Vấn đề “Quyền con người” ở Việt Nam như thế nào?
Trong suốt những năm qua, các nỗ lực để xây dựng các thể chế, các thiết chế pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người đã không ngừng được đưa ra. Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu về quyền con người ở Việt Nam
Mục Lục
1. Quyền con người
Những nghiên cứu hiện đại về quyền con người hầu hết đều bắt nguồn từ sự ra đời của Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc (1948). Tuyên ngôn đã không nêu ra một định, nghĩa xác định về quyền con người, có lẽ bởi một định nghĩa cụ thể sẽ khó được chấp nhận khi loài người vài tỉ người luôn luôn là vài tỉ ý kiến và cách nhìn nhận thế giới khác nhau. Tuyên ngôn đã chỉ đưa ra một danh sách các quyền con người và tự do cơ bản, mà tác giả James Nickel đã tập hợp lại thành các nhóm như sau: “Những quyền này có thể được chia ra thành sáu nhóm khác nhau: quyền an ninh (security rights) bảo vệ con người khỏi các tội ác như giết người, tàn sát, tra tấn, cưỡng đoạt; quyền tố tụng đúng luật (due process rights) bảo vệ con người khỏi sự lạm dụng hệ thống luật, như tông giam không xét xử và các hình phạt quá mức; quyền tự do (liberty rights) bảo vệ sự tự do trong các lĩnh vực như tín ngưỡng, ngôn luận, lập hội, tụ họp, và đi lại; quyền chính trị (political rights) bảo vệ sự tự do tham gia vào chính trị thông qua những hoạt động như tuyên truyền, hội họp, phản kháng, bầu cử, và tham gia các cơ quan công quyền; quyền bình đẳng (equality rights) bảo đảm tư cách công dân bình đẳng, sự bình đẳng trước pháp luật, sự không bị phân biệt đối xử; và quyền xã hội (hay an sinh) (social (or welfare) rights) đòi hỏi việc giáo dục cho mọi trẻ em và bảo vệ khỏi sự đói nghèo. Đây chưa phải là toàn bộ các quyền con người mà hiện tại thế giới chấp nhận và bảo vệ. Sau Tuyên ngôn, hàng loạt các công ước, hiệp định, v.v… đã ra đời, bổ sung và hoàn thiện về các quyền con người. Nếu xem xét dòng lịch sử những nghiên cứu về quyền con người, có thể thấy từ thời đầu tiên, những quyền con người được đề cập hết sức trừu tượng và khái quát (quyền tự do, quyền sống, quyền tư hữu), cho đến thời hiện đại, các quyền con người đã được cụ thể hoá, được nhìn nhận một cách chi tiết và do vậy mà có tính lịch sử.
2. Những đặc trưng của quyền con người
– Tính phổ biến
Tính phổ biến (universal) và tính phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo thể hiện ở chỗ quyền con người thuộc về tất cả mọi người, không phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, địa vị xã hội, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế, khu vực địa lý. Tính phổ biến là bản chất của quyền con người.
– Tính không thể chuyển nhượng
Quyền con người có tính không thể chuyển nhượng (inalienable) vì nó thuộc sở hữu vốn có của con người; không phải là sự ban phát hay tùy tiện tước đoạt. Mọi giới hạn, hạn chế hay tước bỏ quyền của một cá nhân đều phải do pháp luật quy định và chỉ nhằm để bảo vệ lợi ích chính đáng, tương xứng của cộng đồng hay của cá nhân khác.
– Tính không thể phân chia
Tính không thể phân chia (indivisible) được thể hiện ở chỗ các quyền con người đều có tầm quan trọng như nhau, không có quyền nào được coi là đặc quyền, có giá trị cao hơn quyền khác. Việc tước bỏ hay hạn chế bất kỳ quyền nào đều tác động tiêu cực đến nhân phẩm, giá trị và sự phát triển của con người.
– Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau
Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau (interrelated, interdependent) được thể hiện ở chỗ các quyền con người, mặc dù trong phạm vi rộng, nhiều lĩnh vực song đều nằm trong một chỉnh thể thống nhất và chúng luôn phụ thuộc vào nhau. Việc bảo đảm các quyền con người, toàn bộ hoặc một phần, nằm trong mối liên hệ phụ thuộc và tác động lẫn nhau. Sự vi phạm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm các quyền khác, và ngược lại, tiến bộ trong việc bảo đảm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tích cực đến việc bảo đảm các quyền khác.
3. Phân loại quyền con người
– Theo lĩnh vực
Xét về lĩnh vực điều chỉnh, có thể phân thành nhóm quyền chính trị, dân sự và nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa.
Nhóm các quyền dân sự, chính trị bao gồm: quyền sống; quyền không bị tra tấn, hạ nhục; quyền không bị bắt làm nô lệ; quyền tự do và an ninh cá nhân; quyền bình đẳng trước tòa án; quyền tự do đi lại; quyền lựa chọn nơi cư trú; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; quyền tự do ngôn luận; quyền bầu cử, ứng cử và tham gia vào các công việc của nhà nước, xã hội…
Nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa bao gồm: quyền làm việc; quyền được thành lập và ra nhập công đoàn; quyền được hưởng an sinh xã hội; quyền có mức sống thích đáng; quyền được giáo dục…
– Theo chủ thể quyền
Xét về chủ thể của quyền, có thể phân thành các quyền cá nhân và các quyền của nhóm người xã hội. Với tư cách là cá nhân, tất cả mọi người đều được hưởng quyền phổ biến. Các nhóm xã hội cũng có tư cách là chủ thể quyền con người, là quyền chung của một nhóm hay tập thể có đặc điểm riêng, đặc thù (ví dụ quyền của nhóm người thiểu số).
– Theo thế hệ quyền
Thế hệ thứ nhất là các quyền tự do cá nhân trên lĩnh vực dân sự, chính trị; có đặc điểm là xác lập nguyên tắc bảo vệ cá nhân trước quyền lực chính trị của nhà nước; mang tính cơ bản và thiết yếu đối với phẩm giá con người.
Thế hệ thứ hai là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Đây là kết quả của quá trình đấu tranh vì mục tiêu công bằng về kinh tế, xã hội tại nhiều nước trên thế giới; có vai trò nổi bật trong các văn bản pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Đây là quyền được gọi là quyền con người tích cực, nhằm xác định vai trò chủ động của nhà nước trong việc tạo môi trường công bằng, thuận lợi để mọi người có quyền làm việc, tiếp cận hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, được hưởng phúc lợi xã hội và tham gia vào đời sống văn hóa…
Thế hệ thứ ba là các quyền tập thể (quyền phát triển; quyền sống trong môi trường trong lành; quyền tiếp cận thông tin; quyền truy cập internet…).
4. Quy định của pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền con người
Ở Việt Nam, cho dù quyền con người mới chỉ được quan tâm trong thời gian gần đây thì chúng ta cũng đã có khá nhiều sách về quyền con người từ khía cạnh luật học. Những tác phẩm đó đã đề cập khá đầy đủ các khía cạnh pháp lý của quyền con người các cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở mọi cấp độ, các loại luật có vai trò xác định và thực hiện quyền con người (các công ước quốc tế, các công ước khu vực, Hiến pháp, luật hình sự, luật dân sự, v.v…), thực trạng và cách thức mà quyền con người được thực hiện ở các lĩnh vực luật pháp khác nhau. Liên quan đến đề tài của bài viết này, xin nêu ra vài nhận xét về khía cạnh pháp lý của quyền con người.
Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Như vậy, bên cạnh việc khẳng định công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp cũng trù liệu khả năng hạn chế quyền con người, quyền công dân trong một số trường hợp nhất định liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Nguyên tắc hạn chế quyền đã được cụ thể hóa bằng các quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Thú y năm 2015, Luật Trưng mua, trựng dụng tài sản năm 2008… và các văn bản hướng dẫn thi hành.
5. Những điểm mới về quyền con người trong Hiến pháp 2013
Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục sử dụng khái niệm “quyền con người” với nội dung chính trị – pháp lý rộng hơn để phản ánh giá trị của cá nhân con người.
Nhìn ở góc độ về khái niệm, “quyền con người” không loại trừ và không thay thế được khái niệm “quyền công dân”. Hiến pháp năm 2013 đặc biệt quan tâm đặt vị trí của chương “Quyền con người và quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” – Chương II. Có thể nói đây cũng chính là sự kế thừa “vị trí” của Hiến pháp năm 1946. Tuy nhiên, do nhiệm vụ chính trị của các thời kỳ là khác nhau nên có điều khác biệt, nếu như Hiến pháp năm 1946 đặt nghĩa vụ của công dân lên trước thì Hiến pháp năm 2013 lại đặt quyền của công dân lên trước. Một mặt điều này cho thấy quan điểm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, một mặt cho thấy quyền và nghĩa vụ trong tất cả các thời kỳ là có mối quan hệ mật thiết với nhau, có sự kế thừa và phát triển của Hiến pháp sau so với Hiến pháp trước.
Hiến pháp năm 2013 đã chuyển chương quyền con người và quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ “vị trí” Chương V (Hiến pháp năm 1992) lên “vị trí” Chương II (Hiến pháp năm 2014), tăng hai điều, từ ba mươi tư điều (từ Điều 49 đến Điều 82 – Hiến pháp năm 1992) lên ba mươi sáu điều (từ Điều 14 đến điều 49 – Hiến pháp năm 2013), tăng mười tám điều so với Hiến pháp năm 1946, tăng mười lăm điều so với Hiến pháp năm 1959 và tăng bảy điều so với Hiến pháp năm 1980. Trong đó, có năm điều mới (là những điều: Điều 19, Điều 34, Điều 41, Điều 42, Điều 43), sửa đổi, bổ sung 28 điều (là những điều: từ Điều 14 đến Điều 18, Điều 20 đến Điều 33, Điều 35 đến Điều 40, Điều 45, Điều 47, Điều 48), giữ nguyên ba điều (là những điều: Điều 44, Điều 46, Điều 49).
Hiến pháp năm 2013 đã có những thay đổi hết sức quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Lần đầu tiên Hiến pháp đã làm rõ hai khái niệm “quyền con người” và “quyền công dân”. Sự tách bạch này đã góp phần củng cố lý luận về quyền con người, quyền công dân, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này cũng như áp dụng vào thực tiễn. Có thể nói,Hiến pháp năm 2013 như một “làn gió mới” tiếp tục khẳng định chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp thu có chọn lọc phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam đối với các qui định về quyền con người trong các văn bản pháp luật quốc tế, ghi nhận một số quyền mới cụ thể, thể hế hóa nguyên tắc “công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm” trong lĩnh vực kinh doanh tại Điều 33 “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng bổ sung cơ bản cơ chế đảm bảo cho việc thực hiện quyền công dân và giữ nguyên phần nghĩa vụ, tuy nhiên có sự thay đổi về cách bố trí vị trí của phần nghĩa vụ, theo đó một phần nghĩa vụ được đặt lên trước (Điều 15) liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ giữa công dân với công dân, giữa công dân với Nhà nước. Cách bố trí này có phần giống với cách bố trí của Hiến pháp năm 1946, phần còn lại bố trí phía sau (Điều 44, Điều 45, Điều 46, Điều 47…). Ngoài ra cách thứ ba vẫn lồng ghép nghĩa vụ vào quyền của công dân như “quyền và nghĩa vụ học tập”, “quyền và nghĩa vụ lao động”… Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 cũng ghi nhận lại những quyền và nghĩa vụ mà Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận bằng cánh ghi nhận đổi mới theo hướng vĩ mô, tinh gọn, bao quát vấn đề hơn cách ghi nhận của các bản Hiến pháp trước đó.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)