Vẫn còn bỏ ngỏ… “một không”?

Và như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có lẽ là một trong những Bộ trưởng mạnh mẽ nhất trong việc “Nói không”. Nhưng, không biết có phải vì giáo dục trong một năm qua chuyển biến quá sôi động nên Bộ trưởng có lẽ đã quên cái điều mà đúng vào thời điểm này năm trước, chính ông đã coi đó là một trong những điều “cốt tử” của giáo dục nước nhà? 

Ngay khi vừa giữ cương vị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vào tháng 7 năm 2006, công việc đầu tiên mà Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hướng tới là loại trừ tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục. Hai vấn đề này được chọn làm khâu đột phá vì những lý do như nếu không chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục thì không có cơ sở để đòi hỏi triển khai đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo….

Sau “hai không” đột phá trên, Bộ trưởng cũng đề cập ngay đến một bước tiến đột phá tiếp theo của ngành giáo dục. Đó là: “Không đọc – chép trong giảng dạy”.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2005-2006 được tổ chức vào 31/7/2006, vấn đề này cũng đã được tân Bộ trưởng đặc biệt lưu ý. Ông khẳng định: Bộ GD-ĐT sau khi “làm rõ “2 không” sẽ chuyển ngay sang “không” thứ ba này. Theo ông Nhân, ngành giáo dục đang phải đối diện với 5 vấn đề lớn và bức xúc nhất thì trong đó, vấn đề phương pháp dạy và học chưa gắn với thực tiễn đã giữ vị trí thứ ba, sau vấn đề tiêu cực và bệnh thành tích.

Phân tích về “không” này, Bộ trưởng đầy bức xúc: “Học đã có giáo trình sẵn mà đọc lại cho trò chép thì phỏng còn ý nghĩa gì. Đến ĐH cũng cứ đọc chép thì chẳng trách người ta gọi hệ này là cấp 4 trong đào tạo”. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Thực chất của “không” thứ 3 này là đổi mới phương pháp dạy và học.

Nhìn sang nước bạn Singapore, chúng ta có thể thấy, hàng chục năm qua, việc giảng dạy của họ thực chất là “thầy nói trò nghe”, nhiều giáo viên không đủ năng lực dẫn dắt học sinh phát huy khả năng độc lập và sáng tạo của mình. Chương trình đào tạo lại giáo viên (được gọi là “cải cách thầy giáo”) đã giúp bộ mặt giáo dục Singapore có nhiều chuyển biến tích cực. Người Singapore nói: “Muốn có cải cách giáo dục thì phải cải cách giáo viên vì chính các thầy cô mới là người khởi xướng, dẫn dắt quá trình cải cách giáo dục ở mỗi trường, mỗi lớp”.

Cũng cùng một quyết tâm như “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, Bộ trưởng có chủ đích tập trung cho “cỗ máy cái của giáo dục” – đó là khối các trường sư phạm để phục vụ cho quyết tâm thực hiện “Không đọc – chép trong giảng dạy”.  

Ngày 11/10/2006, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định  thành lập Ban tổ chức Hội nghị toàn quốc các trường sư phạm với gần 30 thành viên trong đó Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng làm trưởng ban với nhiệm vụ giúp Bộ trưởng tổ chức Hội nghị toàn quốc các trường sư phạm.

Tiếp sau đó, liên tục trong những tháng cuối của năm 2006, các Hội thảo về việc đổi mới phương pháp sư phạm đã được diễn ra với mật độ dày đặc và quy mô hiếm thấy. Song, dường như Hội thảo cũng chỉ dừng ở mức độ bàn luận mà chưa đi đến một kết cục thực tiễn.

Và, trong Hội nghị tổng kết năm học này, hình như lãnh đạo ngành giáo dục vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể nào với một cái “không” quan trọng đang được nhiều người quan tâm. Mặc dù “hai không” không chỉ được nâng lên thành “ba không” mà đã thành “bốn không”.

Mai Minh