Vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay: Quan điểm và những định hướng chính sách

Vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay: Quan điểm và những định hướng chính sách

Để góp phần trao đổi học thuật, bài viết này tập trung làm rõ: 1) một số quan điểm phát triển nông nghiệp, nông thôn và giải quyết vấn đề nông dân; 2) thực trạng vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay và 3) đề xuất một số định hướng và chính sách cho phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn.

1. Một số quan điểm về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn

1.1.Về khái niệm nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Theo nghĩa thông thường, nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất sử dụng đất đai và sinh vật làm ra sản phẩm nông nghiệp. Cách định nghĩa này chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp truyền thống.Tuy nhiên, nền kinh tế càng phát triển thì yêu cầu của xã hội với nông nghiệp càng cao. Nông nghiệp không chỉ đơn thuần là sản xuất ra các sản phẩm tươi sống mà còn bao gồm cả khâu chế biến, marketing và tiêu thụ nông sản. Do vậy, sản phẩm cuối cùng của nông nghiệp không đơn thuần là nông sản (agro-products) mà thực phẩm nông sản (agrofoods) (Đỗ Kim Chung, 2002). Do đó, nông nghiệp cần được định nghĩa ở phạm vi rộng hơn. Nông nghiệp là ngành sản xuất – kinh doanh làm ra thực phẩm nông sản, bao gồm cả sản xuất nông nghiệp, chế biến, marketing và phân phối các thực phẩm nông sản.

Chủ thể của các hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp là nông dân. Theo nghĩa thông thường, nông dân là những người tham gia sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, rất nhiều nông dân, ngoài việc tham gia vào sản xuất nông nghiệp vẫn tham gia vào các hoạt động kinh tế khác như sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ. Nông thôn càng phát triển thì cơ cấu ngành nghề trong nông thôn càng đa dạng. Do đó, khái niệm về nông dân cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn . Nông dân là những người dân sống ở nông thôn làm các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ khác nhau tuỳ theo khả năng và lợi thế so sánh của họ.

Khu vực của nền kinh tế mà trong đó các hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp được tiến hành là nông thôn. Nông thôn là khu vực khác với thành thị về không gian, hoạt động kinh tế, đặc điểm cộng đồng và sinh thái. Nông thôn gắn liền với đời sống, tập tục và bản sắc văn hoá của một cộng đồng. Về phương diện kinh tế, nông thôn bao gồm cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, văn hoá, tài nguyên thiên nhiên, tổ chức và thể chế, công nghiệp và hạ tầng cơ sở. VÌ thế phát triển nông thôn phải bao gồm phát triển cả kinh tế, xã hội, tổ chức và môi trường.

1.2. Phát triển nông nghiệp, nông thôn và giải quyết vấn đề nông dân

Có mốt số quan điểm cho rằng: khi xã hội phát triển và đạt đến trình độ một nước công nghiệp thì: 1) nông nghiệp kém phần quan trọng hơn, bằng chứng là tỷ trọng thu nhập quốc dân (GDP) của nông nghiệp trong nền kinh tế sẽ giảm xuống; 2) hầu hết nông dân sẽ biến thành đại nông và sẽ hết hoặc rất ít tiểu nông, nông nghiệp chủ yếu là sản xuất quy mô lớn; 3) kinh tế phát triển thì tỷ trọng của lao động nông nghiệp sẽ giảm, một đại bộ phận cư dân nông nghiệp sẽ giảm, một đại bộ phận cư dân nông thôn sẽ không làm nông nghiệp nữa, do đó vị thế chính trị của nông dân có thể giảm; 4) nông thôn sẽ hiện đại như thành thị (có nhà cao tầng, có các kết cấu hạ tầng, quy hoạch, không gian kiến trúc như thành thị), nghĩa là sẽ mất đi cái cảnh “làng ta phong cảnh hữu tình, dân cư đông đúc như hình con long”; 5) văn hoá nông thôn chuyển dần từ văn hoá cộng đồng, tộc họ sang văn hoá đô thị theo kiểu “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”. Những quan điểm này đang xuất hiện và được biểu hiện tập trung ở những thiên lệch trong hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn. Liệu những quan điểm đó là đúng? Thực tiễn phát triển nông nghiệp và nông thôn ở các nước phát triển và đang phát triển đã chứng tỏ những quan điểm trên không phù hợp với sự phát triển chung. Kết quả phân tích thực tiễn và tổng kết lý luận về phát triển nông thôn đã chỉ ra rằng, các quan điểm trên là không phù hợp vì những lý do sau:

Thứ nhất, khi xã hội phát triển, nông nghiệp càng quan trọng, mặc dù tỷ trọng GDP của nông nghiệp trong nền kinh tế giảm xuống. Vị thế của nông nghiệp cũng đồng nghĩa với vị thế của nông dân, không chỉ nhìn vào giá trị GDP. Nông nghiệp trở nên đa chức năng. Nông nghiệp chẳng những có các chức năng kinh tế (cung cấp lương thực thực phẩm cho con người, nguyên liệu cho công nghiệp), mà còn có chức năng văn hoá (bảo tồn các giá trị truyền thống thông qua các sản phẩm từ nông nghiệp), chức năng xã hội (sự liên kết phụ thuộc lẫn nhau của các nhóm xã hội, các cộng đồng thông qua sản xuất và trao đổi các sản phẩm nông nghiệp) và chức năng môi trường (quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên như: đất , nước, sinh vật và không khí). Nông nghiệp sẽ bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà hàng nghìn năm qua con người đã tích luỹ được. Nông nghiệp cân bằng các vấn đề xã hội, bằng chứng là các sự bất ổn của xã hội đều bắt đầu từ nông thôn trước. Nông nghiệp và nông thôn che phủ tới 90% tài nguyên đất, 100% tài nguyên rừng, 95% tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2006). Do đó, nếu chủ thể của nông nghiệp là nông dân không được nhìn nhận đúng thì chúng ta có phát triển ổn định và bền vững?

Thứ hai, khi xã hội phát triển và đạt đến trình độ một nước công nghiệp, thì không phải hầu hết nông dân sẽ biến thành đại nông, mà vẫn còn rất nhiều tiểu nông. Ngay ỏ những nươc phát triển, một xã hội nông thôn vẫn đa dạng, gồm có tầng lớp nông dân đại nông, trung nông, tiểu nông và cả những người làm thuê nông nghiệp (landless farmers). Thực tế chỉ chưa đầy 20% các hộ nông dân chuyển thành kinh doanh đại nông, phần lớn là trung nông và tiểu nông. Một đặc trưng phổ biến trong nông thôn là sự chấp nhận lực lượng lao động nông nghiệp không đất để bổ sung cho thị trường sức lao động. Đặc điểm này vừa là khách quan và vừa là tất yếu. Là khách quan vì không phải tất cả nông dân có kỹ năng như nhau. Có nhiều nông dân rất thành thạo việc canh tác cấy trồng, song cũng có một bộ phận nông dân chưa thật giỏi quản lý cây trồng, vật nuôi. Những người này đi làm thuê để kiếm sống thì tốt hơn là có đất để canh tác. Vì thế, nỗ lực để cho nông dân phát triển thành đại nông không thuần tuý dựa vào biện pháp hành chính, mà phải thông qua cơ chế thị trường, nhất là các thị trường đất đai và lao độngmà chúng ta hay miễn cưỡng khi nói đến vì nó “phạm phải” điều “cấm kỵ trước đây”.

Thứ ba,khi xã hội phát triển thì không phải tỷ trọng của lao động nông nghiệp (theo nghĩa rộng) sẽ giảm đi, không phải một đại bộ phận cư dân nông thôn sẽ không làm nông nghiệp nữa, vị thế chính trị của nông dân vẫn không hề giảm. Điều này đã thấy rất rõ ở các nước phát triển như: Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Canada… Điều quan trọng là quan niệm thế nào là làm nông nghiệp. Nông nghiệp theo cách nhìn mới là quá trình sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, từ khâu nuôi trồng trên đồng ruộng, tới sản phẩm bày trên bàn ăn của người tiêu dùng. Có thể tỷ trọng những người trực tiếp tham gia cày cuốc, cấy trồng sẽ giảm, nhưng tỷ trọng những người tham gia vào quá trình làm ra nông sản thực phẩm sẽ không giảm. Tỷ lệ này ở Pháp, Canada… vẫn không giảm trong vài thập kỷ qua. Mặt khác do làm ra các sản phẩm nuôi sống con người, quản lý lượng lớn tài nguyên của quốc gia (đất, nước, rừng…) nên vị thế chính trị của nông dân càng ngày càng quan trọng.

Thứ tư,khi xã hội phát triển, thì nông thôn sẽ phát triển, nhưng nét hiện đại của nông thôn vẫn không như thành thị. Nông thôn vẫn giữ nguyên cái không gian làng xã, gắn với cấu trúc dân cư phản ánh nét văn hoá riêng của từng tộc người, từng cộng đồng. Cái hiện đại sẽ là hệ thống hạ tầng, hiện đại của kiến trúc làng xã chính là đưa về cấu trúc kiến trúc mang bản sắc văn hoá phù hợp với từng cộng đồng và các căn nhà được trang bị một cách phù hợp với nhu cầu và tập quán của cộng đồng cư dân. Điều đáng lo ngại hiện nay là: do thiếu chỉ đạo và thiếu hướng dẫn nên nhiều làng quê đang được bê tông hoá, nhà ống, ngay cả các khu định cư mới của đồng bào dân tộc ở các công trình thủy điện Sơn La, Yaly, Na Hang… người dân tộc được cấp nhà mặt tiền mặt hậu, gần nhau san sát, đúng như văn hoá kiến trúc của người Kinh. Chúng ta nên định hướng quy hoạch và phát triển nông thôn theo từng vùng, miền phù hợp với văn hoá của tộc người và cộng đồng. Những nơi làm tốt đã và đang trở thành các điểm du lịch nhân văn – sinh thái. Nếp nhà rông của người dân Tây Nguyên mang hình lưỡi rìu – công cụ mà họ gắn bó với rừng bao đời nay. Trái lại, mái nhà tranh của cư dân Bắc Bộ mang hình con thuyền úp ngược – công cụ mà cư dân của nền văn minh sông nước dùng, úp ngược lại khi có mùa đánh bắt bội thu.

Thứ năm, khi xã hội phát triển thì không phải văn hoá nông thôn chuyển dần từ văn hoá cộng đồng, tộc họ sang văn hoá đô thị theo kiểu “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”. Cấu trúc cộng đồng nông thôn được dựa trên quan hệ tộc họ, các tộc họ liên kết nhau lại, sống chung một dải đất, thờ chung một “thành hoàng” (như ở đồng bằng), chung một “mẫu mẹ” như ở trung du, chung một Yang (như ở Tây Nguyên), chung một thần núi, thần rừng… như ở các vùng núi. Lòng tin có giá trị kinh tế và xã hội đặc biệt. ”Yên tâm đi, cả làng thuộc vào họ nhà này cả”. Điều này không thể có được ở thành phố. Do cùng một họ, cư dân nông thôn có thể tạo ra sự thống nhất cao trong cộng đồng, văn hoá cộng đồng sẽ kết gắn họ lại.

2.Một số vấn đề đặt ra của nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam hiện nay.

2.1.Nông nghiệp

Nông nghiệp nước ta vẫn là ngành sản xuất quan trọng của nền kinh tế. Nông nghiệp tao ra 85% việc làm cư dân nông thôn và là nguồn sinh kế kiếm sống của hơn 70% dân số cả nước. Trong thời gian qua, nông nghiệp, đặc biệt là lương thực thực phẩm tăng khá, đã góp phần to lớn vào việc bảo đảm an ninh lương thực và góp phần quan trọng ổn định chính trị, xã hội của đất nước. Đến năm 2008, sản lượng lương thực (quy thóc) đạt 25,4 triệu tấn, trong đó lương thực có hạt (lúa, ngô) 42,9 triệu tấn, riêng lúa đạt 38,73 triệu tấn; sản lượng rau, đậu thực phẩm đạt 12 triệu tấn; quả các loại trên 8 triệu tấn; sản lượng thịt hơi các loại đạt 3,44 triệu tấn, trứng trên 5 tỷ quả, sữa tươi 280 nghìn tấn; sản lượng thủy sản đạt 4,3 triệu tấn. Bình quân đầu người/năm 2008: lúa 421 kg; rau, đậu thực phẩm 154,5 kg; quả các loại 97,7 kg; thịt hơi các loại 39,7 kg, trứng 58 quả, sữa tươi 3,2 kg; thủy sản 50 kg. So với năm 2000, các sản phẩm lương thực, thực phẩm tăng bình quân đầu người từ 20 đến 30% (riêng sữa tươi tăng gấp 4,5 lần, lúa gạo tăng 12%). Mức đáp ứng dinh dưỡng bình quân đạt 2.400 Kcl/người/ngày, riêng từ gạo chiếm 72,8% (khoảng hơn 1.600 Kcal/người/ngày). Hàng năm Việt Nam xuất khẩu từ 4,5-5 triệu tấn gạo (đứng thứ 2 thế giới), riêng năm 2008 xuất khẩu 4,74 triệu tấn gạo, thu về 1,9 tỷ USD; thủy sản đạt 4,51 tỷ USD. Do sản xuất phát triển, nguồn lương thực, thực phẩm tăng nhanh, khả năng tiếp cận tốt hơn, nên tỷ lệ nghèo đói và trẻ em suy dinh dưỡng giảm đáng kể. Năm 2007, cả nước tỷ lệ hộ nghèo còn 14,8%, năm 2008 còn 12,1% mỗi năm giảm được 0,7-1,0% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 33% năm 2002 xuống còn 21,1% năm 2007; đây là một bước tiến quan trọng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 (Bộ NN & PTNT, 2009).

Tuy nhiên, sự phát triển của nông nghiệp nước ta bộc rõ một số thách thức sau đây:

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp giảm dần. Tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đạt 4,5%/năm trong những năm 1992-1995, 3,9-4,0% những năm 1995-2000, tiếp tục giảm xuống 3,7% giai đoạn 2000-2005 và tiếp tục giảm tới 2,1-2,8% những năm 2006-2008 (Bộ NN và PTNT, 2009). Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân: cơ sở vật chất kỹ thuật của nông nghiệp nghèo nàn, sản xuất nông nghiệp quá lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên, bị ảnh hưởng lớn của thiên tai. Hơn nữa, năng suất biên của đầu tư trong năng suất tổng số của nền nông nghiệp có xu hướng giảm dần. Điều đó nói lên rằng, hiệu quả đầu tư trong nông nghiệp đã đạt tới cận trên của đường cong năng suất. Do đó, động lực thúc đẩy cho nông nghiệp tăng trưởng là phải tập trung đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ để có thể tăng năng suất nông nghiệp ổn định và bền vững.

Thứ hai, đầu tư công cho nông nghiệp có xu hướng giảm dần.Tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp trong tổng đầu tư công của nền kinh tế từ 15% trong những năm 1997-2006 giảm xuống còn 8,6% trong năm 2007. Đầu tư của xã hội cho nông nghiệp tính trong đầu tư của toàn nền kinh tế giảm từ 13,8% nàm 2000, xuống còn 7,5% năm 2007. Tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài trong ngành nông nghiệp chiếm chưa đầy 4,0% vào năm 2007 (Đặng Kim Sơn, 2008). Thực trạng trên là một trong những lý do quan trọng làm cho tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp chậm lại.

Thứ ba, tỷ lệ giá cánh kéo ngày càng bất lợi cho nông nghiệp.Sự bất lợi trên thể hiện ở chỗ giá đầu ra của nông nghiệp tăng chậm hơn so với mức độ tăng giá đầu vào của nông nghiệp. Trong giai đoạn 1989 – 2000, giá đầu ra của nông nghiệp tăng 14,3%, thì giá đầu vào tăng 19,9%, giai đoạn 2000-2006, giá đầu ra tăng 4,2%, thì giá đầu vào tăng 10,0%. Điều đó có nghĩa là nông dân phải đổi nhiều nông sản hơn để có được một đơn vị đầu vào dùng cho nông nghiệp. Lợi nhuận mà nông dân thu được đang bị giảm dần. TÍnh trừ chi phí, thu nhập một ngày lao động của nông dân Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hoá chỉ chưa đầy 2000-3000đ/ngày công (Đỗ Kim Chung, 2008).

Thứ tư, diện tích đất nông nghiệp đang suy giảm. Trong quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá bình quân mỗi năm cả nước mất khoảng 74.000 ha đất nông nghiệp chuyển thành đất phi nông nghiệp (Nguyễn Sinh Cúc, 2008). Trong giai đoạn 2000 2005 đã có 366,4 nghìn ha đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp (chủ yếu xây dựng hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp và đô thị); trong đó 302,5 nghìn ha đất lúa (phần lớn là đất canh tác thuần thục). Ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng, nếu chuyển 1 ha đất nông nghiệp thành khu công nghiệp thì sẽ làm mất một tài sản kinh tế và ảnh hưởng đến ít nhất 12-25 người dân sống ở nông thôn (Đỗ Kim Chung, 2008). Điều này sẽ đe doạ tới quỹ đất nông nghiệp và khả năng đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm cho Việt Nam . Tình trạng manh mún đất tiếp tục diễn ra bởi quá trình tách hộ, thừa kế tài sản đất đai diễn ra ngày một nhiều. Tình trạng này hạn chế đến việc áp dụng cơ khí và công nghệ tiên tiến để tăng năng suất nông nghiệp.

2.2. Nông dân

Nông dân sản xuất nhỏ và manh mún.Cả nước hiện nay vó 12,6 triệu hộ nông dân. Bình quân mỗi hộ có 2,2 lao động, canh tác trên 0,4-1,2 ha. Số hộ có diện tích dưới 0,5 ha chiếm tới 61,2%. Nhiều nơi ở đồng bắng sông Hồng và miền Trung chỉ dưới 0,3 ha/hộ, cá biệt có xã quy mô đất sản xuất dưới 0,1 ha/hộ. Trong nông thôn, tỷ lệ số hộ chia đất của mình cho con cái theo truyền thống thừa kế tài sản chiếm tới 90%, trong số đó, số hộ tập trung ruộng đất để phát triển trang trại chưa đầy 3% (Đỗ Kim Chung, 2000). Do vậy, nông dân sản xuất nhỏ, manh mún vẫn là đặc trưng chủ yếu.

Cả nước đến năm 2008 có 113,7 nghìn trang trại. Trong đó, ĐBSCL chiếm 50%; cả ba vùng (ĐBSCL, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ) có 80.063 trang trại, chiếm 70,4% số trang trại cả nước. Xu hướng từ năm 2001 đến nay tăng mạnh trang trại chăn nuôi, thủy sản và sản xuất kinh doanh tổng hợp (đa canh); từ năm 2001 – 2007, trang trại trồng cây hàng năm giảm 35,6% xuống còn 28,7%; trồng cây lâu năm giảm từ 27,2% còn 20,1%; trang trại chăn nuôi tăng từ 2,9% lên 14,6%; trang trại nuôi trồng thủy sản từ 27,9% lên 29,6%… (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2009).

Càng làm nông nghiệp nông dân càng nghèo, làm lúa nông dân nghèo hơn.Cả nước 71% dân số làm nông dân, tỷ lệ nghèo là 20,4% cao gấp 4 lần so với cư dân không làm nông dân (5,0%). Cả nước có 53% dân số làm nghề trồng lúa và tỷ lệ nghèo của người trồng lúa là 23,4% gấp 3 lần so với những người không làm lúa (7,5%) (Đỗ Kim Chung, 2009).

Thu nhập của nông dân còn thấp.Mặc dù tỷ lệ lãi trong sản xuất lúa chiếm từ 35-45% (tuỳ vụ), nhưng thu nhập bình quân của hộ nông dân còn thấp (kể cả công lao động tự làm được gần 3 triệu đồng/hộ/vụ). Trong khi đó, việc đóng góp tuy đã giảm nhiều, nhưng bình quân chung vẫn còn cao (2007 còn 28 khoản, Bộ NN và PTNT, 2009). Mặt khác, ở nhiều vùng hạn hán, bão, lũ thường xuyên xảy ra, giá cả còn bấp bênh, nên thu nhập của người sản xuất (nhất là trồng lúa) còn rất thấp, tính rủi ro cao.

Nông dân di cư vào thành thị và các vùng nông thôn khác. Do thu nhập thấp, nông nghiệp trở nên không hấp dẫn, nhiều lao động nông thôn di cư vào thành thị để kiếm việc làm. Do đó, có tới 84,4% số hộ nông thôn ít nhiều có người đi làm thuê ở nơi khác (Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và CARE, 2006). Tình trạng nông dân di cư vào thành thị đã để lại ở nông thôn một lực lượng lao động nữ và người già. Những người nông dân kiếm việc làm ở thành thị chịu nhiều rủi ro về kinh tế và xã hội.

2.3. Nông thôn

Sự phát triển của nông thôn Việt Nam thể hiện ở các đặc điểm chủ yếu sau: T hứ nhất, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được tăng cường, nhất là thủy lợi, giao thông, điện góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đến nay, điện lưới quốc gia đã cấp điện cho 525/536 huyện đạt 97,95% (còn 1 huyện Mường Tè – Lai Châu, và 10 huyện đảo chưa có điệ lưới nhưng đã có điện diesel hoặc thủy điện nhỏ tại chỗ); 10.522 xã phường có điện lưới quốc gia, đạt 96,8%; số hộ có điện lưới quốc gia đat 93,34%; hầu hết các xã (98,9%). Thứ hai,nhà ở nông thôn đã được đầu tư xây dựng mới một cách nhanh chóng. Nhiều xã, thôn ở nông thôn vùng đồng bằng Băc Bộ, vùng miền Trung đã cơ bản hoàn thành việc “xoá” nhà tranh tre, nứa lá; vùng đồng bằng sông Cửu Long cơ bản hoàn thành việc “xoá” nhà tạm, nhà dột nát… Nhiều huyện, xã ở miền Bắc và miền Trung đã cơ bản “ngói hoá” nhà ở. Thứ ba, về thông tin liên lạc: tính đến năm 2006 đã lắp được hơn 2.848 tổng đài bưu điện tại vùng nông thôn, 64/64 tỉnh thành có mạng cáp quang; 100% xã có điện thoại cố định, bình quân 6,67 máy/100 dân; lắp đặt 749 trạm truy cập Internet và hơn 80.000 thuê vao Internet tại khu vực nông thôn; 7.920 điểm bưu điện văn hoá xã, đạt 85,5% (năm 2001 là 72%) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2009). Thứ tư, đời sống vật chất và tinh thầnđược cải thiện một bước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nông thôn Việt Nam đang phải đương đầu với các thách thức sau đây:

Thứ nhất, dân số tăng nhanh, tài nguyên đất nông nghiệp giảm tính trên đầu người giảm, làm tăng nguy cơ không an ninh về lương thực thực phẩm.Tỷ lệ dân số nông thôn giảm từ 93,1% năm 1930 xuống 75% năm 2005 và 73,0% năm 2009. Cùng với gia tăng dân số, mức ruộng đất nông nghiệp bình quân đầu người giảm từ 2.542m2 năm 1930 xuống 630m2 vào năm 2005 (bảng 1). Việc giảm diện tích đất nông nghiệp (nhất là đất lúa), cùng với tốc độ tăng dân số còn cao đã làm cho sản lượng lúa bình quân đầu người giảm dần (năm 2005 đạt bình quân 431 kg/người/năm, năm 2006 còn 426 kg, năm 2007 còn 421 kg và năm 2008 còn dưới 410 kg).

Bảng 1: Dân số nông thôn và bình quân đất nông nghiệp trên đầu người của Việt Nam

Năm

Dân số nông thôn (triệu người)

Tỷ lệ dân số nông thôn (%)

Đất nông nghiệp/khẩu (m2)

1930

16,375

93,1

2.542

1960

25,615

84,8

1.671

1990

45,143

80,6

829

2000

59,065

76,5

680

2005

63,750

75,0

630

Nguồn: Số liệu từ 1930-2000 trích trong Đỗ Kim Chung, 200, số liệu 2005 từ Niên giám thống kê.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng ở nông thôn vẫn còn rất nghèo nàn.Tuy nhiều nơi được báo cáo là đã hoàn thành các mục tiêu cơ bản của phát triển nông thôn, nhưng chất lượng các cơ sở hạ tầng ở nông thôn còn rất thấp.

Thứ ba, nông thôn đang được đô thị hoá và công nghiệp hoá trong bối cảnh chưa có quy hoạch tổng thế. Kiến trúc không gian nông thôn đang bị phá vỡ, môi trương nông thôn đang bị giảm cấp, tình trạng thất nghiệp của cư dân nông thôn đang tăng.

3. Định hướng chính sách cho vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn

3.1. Quan điểm

Để phát triển được nông nghiệp, nông thôn và giải quyết tốt vấn đề nông dân, cần coi nền kinh tế là hai khu vực: khu vực đầu tư công và khu vực tư nhân. Do đó, sự can thiệp chính sách của Chính phủ cho phát triển nông nghiệp và nông thôn cần tập trung vào khu vực đầu tư công – những lĩnh vực không hấp dẫn đầu tư tư nhân. Đầu tư công là để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển. Sự can thiệp của Chính phủ phải dựa trên cơ sở cơ chế thị trường. Chính phủ không làm thay thị trường. Thị trường điều tiết kinh tế tư nhân về cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp – nông thôn theo quy luật giá trị.

3.2. Một số định hướng chính sách

3.2.1. Định hướng chính sách phát triên nông nghiệp

Thực hiện tốt quy hoạch nông nghiệp. Quy hoạch nông nghiệp phải được đi trước một bước khi quy hoạch công nghiệp và đô thị. Quy hoạch nông nghiệp phải mang tính lâu dài, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia một cách bền vững, không phải 5 hay 10 năm mà là phải nhiều thập kỷ. Từ quy hoạch tổng thể mới có căn cứ đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn.

Tăng cường đầu tư công cho nông nghiệp. Lĩnh vực đầu tư công của nông nghiệp nhằm tạo điều kiện để kinh tế tư nhân, các tổ chức kinh tế nâng cao được năng lực cạnh tranh, tham gia hiệu quả vào thị trường. Đầu tư công của nông nghiệp tập trung vào các lĩnh vực không hấp dẫn đầu tư tư nhân như tăng cường cơ sở hạ tầng, thuỷ lợi, giao thông, kiểm soát dịch bệnh, phòng chống thiên tai, nghiên cứu khoa học, khuyến nông, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin.

Thực hiện đổi mới công nghiệp áp dụng trong nông nghiệp theo hướng công nghệ chi phí thấp, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của nông nghiệp.

Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp. Phân định rõ vai trò của Nhà nước và của thị trường trong việc phát triiển nông nghiệp. Tránh tình trạng Nhà nước làm thay thị trường.

3.2.2. Định hướng chính sách đối với nông dân

Tập trung nguồn lực tiến hành hỗ trợ nông dân về kiến thức và kỹ năng để ra các quyết định trong cơ chế thị trường. Thực hiện đào tạo nghề, nhất là ở những nơi đô thị hoá và thu hồi đất làm khu công nghiệp. Thực hiện tốt công tác khuyến nông, chuyển giao công nghệ để nông dân sản xuất hàng hoá, tăng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường vai trò của các tổ chức tự quản của Hội nông dân. Có chính sách cụ thể cho nông dân ở các vùng sản xuất khác nhau, nhất là các vùng được quy hoạch đảm bảo an ninh về lương thực thực phẩm. Gắn đầu tư công với phát triển kinh tế và xoá bỏ đói giảm nghèo một cách bền vững. Tôn trọng và có chính sách đảm bảo cho chuyển dịch có hiệu qủa lao động nông thôn. Xoá bỏ chính sách hộ khẩu để cho lao động tự do chuyển dịch, tìm cơ hội việc làm.

3.2.3. Định hướng chính sách phát triển nông thôn

Để phát triển bền vững nông thôn, phải thực hiện đồng thời các giải pháp về kinh tế, xã hội và môi trường. Về kinh tế cần tập trung đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, kiến trúc nông thôn, cung cấp thông tin, áp dụng công nghệ để tăng cao sức cạnh tranh của sản phẩm được sản xuất từ nông thôn. Về xã hội, phải phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, kiến trúc nông thôn, cung cấp thông tin, áp dụng công nghệ để tăng cao sức cạnh tranh của sản phẩm được sản xuất từ nông thôn. Về xã hội, phải phát triển tổ chức xã hội theo hướng tăng cao vai trò và sự tham gia của cư dân nông thôn. Cần chấp nhận nền kinh tế nông thôn có hộ nông dân, trang trại và các doanh nghiệp phát triển ở các mức độ khác nhau, thậm chí cả nông dân không đất. Tôn trọng và tạo điều kiện cho thị trường sức lao động, thi trường đất đai và thị trường khoa học công nghệ phát triển. Về môi trường, cần bảo tồn tài nguyên đất, nước và sinh vật, thực hiện quản lý tốt môi trường nông thôn./.

Tài liệu tham khảo

1.    Đỗ Kim Chung, 2002, Từ marketing nông nghiệp sang marketing thực phẩm nông sản: Kinh nghiệm từ các nước Châu Á, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế ssó 291, tháng 11-2002.

2.    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2006, Báo cáo về đa dạng sinh học, Hà Nội.

3.    Đỗ Kim Chung, 2000, Thị trường đất đai trong nông nghiệp Việt Nam : Thực trạng và các định hướng chính sách, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế số 260, tr.21-31.

4.    Đỗ Kim Chung, 2003, Rural development for Poverty Reduction and Growth in Vietnam, Vietnam Journal of Agriculture and Rural Development, Hanoi , pp 30-32.

5.    Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2009, Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, Hà Nội.

6.    Đặng Kim Sơn, 2008, Nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam , Nxb Chính trị quốc gia.

7.    Đỗ Kim Chung, 2008, Học thuyết kinh tế đối ngẫu trong phát triên nông thôn: bài học kinh nghiệm của Trung Quốc cho Việt Nam , Tạp chí Nghiên cứu kinh tế số 371, tr.46-50.

8.    Đỗ Kim Chung, 2009, An ninh lương thực thực phẩm: một số vấn đề lý luận và thực tiễn, định hướng chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 135, năm 2009.

9.    Nguyễn Sinh Cúc, 2008, Làm gì để phát triển bền vững tam nông trong thời gian tới. Tạp chí Ban tuyên giáo trung ương, http://tuyengiao.vn/Home/diendan/2008/7/74.aspxtrích lúc 13h23’ ngày 18/7/2008.

10.Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và CARE, 2006, Kết quả điều tra lao động di cư ở nông thôn.