VẤN ĐỀ QUẢN TRỊ CÔNG TY TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM – CORPORATE GOVERNANCE IN VIETNAMESE ENTERPRISES
Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.
Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.
Mục Lục
VẤN ĐỀ QUẢN TRỊ CÔNG TY TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
CORPORATE GOVERNANCE IN VIETNAMESE ENTERPRISES
Nguyễn Trường Sơn
Đại học Đà Nẵng
TÓM TẮT
Quản trị công ty tốt có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên sự hài hòa các mối quan hệ giữa hội đồng quản trị, ban giám đốc, các cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan trong doanh nghiệp, từ đó tạo nên định hướng và sự kiểm soát quá trình phát triển của doanh nghiệp. Quản trị công ty tốt sẽ thúc đẩy hoạt động và tăng cường khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các nguồn vốn bên ngoài, góp phần tích cực vào việc tăng cường giá trị doanh nghiệp, tăng cường đầu tư và phát triển bền vững cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, tuy nhiên chất lượng doanh nghiệp còn thấp, năng lực cạnh tranh yếu. Một trong những nguyên nhân cơ bản là năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị công ty còn hết sức hạn chế. Trên cơ sở khảo sát thực tiễn bài viết đi sâu phân tích thực trạng quản trị công ty trong các doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh: khuôn khổ pháp lý, cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý của doanh nghiệp, tính minh bạch trong hoạt động, vấn đề bảo vệ quyền của cổ đông và người lao động… từ đó đưa ra những nhận định tổng quát và các đề xuất nhằm tăng cường năng lực quản trị công ty ở Việt Nam.
ABSTRACT
Good corporate governance plays an important role in creating a good balance among the executive board, the directorate, shareholders and stakeholders whereby the business development can be well-controlled and oriented. Good corporate governance not only promotes activities, enhances the enterprises’ abilites to approach outside sources of capital but also improves the business value, minimizes the enterprise risks, intensifies the investment and sustainable development for the business and the economy. Over the past time, although Vietnamese businesses has rapidly increased in quantity, their quality still remains low with weak competitiveness. One of the reasons is the limited management capability. On the basis of a practical survey, the article aims to analyse business management on various aspects: legal framework, organizational structure and management mechanism, transparency, the proctection of the rights of shareholders and employees…, which serves as a foundation for forming general evaluations and putting up new proposals to strengthen managerial capability in Vietnamese enterprises.
Đặt vấn đề
Sau hơn 20 năm đổi mới thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, hệ thống doanh nghiệp ở Việt Nam đã hình thành và phát triển rộng khắp trên cả nước ở tất cả các ngành kinh tế. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về số lượng, sự xuất hiện của các công ty lớn, quản trị công ty (QTCT) đang ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà xây dựng pháp luật về doanh nghiệp. Sau gần 20 năm đổi mới, cùng với quá trình hoàn thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp, khung quản trị về công ty cũng đã từng bước xây dựng, bổ sung và hoàn thiện. Cho đến nay, khung QTCT ở Việt Nam được đánh giá là phù hợp với các yêu cầu và nguyên tắc quản trị phổ biến được thừa nhận trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động QTCT ở Việt Nam vẫn còn nhiều điểm hạn chế và yếu kém. Khái niệm “QTCT” vẫn còn rất mới mẻ. Theo một điều tra trên các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam do IFC-MPDF [1] thực hiện, chỉ có 23% số người được hỏi cho rằng các doanh nhân ở Việt Nam đã hiểu khái niệm và nguyên tắc cơ bản của QTCT. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn lẫn lộn giữa QTCT với quản lý tác nghiệp. Theo kết quả khảo sát thực tiễn về QTCT ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên năm 2009 [2] có tới 95.6% số doanh nghiệp được điều tra chưa thực hiện đầy đủ công tác QTCT. Thực hành quản lý theo kiểu thuận tiện, thiếu vắng các yếu tố của QTCT làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế, doanh nghiệp lúng túng và chậm phản ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh khủng khoảng tài chính. Sự yếu kém về quản trị cũng làm cho doanh nghiệp Việt Nam “chậm lớn”, đông về số lượng, tuy nhiên yếu kém về chất lượng.
1. Nội dung của quản trị công ty
2.1 Quan niệm về quản trị công ty (Corporate governance)
Quan niệm và nội dung của QTCT ở các quốc gia khác nhau là rất khác nhau. Điều này do sự khác nhau về nguồn gốc thể chế luật pháp, đặc tính quốc gia, văn hóa và trình độ phát triển của thị trường tài chính tại mỗi nước… từ đó ảnh hưởng đến quyền của cổ đông, quyền của chủ nợ, và thực thi quyền tư hữu. Tuy nhiên có thể đưa ra một định nghĩa chung, dung hòa được sự khác nhau trong cách quan niệm về QTCT như sau: QTCT là một hệ thống các cơ chế và quy định, thông qua đó, công ty được định hướng điều hành và kiểm soát nhằm đáp ứng quyền lợi của nhà đầu tư, người lao động và những người điều hành công ty.
Giữa QTCT (corporate governance) và quản trị kinh doanh (business management) có sự khác nhau rất cơ bản: Quản trị kinh doanh là điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do Ban giám đốc thực hiện. QTCT là một quá trình giám sát và kiểm soát được thực hiện để bảo đảm cho việc thực thi quản trị kinh doanh phù hợp với lợi ích của các cổ đông. QTCT nghĩa rộng còn hướng đến đảm bảo quyền lợi của những người liên quan, không chỉ là cổ đông mà còn bao gồm cả các nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, môi trường và các cơ quan nhà nước.
QTCT được đặt trên cơ cở của sự tách biệt giữa quản lý và sở hữu doanh nghiệp. Công ty là của chủ sở hữu (nhà đầu tư, cổ đông…), nhưng để công ty tồn tại và phát triển phải có sự dẫn dắt của Hội đồng quản trị, sự điều hành của Ban giám đốc và sự đóng góp của người lao động, những người này không phải lúc nào cũng có chung ý chí và quyền lợi. Điều này dẫn đến cần phải có một cơ chế để nhà đầu tư, cổ đông có thể kiểm soát việc điều hành công ty nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
QTCT tập trung xử lý các vấn đề thường phát sinh trong mối quan hệ ủy quyền trong công ty, ngăn ngừa và hạn chế những người quản lý lạm dụng quyền và nhiệm vụ được giao sử dụng tài sản và cơ hội kinh doanh của công ty phục vụ cho lợi ích riêng của bản thân hoặc của người khác, hoặc làm thất thoát nguồn lực do công ty kiểm soát. Tóm lại, QTCT là mô hình cân bằng và kiềm chế quyền lực giữa các bên liên quan của công ty, nhằm đảm bảo sự phát triển dài hạn và bền vững của công ty.
2.2 Nội dung của quản trị công ty
QTCT xác định quyền hạn và trách nhiệm giữa các nhóm lợi ích, các thành viên khác nhau trong công ty, bao gồm các cổ đông, hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát và những người liên quan khác của công ty như người lao động, nhà cung cấp. Đồng thời, QTCT cũng lập ra các nguyên tắc và quy trình, thủ tục ra quyết định trong công ty, qua đó ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực và chức vụ, giảm thiểu những rủi ro liên quan đến hoặc có nguồn gốc từ những giao dịch với các bên có liên quan, những xung đột lợi ích tiềm năng và từ việc không có tiêu chuẩn rõ ràng hoặc không tuân thủ các quy định về công bố thông tin và không minh bạch. Nói tóm lại, các chủ đề chính trong QTCT gồm có: Công khai và minh bạch thông tin; Xử lý mâu thuẫn quyền lợi giữa người quản lý doanh nghiệp, hội đồng quản trị và cổ đông khác; Xử lý mâu thuẫn giữa cổ đông lớn và cổ đông thiểu số; Vai trò của quản trị viên độc lập, các tổ chức kiểm toán độc lập; Chính sách đãi ngộ với các nhà quản lý; Thủ tục phá sản doanh nghiệp; Quyền tư hữu; Việc thực thi các điều khoản luật và hợp đồng.
Quản trị công ty tốt có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lành mạnh, tạo nên sự hài hòa của một loạt các mối quan hệ giữa ban giám đốc công ty, hội đồng quản trị, các cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan, từ đó tạo nên định hướng và sự kiểm soát công ty. Quản trị công ty tốt sẽ thúc đẩy hoạt động và tăng cường khả năng tiếp cận của công ty với các nguồn vốn bên ngoài, góp phần tích cực vào việc tăng cường giá trị công ty, giảm thiểu rủi ro, tăng cường đầu tư và phát triển bền vững cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
3. Đánh giá quản trị công ty tại Việt Nam
3.1 Dữ liệu và phương pháp điều tra
Để có thể đưa ra những nhận định về quản trị công ty tại các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một mẫu điều tra gồm 400 doanh nghiệp có địa chỉ khắp cả nước [2, 3]. Do khó khăn về thời gian và điều kiện nghiên cứu, quy mô mẫu có phần bị hạn chế, tuy nhiên với mục tiêu là đưa ra những nhận định tổng quát ban đầu về vấn đề nghiên cứu, kích thước mẫu như trên là có thể chấp nhận được. Nội dung điều tra là tìm hiểu mức độ vận dụng các nguyên tắc và tình hình thực thi nội dung quản trị công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 thông qua ý kiến trả lời của nhiều thành viên khác nhau của các doanh nghiệp: chủ sở hữu, thành viên HĐQT, lãnh đạo, cổ đông, nhân viên…. Bảng câu hỏi sử dụng thang điểm Liker với 05 mức điểm đánh giá cho việc tuân thủ các nguyên tắc và thực hiện nội dung quản trị công ty: 5 điểm – Tuân thủ; 4 điểm – Nhìn chung được tuân thủ; 3 điểm – Được tuân thủ một phần; 2 điểm – Căn bản không được tuân thủ; 1 điểm – Không được tuân thủ.
Bảng 1. Đánh giá tình hình quản trị công ty tại các doanh nghiệp
NGUYÊN TẮC
MỨC ĐIỂM
1. Đánh giá về khuôn khổ pháp lý quản trị công ty
2.33
Khuôn khổ pháp lý chung về QTCT
2
Khuôn khổ pháp lý về cưỡng chế thực thi/minh bạch
2
Phân chia trách nhiệm quản lý rõ ràng
3
2. Quyền của cổ đông
2.80
Các quyền cơ bản của cổ đông
3
Quyền tham gia vào các quyết định lớn
3
Quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên
3
Cổ đông được phép tham khảo ý kiến lẫn nhau
3
Tạo điều kiện thực hiện quyền sở hữu
2
3.Đối xử công bằng với các cổ đông
2
Tất cả các cổ đông được đối xử công bằng
2
Hội đồng quản trị/Ban giám đốc công bố thông tin về lợi ích
2
4. Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan
2.50
Tôn trọng quyền hợp pháp của các bên có quyền lợi liên quan
3
Các bên có quyền lợi liên quan được khiếu nại
3
Công bố thông tin của các bên có quyền lợi liên quan
2
Bảo vệ người tố cáo
2
5. Tính minh bạch
2.5
Chuẩn mực công bố thông tin
3
Công bố thông tin kịp thời
3
Trách nhiệm của kiểm toán độc lập
2
Tìm hiểu về xung đột lợi ích
2
6. Trách nhiệm của Hội đồng quản trị
2.67
Hoạt động có trách nhiệm và cẩn trọng
3
Đối xử công bằng với mọi cổ đông
2
Áp dụng các chuẩn mực đạo đức cao
2
7. Đánh giá chung về tình hình quản trị công ty
2.47
Tổng hợp và tính toán từ các nguồn dữ liệu [2], [3].
Đánh giá chung về tình hình QTCT trong các doanh nghiệp Việt Nam chỉ nhận được mức điểm khá thấp (2.47/5), chỉ đạt mức dưới trung bình. Trong đó việc tuân thủ nguyên tắc đảm bảo quyền của cổ đông và các chức năng sở hữu chính nhận được sự đánh giá cao nhất (2.87/5), nguyên tắc đối xử công bằng với các cổ đông được đánh giá tuân thủ kém nhất (2/5).
3.2 Bàn luận và nhận định về hạn chế của QTCT từ kết quả điều tra
Với kết quả điều tra được lượng hóa như ở bảng 1, kết hợp với việc phỏng vấn sâu các thành viên của doanh nghiệp và sử dụng các dữ liệu thứ cấp [3, 4], có thể rút ra những nhận định chung về các hạn chế của tình hình QTCT tại Việt Nam hiện nay như sau:
– Về khuôn khổ pháp lý quản trị công ty
Kết quả đánh giá chung nhận được khá thấp (2.33/5). Tuy nhiên trên cơ sở những văn bản pháp luật đã được ban hành như Luật Doanh nghiệp (2005); Luật Chứng khoán (2006) có thể rút ra nhận định: khuôn khổ pháp lý về QTCT ở Việt Nam đã khá đầy đủ và từng bước tiếp cận các chuẩn mực QTCT của thế giới. Tuy nhiên nhiều quy định trong Luật còn khá chung và cho đến nay vẫn chưa có các Nghị định hướng dẫn, do vậy các doanh nghiệp thiếu cơ sở để thực hiện. Kết quả đánh giá nhận được thấp, theo chúng tôi chủ yếu do các thành viên của doanh nghiệp ít tìm hiểu về pháp luật nói chung cũng như các vấn đề liên quan đến QTCT nói riêng. Nhiều nội dung Luật quy định khá rõ ràng, tuy nhiên doanh nghiệp ít sử dụng.
– Về vấn đề tổ chức bộ máy và phân chia quyền hạn trong các doanh nghiệp
Có thể nói đây là điểm hạn chế lớn nhất trong QTCT hiện nay ở Việt Nam. Việc tổ chức, quản lý và điều hành doanh nghiệp phổ biến hiện nay là đều theo cơ chế tập quyền. Quyền hạn tập trung ở một số ít người, họ vừa là cổ đông lớn, vừa là thành viên của Hội đồng quản trị (HĐQT) và đồng thời giữ các chức vụ chủ chốt trong ban điều hành (Ban Giám đốc). Lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động thực tế thiên về điều hành hơn là hoạch định chiến lược và giám sát thực thi chiến lược phát triển doanh nghiệp; chưa thực hiện được chức năng giám sát và cân bằng quyền lực giữa các bên trong doanh nghiệp, nhất là giữa chủ sở hữu và điều hành.
Điểm mấu chốt nhất của QTCT là tạo ra được một HĐQT có đủ “tầm” để chỉ đạo và kiểm soát công ty. Theo thông lệ quốc tế, HĐQT là một cơ quan có quyền lực cao nhất của doanh nghiệp, nơi vạch ra những chiến lược và giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các thành viên HĐQT phải là những người mẫu mực và đa năng, có vai trò hình mẫu cho cổ đông và các bên có lợi ích liên quan. Tuy nhiên trên thực tế, kết quả điều tra cho thấy: Đối với doanh nghiệp dưới hình thức công ty, 95% giám đốc doanh nghiệp là thành viên của HĐQT, trong đó trên 60% vừa giữ chức chủ tịch HĐQT vừa giữ chức giám đốc hoặc tổng giám đốc; đối với các doanh nghiệp tư nhân, tuyệt đại bộ phận giám đốc doanh nghiệp là chủ sở hữu doanh nghiệp và thực hành QTCT theo kiểu “gia đình”, một mình hoặc một số người thân đảm nhận tất cả các chức năng quản lý. Như vậy giữa chức năng lãnh đạo với nhiệm vụ chính là xây dựng chiến lược (thường của chủ doanh nghiệp và HĐQT) và chức năng quản lý việc vận hành hàng ngày của người quản lý (Ban điều hành) không rõ ràng. Với việc kiêm nhiệm “2 trong 1” này, các chủ doanh nghiệp trở nên rất bận rộn với việc điều hành, không đủ năng lực và thời gian dành cho việc xây dựng chiến lược phát triển. Kết quả tất yếu là phần lớn doanh nghiệp không có chiến lược, hoạt động chủ yếu mang tính ngắn hạn, nhằm vào lợi nhuận trước mắt, tư duy chủ yếu dựa trên các “chiêu, chước” mang tính ứng phó, thiếu tính dài hạn và bền vững.
Về Ban kiểm soát trong các doanh nghiệp: Hiện tại, trong các doanh nghiệp vai trò của Ban kiểm soát lại khá mờ nhạt. Hầu hết thành viên của Ban kiểm soát đều là nhân viên của công ty, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Theo quy định, ban kiểm soát phải kiểm tra và kiểm soát được hoạt động của HĐQT và Ban điều hành, tuy nhiên họ lại là nhân viên cấp dưới, do vậy tính độc lập trong kiểm tra là rất hạn chế. Trên thực tế hiện nay, hầu hết ban kiểm soát đều hoạt động rất hình thức, phụ thuộc vào HĐQT và ban điều hành. Với các đặc điểm nêu trên, Ban kiểm soát khó có thể hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ như luật định và trở nên hình thức, thường chỉ là người “đóng dấu” cho ban lãnh đạo khi cần thiết. Vì vậy, thực trạng về ban kiểm soát ở nước ta có lẽ chỉ tồn tại dưới hình thức “người giám sát bị kiểm duyệt”, chứ chưa phải là một thể chế giám sát nội bộ độc lập, chuyên môn và chuyên nghiệp để cân bằng hoạt động của doanh nghiệp, phục vụ lợi ích tối đa của doanh nghiệp.
– Về công khai và minh bạch thông tin trong QTCT
Kém công khai và không minh bạch đang là một trong số các vấn đề lớn của QTCT hiện nay ở Việt Nam. Chủ sở hữu, các cổ đông không nhận được một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ các thông tin cơ bản về doanh nghiệp. Các thông tin cơ bản đó bao gồm từ tổng tài sản đến đánh giá chính xác về thực trạng tài chính hiện nay và thông tin về lưu chuyển tiền tệ trong quá khứ cũng như các thông tin về dự báo trong tương lai. Điều này làm cho các nhà đầu tư và cổ đông không thể đánh giá chính xác giá trị doanh nghiệp trong hiện tại cũng như tương lai. Các doanh nghiệp chưa có các chuẩn mực công bố thông tin, do vậy khá tùy tiện khi thực hiện. Công tác kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập chưa được chú trọng. Chất lượng báo cáo tài chính và mức độ công bố thông tin đối với các công ty niêm yết, đặc biệt là đối với các công ty cổ phần không niêm yết và doanh nghiệp nhà nước chưa cao. Những cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy quản trị công ty tốt hoặc chưa có hoặc còn yếu kém. Cần phải có nhiều nỗ lực để xây dựng một văn hóa kinh doanh góp phần nâng cao việc thực thi có trách nhiệm, công bằng và minh bạch.
– Vấn đề bảo đảm quyền lợi của cổ đông, nhất là những cổ đông nhỏ
Về vấn đề này, kết quả điều tra cho thấy các doanh nghiệp đã bước đầu thực hiện, tuy nhiên chưa đạt yêu cầu. Trong quá trình hoạt động, nhiều cổ đông nhất là các cổ đông nhỏ không hoặc chưa được tham gia biểu quyết các vấn đề lớn như: sửa đổi các văn bản quan trọng điều chỉnh hoạt động của công ty, phát hành thêm cổ phiếu hoặc tiến hành các giao dịch bất thường…
– Tình hình thực hiện các lĩnh vực quản trị chức năng trong các doanh nghiệp
Quản trị công ty, bên cạnh việc tạo ra một cơ chế quản lý nhằm bảo đảm sự cân bằng về quyền và lợi ích giữa các bên trong và ngoài doanh nghiệp còn đòi hỏi phải thực thi tốt các hoạt động quản trị chức năng như quản trị chiến lược, nhân sự, tài chính, marketing…Từ kết quả điều tra, đặc biệt là việc sử dụng kỹ thuật phỏng vấn sâu đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và giám đốc điều hành cho thấy:
Về quản trị chiến lược: Đại bộ phận doanh nghiệp đều không xác định rõ ràng sứ mệnh tồn tại, không có mục tiêu dài hạn và không xác định được mô hình chiến lược phát triển (trên 95%). Hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu được xác lập thông qua các kế hoạch vận hành ngắn hạn, phần lớn là kế hoạch tháng, thậm chí ngắn hơn. Có thể nói, tư duy ngắn hạn, thiếu phương hướng hoạt động dài hạn đang là một đặc điểm lớn chi phối quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Tuổi thọ bình quân của doanh nghiệp rất ngắn, chỉ khoảng 3,4 năm. Rất nhiều doanh nghiệp được thành lập chỉ nhằm mục đích khai thác một cơ hội kinh doanh nào đó, khi cơ hội đó không còn nữa, doanh nghiệp cũng kết thúc hoạt động.
Về quản trị tài chính và kế toán: Đặc điểm chung là các doanh nghiệp của Việt Nam chưa thực sự vận hành hệ thống quản trị tài chính một cách khoa học và minh bạch, phần lớn chỉ mới chú trọng chức năng kế toán, đặc biệt là kế toán thuế nhằm ứng phó với cơ quan Thuế. Quản trị dòng tiền đang là một khái niệm khá mới mẻ, phần lớn chỉ mới chú trọng việc hạch toán đúng doanh thu và chi phí để xác định lợi nhuận trong từng năm hoạt động hoặc từng tác nghiệp riêng rẽ. Nhiều doanh nghiệp doanh thu tăng nhưng luồng tiền vào và ra doanh nghiệp vẫn bị ách tắc, lúng túng trong huy động và sử dụng nguồn vốn. Chưa thiết lập kế toán quản trị hoặc kế toán quản trị chưa cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin kế toán, tài chính phục vụ ra quyết định quản lý của lãnh đạo đơn vị. Về hoạt động kiểm soát của kế toán, nhiều khoản chi chứng từ không hợp pháp, hợp lệ; kế toán chỉ tập hợp chứng từ quyết toán, chưa thực hiện kiểm soát hoặc kiểm soát không đầy đủ; không kiểm soát được hoặc kiểm soát không chặt chẽ tiêu hao vật tư, nguyên liệu, chi phí sửa chữa máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ; kế toán không tham gia kiểm soát vật chất, kiểm soát trực tiếp các hoạt động quan trọng của đơn vị.
Về quản trị nguồn nhân lực: Nhân lực là một yếu tố căn bản quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tuy nhiên tình hình chung của các doanh nghiệp Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực thấp và rất thiếu ổn định. Bên cạnh các nguyên nhân về hệ thống đào tạo quốc gia, một trong những lý do chính của tình trạng này là cách quản trị công ty của doanh nghiệp. Cách quản trị ấy không đáp ứng những nhu cầu nhân bản của người lao động là: công việc phù hợp khả năng, phân công hợp lý, phát huy được khả năng, thù lao tương xứng và cơ hội thăng tiến. Do đó doanh nghiệp không sản sinh ra những quản trị viên có khả năng, nhiều nhân viên chủ động thôi việc nhưng doanh nghiệp rất lúng túng trong việc bố trí nhân sự thay thế cho những vị trí nghỉ việc. Động cơ làm việc của nhân viên chủ yếu là thu nhập để đảm bảo cuộc sống, làm việc theo kiểu “tháo khoán”, hết giờ hoặc hết nhiệm vụ là nghỉ, ít sáng tạo và ít sáng kiến cải tiến công việc. Nhân viên không biết hoặc không hiểu thấu đáo định hướng, chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Mức độ gắn bó giữa nhân viên và doanh nghiệp rất thấp, họ khá thờ ơ với những thành công hay thất bại của doanh nghiệp, xem đó như là vấn đề của chủ doanh nghiệp. Đối với giới chủ, vấn đề quan tâm lại là chính là sự giàu có và thành đạt của chính bản thân mình hơn là vì doanh nghiệp trong đó họ cũng chỉ là một bộ phận.
Về quản trị thương hiệu và marketing: Điểm hạn chế lớn của các doanh nghiệp là chưa quan quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu. Một số doanh nghiệp mới chỉ hướng tới định vị sản phẩm của mình là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” chưa nghĩ đến chuẩn quốc tế hoặc thấp hơn là khu vực, thừa nhận sản phẩm mình là sản phẩm nội địa, thể hiện sự tự ti nếu so với thị trường thế giới. Những sản phẩm chất lượng cao theo chuẩn quốc tế không bao giờ tự quảng cáo là hàng Mỹ chất lượng cao hay hàng Nhật chất lượng cao. Công tác marketing chủ yếu chỉ tiến hành các hoạt động quảng cáo, một chiến lược marketing mang tính hệ thống còn vắng bóng trong các doanh nghiệp.
Những vướng mắc, hạn chế nêu trên thể hiện công tác QTCT có nhiều khiếm khuyết, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác điều hành và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề đáng chú ý là nhiều đơn vị không xác định được nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, do vậy mặc dù rất nổ lực khắc phục, nhưng chỉ dừng ở mức độ sửa chữa các biểu hiện bên ngoài, triệu chứng của vấn đề, chưa chữa trị được tận gốc những hạn chế, nên không mang lại hiệu quả như mong muốn, những vướng mắc, bất cập tương tự vẫn tiếp tục phát sinh.
4. Kết luận và kiến nghị
4.1 Kết luận
Quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa được nguồn lực phát triển đặc biệt là nguồn lực tài chính trong một “thế giới phẳng”. Trên bình diện quốc gia, việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý và thực thi tốt quản trị công ty có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc thu hút đầu tư, đa dạng hóa các quan hệ hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế. Sự gia tăng nhanh về số lượng, tuy nhiên năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là vấn đề QTCT còn hết sức yếu kém. Điều này được thể hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau: cơ cấu tổ chức hết sức đơn giản nặng về quản lý theo kiểu gia đình, cơ chế quản lý chủ yếu theo kiểu thuận tiện; chưa phân biệt rạch ròi quyền và nghĩa vụ của các bộ phận cấu thành như: Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát và nhân viên… Chức năng hoạch định và điều hành chưa được phân biệt, doanh nghiệp hoạt động mang tính ngắn hạn, điều hành chủ yếu theo tư duy tác nghiệp; Tính minh bạch còn hạn chế và chưa có cơ chế để đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động; Quyền lợi của cổ đông nhỏ và người lao động trong doanh nghiệp chưa được quan tâm đầy đủ; Các hoạt động quản trị chức năng còn nhiều hạn chế và đơn giản. Những hạn chế này đã đặt ra những rào cản cho sự lớn mạnh của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp phát triển thiếu định hướng dài hạn và thiếu bền vững.
4.2 Kiến nghị
Để tăng cường quản trị công ty trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, cần phải giải quyết nhiều vấn đề trên cả bình diện quản lý vĩ mô của Nhà nước và trong phạm vi của từng doanh nghiệp.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước: Chúng ta đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về QTCT theo thông lệ quốc tế, vấn đề quan trọng hiện nay là phải làm cho các chủ thể kinh tế trong nước thấu hiểu, đồng thuận và tuân thủ. Để làm được điều này điều quan trọng đầu tiên cần phải làm là phải tuyên truyền và giáo dục để xây dựng và nâng cao nhận thức về QTCT và ý nghĩa của QTCT đối với quá trình phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Cần có sự thống nhất về khái niệm và nội dung của khoa học quản trị, xây dựng hệ thống các khái niệm, thuật ngữ cơ bản thông dụng nhất trong QTCT phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Bản chất và nội dung cơ bản của quản trị sẽ được thể hiện thông qua chính những khái niệm, thuật ngữ về khung QTCT. Qua đó bản chất của quản trị sẽ được thể hiện một cách thống nhất, có thể hiểu được và đến với chủ sở hữu, những cán bộ, công chức nhà nước và người quản lý doanh nghiệp. Do vậy, việc nghiên cứu, biên soạn các cẩm nang hay sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo khác về quản trị rõ ràng phải là một nhiệm vụ ưu tiên. Tích cực và chủ động tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về QTCT. Cần nghiên cứu và đưa các nội dung của QTCT vào giảng dạy tại các Trường đại học và các tổ chức đào tạo thay cho việc chỉ dạy về quản trị kinh doanh trong các trường hiện nay.
Về phía các doanh nghiệp: Để áp dụng khoa học quản trị vào thực tiễn, doanh nghiệp phải coi QTCT như một yêu cầu tự thân, nội tại vì chính lợi ích của doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững và lâu dài của doanh nghiệp, phải xem việc nâng cao năng lực QTCT như một trong những yếu tố quyết định cấu thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Với những hạn chế như đã phân tích ở trên, tăng cường QTCT trong các doanh nghiệp trước hết cần hết sức chú trọng việc xây dựng hệ thống quản trị. Hệ thống đó phải bao gồm: tổ chức bộ máy, chính sách, quy chế, quy trình nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát; quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận, có sự phân công, phân nhiệm, ủy quyền rõ ràng, xác định được trách nhiệm cá nhân gắn với chất lượng công việc và quyền lợi của người thực hiện; các quy trình nghiệp vụ phải đủ chi tiết, cụ thể để hướng dẫn thực hiện, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận có liên quan. Hệ thống các quy chế, quy trình quản trị của doanh nghiệp cần bao gồm: (1) Công tác điều hành của Ban giám đốc: Quy chế hoạt động của Ban giám đốc; Văn bản phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban giám đốc; Quy định về cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của các bộ phận, phòng ban trong đơn vị; Nội quy hoạt động của doanh nghiệp; Quy chế hoạt động, quy trình nghiệp vụ của các phòng, ban; Quy định về hệ thống thông tin, báo cáo các lĩnh vực hoạt động phục vụ điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo các phòng, ban; Quy chế quản lý tài chính; Quy chế quản lý, sử dụng tài sản; Quy định về trình tự lập, xét duyệt, luân chuyển và lưu trữ chứng từ kế toán; Quy định về kế toán quản trị, Quy định về hệ thống định mức tiêu hao vật tư; Quy chế, quy trình về kiểm soát nội bộ… Bên cạnh việc xây dựng hệ thống, vấn đề tiếp theo là làm cho hệ thống đó thực sự vận hành được trong đời sống của doanh nghiệp. Bên cạnh việc kiên định với mục tiêu phát triển và áp dụng hệ thống, cần hết sức chú trọng việc giám sát, kiểm tra và đánh giá nhằm cải tiến liên tục hệ thống cho ngày càng phù hợp hơn với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Erik Berglof – Stijn Claessens. “Thực thi và quản trị công ty tốt ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi” – The World bank research observer, vol 21 no1 2006
[2] PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ trọng điểm “Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp theo thành phần kinh tế ở Đà Nẵng” – Mã số B2006 – ĐN01 – 08TĐ.
[3] PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tỉnh “Nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ngãi”.
[4] TS. Huỳnh Năm – “Tăng cường Quản trị Công ty, giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững doanh nghiệp sau cổ phần hóa” – NXB Đà Nẵng – 2007.
[5] http://www.vnep.org.vn/vi-VN/Cac-loai-hinh-doanh-nghiep/Van-dung-khoa-hoc quan-tri-cong-ty-nang-cao-hieu-qua-cua-doanh-nghiep.html