Vấn đề ly hôn và tình trạng vi phạm pháp luật của người chưa thành niên ở Việt Nam hiện nay

Thông tin chỉ đạo – điều hành

Vấn đề ly hôn và tình trạng vi phạm pháp luật của người chưa thành niên ở Việt Nam hiện nay

Cập nhật ngày: 15-08-2017 | 10:06:59 GMT +7, lượt xem: 962

Tạp chí CSND – Theo Ban chỉ đạo Đề án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”, từ năm 2007 đến hết 2013, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ vi phạm pháp luật hình sự do hơn 94.300 người chưa thành niên gây ra.tv vi phạm pháp luật hình sự (tăng gần 4.300 vụ so với các năm trước đó).

Số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm gần 20% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc. Hầu hết người chưa thành niên phạm tội đều là nam giới, chiếm đến xấp xỉ 97% tổng số người vi phạm. Đáng báo động là độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, trong đó dưới 14 tuổi chiếm 13%; từ 14 – 16 tuổi chiếm 34,7%, từ 16 – 18 tuổi chiếm 52%. Theo kết quả nghiên cứu về đặc điểm nhân thân của 2.599 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự ở 4 khu vực (miền Bắc, miền Trung- Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ) cho thấy về hoàn cảnh gia đình, có tới 40,7% sống trong những gia đình không hoàn thiện (đa số do bố mẹ ly hôn). Để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng “một phần tương lai của đất nước” dấn thân vào con đường phạm tội, đòi hỏi phải tìm hiểu nguyên nhân của tình hình tội phạm do người chưa thành niên gây ra từ nhiều góc độ khác nhau, một trong những tiếp cận đó là xem xét ảnh hưởng của việc cha mẹ li dị nhau đến tình trạng vi phạm pháp luật của người chưa thành niên. 
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tình trạng ly hôn ở Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Riêng trong năm 2010, nước ta có gần 88.000 vụ ly hôn, tăng hơn 9.700 vụ so với năm 2009. Theo kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy việc ly hôn của cha mẹ thường để lại hậu quả về mặt tâm lý ở con cái họ đó là đứa trẻ bị trầm cảm, thất bại ở trường học và vi phạm pháp luật. Sự ảnh hưởng của việc ly hôn của bố mẹ đến sự hình thành và gia tăng tâm lý, hành vi tiêu cực, thậm chí là hành vi phạm tội ở người chưa thành niên được thể hiện ở các khía cạnh sau.
Ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em 
Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng. Một trong những chức năng chủ yếu của gia đình chính là chức năng giáo dục. Bản chất của giáo dục gia đình là quá trình đặt cơ sở quyết định cho sự hình thành nền tảng nhân cách ở tuổi niên thiếu, thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện nhân cách ở tuổi thanh niên, củng cố, giữ gìn nhân cách ở tuổi trưởng thành và khi về già. Chính vì vậy, giáo dục gia đình mang tính chất thường xuyên, lâu dài và có hệ thống chặt chẽ. Đứa trẻ trở thành người có nhân cách như thế nào phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn tuổi thơ (giai đoạn sống chủ yếu trong gia đình) và đứa trẻ là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ và những người thân sống trong gia đình.
Nhưng khi cha mẹ ly hôn, ở đứa trẻ dễ  thiếu đi sự hài hòa trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của bản thân khi chỉ sống với cha hoặc mẹ; thậm chí không sống với cả cha và mẹ, tức là mất đi cả hai chỗ dựa vô cùng cần thiết. Việc con cái thiếu người mẹ, sẽ thiếu đi sự hiện thân của lòng tốt, lòng thương cảm, tính dịu hiền và  sự quan tâm chăm sóc; còn thiếu người bố là sự thiếu hụt tính cứng rắn, tính nguyên tắc, tính nghiêm khắc, dũng cảm, có tổ chức trong nhân cách của trẻ.
Cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc trang bị cho con cái của họ cả tri thức về chuẩn mực đạo đức cũng như hình thành được những tình cảm mang tính đạo đức. Nếu thanh, thiếu niên được gia đình giáo dục đạo đức một cách đầy đủ từ khi còn nhỏ thì những nhận thức về thiện và ác, lương tâm,  danh dự,…sẽ giúp họ kiềm chế những ý muốn thực hiện hành vi tiêu cực. Đối với trẻ vị thành niên, giai đoạn đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời luôn là thời kỳ rất khó khăn. Để trưởng thành, các em phải có tính độc lập, biết tạo ra và nắm bắt các cơ hội trong cuộc sống. Trong tình cảm, các em phải có khả năng thiết lập được những mối quan hệ mật thiết, chân thành và biết cách nuôi dưỡng, giữ gìn nó. Gia đình là nơi cung cấp cho trẻ sức mạnh và những kỹ năng đó, là nơi tạo ra hình mẫu định hướng cho các quan hệ khác giới sau này. Khi tổ ấm gia đình bị tan vỡ, có thể làm cho trẻ mất đi niềm tin vào tình cảm tốt đẹp của con người, đồng thời thiếu các kĩ năng để xây dựng các mối liên hệ tình cảm tích cực với người khác, đặc biệt là người khác giới.
Nguy cơ rối nhiễu tâm lý cao 
Nếu như giáo dục ở nhà trường được thực hiện dựa vào trách nhiệm và nghĩa vụ của học sinh thì giáo dục con cái ở gia đình lại diễn ra trên cơ sở tình cảm yêu thương và tin cậy lẫn nhau giữa cha mẹ và con. Gia đình còn được gọi là tổ ấm –nơi tràn đầy tình yêu giữa những người ruột thịt, chính là điều kiện tốt nhất để giáo dục cho trẻ tình cảm, đạo đức và trách nhiệm đối với những người thân, với xã hội. Gia đình không chỉ trang bị cho trẻ kinh nghiệm sống, tri thức về chuẩn mực xã hội mà còn giúp con cái lấy lại cân bằng tâm sinh lý, nhất là giải tỏa những hẫng hụt, bực bội, lo âu, sợ hãi… trong cuộc sống hàng ngày.
Phản ứng tâm lý của trẻ đối với việc ly hôn của cha mẹ ở mức độ nhiều hay ít phụ thuộc vào ba yếu tố: tình trạng mối quan hệ giữa trẻ với cha và mẹ chúng trước khi bố mẹ ly hôn, cường độ và thời gian xung đột của cha mẹ, khả năng đáp ứng nhu cầu của con cái của cha mẹ trong và sau khi ly hôn. Thông thường,khi cha mẹ ly hôn, con cái hay thể hiện phản ứng tức thời là hoảng sợ, lo âu vì cảm thấy không phải cha mẹ từ bỏ nhau mà là từ bỏ chính chúng. Mức độ phản ứng này tùy thuộc vào việc đứa trẻ sống như thế nào trong gia đình.Trước khi ly dị, đứa trẻ càng được yêu thương và chăm sóc đầy đủ bao nhiêu thì sự hoảng sợ, lo âu càng cao bấy nhiêu. Sự lo âu này có thể biểu hiện theo hướng chuyển dịch vào bên trong như việc xuất hiện những triệu chứng đau đầu, đau dạ dày và rối loạn về ăn uống và giấc ngủ; hoặc theo hướng chuyển dịch ra bên ngoài, biến dạng thành những ứng xử khác như: quậy phá, đánh đập bạn ở trường, chống đối với giáo viên, không làm bài tập, thậm chí bỏ đi khỏi nhà v.v… Một trong những hậu quả lâu dài mà sự ly dị của cha mẹ để lại cho trẻ trai là xu hướng sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ gia đình sau này. Sở dĩ có sự ảnh hưởng đó là do trẻ trai thường có xu hướng đồng nhất hóa với những cá tính mạnh của cha mẹ hoặc đồng nhất hoàn toàn với người có cá tính mạnh để tự bảo vệ mình khỏi sự đau khổ và tuyệt vọng.Theo nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, nhóm trẻ trai trong các gia đình ly hôn có tỷ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và có nguy cơ xuất hiện các rối nhiễu tâm lý cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thường.
Có ý kiến cho rằng, khi chứng kiến cha mẹ ly hôn thì chỉ có những đứa trẻ dưới 12 tuổi mới hoảng sợ vì cảm thấy cô đơn và bất lực, đồng thời bộc lộ thái độ khó chịu, bực bội, tức giận đối với cha mẹ; còn đối với trẻ lớn hơn ở độ tuổi vị thành niên vì đã có thể hiểu và biết thông cảm cho cha mẹ thì sẽ không có những phản ứng này. Nhưng trên thực tế không hoàn toàn đúng như vậy. Khi cha mẹ ly hôn, nhiều đứa trẻ ở độ tuổi trên 12 tuổi vẫn tỏ ra tức giận và oán hận vì đối với chúng việc  gia đình ly tán đồng nghĩa với việc sụp đổ tất cả những dự định, kế hoạch, hoài bão tương lai của mình. Trong các nhóm bạn bè, trẻ có cha mẹ ly dị cảm thấy vị thế của mình trong nhóm không còn như trước nữa. Ở các em sinh ra tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc với bạn bè, có xu hướng co mình lại, hoặc chỉ thích chơi với một nhóm nhỏ 2 người. Trong các quan hệ xã hội, đứa trẻ sợ phải lặp lại những sai lầm mà cha mẹ đã mắc phải, sợ bị ruồng bỏ, bị phản bội, sợ phải chịu mất mát, đau đớn; nhất là đối với những đứa trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ gây gổ, chửi bới, thậm chí còn đập phá đồ đạc, hành hạ, ngược đãi nhau trước khi ly hôn. Do đó, dễ thấy trong nhiều trường hợp những đứa trẻ này khi ở giai đoạn sắp bước vào lứa tuổi thanh niên chỉ muốn có những quan hệ khác giới nhất thời, đơn thuần chỉ để thỏa mãn nhu cầu tình dục, thậm chí là lôi kéo nhau quan hệ tình dục theo kiểu “bầy đàn”.
Hơn nữa, có không ít trường hợp, khi ly dị, cha mẹ cố tình lôi kéo con cái về phía mình, coi con cái như một thứ vũ khí để trừng phạt người vợ hoặc người chồng của mình… Vì vậy, khi buộc phải ủng hộ một phía nào đó, con cái cảm thấy như đang phản bội lại cha hoặc mẹ mình, và đứa trẻ sẽ bị mặc cảm  tội lỗi dày vò, đeo bám trong một thời gian dài. Các em trai cũng có xu hướng đè nén tình cảm, làm cho mình rơi vào trạng thái “mất cảm giác” để có thể tiếp tục sống mà bớt đau khổ vì việc phải lựa chọn giữa bố hay mẹ. Chính từ cơ chế tự vệ tâm lý này mà nhiều trẻ trai trở nên cằn cỗi, dễ bị ức chế, khó hình thành tình cảm thân mật, cởi mở, dẫn đến sự kém tự tin trong các mối quan hệ khác giới, dễ tự ái, co mình lại.
Như một hệ quả tất yếu, thiếu hụt sự bảo ban, dạy dỗ, định hướng của cha mẹ, gặp nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng tâm lý- xã hội (khó khăn trong học tập, khó khăn trong việc thích ứng với hoàn cảnh sống mới,…), cộng với sự buồn tủi, mặc cảm bản thân  sẽ khiến đứa trẻ muốn chôn vùi cuộc sống của mình vào thế giới game online và các tệ nạn xã hội, từ đó, dễ dàng bị sa ngã vào con đường phạm tội.
Dễ bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực của môi trường xã hội.
Gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc trang bị tri thức pháp luật và giáo dục ý thức pháp luật cho trẻ. Nếu trẻ nhận được sự giáo dục đúng đắn và đầy đủ của gia đình, chủ yếu từ phía cha mẹ về vấn đề này thì trẻ sẽ biết những gì pháp luật cho phép được làm, không được làm, buộc phải làm và những hình phạt tương ứng sẽ phải chịu nếu như vi phạm pháp luật. Cùng với giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật sẽ góp phần trang bị cho trẻ “khả năng đề kháng” bên trong giúp trẻ vượt qua được những cám dỗ trong cuộc sống, tránh xa những tệ nạn xã hội, thực hiện những hành vi phù hợp với chuẩn mực xã hội, hình thành được thói quen sống phù hợp với pháp luật. 
Thực tiễn hiện nay cho thấy, chưa bao giờ trẻ em nước ta phải đối mặt với nhiều vấn đề tiêu cực của xã hội như hiện nay. Mặt trái của sự phát triển kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hoá đã dẫn đến trong nội tại môi trường xã hội chứa đựng đầy sự phức tạp, đặc biệt là các thành phố, các khu vực có tốc độ đô thị hoá cao. Chính môi trường này đôi khi làm cho trẻ chưa thành niên, lứa tuổi vốn có tâm lý thiếu ổn định, xốc nổi, thích độc lập và thích khẳng định mình, mất đi khả năng điều chỉnh hành vi phù hợp với chuẩn mực pháp luật mà chỉ thích hưởng thụ hoặc đòi hỏi, không có kỹ năng sống để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Nguy cơ này có thể dễ xảy ra đối với những trẻ sống trong hoàn cảnh có bố mẹ lý hôn. Bởi  đối với gia đình ly hôn, trẻ dễ có nguy cơ không nhận được sự giáo dục pháp luật đầy đủ như đứa trẻ sống trong gia đình hoàn thiện. Người mẹ hoặc người chồng đơn thân sau khi ly hôn thường phải đối mặt với vấn đề mưu sinh nặng nề hơn trước khi ly hôn, cùng với những tổn thương tâm lý sau khi ly hôn nên việc giáo dục pháp luật cho con cái ít nhiều bị ảnh hưởng. Ngay cả những gia đình mà cha hay mẹ tiếp tục đi bước nữa thì trong nhiều trường hợp người mẹ kế hay cha dượng khó có thể làm tốt công tác giáo dục pháp luật cho con riêng của người chồng hay vợ của mình. Vì để giáo dục đạo đức và pháp luật cho trẻ em trong gia đình hiệu quả thì không phải hoàn toàn dựa trên sự áp đặt mà phải dựa trên tình yêu thương và sự kính trọng của con cái đối với cha mẹ. Rõ ràng, sự thiếu hụt trong giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức cho con cái ở các gia đình có bố mẹ ly hôn sẽ dẫn đến hậu quả là sự hình thành nhân cách, hành vi, lối sống của đứa trẻ sẽ bị tác động, ảnh hưởng một cách mạnh mẽ bởi những tiêu cực của môi trường xã hội.
Đây là một trường hợp điển hình trong số đó: Tháng 6 năm 2011, Đào Thị Thu Hương tức My “sói” là thủ lĩnh của một nhóm gồm bảy đối tượng nam giới, đã bị truy tố xét xử tại tòa với các tội danh hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản. Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của Hương thì có thể hiểu được đó là hậu quả tất yếu của một đứa trẻ bị bỏ rơi. Bố mẹ bỏ nhau từ lúc 1 tuổi, Hương ở với ông bà ngoại. Năm Hương 12 tuổi thì ông bà ngoại lần lượt qua đời. Ở giai đoạn mà một đứa trẻ đang hình thành nhân cách của bản thân, rất cần sự quan tâm, dạy dỗ của cha mẹ thì Hương lại bơ vơ dù vẫn còn cả bố lẫn mẹ. Hương kể lại lần cuối cùng ở với bố là sau trận đòn của mẹ ghẻ. Hương bỏ chạy, sang ở hẳn với mẹ. Nhưng do công việc nên mẹ của Hương cũng không có nhiều thời gian quan tâm đến cô con gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Thiếu sự quan tâm của cha mẹ, đứa trẻ ấy đã tìm tới những “anh chị giang hồ” cho đỡ buồn. Lúc đầu chỉ là những buổi dạt nhà, ngồi lì trong quán nét. Dần dần, Hương bước chân vào các quán bar, sàn nhảy, nhà nghỉ. Thậm chí, Hương còn được theo chân các nhóm giang hồ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Sau này, trong trại giam, nhắc tới chuyện gia đình, Hương đã khóc và tâm sự rằng: “Lúc ông mất, con như người bơ vơ, không còn ai trên đời này thương con nữa. Con thấy quanh mình chỉ còn người chú ruột nghiện ngập. Bố có gia đình riêng, mẹ còn mải lo cho hạnh phúc riêng mình. Hơn nữa, anh em, bạn bè đã bỏ học, rủ con chơi bời thâu đêm, suốt sáng cho quên sự đời. Từ đó, con tự coi mình là đứa trẻ lạc loài. Phải bằng mọi cách để tự làm chủ đời mình, nhất thiết con phải “xù lông” lên thì mới tồn tại được chứ. Con nhận thấy mình hư hỏng, không bình thường… nhưng đã bước đi rồi thì không dừng lại được. Có lúc con thèm một bàn tay cứu rỗi…”
 Trong thời gian tới, nước ta tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Thực tế đó sẽ kéo theo những biến đổi trong văn hóa, đạo đức xã hội, làm giá trị đạo đức truyền thống trong mỗi gia đình bị phá vỡ, tình trạng ly thân, ly hôn có xu hướng năm sau cao hơn năm trước và mang tính phức tạp hơn, đặc biệt trong các gia đình trẻ. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Từ những vấn đề phân tích ở trên, để phòng ngừa tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong các gia đình có bố mẹ ly hôn cần có giải pháp sau đây:
Để hạn chế tình trạng ly hôn ở nước ta, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về xây dựng gia đình; giáo dục đời sống gia đình thông qua các nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán; đẩy mạnh công tác tham vấn về kiến thức tiền hôn nhân, giao tiếp, lối ứng xử trong gia đình… tại các Trung tâm tư vấn tâm lý, tại trang Website hôn nhân và gia đình, các trường đại học, cao đẳng,…nhằm cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kiến thức, kinh nghiệm để xây dựng mối quan hệ tương hỗ, thân thiện, gần gũi hơn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”,“Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ”. Cần biểu dương, nhân rộng những  gia đình nêu gương sáng trong khó khăn vươn lên xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, nuôi dạy các con ngoan, học giỏi, thành đạt, hiếu thảo, chăm lo phụng dưỡng ông bà, kính trên, nhường dưới; tuyên truyền  những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn về đề tài gia đình. Cần tăng cường hơn nữa công tác hoà giải để các cặp vợ chồng muốn ly hôn có cơ hội trở lại đoàn tụ, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc và nuôi dạy con cái.
Đối với những gia đình ly hôn, các tổ chức xã hội trên địa bàn như hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội Cựu chiến binh nên có những tư vấn, giúp đỡ những người cha, người mẹ đơn thân sau ly hôn có các phương pháp chăm sóc, giáo dục con cái phù hợp. Hội Phụ nữ cần phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong việc tư vấn, giúp đỡ các cặp vợ chồng tiến hành việc ly hôn văn minh, tôn trọng lẫn nhau, có tính đến các phương án nhằm hạn chế tổn thương cho trẻ một cách ít nhất. Ở các trường học, trong chương trình giáo dục kỹ năng sống cần chú ý riêng đối với những học sinh sống trong gia đình có bố mẹ ly hôn, giúp các em có kỹ năng đương đầu và thích nghi với hoàn cảnh của mình một cách đúng đắn. Tương tự như vậy, trong các trường giáo dưỡng cần chú trọng trang bị các kỹ năng sống cho những học sinh có bố mẹ ly hôn để khi trở về với cộng đồng, những học sinh này có thể hoà nhập được với gia đình, cộng đồng của mình. Lực lượng cảnh sát khu vực cần ý thức được sự ảnh hưởng nhất định của việc ly hôn của cha mẹ đối với tình trạng vi phạm pháp luật của người chưa thành niên. Vì thế, cần thiết phải quan tâm, lưu ý đến những đứa trẻ sống trong những gia đình ly hôn trên địa bàn mình phụ trách, đặc biệt là những gia đình ly hôn có con cái đang ở giai đoạn chưa thành niên có biểu hiện hư hỏng, phá phách, bỏ học.
Đỗ Thị Thu Trang, Lê Bích Ngọc
Bộ môn Tâm lý, T32
Tài liệu tham khảo:
1-Tội phạm học Việt Nam, tập 2, NXB Công an nhân dân, 2013.
2- Kathleen O’Connell Corcoran, Psychological and emotional aspects of divorce, June 1997, http://www.mediate.com/articles/psych.cfm
3- Nguyễn Thị Minh Hằng, Một số đặc điểm tâm lí của trẻ em có cha mẹ li hôn. Tạp chí Tâm lí học, số 2 tháng 2/2003.
4-. Đặng Thanh Nga, Một số đặc điểm tâm lý của người chưa thành niên phạm tội, Trường Đại học Luật Hà Nội, số 1/2008.

Theo Tạp chí Cảnh sát nhân dân – Csnd.vn