VĂN BẰNG CỦA NƯỚC NGOÀI CẤP PHẢI QUA TỔ CHỨC KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM – Đại Học Nam Columbia Hoa Kỳ

VĂN BẰNG CỦA NƯỚC NGOÀI CẤP PHẢI QUA TỔ CHỨC KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM

(Nguồn: Dân Trí) Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng.

Theo văn bản công bố của Bộ GD-ĐT hợp nhất quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, bao gồm: Các cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; các cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.

Văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong 4 trường hợp:

  1. Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng;
  2. Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên;
  3. Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.
  4. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ GD-ĐT Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.

Với văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên: Được công nhận theo những quy định của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.

Người có văn bằng thuộc trường hợp này không phải làm thủ tục công nhận văn bằng theo quy định của văn bản này.

Về thẩm quyền:

  • Giám đốc Sở GD-ĐT công nhận văn bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông.
  • Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT, công nhận các văn bằng sau đây: Bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ.

Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi được công nhận sẽ là căn cứ xác nhận về trình độ đào tạo của người có văn bằng để tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam.

Văn bản công nhận văn bằng có giá trị pháp lý để người có văn bằng sử dụng văn bằng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

CÔNG NHẬN VĂN BẰNG  TẠI VIỆT NAM

Văn bằng của trường đại học Nam Columbia được Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam công nhận

Theo quy định hiện hành, học viên Việt Nam tham gia các chương trình đào tạo quốc tế bằng các hình thức du học, liên kết đào tạo, đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa… của các cơ sở đào tạo nước ngoài, sau khi nhận bằng tốt nghiệp – nếu có nguyện vọng công nhận văn bằng – đều phải thực hiện các Quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007 và Thông tư số 26 /2013/TT-BGDĐT ngày 15/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Học viên tham gia các chương trình đào tạo của trường Đại học Nam Columbia sau khi tốt nghiệp, nếu có nhu cầu công nhận văn bằng, sẽ được Trung tâm hợp tác Đào tạo quốc tế (CITC) hỗ trợ nộp hồ sơ cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD & ĐT), hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp (Mẫu đơn theo quy định);
  • Một (01) bản sao văn bằng;
  • Một (01) bản sao kết quả quá trình học tập của CSU cấp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;
  • Chứng chỉ ngoại ngữ: văn bằng, chứng chỉ (TOEFL, IELTS, văn bằng đại học chuyên ngành tiếng Anh) theo yêu cầu của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.