳn người ấy sẽ được lương cao hơn, vì người chủ thường sẵn lòng trả công cao cho nhân viên làm việc tốt. Có nhiều báo cáo của Nhân-chứng Giê-hô-va xác nhận điều ấy.

7 Nhưng trong thời buổi ngày nay, ăn gian nói dối không phải là gần như cần thiết hay sao? Vì muốn áp dụng các nguyên tắc của Kinh-thánh nên tín đồ đấng Christ từ chối không chịu trộm cắp, nói dối hay gian lận; và họ đã thấy lời khuyên của Kinh-thánh mang lại nhiều kết quả tốt.

Một công ty ở Johannesburg, Nam Phi, chuyên bán các dụng cụ điện đã làm ăn thua lỗ. Một lý do là vì có nhiều nhân viên ăn cắp quá. Một hôm, ông giám đốc họp tất cả nhân viên người Phi Châu lại và sa thải hết. Thế nhưng sáng hôm sau, một nhân viên đón xe lửa đi làm như thường lệ thì anh gặp một bạn đồng nghiệp. Anh hỏi: ‘Làm sao mà anh vẫn đi làm à?’ Anh kia liền kể lại rằng ông giám đốc đã nói riêng với anh và bảo anh cứ tiếp tục đi làm, trường hợp của anh là ngoại lệ vì anh ăn ở ngay thật. Anh đầu tiên lúc ấy cũng nói rằng trường hợp của anh cũng giống y như vậy. Khi đến sở làm cả hai còn gặp một nhân viên thứ ba cũng được ông chủ dặn riêng là hãy đến làm việc như thường. Cả ba người đều là tín đồ thật của đấng Christ.

Robert làm việc cho một công ty Anh chuyên xây dựng đường sá. Một ngày nọ, một vị giám đốc dặn Robert nếu có ai gọi điện thoại thì trả lời rằng ông vắng mặt. Nhưng khi Robert trả lời điện thoại thì anh giải thích rằng ông giám đốc đang bận. Ông này nghe thấy như vậy, bèn khiển trách anh. Tuy nhiên khi Robert giải thích rằng vì anh là một Nhân-chứng Giê-hô-va nên anh không thể nói dối được, thì ông giám đốc bèn bỏ qua chuyện ấy (Ê-phê-sô 4:25). Một thời gian sau, khi anh Robert được đề nghị thăng chức, thì một đồng nghiệp tham lam cố gây nghi ngờ về tính ngay thật của anh. Chính lúc ấy, ông giám đốc nói lời khen về tính ngay thẳng của Robert, và anh đã được thăng chức.

8 Nếu bạn làm nghề buôn bán, thì liệu bạn có thể lương thiện được chăng? Trong một vài trường hợp, sự ngay thật có vẻ như không thiết thực. Tuy nhiên đây vẫn là đường lối tốt nhất, giúp bạn có được một lương tâm trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời và có được sự bình an trong tâm trí. Hơn nữa, nhiều người thích làm ăn buôn bán với người không gian dối. Đúng như Kinh-thánh nói: “Như thế anh em sẽ được sự kính trọng của những người không tin đạo”.

ĐƯỢC GIÚP ĐỠ VỀ CHỖ Ở

9 Tìm được một chỗ ở đàng hoàng là một vấn đề quan trọng khác. Tại một số quốc gia, có khi cả gia đình bị buộc sống chen chúc trong một căn phòng duy nhất. Ngoài ra cũng khó lòng tìm được một chỗ ở sạch sẽ mà giá lại phải chăng. Kinh-thánh có thể nào giúp giải quyết các vấn đề này không?

10 Khi bạn đi thuê nhà, thì nơi bạn cư ngụ đó vẫn là tài sản của một người khác. Vậy hãy lưu ý rằng Đức Chúa Trời khuyên dân Y-sơ-ra-ên phải tôn trọng và giữ gìn tài sản của người khác (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:1-4). Ngài cũng khuyên họ giữ vệ sinh thân thể (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:12-14; Xuất Ê-díp-tô Ký 30:18-21). Cho nên người tín đồ đấng Christ có ý thức sẽ cố gắng tránh không gây hư hại cho nơi ở mà họ thuê và giữ cho nơi ấy được sạch sẽ. Vì lý do này và cũng vì họ ‘ăn ở yên lặng’, cho nên dù ở đâu đi nữa thì họ cũng là những người ở thuê được ưa chuộng, do đó họ dễ tìm ra nơi ở hơn.

Một gia đình tín đồ đấng Christ nọ có thuê một căn nhà của viên cựu đô trưởng tại thủ đô một nước Phi Châu nọ. Họ chăm nom căn nhà thật sạch sẽ và trả tiền thuê nhà đúng thời hạn (Rô-ma 13:8). Khi sắp dọn đi nơi khác, gia đình ấy giới thiệu ông chủ nhà cho một gia đình khác trong hội thánh. Ông chủ nhà cho biết rằng thường thì “phải tăng” tiền thuê nhà, nghĩa là tăng gấp đôi. Nhưng vì ông biết rằng những tín đồ đấng Christ này sẽ là những người đáng tin cậy và sạch sẽ, nên ông vẫn giữ nguyên giá thuê cũ, khoảng bằng nửa giá tiền thuê của những căn nhà tương tự trong khu phố ấy.

11 Ngay cả khi có những hoàn cảnh ngoài ý muốn khiến một người không kiếm được một chỗ ở vừa ý hơn, thì người áp dụng lời khuyên của Kinh-thánh vẫn được lợi ích. Người ấy sẽ giữ cho nhà cửa được sạch sẽ và ngăn nắp, và điều này sẽ góp phần cho một đời sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

DÙNG TIỀN MỘT CÁCH KHÔN NGOAN

12 Vua Sa-lô-môn giàu có đã viết: “Vì sự khôn-ngoan che thân cùng như tiền-bạc che thân vậy; nhưng sự khôn-ngoan thắng hơn vì nó giữ mạng-sống cho người nào đã được nó” (Truyền-đạo 7:12).

13 Sa-lô-môn cũng như chúng ta đã nhận thức được rằng tiền bạc là một phương tiện để giúp chúng ta tránh khỏi các vấn đề do cảnh nghèo khó gây ra. Do đó chúng ta không nên phung phí tiền bạc, mà phải sử dụng nó một cách khôn ngoan. Kinh-thánh có cho chúng ta những lời khuyên thiết thực nào về cách quản lý tiền bạc của chúng ta không?

14 Chúa Giê-su đã hỏi: “Trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí-tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao? E khi đã xây nền rồi, không làm xong được thì mọi người thấy liền chê-cười” (Lu-ca 14:28-30).

15 Nguyên tắc này có thể ứng dụng cho ngân quỹ gia đình. Nhiều cặp vợ chồng xét thấy có lợi ích khi cùng ngồi tính toán cặn kẽ ngân quỹ gia đình hầu xét xem có thể và có nên chi một món tiền lớn để mua sắm hay không. Họ cũng được giúp đỡ hơn nữa bởi lời Kinh-thánh nhắc nhở rằng các biến cố có thể xảy đến bất ngờ (Truyền-đạo 9:11). Điều ấy khiến cho họ tránh được việc mua sắm thiếu cân nhắc và bị mắc nợ dài hạn.

16 Bạn cũng nên lưu ý điều này: “Kẻ nào mượn là tôi-tớ của kẻ cho mượn” (Châm-ngôn 22:7). Mặc dù Kinh-thánh không cấm vay mượn hoặc cho vay tiền, nhưng Kinh-thánh cảnh cáo rằng nếu chúng ta vay mượn không cần thiết thì có thể trở thành nô lệ của người cho vay hoặc nô lệ cho một ngân hàng. Người khôn ngoan là người nhớ rằng thời nay có rất nhiều người bị cám dỗ mua trả góp nên đâm ra mắc nợ và phải trả tiền lời rất nặng.

17 Kinh-thánh đã giúp cho nhiều gia đình làm giảm bớt những vấn đề về tiền bạc bằng cách bớt phí phạm. Chúa Giê-su đã nêu một gương tốt. Sau khi cung cấp một bữa ăn cho đám đông, ngài ra lệnh thu nhặt những đồ ăn còn thừa (Giăng 6:10-13). Noi theo gương ấy, tín đồ đấng Christ, già cũng như trẻ, đều có thể có ý thức hơn về việc tránh mọi sự phí phạm.

18 Học tập áp dụng lời khuyên của Kinh-thánh về tiền bạc có thể đòi hỏi một người phải điều chỉnh lại toàn bộ quan điểm của mình, nhưng kết quả sẽ rất có lợi cho người, như trường hợp sau đây cho thấy:

Ít lâu sau đám cưới, một cặp vợ chồng trẻ ở Zimbabwe đã bắt đầu có những vấn đề về tiền bạc. Lương người chồng thì ít, mà người vợ lại muốn mua nhiều thứ mới và đồ ăn kén chọn. Chị cũng bắt đầu đi làm, nhưng điều ấy có vẻ chẳng cải thiện tình trạng cho lắm. Do đó mà hôn nhân của họ trải qua một thời kỳ căng thẳng đến nỗi hai người tự hỏi có nên tiếp tục sống với nhau nữa hay không. Các trưởng lão của hội thánh tín đồ đấng Christ đề nghị giúp. Họ đã dựa vào Kinh-thánh để thảo luận về tầm quan trọng phải lập một ngân sách cho gia đình (Lu-ca 14:28-30). Cặp vợ chồng này hiểu ra lợi ích của việc soạn trước một danh sách kê những món phải sắm kèm với giá cả ước tính cho các món ấy, và lợi ích của việc mua sẵn đồ ăn cho cả tuần lễ hầu mua nhiều một lúc thì được giá rẻ hơn (Châm-ngôn 31:4). Các trưởng lão còn chia xẻ với họ những câu Kinh-thánh khuyên người ta nên thỏa lòng với điều mình có và tránh việc thèm muốn những thứ xa xỉ mà hoàn cảnh hiện giờ không cho phép (Lu-ca 12:22-31). Các lời khuyên nhủ này của Kinh-thánh giúp ích biết mấy! Vì tỏ ra thăng bằng hơn trong vấn đề tiền bạc, chi tiêu tiền bạc, cặp vợ chồng này đã được hạnh phúc hơn. Ngay cả những người láng giềng của họ cũng đã bình phẩm về sự cải thiện trong hôn nhân của họ.

19 Những người có khoản thu nhập cố định cũng đã được lợi ích do lời khuyên thực tế của Kinh-thánh. Đó là trường hợp của một cặp vợ chồng hưu trí người Tây Ban Nha:

Khoản thu nhập giới hạn của cặp vợ chồng Francisco và Maria thường không đủ chi dùng. Thế nhưng họ giải thích rằng họ cũng sống được nhờ áp dụng các điều Kinh-thánh dạy. Thí dụ, Châm-ngôn 6:6-8 nói: “Hãy đi đến loài kiến; khá xem xét cách ăn-ở nó mà học khôn-ngoan… Nó sắm-sửa lương-phạn mình trong lúc mùa hè, và thâu-trữ vật-thực nó trong khi mùa gặt”. Chị Maria cho biết chị đã học làm như thế. Chị mua những món nào đang sẵn có nhiều ngoài chợ, do đó giá được rẻ hơn, chẳng hạn như các loại trái cây đang mùa. Ngoài ra, chị đợi lúc nào cuối mùa người ta đem bán quần áo hạ giá thì chị đi mua sắm cho năm tới. Chị và chồng chị ‘sắm sửa lương phạn trong lúc mùa hè’ bằng cách trồng một mảnh vườn trên một khu đất nhỏ cách nhà họ một quãng đường chừng 45 phút đi bộ. Lời ghi nơi I Giăng 2:16 cũng giúp thêm cho họ nữa. Họ đã tập thỏa lòng với những thứ đồ đạc hiện có của mình, ngay cả khi những thứ ấy không còn hợp thời trang nữa. Và thay vì chọn những thú giải trí tốn kém thì họ tìm niềm vui trong việc giúp người khác học biết về Đức Chúa Trời.

HÃY BẢO VỆ TÚI TIỀN CỦA BẠN

20 Có những thói quen như nghiện ma túy, rượu chè quá độ, hút thuốc lá và cờ bạc có thể làm cạn túi tiền của bạn. Kinh-thánh cũng giúp chúng ta trong những lãnh vực này nữa.

21 Hãy xem vấn đề về rượu chẳng hạn. Kinh-thánh không cấm uống rượu cách điều độ. Nhưng Kinh-thánh khuyên:

“Ai ham sự vui-chơi ắt sẽ nghèo-khó; còn ai ưa rượu với dầu sẽ chẳng hề làm giàu”.

“Chớ đồng bọn cùng những bợm rượu… Vì bợm rượu cùng kẻ láu ăn sẽ trở nên nghèo; còn kẻ ham ngủ sẽ mặc rách rưới” (Châm-ngôn 21:17; 23:20, 21).

22 Thói nghiện rượu làm hại túi tiền bằng nhiều cách lắm. Chính rượu đã đắt tiền rồi, nên một số người tiêu đến phân nửa tiền lương hằng tuần để mua rượu. Chỉ riêng trong tỉnh Quebec ở Gia-nã-đại, người ta chi tiêu mỗi năm hơn một tỷ đô la để mua rượu. Ngoài ra, lại phải thiệt hại thêm cả tỷ đô la nữa cho các việc liên quan đến uống rượu quá độ—nghỉ ở nhà không đi làm, và tai nạn do say rượu gây ra.

Ở miền nam xứ Chí Lợi, một người bán hàng trong tiệm giầy bị mất việc vì rượu chè say sưa. Thế rồi anh ta thử xoay sang sửa giầy dưới mái hiên bên cạnh căn nhà dột nát mà gia đình anh thuê để ở. Thế nhưng anh vẫn đem phần lớn số tiền kiếm được đi mua rượu và vợ anh thì vẫn thường phải lo lãnh anh ra khỏi tù. Thêm nữa, chị vợ còn phải thức thật khuya để làm những bộ tóc giả hầu kiếm tiền chợ cho gia đình. Nhưng rồi chị khởi sự học Kinh-thánh với Nhân-chứng Giê-hô-va, điều này khích lệ chị trở nên một người vợ hiểu biết hơn và thông cảm hơn. Rồi đến lúc chồng chị chịu ngồi cùng tham dự buổi học Kinh-thánh với chị. Anh học rằng người ta không thể nào vừa là kẻ say sưa lại vừa là tín đồ đấng Christ được, do đó anh bỏ uống rượu. Từ đó gia đình anh được ăn khá hơn. Thời gian trôi qua và anh chị đã mua được một căn nhà nhỏ và một cửa tiệm, từ đó gầy dựng và làm cho cửa tiệm sửa giầy của anh được khá giả.

23 Còn nói gì về chuyện cờ bạc, dù là đánh cá ở trường đua hay ở sòng bạc hoặc luôn luôn đánh sổ số? Nhiều người đã bị khó khăn về tiền bạc chỉ vì họ có máu mê cờ bạc. Họ luôn luôn hy vọng mình sẽ trúng “số độc đắc”, nhưng thật ra họ chỉ lãng phí của cải của họ, và thường gây khốn khổ cho cả gia đình họ nữa.

24 Một người Úc-đại-lợi thuật lại rằng trong nhiều năm qua, “cờ bạc là một điều ám ảnh tuyệt đối. Tôi đánh bạc 7 ngày một tuần, và hơn nữa nếu như một tuần lễ có nhiều ngày hơn”. Anh vay mượn bạn bè đến nỗi họ phải ngán mà lánh mặt anh luôn. Anh nói: “Khi thua bạc, lắm lúc tôi đã đập đầu vào tường mà van vợ tôi rằng: ‘Cứ cho tôi 50 xu. Tôi biết thế nào cũng sẽ gỡ được!’”

25 Khi anh bắt đầu học Kinh-thánh, anh cảm động vì lời khuyên của Chúa Giê-su: “Hãy coi chừng! hãy lo giữ mình tránh mọi thứ tham lam” (Luca 12 15 [Lu-ca 12:15], bản dịch Nguyễn thế Thuấn; I Cô-rinh-tô 6:9, 10). Anh kết luận rằng thói cờ bạc của mình chẳng qua phản ảnh một sự tham lam cực độ, nên anh đã tự ép mình bỏ hẳn cờ bạc. Từ đó về sau, anh có thể dùng tiền lương của mình kiếm được để chi tiêu cho gia đình, và anh hiểu rõ giá trị của lời khuyên này trong sách Châm-ngôn: “Giàu mau, nghèo chóng, kẻ thu góp dần dần làm nên sản nghiệp” (Cách ngôn 13 11 [Châm-ngôn 13:11], bản dịch Nguyễn thế Thuấn).

SỰ THỎA LÒNG LÀ MỘT YẾU TỐ THEN CHỐT

26 Trong vấn đề tiền bạc, một lãnh vực mà Kinh-thánh có thể giúp đỡ chúng ta nhiều nhất là thay đổi quan điểm cá nhân của chúng ta. I Ti-mô-thê 6:7-10 viết:

“Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn, đủ mặc thì phải thỏa lòng; còn như kẻ muốn nên giàu- có ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào hủy-diệt hư-mất”.

27 Dù giàu hay nghèo, ai yêu mến tiền bạc thì chẳng bao giờ vừa lòng cả. Một ủy viên chấp hành của một công ty ở California nói với vợ: “Tôi muốn làm giàu… và nếu phải chọn lựa giữa cô và công ty, thì cô sẽ thua là cái chắc”. Thế rồi anh ta trở thành giám đốc của một công ty thương mại đồ sộ, thành triệu phú và ở trong một ngôi nhà giá 700.000 đô la. Tuy thế, anh ta nói: “Dù tôi có gì đi nữa, vẫn chưa đủ”. Thật ra tiền bạc không bảo đảm có được hạnh phúc. Hai năm trước khi chết, nhà tỷ phú dầu hỏa J. P. Getty đã nói: “Tiền bạc không nhất thiết có liên quan đến hạnh phúc. Có thể liên quan đến sự mất hạnh phúc thì có”.

28 Kinh-thánh tuy không lên án việc có tiền bạc hay của cải, nhưng cảnh cáo mạnh mẽ chống lại việc phát triển lòng ham mê những thứ ấy. Kinh-thánh nhắc cho chúng ta nhớ rằng tiền bạc và của cải không đem lại sự sống cho chúng ta được đâu (Lu-ca 12:16-20).

29 Bởi vậy, thay vì sống một đời sống đầy lo lắng bằng cách đuổi theo sự giàu có, bạn hãy thỏa lòng với những gì mình đang có hoặc có thể đạt được một cách vừa phải. Lời của Chúa Giê-su ghi nơi Lu-ca 12:22-31 có thể giúp chúng ta có được quan điểm đó:

“Đừng vì sự sống mà lo đồ mình ăn, cũng đừng vì thân-thể mà lo đồ mình mặc. Sự sống trọng hơn đồ-ăn, thân-thể trọng hơn đồ-mặc. Hãy xem con quạ: nó không gieo, không gặt, cũng không có hầm-vựa kho-tàng chi, mà Đức Chúa Trời còn nuôi nó; huống chi các ngươi quí hơn chim-chóc là dường nào!.. Vậy các ngươi đừng kiếm đồ-ăn đồ-uống, cũng đừng có lòng lo-lắng. Vì mọi sự đó, các dân-ngoại ở thế gian vẫn thường tìm, và Cha các ngươi biết các ngươi cần dùng mọi sự đó rồi”.

30 Áo quần đắt tiền, đồ ăn ngon bổ và một ngôi nhà sang trọng có thể đem lại nhiều vui thú thật, nhưng chẳng làm cho đời sống của chúng ta kéo dài thêm được một năm nào cả—có khi còn làm cho giảm thọ nữa là khác. Tuy nhiên, bạn có thể tìm được hạnh phúc trong đời sống mà không cần phải giàu có.

31 Và bạn cũng chẳng cần phải giàu có để có được những bạn tốt. Ai mà tùy thuộc vào tiền bạc để lôi cuốn bạn bè đến với mình thì người đó có ý nghĩ sai lầm. Những “bè bạn” kiểu đó sẽ ăn đồ ăn của người, để rồi khi tiền hết thì họ cũng biến mất theo (Truyền-đạo 5:11; Châm-ngôn 19:6).

32 Nhưng khi bạn chấp nhận quan điểm thăng bằng của Kinh-thánh về việc làm, vui hưởng sự sống và làm những điều tốt lành cho người khác, thì bạn sẽ được “sự ban cho của Đức Chúa Trời”. Như Truyền-đạo 3:12, 13 có nói bằng lời lẽ sau đây: “Chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là vui-vẻ, và làm lành trọn đời mình. Lại ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban-cho của Đức Chúa Trời”.

33 Lời khuyên của Đức Chúa Trời về các vấn đề trên thật là khôn ngoan đến nỗi người ta có thể tự hỏi: Không biết liệu đến một ngày nào đó Ngài sẽ làm gì để chấm dứt cảnh nghèo khổ, thiếu ăn, và nhà ở tồi tàn—tức những điều thường đi liền với vấn đề về tiền bạc, hay không? Chắc chắn Ngài sẽ làm. Ở phần sau trong sách này, chúng ta sẽ xem xét các bằng chứng cung cấp căn bản để chúng ta tin chắc điều ấy phải xảy ra. Nhưng trước đó, chúng ta hãy xem xét thêm vài vấn đề khác có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người ta hiện nay.

[Chú thích]

[Câu hỏi thảo luận]

Tại sao người ta cần được giúp đỡ về vấn đề tiền bạc? (1-3)

Kinh-thánh cho người ta một quan điểm khác lạ và thực tế nào về vấn đề làm việc? (Truyền-đạo 8:12, 13). (4-6)

Tính ngay thật có giá trị gì? (Rô-ma 2:14, 15). (7, 8)

Áp dụng các nguyên tắc Kinh-thánh có thể giúp ích thế nào về vấn đề chỗ ở? (9-11)

Có những lời khuyên thiết thực nào về vấn đề tiền bạc? (12-16)

Có những người đã áp dụng lời khuyên của Kinh-thánh và được lợi ích như thế nào? (17-19)

Tại sao lời khuyên của Kinh-thánh về việc uống rượu lại hữu ích? (20-22)

Cờ bạc góp phần tạo thêm vấn đề như thế nào? (23-25)

Tại sao các lời khuyên của Kinh-thánh về sự thỏa lòng lại tỏ ra hữu ích? (26, 27)

Chúa Giê-su đã ban lời khuyên khôn ngoan nào về sự giàu có? (28-30)

Làm sao các lời khuyên của Kinh-thánh có thể giúp bạn có một đời sống phong phú hơn? (31-33)

[Khung nơi trang 53]

MỘT PHỤ NỮ BUÔN BÁN TẠI NAM MỸ

Norma là một người đàn bà 48 tuổi, có sạp hàng bán thực phẩm ở một trong những chợ lớn bậc nhất tại Georgetown, Guyana. Bà chuyên gian lận, cân thiếu hàng cho khách. Khi có ai trả tiền mua 4 lạng cá muối, thì bà chỉ cân cho họ 3 lạng mà thôi; ngoài ra bà còn sử dụng đến các trái cân giả nữa. Do đó khách hàng của bà cứ bị thiệt hoài.

Ngày chủ nhật nọ, một người bà con cho bà một tạp chí Tháp Canh bàn luận về các nguyên tắc Kinh-thánh liên quan đến việc làm ăn. Tạp chí nói về các thực hành bất lương và có vẻ như trực tiếp nói với bà vậy (Châm-ngôn 20:23; Lê-vi Ký 19:35, 36). Ngày thứ hai, bà Norma vứt bỏ các trái cân giả và thay thế bằng các trái cân đúng. Bà bắt đầu đến dự các buổi họp của Nhân-chứng Giê-hô-va tại Phòng Nước Trời và bắt đầu học hỏi Kinh-thánh. Mặc dù bị gia đình chế nhạo, bà càng ngày càng tin chắc rằng mình đã làm điều phải.

Còn công việc làm ăn của bà thì sao? Có một vài món hàng mà bà không thể nào có lời được trừ phi phải gian lận, thì bà thôi không bán những thứ ấy nữa. Nhưng về các hàng khác, thì khách hàng đã nhận thấy sự thay đổi nơi bà và nói: “Từ khi bà trở thành tín đồ đấng Christ, tiền chúng tôi mua được nhiều hàng hơn!” Kết quả là việc buôn bán của bà phát đạt hơn. Nhờ tiền lời chánh đáng, bà Norma có thể trả hết tiền nợ cho căn nhà của bà mà lại còn dư tiền để gởi ngân hàng và đóng góp từ thiện. Ngoài ra, sức khỏe của bà cũng khả quan hơn, vì không còn bị nhức đầu do căng thẳng thần kinh vì sợ bị bắt quả tang gian lận.

[Khung nơi trang 59]

“Tám mươi bảy phần trăm người Úc đã tham gia vào một hình thức cờ bạc nào đó trong 3 tháng qua”—“The Sunday Mail” (Brisbane).

“Cờ bạc còn hơn ăn uống! Dân ở Queensland tiêu khoảng 12 triệu đô la mỗi tuần cho việc cờ bạc, tức là gần bằng số tiền mà họ tiêu để mua lương thực và thịt”—“The Sunday Mail” (Brisbane).

[Hình nơi trang 57]

Lời khuyên của Kinh-thánh giúp gia đình lập ngân sách

[Hình nơi trang 60]

Các nguyên tắc Kinh-thánh thiết thực thế nào về việc say sưa, hút thuốc lá và cờ bạc?