Vấn Đề Stress Ở Sinh Viên: Thực Trạng Và Giải Pháp Khắc Phục – Tâm Lý Học
Việc học tập quá bận rộn, không quen với môi trường sống mới, chi tiêu không đủ đều là những nguyên nhân gây stress ở sinh viên. Thực trạng sinh viên gặp các vấn đề gây căng thẳng tâm lý là rất phổ biến, hầu hết bất cứ ai cũng có một giai đoạn stress, tuy nhiên nếu không có hướng giải quyết từ sớm có thể gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe, tinh thần và cả tương lai của các bạn.
Mục Lục
Thực trạng stress ở sinh viên
Stress là một vấn đề cực kỳ phổ biến, hầu như bất cứ ai cũng từng có một giai đoạn thường cảm thấy tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, nhưng quan trọng là cách chúng ta giải quyết vấn đề như thế nào. Trong đó, sinh viên là một trong những đối tượng có nguy cơ bị stress cao nhất, với các triệu chứng như chán nản, mệt mỏi, ăn uống không ngon, thiếu ngủ hay thậm chí không biết có nên tiếp tục việc học hay không.
Rất nhiều các cuộc khảo sát đã được thực hiện để thống kê các con số về tình trạng stress ở sinh viên. Mới đây nhất, một khảo sát tại Trường đại học Y Hà Nội năm 2020-2021 đã được thực hiện với 383 sinh viên răng hàm mặt về tình trạng stress. Kết quả cho thấy, trong số này có đến 256 sinh viên bị stress (66,84%). Trong đó, có 68,91% số sinh viên nữ bị stress, còn ở sinh viên nam là 63,45%. Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra có 8.88% sinh viên rơi vào trạng thái trầm cảm nặng và 6,27% rất nặng.
Một khảo sát khác được thực hiện từ tháng 12/2019 đến 5/2020 tại Trường Cao đẳng Bách Khoa Nam Sài Gòn cũng cho thấy có đến 37,9% sinh viên bị stress, trong đó 11,3% đối tượng rơi vào tình trạng nặng. Thống kê này cũng cho thấy sinh viên năm 3 và những người đang học ngành điều dưỡng thường có tỷ lệ căng thẳng tâm trí cao nhất.
Tình trạng stress ở sinh viên là cực kỳ phổ biến, đặc biệt ở những người học xa nhà, người có tâm lý yếu. Nếu không được phát hiện và có hướng giải quyết phù hợp có thể dẫn tới rất nhiều hệ lụy nguy hiểm khác. Một vài biểu hiện khi sinh viên bị stress căng thẳng như
- Luôn cảm thấy buồn chán, uể oải, mệt mỏi
- Tâm lý nhạy cảm, dễ khóc, dễ kích động hoặc không muốn làm gì
- Mất ngủ, thiếu ngủ, khó ngủ
- Kém tập trung, học hành sa sút
- Chán ăn, không muốn ăn uống hoặc ăn nhiều quá mức. Tùy tình trạng mà có người tăng/ giảm cân một cách bất thường
- Khó kết bạn, thường chỉ muốn ở một mình
Stress kéo dài khiến các bạn sinh viên thường lo lắng rằng liệu mình có đang đi đúng đường không, một số người còn có tư tưởng nghỉ học, bỏ học vì quá chán nản. Những căng thẳng tâm lý nếu không sớm được giải tỏa chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề tâm lý khác như trầm cảm hay rối loạn lo âu.
Nguyên nhân gây stress ở sinh viên
Thực trạng stress ở sinh viên là cực kỳ phổ biến bởi có rất nhiều nguyên nhân khiến những đối tượng này luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, áp lực. Tỷ lệ này cũng cao hơn ở nữ giới do tâm lý họ vốn nhạy cảm hơn, suy nghĩ nhiều hơn nên cũng dễ stress hơn.
Thay đổi môi trường đột ngột
Khi học các cấp dưới, mặc dù có chuyển lớp tuy nhiên hầu hết đều là những người ở trong cùng khu vực, bạn bè dù có khác lớp nhưng vẫn quen nhau nên có thể đi lại gặp nhau thường xuyên. Trong khi đó khi lên đến đại học, mỗi lớp đều là những thành viên xa lạ ở khắp mọi tỉnh thành trên đất nước, thậm chí dù có bạn cũ học cùng khoa nhưng cũng đăng ký khác môn nên rất khó gặp nhau. Ở những người khó kết bạn thì sẽ rất dễ cảm thấy stress vì cô đơn, môi trường mới quá lạ lẫm.
Đặc biệt ở những sinh viên chuyển từ vùng quê lên các trường đại học ở thành phố hay những sinh viên đi du học nước ngoài thì càng dễ bị stress. Ở một vùng đất xa lạ, việc lớn nhỏ gì cũng phải tự làm, không còn được cha mẹ chăm sóc như hồi trước khiến rất nhiều dễ bị khủng hoảng tâm lý, nhất là với những người chưa có khả năng tự lập từ trước.
Hầu hết các sinh viên năm nhất nếu bị stress đều có liên quan đến tác nhân này. Tuy nhiên một thời gian sau đó khi đã quen dần với bạn bè, trường lớp, không khí của thành phố thì những cảm xúc này cũng có thể biến mất nhanh chóng.
Áp lực từ việc học tập
Nhiều thầy cô thường nói rằng, khi lên đến đại học thì có thể tự do chọn những môn học mình muốn, có thể tự do làm theo sở thích của bản thân. Tuy nhiên thực tế thì không hoàn toàn như vậy. Khi là sinh viên sẽ không còn việc thầy cô cầm tay chỉ dạy như trước và bạn phải tự xoay sở trước hàng loạt những kiến thức mới. Ngay cả khi trên lớp, chỉ cần lơ là một chút cũng đã không theo kịp các bạn bởi thầy cô thường dạy rất nhanh chứ không tập trung hay quay lại giảng giải kỹ từng phần như thời trung học.
Mặt khác stress ở sinh viên còn xuất phát từ ngành học. Các ngành như bác sĩ, kỹ sư, điều dưỡng thường có tỷ lệ sinh viên stress cao do khối lượng học tập quá lớn, quá khó. Sinh viên mỗi ngày đều phải “bơi” trong núi kiến thức khổng lồ, đồng thời phải kết hợp với thực hành thì mới thực sự hiểu.
Ngoài ra những người chọn sai ngành học, người chọn “đại” ngành học dựa trên điểm số thi đại học cũng dễ cảm thấy stress cho chán nản, không phù hợp với mong muốn của bản thân. Dù vậy nhiều người vẫn tiếp tục học các ngành này vì muốn lấy một tấm bằng đại học, không muốn học lại nên cảm xúc uể oải, chán chường vẫn tiếp diễn.
Nguyên nhân gây stress ở sinh viên – Chi tiêu không đủ
Khi là sinh viên đi học xa nhà sẽ luôn nhận trợ cấp từ gia đình nhưng không phải ai cũng có điều kiện tốt nên thường chỉ cho vừa đủ trong một khoảng nào đó. Chi tiêu không hợp lý khiến sinh viên luôn trong tình trạng đầu tháng dư giả nhưng cuối tháng lại thâm hụt nghiêm trọng, thường phải ăn mì hay thậm chí là nhịn đói nếu phụ huynh không gửi “lương”.
Một số người lựa chọn giải quyết tình trạng này bằng cách tìm các việc làm thêm. Tuy nhiên nếu không cân đối thời gian làm và học thì cũng dễ dẫn đến stress vì đi làm quá nhiều, không có thời gian làm thuyết trình, đồ án. Tinh thần và cơ thể luôn không được nghỉ ngơi chính là nguyên nhân khiến các bạn sinh viên luôn trong trạng thái uể oải, thiếu sức sống.
Bên cạnh đó, hiện nay không ít sinh viên lựa chọn việc vay mượn bạn bè hay thậm chí là thẻ tín dụng vì muốn đua đòi với các bạn. Thực trạng này là rất phổ biến bởi khi đến một thành phố xa hoa, lộng lẫy bất cứ ai cũng muốn mình có thể hòa nhập bằng cách khoác lên mình những bộ cánh rực rỡ, đi đến những nơi sang trọng. Tuy nhiên nếu không tìm cách chi trả hay giải quyết các khoản vay, gia đình không có điều kiện tốt thì việc luôn trong trạng thái bồn chồn, căng thẳng, stress vì nợ nần là khó tránh khỏi.
Thói quen sống thiếu khoa học
Thường xuyên ăn uống thiếu khoa học, bỏ bữa sáng, hay ăn đêm hoặc sử dụng rượu bia và các chất kích thích đều là những nguyên nhân hàng đầu gây stress ở sinh viên. Khi ăn uống không đủ chất sẽ khiến sức khỏe suy yếu, tinh thần kém minh mẫn, hoạt động kém hiệu quả nên thường cảm thấy dễ căng thẳng mệt mỏi hơn, hiệu suất học tập hay làm việc cũng đều suy giảm.
Ngoài ra, sinh viên cũng thường rất lười vận động, thường có thói quen thức khuya dậy sớm, ở trong nhà nhiều. Thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thiếu vận động hằng ngày chính là nguyên nhân hàng đầu khiến sinh viên bị stress.
Ảnh hưởng từ các mối quan hệ
Các mối quan hệ ở đây có thể là tình bạn hoặc chính là tình yêu. Chẳng hạn sinh viên năm nhất dễ có những xích mích với bạn cùng ký túc xá hay cả việc bạn thân ở cùng nhau cũng rất dễ nảy sinh các mâu thuẫn. Tình trạng này cực kỳ dễ xảy ra bởi việc ở chung với nhau lâu dài sẽ phát hiện những tính xấu của nhau, nếu cả hai bên không chịu nhường nhịn hay thấu hiểu nhau sẽ rất dễ có những tranh cãi không đáng có.
Ngoài ra, chuyện tình yêu cũng là những vấn đề ảnh hưởng xấu đến tâm trí của những sinh viên đại học. Mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, giận hờn nhau, chia tay đều khiến các bạn trẻ cảm giác đau khổ trong một thời gian, đặc biệt với sinh viên nữ. Không chỉ vậy, một số sinh viên hiện nay còn có xu hướng sống thử, nếu chia tay sẽ càng gây ra những hệ lụy xấu hơn cho tâm trí.
Khắc phục tình trạng stress ở sinh viên
Như đã nói, stress là vấn đề cực kỳ phổ biến mà hầu hết ai cũng từng gặp phải trong một giai đoạn nào đó nhưng nếu biết cách xử lý thì thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên sinh viên là đối tượng có tâm lý còn yếu, chưa hoàn toàn biết cách đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống nên cũng khó thoát khỏi stress căng thẳng trong tâm lý.
Stress ở sinh viên nếu không nhanh chóng có hướng khắc phục kịp thời có thể dẫn tới những vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn cảm xúc hay rối loạn lo âu. Thực tế không ít sinh viên đã tự tử hoặc sa ngã, tự làm hại chính bản thân mình bởi stress nặng. Do đó, cần tham khảo những biện pháp giúp cải thiện stress cho sinh viên hiệu quả sau đây
Thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày
Một chế độ sinh hoạt lành mạnh có thể nhanh chóng cải thiện tâm trí cho những sinh viên đang cảm thấy stress quá mức. Một thói quen sống khoa học không chỉ giúp não bộ được nghỉ ngơi, hoạt động hiệu quả mà còn tốt cho cả sức khỏe và ngoại hình. Mặt khác khi tinh thần khỏe mạnh hơn thì thể chất cũng được nâng cao rất nhiều.
Một số thói quen sinh hoạt khoa học để cải thiện stress ở sinh viên mà bạn nên áp dụng như
- Nên đi ngủ sớm trước 11h, nếu có quá nhiều bài tập hay công việc, bạn có thể lựa chọn việc dậy sớm vì có thể mang đến hiệu quả tốt hơn rất nhiều
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, tắm nắng sáng sẽ tốt cho cả sức khỏe và tâm trí
- Ăn uống đầy đủ, không nên bỏ bữa sáng và cũng nên hạn chế việc ăn đêm quá nhiều
- Tránh xa bia rượu, thuốc lá, các chất kích thích khác
Mở rộng các mối quan hệ
Giữa một thành phố xa lạ, chắc hẳn rằng đã ít nhất một lần bạn cảm thấy thực sự khó khăn khi tìm kiếm một người bạn, một người đồng hành. Tuy nhiên là một người trẻ năng động và nhiệt huyết, bạn hoàn toàn có thể làm được điều này. Mở rộng các mối quan hệ, tìm kiếm những người bạn tốt có cùng chí hướng là cách tốt nhất để bạn trải nghiệm một cuộc sống sinh viên đúng chất.
Bạn có thể tìm kiếm những người bạn chính từ các hoạt động làm việc nhóm, thông qua các câu lạc bộ ở trường, từ chỗ làm thêm. Hoặc chính bạn có thể chủ động tìm kiếm bạn bè từ các chương trình thiện nguyện, các nhóm nhảy, lớp học võ.. Luôn vui vẻ, lạc quan là chính mình, luôn đem đến nguồn năng lượng tích cực cũng là cách để kết bạn dễ dàng hơn và hạn chế nguy cơ stress ở sinh viên hiệu quả.
Tránh xa những mối quan hệ tiêu cực
Một mối quan hệ “độc hại” có thể làm bạn mắc kẹt trong một mớ hỗn độn, tâm trí luôn xoay quanh sự tiêu cực và mệt mỏi nên hãy cố gắng thoát ra càng sớm càng tốt. Một mối quan hệ tích cực là khi cả hai luôn nghĩ về những điều tốt đẹp dành cho nhau, cùng nhau tiến về phía trước từng ngày chứ không phải ngày càng thụt lùi về phía sau. Nếu bản thân bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, lo lắng khi nghĩ về mối quan hệ đó thì dù là tình yêu hay tình bạn cũng nên chấm dứt từ sớm.
Tạo thêm thu nhập cho bản thân
Sinh viên dù khá bận rộn nhưng vẫn nên dành thời gian nho nhỏ để đi làm thêm và cũng là để tích lũy kinh nghiệm cho chính mình. Không nhất thiết phải là đi làm phục vụ, đi làm văn phòng mà còn rất nhiều các công việc làm thêm linh hoạt thời gian, vừa cho bạn kinh nghiệm, kiếm thức, một khoản thu nhập đủ sống mà không phải nghỉ học để đi làm.
Hãy tận dụng chính ngành học của bạn để tìm kiếm cho mình những công việc phù hợp. Chẳng hạn nếu là sinh viên khoa văn bạn có thể làm công việc viết content, vừa luyện được cách viết, có thể làm ở bất cứ đâu đồng thời đem lại nguồn thu nhập không hề nhỏ. Hoặc nếu chỉ có một ít thời gian rảnh, không cố định được bạn cũng hoàn toàn có thể đăng ký chạy grab để chủ động thời gian hơn.
Giải tỏa stress ở sinh viên – Cân đối thời gian hợp lý
Thực tế thì sự bận rộn đôi khi không làm bạn stress mà có thể khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, nếu điều đó đem đến cho bạn tiền bạc, công danh hay chỉ đơn giản là bạn đang được thực hiện đam mê. Dù vậy để tránh tình trạng stress ở sinh viên do học tập hay làm việc quá sức, bạn vẫn cần chú ý cân đối thời gian sao cho hợp lý.
Hãy cố gắng sắp xếp thời gian làm việc vào các ngày nghỉ, không phải đi học. Dù bận rộn thế nào cũng nên dành ít nhất 1 ngày trong tuần hay trong tháng cho cơ thể nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng. Dành ngày nghỉ để tụ tập cùng bạn bè hay chỉ đơn giản là ngủ một giấc thật đã cũng là cách để tinh thần được thư giãn, giải tỏa căng thẳng và bắt đầu một tuần mới tràn ngập năng lượng tích cực hơn.
Chia sẻ với gia đình và bạn bè nhiều hơn
Hãy nhớ rằng cho dù bạn là ai, còn nhỏ hay trưởng thành, đã thành công ra sao hay khó khăn như thế nào thì vẫn luôn có những gia đình bên cạnh. Mặt khác nếu bản thân bạn sống tốt thì dù bạn có ở xa như thế nào vẫn luôn có những người bạn đồng hành sát cánh, luôn sẵn sàng bên cạnh bạn dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Vì vậy nếu một lúc nào đó cảm thấy khó khó khăn, mệt mỏi hãy nhớ về gia đình, về những người bạn thân thiết từ hồi cấp 3. Thay vì cứ mãi trong lòng rồi sinh tâm bệnh thì hãy tìm một người đáng tin cậy để chia sẻ. Đôi khi chỉ cần một cuộc gọi về nhà cũng giúp bạn bình tâm, vui vẻ, bao nhiêu buồn tủi khi bị stress ở sinh viên như tan biến hết.
Yêu thương bản thân nhiều hơn
Đôi khi bạn cũng chẳng cần dịp gì để mua quần áo mới mà hãy thưởng cho mình một món đồ vì những nỗ lực của bản thân trong suốt thời gian qua. Nếu không ai yêu thương bạn thì chính bạn phải tự yêu thương, tự trân trọng bản thân. Nếu chính bạn còn không tôn trọng, không chăm sóc cho chính mình thì chẳng ai có thể làm thay điều đó đến suốt đời.
Bên cạnh đó, nếu đang cảm thấy mệt mỏi, khó khăn về ngành học, bạn cũng ngồi bình tâm lại và thực sự suy nghĩ về việc bản thân mình có thực sự phù hợp, có yêu thích ngành học này không. Dành thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ xem nên dừng lại hay bước tiếp chính là biện pháp quan trọng để giải tỏa stress ở sinh viên.
Gặp gỡ chuyên gia tâm lý nếu cần thiết
Stress thực sự sẽ không quá nguy hiểm nếu bạn có thể loại bỏ sớm. Tuy nhiên nếu bản thân không thể thoát khỏi cảm giác tiêu cực, chán chường, mất hứng thú với mọi vấn đề trong cuộc sống thì nên sớm gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ càng sớm càng tốt. Thực tế cho thấy tỷ lệ sinh viên bị trầm cảm, lo âu đang ngày càng tăng và bắt buộc phải thực hiện điều trị nếu có liên quan đến những biến chứng này.
Tư vấn tâm lý là cách tốt nhất để loại bỏ những căng thẳng, vướng mắc trong tâm trí không biết chia sẻ cùng ai của các bạn sinh viên. Thông qua trò chuyện và chia sẻ từ chuyên gia tâm lý, sinh viên dần lấy lại tinh thần lạc quan, biết cách kiểm soát cảm xúc, nâng cao sự tự tin và dần trở nên tích cực hơn.
Nhà trị liệu cũng hướng dẫn thân chủ cách đối đầu với căng thẳng để hạn chế tình trạng stress tái diễn nhiều lần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày. Nói chung nếu sinh viên đang cảm thấy stress, căng thẳng ngày càng tăng cao thì rất nên tham khảo phương pháp này.
Stress ở sinh viên là tình trạng cực kỳ phổ biến và cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng nếu không được kiểm soát sớm. Thay đổi lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, yêu thương bản thân hơn, tích cực chủ động trong mọi tình huống chính là những biện pháp có thể phòng tránh nguy cơ này hiệu quả nhất.