Vấn đề đô thị và quản lý phát triển đô thị hiện nay

Các đô thị ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, của từng vùng, từng tỉnh.Nhìn chung, các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị được xây dựng,

Sơ lược thực trạng đô thị Việt Nam

Trong thời gian qua, Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể trong công cuộc xây dựng và phát triển đô thị. Nhiều đô thị được hình thành, nâng cấp; nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đô thị được ban hành; nhiều đồ án quy hoạch đô thị được thiết lập; chất lượng nhiều đô thị được nâng cao vượt bậc, kể cả nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội. Các đô thị ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, của từng vùng, từng tỉnh. Tại các đô thị, công nghiệp phát triển mạnh đã thúc đẩy sự phát triển của đô thị trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống đô thị Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Năm 1999, cả nước chỉ có 629 đô thị (mức độ đô thị hóa là 23,7%) thì đến cuối năm 2018, tổng số đô thị đã là 819 (mức độ đô thị hóa là 38,4%) và đến cuối năm 2019, tổng số đô thị là 835 (mức độ đô thị hóa là 39,2%). Theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2025, cả nước có khoảng 1.000 đô thị (mức độ đô thị hóa chiếm khoảng 50%).

Một góc Thành Phố Hồ Chí Minh (Nguồn: zing.vn)

Bên cạnh việc ra đời của Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 thể hiện sự tích hợp, lồng ghép trong các loại đồ án quy hoạch; Luật Kiến trúc có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đô thị đã được ban hành. Nhiều chiến lược quan trọng có nội dung liên quan đến đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang được thực hiện như: Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trong thời gian gần đây, Bộ Xây dựng đã tập trung nghiên cứu điều chỉnh Chiến lược phát triển đô thị quốc gia; xây dựng Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2021 – 2030; triển khai Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh; triển khai Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” nhằm lồng ghép những nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu vào các văn bản quy phạm pháp luật cũng như vào các định hướng quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia đến năm 2025 và quy hoạch chung các đô thị; điều chỉnh và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Nhìn chung, các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị được xây dựng, điều chỉnh theo hướng phù hợp với thực tiễn và đáp ứng các yêu cầu của phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Nhiều đồ án quy hoạch đô thị được lập, 100% số đô thị có quy hoạch chung. Đây là những định hướng tốt cho các đô thị phát triển trong tương lai, đồng thời làm cơ sở cho việc lập các đồ án quy hoạch phân khu (chiếm khoảng 70%) và quy hoạch chi tiết (chiếm khoảng 35% tổng số diện tích đất xây dựng đô thị).

Bên cạnh đô thị, khu vực nông thôn cũng được quan tâm đáng kể, trên 99% số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Chất lượng nhiều đô thị được nâng cao nhanh chóng, từ nhà ở đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội. Nhiều không gian xanh được mở rộng, nhiều khu thương mại, dịch vụ và giải trí được xây dựng. Nhiều tuyến giao thông được xây dựng mới và nâng cấp (đường cao tốc, đường trên cao hay các tuyến tàu điện ngầm). Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 88%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 20%. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 86%. Diện tích bình quân sàn nhà ở toàn quốc đạt 24,25m2/người. Chất lượng các công trình xây dựng về cơ bản được bảo đảm, đáp ứng được nhu cầu của người dân đô thị. Bên cạnh những thành công đạt được, lĩnh vực quy hoạch, quản lý và phát triển hệ thống đô thị còn tồn tại nhiều hạn chế và có phần gia tăng. Một số hạn chế cơ bản đáng lưu ý là:

Một là, chính sách và hệ thống cơ sở pháp lý còn chồng chéo, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất ở một số nội dung. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực quản lý xây dựng có lúc chưa thường xuyên, kịp thời. Trước năm 2019, có nhiều loại quy hoạch ở cấp tỉnh, thành phố được lập, mỗi loại do một bộ, ngành quản lý, như: Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý; quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn và quy hoạch đô thị do Bộ Xây dựng quản lý; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đô thị và nông thôn do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý; việc quản lý các lĩnh vực khác do các bộ, ngành khác quản lý. Điều này trên lý thuyết hiện nay đã được khắc phục do có Luật Quy hoạch, tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều chương trình, định hướng đã được ban hành, nhưng hiệu lực pháp lý chưa cao cũng như chưa có các hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực hiện và việc phân bổ nguồn lực để triển khai. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện, hoàn thiện hệ thống thể chế còn ban hành chậm so với tiến độ, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thi hành các luật chuyên ngành. Các quy định, chính sách ưu đãi để khuyến khích, huy động nguồn lực phát triển chưa rõ ràng và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Khung pháp lý chưa có quy định về vấn đề huy động, khai thác và sử dụng các nguồn lực cho phát triển đô thị, đặc biệt là phát triển không gian và đất đai đô thị.

Hai là, đô thị hóa nhanh đã dẫn đến một số bất cập, như tình trạng mở rộng đô thị có mật độ thấp, sử dụng đất đai chưa hiệu quả, tính cạnh tranh của các đô thị không cao. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị đã làm cho dân số đô thị tăng nhanh, trong khi kết cấu hạ tầng không đáp ứng đầy đủ, tạo nên sức ép quá tải ngày càng lớn. Các dòng dịch cư từ nông thôn vào đô thị ngày càng tăng và rất khó kiểm soát. Sức ép dân số đô thị vốn đã quá tải lại càng quá tải hơn (về đất đai, kết cấu hạ tầng, công tác quy hoạch và quản lý đô thị…). Do đó, dù muốn hay không đã tạo nên nhiều khu nhà ổ chuột, nhà trên kênh rạch, nhà tạm, nhất là các đô thị lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ. Khoảng cách mức sống giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn ngày càng chênh lệch; tệ nạn xã hội khu vực đô thị ngày càng phức tạp. Quá trình đô thị hóa tại nhiều khu vực đang diễn ra theo chiều hướng mở rộng lãnh thổ sang khu vực nông thôn. Đây là một vấn đề bức xúc, thách thức lớn về an ninh lương thực, thực phẩm và chất lượng sống của đô thị.

Ba là, số lượng đô thị tăng nhanh nhưng chưa đáp ứng được các yêu cầu của phát triển bền vững. Cuối năm 2015, mặc dù số lượng đô thị tăng nhiều nhưng vẫn không đạt được mong muốn theo Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 (787 đô thị so với 870 theo Định hướng). Nhiều đô thị được nâng loại nhưng chưa đạt được đầy đủ các quy định đã ban hành(1), còn “nợ” nhiều tiêu chí. Tình trạng các đô thị được nâng loại và cho “nợ” chỉ tiêu là phổ biến, trong đó có nhiều khoản nợ không trả được, như dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.

Cũng vì vậy mà trong Báo cáo “Việt Nam 2035” do Ngân hàng Thế giới cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện năm 2016(2) đã đánh giá: Hệ thống phân loại, nâng cấp và quy hoạch đô thị bất hợp lý, kích thích các địa phương chạy theo thành tích mở rộng quy mô các đô thị và đầu tư quá mức, không quan tâm đến các chỉ tiêu thực chất, như mật độ dân số và khả năng kết nối để kích thích tăng trưởng. Dân số tại các đô thị lớn tăng nhanh, thiếu kiểm soát, tạo thêm nhiều áp lực về hệ thống dịch vụ đô thị và hạ tầng kỹ thuật, trong lúc mật độ dân số của nhiều đô thị là thấp và hầu như không thay đổi gì kể từ năm 2000 tới nay. Tăng tốc độ đô thị hóa, dịch chuyển ồ ạt dân cư nông thôn vào thành phố nhằm tìm kiếm công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người nghèo, nâng cao chất lượng môi trường và cuộc sống,… là những thách thức chưa từng thấy trong nền kinh tế đang phát triển. Các đô thị Việt Nam chưa được liên kết tốt với nhau để tạo thành một hệ thống đồng bộ. Nhiều quy hoạch vùng liên tỉnh đã được thiết lập, tuy nhiên, giữa các tỉnh cũng như hệ thống các đô thị chưa có mối liên kết chặt chẽ với nhau, vẫn còn tình trạng các tỉnh phát triển độc lập và thiếu đồng bộ trong từng vùng, chưa bảo đảm sự kết nối giữa đô thị và vùng, nhất là về hạ tầng khung. Khác với thế giới, các đô thị Việt Nam thường hình thành với một thành phố hạt nhân luôn bị quá tải, bao quanh là vùng nông thôn rộng lớn mang nặng cơ cấu truyền thống văn hoá làng, xã với mặt bằng dân trí không cao. Có sự đối lập rõ nét của khu vực nhà cao tầng, khu nhà ở sang trọng và các xóm nhà lụp xụp, tạm bợ của người nghèo và người mới nhập cư.

Bốn là, các phương pháp và quy trình lập quy hoạch chưa tiên tiến; các mô hình phát triển đô thị chưa được đề xuất rõ ràng, đáp ứng nhu cầu phù hợp với bối cảnh của các địa phương, vùng, miền khác nhau. Vấn đề lồng ghép các tiêu chí bền vững vào phát triển đô thị thực hiện chưa được hiệu quả. Chất lượng một số đồ án quy hoạch đô thị còn thấp. Các phương pháp quy hoạch còn lạc hậu, được sử dụng từ thời kỳ bao cấp, kinh tế tập trung. Quy hoạch chi tiết tại nhiều địa phương bị điều chỉnh tùy tiện, không đúng quy trình, thủ tục, thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, trong khi giảm diện tích công cộng và cây xanh, điều này dẫn đến việc quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong các khu đô thị.

Công tác lập, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch tại một số đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ, công tác quản lý chưa kiểm soát được sự phát triển của đô thị. Phát triển đô thị không đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, một số nội dung không theo quy hoạch, kế hoạch. Việc nghiên cứu áp dụng các mô hình mới trong phát triển đô thị, như đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, đô thị tăng trưởng xanh là phù hợp với xu hướng hiện nay. Tuy nhiên, mô hình phát triển các đô thị tại các vùng, miền khác nhau, nơi có đặc điểm riêng khác nhau chưa được định hướng cụ thể và có sự lựa chọn thích hợp. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế đang được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, không căn cứ vào đặc trưng vùng, miền cũng như thực tế phát triển của từng đô thị.

Năm là, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh và không đồng bộ, chưa thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Khu vực đô thị đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường và tình trạng suy thoái môi trường còn xảy ra nghiêm trọng. Tắc nghẽn giao thông là tình trạng phổ biến hiện nay tại các đô thị lớn. Hệ thống cây xanh, công viên cũng như các hạ tầng kỹ thuật khác không đáp ứng yêu cầu của người dân đô thị. Do chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của ứng phó với biến đổi khí hậu và thiếu kinh phí lập bản đồ cảnh báo thiên tai cho các chủ đầu tư, người dân và các cơ quan chính quyền, việc triển khai của các địa phương thực hiện các quy định của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu còn rất chậm và chưa hiệu quả. Mục tiêu chính sách bảo vệ môi trường đô thị có sự chưa thống nhất giữa các ngành. Các công cụ đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động của môi trường còn hạn chế, chưa phát huy được chức năng ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường trong quá trình phát triển đô thị.

Sáu là, việc huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị không đủ để thực hiện các kế hoạch, quy hoạch hiện hành một cách hiệu quả. Nhiều dự án bị kéo dài thời gian thực hiện gây lãng phí nhiều nguồn tài nguyên của đất nước. Một số công trình xây dựng sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước do tư nhân quản lý có chất lượng còn thấp. Năng lực quản lý và phát triển đô thị nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển đô thị bền vững. Tại một số địa phương, việc thực hiện các công tác, nhiệm vụ của Chính phủ giao chưa tốt, vẫn còn tình trạng chậm, muộn; chất lượng tham mưu chưa cao; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa có nhận thức thật sự đầy đủ về phát triển đô thị bền vững. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra ở một số địa bàn trong cả nước. Việc xử lý, khắc phục các sai phạm chưa kịp thời, dứt điểm. Việc bám sát, theo dõi, xử lý vướng mắc phát sinh từ thực tiễn còn hạn chế, chưa quyết liệt.

Một góc Thủ đô Hà Nội – Ảnh: Tư liệu

Một số giải pháp về quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam

Các thành tựu đạt được trong quản lý phát triển đô thị thời gian qua cần được phát huy, nhiều hạn chế cần được khắc phục, nhiều giải pháp cần được nghiên cứu đồng bộ và hoàn chỉnh nhằm tạo nên hệ thống đô thị Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai. Để có được hệ thống đô thị Việt Nam phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước, nhất là khi nước ta phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cần thực hiện một cách bài bản, hệ thống và toàn diện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý phát triển đô thị Tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật nhằm thực hiện Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019), Luật Kiến trúc (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020). Nghiên cứu, điều chỉnh đồng bộ các luật liên quan, như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật khác. Việc lồng ghép các yếu tố về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh,… vào các văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết. Cần rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và đề xuất điều chỉnh các định hướng, chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển đô thị, cũng như có những giải pháp cụ thể cho từng trường hợp. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đã được điều chỉnh, tuy nhiên, các chỉ tiêu vẫn quy định chung cho các loại đô thị, khi triển khai cần căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng, miền (ngay cả các đô thị miền núi, mức độ địa hình phức tạp, mảng rừng, cây xanh, mật độ dân số cũng rất khác nhau). Bên cạnh đó, việc áp dụng các chỉ tiêu xây dựng cho các đô thị cùng loại cũng cần cân nhắc tùy thuộc vào thực tế của từng đô thị (trong thực tế, các đô thị cùng loại chưa hẳn đã có cùng các thông số, như đất đai, dân số, nguồn tài nguyên). Cần xây dựng mới Tiêu chuẩn Việt Nam về Quy hoạch xây dựng và các tiêu chuẩn liên quan.

Thứ hai, lựa chọn mô hình phát triển cho các đô thị Việc lựa chọn mô hình phát triển thích hợp cho từng vùng, miền, từng đô thị là hết sức cần thiết, nhằm xây dựng các đô thị có bản sắc và tận dụng triệt để các đặc điểm phát triển đặc thù. Bên cạnh các đô thị truyền thống, các mô hình phát triển đô thị bền vững đang được quan tâm và có thể áp dụng ở Việt Nam, như đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị ít các-bon, đô thị nén, đô thị sinh thái – kinh tế, đô thị xốp. Ngoài ra còn một số mô hình đô thị khác, như đô thị phát triển theo định hướng giao thông công cộng, đô thị thiết kế định hướng cho người đi bộ, đô thị với các khu vực bảo tồn di sản, đô thị với các khu vực phát triển du lịch. Mỗi loại hình đô thị có các tiêu chí và ưu điểm riêng, tuy nhiên, mục đích cao nhất vẫn là phục vụ chất lượng sống tốt hơn cho con người. Hiện tại, chưa có một định nghĩa chính thức nào trong các văn bản quy phạm pháp luật về các loại hình đô thị nêu trên, tuy nhiên, có thể được hiểu và vận dụng như sau:

Một là, mô hình đô thị thông minh. Đây là mô hình cho đô thị kết hợp công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao chất lượng và hiệu suất của các dịch vụ đô thị, như năng lượng, giao thông và tiện ích nhằm giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm lãng phí và chi phí tổng thể. Đạt được “đô thị thông minh” là một quá trình chứ không thể là một kết quả tức thời, trong đó, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, vốn xã hội và công nghệ kỹ thuật số làm cho thành phố dễ sống hơn, thích ứng và có khả năng đáp ứng tốt hơn với những thách thức. Mô hình này phù hợp với việc áp dụng và thực hiện cho tất cả các đô thị ở Việt Nam, tùy thuộc vào các nguồn lực sẵn có theo tình trạng thực tế của đô thị, đặc biệt là cho các thành phố lớn, như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.

Hai là, mô hình đô thị xanh. Đô thị theo mô hình này là các đô thị có kế hoạch giảm thiểu tác động của môi trường bằng cách giảm chất thải, giảm phát thải, tăng cường tái chế, giảm mật độ nhà ở, đồng thời tăng cường không gian mở, cây xanh và khuyến khích phát triển các doanh nghiệp địa phương bền vững. Đô thị xanh cần đạt được tiêu chí của một đô thị bền vững. Đó là một đô thị, nơi sinh sống của những người có ý thức giảm thiểu đầu vào cần thiết về năng lượng, nước, thực phẩm, chất thải, nhiệt độ, ô nhiễm không khí – CO2, khí mê-tan và ô nhiễm nước. Mô hình này có thể áp dụng cho toàn bộ địa bàn của từng đô thị ở Việt Nam, nhưng cũng có thể áp dụng riêng cho các khu đô thị mới.

Ba là, mô hình đô thị sinh thái. Đây là mô hình định cư con người dựa trên cấu trúc và chức năng tự phục hồi của các hệ sinh thái tự nhiên. Đô thị sinh thái hướng đến cung cấp sự phong phú, lành mạnh cho cư dân trên cơ sở không tiêu thụ nhiều tài nguyên không thể tái tạo. Mô hình đô thị sinh thái có thể được áp dụng cho bất kỳ địa phương nào ở Việt Nam, tuy nhiên, trước mắt chỉ nên áp dụng cho các đô thị có điều kiện về kinh tế và kỹ thuật, nơi ít gặp khó khăn về khả năng tiếp cận kỹ thuật và tài chính.

Bốn là, mô hình đô thị nén. Đô thị nén là một trong những mối quan tâm chính về tính bền vững đô thị, nhằm vào yêu cầu sử dụng đất tốt hơn. Mô hình này đòi hỏi cách suy nghĩ mới liên quan đến quy hoạch thành phố, thiết kế đô thị, giao thông và nhà ở. Đô thị nén là khu vực định cư đô thị với mật độ dân cư cao và có các đặc điểm chính, như phát triển khu vực trung tâm, phát triển mật độ cao với chức năng hỗn hợp. Khu vực lân cận đô thị nén dành cho cây xanh, khoảng trống phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí hay sản xuất thực phẩm, trồng hoa tươi phục vụ đô thị. Đô thị nén phù hợp cho các khu đô thị mới ở Việt Nam, nơi có địa hình phù hợp. Có thể áp dụng mô hình này cho khu vực trung tâm và các khu vực cũ phục hồi, tuy nhiên, ứng dụng của nó có thể bị hạn chế ở các thành phố lớn ở Việt Nam do những hạn chế về hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Năm là, các mô hình khác. Việt Nam có thể áp dụng một số mô hình sau đây cho phát triển đô thị bền vững: – Phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là loại hình phát triển cộng đồng bao gồm hỗn hợp thương mại, dân cư, văn phòng và giải trí, hoặc các tiện nghi khác được tích hợp vào một khu vực có thể đi bộ đến các đầu mối giao thông công cộng có chất lượng. TOD phù hợp cho cả khu vực đô thị mới và khu tái định cư; đặc biệt, đây là cơ hội để khai thác triệt để giá trị sử dụng đất. – Thiết kế định hướng cho người đi bộ (POD) là chính sách thân thiện với người đi bộ, cung cấp lối đi bộ dễ dàng, thoải mái cho người đi bộ đến các khu thương mại và dân cư cũng như các trạm trung chuyển. POD được sử dụng thông qua sự kết hợp của thiết kế không gian bao gồm phát triển tập trung, sử dụng hỗn hợp, giao thông yên tĩnh – định hướng tiếp cận các tuyến công cộng và các loại nhà ở khác nhau. POD là mô hình phù hợp để áp dụng rộng rãi cho tất cả các thành phố và đô thị ở Việt Nam. – Khu bảo tồn di sản là một khu vực riêng biệt với giá trị và đặc điểm di sản nổi trội. Việc bảo tồn các khu vực này là không thể thiếu nhằm bảo tồn ý nghĩa đặc biệt của những địa điểm đó, đóng góp cho đặc trưng tổng thể của thành phố và khai thác du lịch, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của các thế hệ tương lai. Khu bảo tồn di sản nhằm bảo vệ lâu dài cho một khu vực đặc biệt có giá trị di sản hoặc đặc trưng di sản. Mô hình này có thể được áp dụng cho các khu vực có di sản đô thị của các đô thị Việt Nam. – Khu phát triển du lịch là một khu vực bao gồm các điểm du lịch có liên quan chặt chẽ với nhau về bản chất, lịch sử hoặc văn hóa. Hoạt động du lịch phụ thuộc rất nhiều vào môi trường tự nhiên và văn hóa – xã hội mà chất lượng của nó phải được bảo vệ nhằm tránh bị khai thác quá mức bởi các lợi ích thương mại. Quy hoạch không gian các khu du lịch ngoài khu định cư rất quan trọng đối với phát triển du lịch ở Việt Nam, vì các đặc điểm của khu du lịch tác động đáng kể đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch được tạo ra ở đó. – Đô thị xốp là đô thị được thiết kế để hấp thụ thụ động, làm sạch và sử dụng lượng mưa theo hướng thân thiện với môi trường, làm giảm dòng chảy nguy hiểm và ô nhiễm. Các kỹ thuật liên quan bao gồm các con đường thấm nước, vườn trên mái nhà, vườn thu gom nước mưa, không gian xanh và mặt nước như ao, hồ. Ở Việt Nam, mô hình này có thể được đưa vào từng khu vực đô thị hiện hữu, nơi các vấn đề về chất lượng cấp nước và thoát nước đang được phổ biến và nên được lồng ghép vào quy hoạch cho tất cả các khu đô thị mới tiếp giáp với các khu vực hiện hữu.

Thứ ba, cải tiến phương pháp lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị Công tác quy hoạch đô thị cần được đổi mới về lý luận, phương pháp và quy trình thực hiện phù hợp với tình hình mới, theo cơ chế thị trường, do phương pháp quy hoạch đô thị đang được triển khai ở Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào những nội dung có từ thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Đôi khi việc quy hoạch chung được lập ra theo các ý tưởng chủ quan với các dữ liệu lý tưởng và có kế hoạch; quy hoạch chi tiết chưa hoàn toàn căn cứ vào nguồn lực thực hiện. Điều này dẫn đến tình trạng ở nhiều địa phương, nhiều đô thị không triển khai được đồ án quy hoạch hoặc phải điều chỉnh thường xuyên. Việc lập quy hoạch đô thị sắp tới sẽ phải căn cứ nhiều hơn vào tính tích hợp, điều kiện thực tế và đặc biệt là nguồn lực thực hiện. Phát triển đô thị cần có chiến lược lâu dài, và vì vậy, quy hoạch chiến lược có thể là một trong những phương pháp quy hoạch thích hợp cho các đô thị ở Việt Nam. Đối với các khu vực cụ thể, cần chọn những hành động cụ thể để thực hiện, căn cứ vào nhu cầu và nguồn lực của các nhà đầu tư phát triển đô thị.

Khi phương pháp quy hoạch được thay đổi, đương nhiên quy trình thực hiện đồ án cũng thay đổi theo. Việc nâng loại đô thị nhất thiết phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, cụ thể là đáp ứng các tiêu chí trong Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những đô thị chưa đạt yêu cầu, cần có kế hoạch hợp lý để phát triển, tránh tình trạng chưa đủ tiêu chí, còn “nợ” nhưng vẫn đề nghị nâng loại. Điều này còn ảnh hưởng lớn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế cho quy hoạch đô thị do thông thường các chỉ tiêu được xác định theo loại đô thị. Các đô thị đã được nâng hạng nhưng chưa đủ tiêu chuẩn, cần có kế hoạch phát triển cụ thể, nhanh chóng để hoàn thiện các tiêu chí mong muốn. Công tác xây dựng đô thị cần được tiến hành đồng bộ, từ tổng thể đến chi tiết, từ nhà ở đến hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Việc quản lý trật tự đô thị cần được thực hiện nghiêm túc, không để tình trạng xây dựng không phép, sai phép hay xử lý không triệt để những trường hợp vi phạm tồn tại.

Đô thị được hình thành và phát triển tùy theo quan điểm của từng quốc gia, từng thời kỳ, trong đó việc phát triển đô thị, đô thị hóa ở Việt Nam có những nét đặc thù. Hy vọng trong thời gian tới, hệ thống đô thị Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững./.

 GS-TS-KTS. Nguyễn Tố Lăng – Vụ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Thường trực

Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội

——————————-

(1) Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25-5-2016, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Về phân loại đô thị”

(2) World Bank Group – Ministry of Planning and Investment of Vietnam: Vietnam 2035 – Toward Prosperity, Creativity, Equity, and Democracy, Washington D.C. 2016