Vấn đề sử dụng thuốc: Thực trạng và giải pháp (kỳ I)

Trong những năm gần đây, số lượng thuốc được sản xuất trong nước và nhập khẩu vào nước ta đã gia tăng với tốc độ chóng mặt, khiến dược phẩm trở thành một trong những mặt hàng đa dạng, phức tạp và khó quản lý nhất, với hàng chục ngàn biệt dược khác nhau được lưu hành trên thị trường, mỗi hoạt chất cũng có thể có vài hoặc thậm chí vài chục biệt dược khác nhau. Cùng với sự phát triển này, tỷ lệ các tai biến và phản ứng không mong muốn do dùng thuốc cũng gia tăng một cách đáng lo ngại trong thời gian gần đây. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng sự thiếu hiểu biết về thuốc và thói quen dùng thuốc không đúng của một bộ phận không nhỏ người dân là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên sự gia tăng đáng tiếc này.

Tự ý mua thuốc không cần đơn của bác sĩ

Theo một khảo sát gần đây, trong số 350 trường hợp dị ứng thuốc điều trị tại Khoa Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai (DƯMDLS – BVBM), chỉ có 38% số người bệnh dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, 62% bệnh nhân còn lại là tự điều trị. Hiện nay, do sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng, hầu hết các thuốc đều có thể dễ dàng mua được ở các nhà thuốc mà không cần đơn, kể cả những thuốc được yêu cầu bán theo đơn. Ngoài ra, việc quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện cũng chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ về nội dung, nhiều trường hợp không đúng sự thật. Thực tế này cộng với tâm lý chủ quan, ngại đi bệnh viện và một phần do sự thiếu hiểu biết về các nguy cơ mà thuốc có thể gây ra, nên rất nhiều người, mỗi khi ốm đau, thay vì đi khám bệnh, thường tự mua thuốc điều trị theo hướng dẫn của người bán thuốc, theo quảng cáo hoặc kinh nghiệm của bản thân và những người xung quanh. Một số người còn tự điều trị theo đơn thuốc của người khác được cho là mắc bệnh giống mình. Cũng do tâm lý ngại đến bệnh viện và một phần do điều kiện đi lại khó khăn, không ít người bệnh, nhất là ở những vùng nông thôn, đã đến khám và điều trị ở những cơ sở y tế tư nhân không có đủ năng lực chuyên môn và y đức, gây ra những hậu quả khôn lường.

Sản xuất thuốc tại Công ty cổ phần dược phẩm TW 1. Ảnh: Duy Khánh

 

Uống thuốc không đúng cách

Một thực tế khác cũng rất đáng lo ngại hiện nay là đa số người bệnh khi dùng thuốc, đã không quan tâm và không có sự hiểu biết đầy đủ đến các đặc tính cơ bản của thuốc như tên thuốc, tên hoạt chất, hạn dùng, nguồn gốc, tác dụng, cách dùng, các phản ứng không mong muốn có thể xảy ra sau dùng thuốc và cách xử trí khi các phản ứng này xảy ra. Cũng do sự thiếu hiểu biết về thuốc nên nhiều người bệnh khi bị dị ứng hoặc phản ứng thuốc, thay vì phải ngay lập tức ngưng dùng thuốc và đến khám tại các cơ sở y tế, vẫn tiếp tục dùng thuốc vì cho rằng đó là biểu hiện “công thuốc”, dẫn đến những hậu quả rất nặng nề. Một số trường hợp đã tự ý trộn lẫn thuốc hoặc uống thuốc cùng với rượu, sữa, thức ăn…, gây tương tác hoặc ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc. Đồng thời, ở nước ta, một số cơ sở y tế tư nhân hoạt động không tuân thủ các quy định của Bộ Y tế như bán thuốc không có đơn hướng dẫn sử dụng, thuốc không có nhãn mác, không rõ tên, thành phần, hàm lượng và hạn dùng, dùng các thuốc tự pha chế… Một điều ngạc nhiên là không ít người bệnh, kể cả ở những thành phố lớn, vẫn dễ dãi chấp nhận kiểu điều trị tiềm ẩn nhiều nguy cơ này. Theo một khảo sát tại Khoa DƯMDLS – BVBM trên các bệnh nhân phải nhập viện vì dị ứng và nhiễm độc gan do thuốc, chỉ có 24% bệnh nhân có thể nhớ và kể tên được tất cả các thuốc mà mình đã sử dụng, 32% chỉ nhớ được một phần trong số các thuốc đã dùng và 44% bệnh nhân không biết và không nhớ mình đã được dùng những loại thuốc gì. Một số bệnh nhân không nhớ cả tên loại thuốc mà mình đã từng bị dị ứng, dẫn đến bị dị ứng rất nhiều lần với cùng một loại thuốc. Việc người bệnh không nhớ và không biết loại thuốc mình đã sử dụng trước khi bị dị ứng gây rất nhiều khó khăn cho các thầy thuốc trong quá trình chẩn đoán, điều trị và có thể để lại hậu quả lâu dài cho người bệnh nếu họ vô tình sử dụng lại loại thuốc mà mình bị dị ứng.

Thói quen dùng thuốc không tuân theo chỉ định của thầy thuốc cũng đang rất phổ biến hiện nay. Không ít người bệnh khi thấy bệnh thuyên giảm hoặc có những phản ứng phụ đã tự giảm liều hoặc ngưng thuốc đột ngột khiến cho bệnh bùng phát trở lại, có thể nặng hơn ban đầu. Ngược lại, một số người bệnh khác khi thấy bệnh không thuyên giảm sau một thời gian dùng thuốc đã tự ý tăng liều hoặc phối hợp thêm thuốc khác theo kinh nghiệm của bản thân, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ, thậm chí gây ngộ độc thuốc. Không ít người bệnh sau khi điều trị hết đơn thuốc nhưng thấy bệnh chưa khỏi hẳn, đã tự ý kéo dài thêm thời gian điều trị theo đơn cũ thay vì đi tái khám. Đây là một thói quen rất nguy hiểm vì việc dùng thuốc vượt quá thời gian quy định có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như ngộ độc, tích tụ thuốc, nhờn thuốc, gây nghiện hoặc quen thuốc.

Quan niệm sai lầm về thuốc Đông y

Hiện nay, đa số người dân vẫn quan niệm rằng các thuốc đông y là bổ, mát và không độc hại. Tuy nhiên, đây là một quan niệm không đúng vì ngay cả khi được bào chế đúng kỹ thuật, các thuốc đông y cũng có thể gây ngộ độc, dị ứng thuốc, tương tác thuốc và ảnh hưởng đến các kết quả xét nghiệm. Các phản ứng dị ứng và nhiễm độc do thuốc đông y diễn biến khá chậm, khó nhận biết, thường rất nặng và hay bị hiểu nhầm thành “ngấm thuốc”. Tỷ lệ các tai biến do thuốc đông y cũng ngày càng gia tăng. Các nghiên cứu gần đây ở một số bệnh viện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, thuốc đông y là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây ra các phản ứng dị ứng và nhiễm độc nặng như đỏ da toàn thân, hội chứng Lyell, hội chứng Stevens Johnson… Hiện nay, rất nhiều loại thuốc có nguồn gốc thảo dược đã được quảng cáo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như những thần dược có khả năng chữa bách bệnh, nhất là những bệnh nan y. Rất nhiều người bệnh đã tin tưởng vào những quảng cáo đó và thay vì đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, đã tự điều trị bằng các loại thuốc này, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc như dị ứng, ngộ độc hoặc làm bệnh nặng thêm.

BS. Nguyễn Hữu Trường

(Bệnh viện Bạch Mai)