Văn chương là gì? Ý nghĩa của văn chương? Thơ có phải là văn chương không?

Văn học là tấm gương phản ánh đời sống. Văn là người. Văn chương bởi con người, cho con người và vì con người. Văn chương giúp con người nhìn nhận được vẻ đẹp nghệ thuật của ngôn từ, thông qua đó thể hiện vẻ đẹp cuộc sống và tâm hồn con người, phản ánh đời sống nội tâm phong phú của con người. Vậy bản chất văn chương là gì?

1. Văn chương là gì?

Tương tự các loại hình nghệ thuật khác, văn chương không có khái niệm cố định mà được định nghĩa tùy thuộc vào mỗi góc nhìn, mỗi hệ ý thức, mỗi hệ thống tam quan và hướng nhìn nhận của mỗi người về từng khía cạnh khác nhau của văn chương. Chúng ta khi nghe tới “văn chương”, “văn học” đều có thể hiểu đó là một loại hình nghệ thuật, gồm nhiều thể loại như văn xuôi, thơ,… Trong suốt những năm học trên ghế nhà trường, chúng ta được dạy để hiểu ở một mức độ phổ quát để xác nhận một hiện tượng văn học, tức là đủ để nói được rằng “Truyện Kiều” là một tác phẩm văn học. Tuy nhiên sự hiểu biết này chưa đủ để giúp chúng ta định nghĩa được văn chương. Vậy cuối cùng, văn chương chính xác là gì?

Bóc tách cụm từ “văn chương” chúng ta có thể hiểu văn chương là cụm từ kết hợp bởi từ văn nghĩa là vẻ đẹp và chương là sự sáng tỏ. Có thể hiểu đơn giản, văn chương chính là sử dụng những ngôn từ, lời hay ý đẹp, rõ ràng và mạch lạc vào các tác phẩm từ đó thể hiện cảm xúc, giá trị muốn truyền tải đến con người. Văn chương là phương thức để một người thể hiện những tâm tư tình cảm, nỗi lòng của họ qua từng câu văn, câu thơ. Thế nên, văn chương chính là nhu cầu thiết yếu của con người, đại diện cho tiếng lòng từ sâu thẳm trái tim mỗi người và phản ánh hiện thực cuộc sống qua ngòi bút của mỗi người nghệ sĩ.

 

2. Ý nghĩa của văn chương

Thanh Lam đã từng nói “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.” Văn chương dùng cái đẹp để tiêu diệt cái ác, gạn lọc cuộc sống, giữ lấy cái đức thiện; giữ lại những giá trị chân thực, những chân lý của cuộc sống. Đó là cái đẹp có sức cảm hóa giáo dục cao. Chính vì vậy, nó mang tư cách là một “thứ khí giới thanh cao và đắc lực” để bảo vệ cuộc đời, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn thêm. Vũ khí ấy quả thực là một khí giới đặc biệt, một thứ vũ khí tinh thần mà những chàng hiệp sĩ của thời đại anh dũng đứng lên cải tạo xã hội và cảm hóa con người. Văn chương là nơi mà những nhà văn, nhà thơ dùng ngòi bút làm phương tiện phanh phui, tố cáo cái thế giới giả dối, tàn ác, giúp mọi người tìm lại được giá trị của cuộc đời để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, công bằng hơn và xứng đáng hơn.

Từ đây, chúng ta có thể hiểu văn chương thông qua chất liệu ngôn từ, văn chương phản ánh hiện thực phong phú, đa dạng của cuộc sống. Dựa vào hình tượng văn học người nghệ sĩ xây dựng cụ thể, sinh động và cảm tính giúp thể hiện thế giới muôn hình vạn trạng bên ngoài. Từ đó, văn chương khơi dậy những trạng thái cảm xúc khác nhau của con người, giúp khơi gợi những tình cảm không có, luyện cho ta những tình cảm sẵn có. Thông qua văn chương, người nghệ sĩ muốn mang đến cho người đọc những góc nhìn khác nhau, cảm nhận những cái đẹp, cái hay của cảnh vật, thiên nhiên mang vẻ đẹp đầy tính thẩm mỹ.

Văn chương là nơi lưu giữa lại dấu vết, lịch sử văn hóa nhân loại. Từ văn chương, con người được dạy cách yêu quý những gì gần gũi thân thương nhất như quê hương, gia đình và làng xóm. Văn chương dạy ta lòng cảm thông sâu sắc tới những người có số phận bất hạnh, những người kém may mắn, lòng vị tha.

Hơn thế nữa, văn chương còn bồi dưỡng sức sáng tạo, ước mơ để xây dựng một tương lai tốt đẹp và mở rộng thế giới tình cảm của con người. Văn chương còn mở đường cho một tương lai tốt đẹp, làm cho lòng người thêm trong sạch, phong phú, ấm áp, hướng con người tự vươn đến tầm cao cuộc sống. Đối với con người, văn chương nghệ thuật mãi mãi là một người bạn vô cùng thân thiết, giúp con người lọc sạch tâm hồn, nâng cao giá trị cuộc sống tâm hồn mỗi người. Có thể nói rằng, những thi sĩ, nghệ sĩ đã giúp đời sống tinh thần nhân loại thêm phong phú, tươi đẹp. 

 

3. Thơ có phải là văn chương không?

3.1. Khái niệm

Thơ hay thơ ca hoặc thi ca, là một loại sản phẩm của sáng nghệ thuật ngôn từ theo những cách thức nhất định dựa trên quy luật hài hòa về vần điệu, âm điệu. Thơ có đặc điểm ngắn gọn, súc tích, cô đọng và hàm súc, có thể tạo nên cảm xúc thẩm mỹ cho người đọc, người nghe.

Theo từ điển thuật ngữ văn học: “Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu”.

Thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, là tiếng nói của tình cảm con người, thuộc phương thức trữ tình, thơ lấy điểm tựa là sự bộc lộ thế giới nội tâm của nhà thơ, những rung động mãnh liệt của trái tim người thi sĩ trước cuộc đời, số phận, thực tại xã hội. Có thể nói thơ là một hình thức sáng tác văn học đầu tiên của loài người. 

 

3.2. Bản chất của thơ ca

Cũng như văn học, thơ phản ánh cuộc sống bằng hình tượng. Nhưng hình tượng trong thơ không phải được xây dựng nên từ óc quan sát, chiều sâu nhận thức, tư duy lô gic của lý trí mà nó gắn với cảm xúc, với tâm hồn. 

Đặc trưng của tác phẩm văn học, văn chương để phân biệt với các bộ môn nghệ thuật khác đó chính là ở nghệ thuật ngôn từ. Người đọc cần ở một tác phẩm văn học không phải là những dòng chữ vô cảm ghi lại những diễn biến trong cuộc sống mà là những cảm xúc được khơi gợi từ tâm hồn.

Thơ ca cũng vậy. Vật liệu để tạo nên bài thơ hay là những điều gần gũi, giản dị từ cuộc sống, nhưng được nhìn nhận bằng tâm hồn người nghệ sĩ đầy trắc ẩn. Cuộc sống với những hiện tượng phong phú, phức tạp vừa là đối tượng hướng tới, vừa là nguồn mạch nuôi dưỡng thơ ca, văn chương. Cuộc sống mênh mông vô tận sẽ là nơi cung cấp chất liệu cho thơ. Cuộc sống  với hơi thở ấm nóng tô điểm cho những câu thơ, cho nghệ thuật. Thơ cơ khơi nguồn từ cuộc sống nên luôn chứa đựng bóng hình cuộc đời, bóng dáng con người. Thơ mang trong mình những nỗi niềm, những buồn vui đau khổ, rạo rực đắm say. Thơ nói riêng và văn chương nói chung sẽ làm nên nhịp cầu nối trái tim về với trái tim, đưa tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu. 

Cuộc sống phong phú muôn màu muôn vẻ luôn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, chứa nhiều điều bí mật, kỳ diệu cần được khám phá. Giọng nói riêng của nhà thơ, nhà văn luôn mang những tâm tư tình cảm riêng, thái độ sống, cách nhìn, cách đánh giá về hiện thực cuộc sống riêng được biểu hiện trong tác phẩm bằng hình thức nghệ thuật phù hợp. Để thơ trở thành thơ, để nghệ thuật trở thành nghệ thuật, người làm thơ luôn phải sáng tạo nhưng không có nghĩa viết theo hướng cực đoan, viết những điều không ai hiểu mà sáng tạo độc đáo nhưng mang những vần thơ đích thực. Không ai đòi hỏi khuôn mẫu cho nghệ thuật, cũng không ai dạy nhà thơ phải phản ánh thế này, cảm xúc thế kia. Đây là công việc của nhà làm thơ, của người thi sĩ: “Sáng tác thơ là việc do cá nhân thi sĩ làm, một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể.” Bởi vì mỗi tâm hồn là một vương quốc riêng, mỗi bài thơ là một đứa con tinh thần riêng của người nghệ sĩ, nên không tồn tại sự trùng lặp trong sáng tạo thơ ca. Bởi vì “tầm thường là cái chết của nghệ thuật”, sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của thơ ca.

Trên đây là ý kiến của luật Minh Khuê về văn chương là gì? Ý nghĩa của văn chương và Thơ có phải là văn chương không? xin gửi tới bạn đọc. Hy vọng đó là những tài liệu tham khảo hữu ích dành cho bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi.