Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện cổ tích
Truyện cổ tích là những truyện truyền miệng dân gian kể lại những câu chuyện tưởng tượng xoay quanh một số nhân vật quen thuộc như nhân vật tài giỏi, nhân vật dũng sĩ, người mồ côi, người em út, người con riêng, người nghèo khổ, người có hình dạng xấu xí, người thông minh, người ngốc nghếch và cả những câu chuyện kể về các con vật nói năng và hoạt động như con người. Chức năng lớn nhất của truyện cổ tích là truyền tải ước mơ của những người dân lao động về một xã hội công bằng, ở hiền gặp lành. Để thực hiện được ước mơ đó, trong khi người dân lao động lại quá nhỏ bé, không còn cách nào khác, họ đành nhờ vào những yếu tố thần kì, những nhân vật thần kì như ông bụt, bà tiên, …Đó là những thế lực mạnh hơn cả giai cấp thống trị, giữ vai trò như cán cân công lý, bảo vệ lẽ phải.
Khái quát chung
Đối với thể loại truyện cổ tích thần kì: Chức năng của cổ tích là nhận thức con người, nhận thức những quan hệ giữa con người với con người, đồng thời giáo dục con người khát vọng hướng thiện. Truyện cổ tích là truyện hư cấu có chủ tâm và mang tính nghệ thuật. Chức năng và đặc điểm nghệ thuật ấy của truyện cổ tích biểu hiện khá rõ trong truyện cổ tích thần kì. Mang chức năng nhận thức con người, nhận thức những quan hệ giữa con người với con người…nên truyện cổ tích thần kì hướng về đời sống xã hội, lấy con người (chủ yếu là những người lao động nghèo khổ, lương thiện) làm nhân vật trung tâm. Có thể nói, yếu tố thần kì là đặc trưng không thể thiếu đối với thể loại truyện dân gian, góp vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết tình huống cũng như đưa câu chuyện lên tới cao trào.
Những yếu tố thần kì được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, đầu tiên thể hiện rõ nhất qua nhân vật thần kì, chúng ta rất quen thuộc với hình tượng nhân vật ông bụt, bà tiên, những người luôn xuất hiện để bảo vệ nhân vật chính diện. Hoặc được thể hiện qua những sự kiện thần kì, như nhân vật được sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, trong một cái sọ dừa, hay mang thai 3 năm ròng. Tất cả những yếu tố này góp phần làm nên bức tranh thần kì cho tác phẩm, trở thành đặc trưng của truyện cổ tích.
Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện cổ tích
* Vai trò hình thành thế giới cổ tích
Trong truyện cổ tích thần kì, yếu tố thần kì có vai trò rất quan trọng ở việc hình thành thế giới cổ tích. Yếu tố thần kì trong truyện cổ tích thần kì là yếu tố có vai trò biến thực tế cuộc sống thành thế giới cổ tích. Bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, những tác giả dân gian có thể xây dựng những chi tiết vô cùng đặc sắc và mới lạ. Trong truyện Tấm Cám, tác giả đã hình tượng hóa cái chết của Tấm, khi để nàng hóa thân vào những sự vật khác nhau, khẳng định sự đấu tranh không ngừng nghỉ của người dân lao động. Trong truyện Cây khế, có thể thấy tuy chỉ là sự kiện chim ăn khế, nhưng tác giả đã lồng ghép rất khéo léo yếu tố thần kì để nó trở thành một sự kiện đặc biệt, thử thách lòng người và trừng phạt kẻ tham lam. Yếu tố thần kì thể hiện ý chí của đa số những người dân lao động, có mô típ được lặp lại nhiều lần nên ta có thể thấy những điểm giống nhau ở những tác phẩm cổ tích. Tuy nhiên đồng thời cũng mang những dấu ấn cá nhân sâu sắc của các tác giả, vì có rất nhiều tình tiết được hư cấu rất đặc biệt, nhất là ở những giai đoạn nhân dân ta bắt đầu có sự đấu tranh giai cấp. Chính sự kì ảo này đã tạo nên sức hút rất riêng của truyện cổ tích, vẽ nên một thế giới mơ mộng nơi mà người lương thiện luôn chiến thắng đã làm say lòng biết bao thế hệ, đặc biệt gắn liền với tuổi thơ của mỗi người.
* Giải quyết những xung đột, mâu thuẫn của tác phẩm
Truyện cổ tích phản ánh xung đột, mâu thuẫn cơ bản nhất của xã hội. khi đi vào thế giới cổ tích trở thành xung đột, mâu thuẫn truyện và yếu tố thần kì có vai trò to lớn, không thể thiếu, trong sự phát triển tình tiết, giải quyết xung đột, mâu thuẫn của truyện. Trong truyện cổ tích Tấm Cám cũng như nhiều truyện cổ tích thần kì khác xung đột trong truyện cổ tích thần kì luôn luôn được giải quyết nhờ sự can thiệp của các lực lượng thần kì. Ví dụ, khi nhân vật chính gặp khó khăn, ông Bụt sẽ xuất hiện và giải quyết hết những khó khăn đó, ta có thể thấy rất rõ trong truyện “cây tre trăm đốt”, khi anh Khoai không thể đáp ứng được yêu cầu của phú ông, ông Bụt liền xuất hiện và chỉ cho anh cách tạo ra cây tre trăm đốt. Yếu tố hoang đường kì ảo xuất hiện xen kẽ song hành với những yếu tố thần kì, được lồng ghép vừa đủ, chỉ xuất hiện vào những lúc cao trào để gỡ rối cho nhân vật.
Dường như mọi tác phẩm cổ tích đều giải quyết mâu thuẫn bằng yếu tố kì ảo, đặc trưng này vừa có những ưu điểm nhưng cũng có những khuyết điểm. Việc đưa các lực lượng thuộc thế giới thần tiên vào trong truyện khiến mâu thuẫn được giải quyết quá dễ dàng, nhân vật không có sự đấu tranh mạnh mẽ, không có ý thức cá nhân và chưa biết cách tự mình vượt qua khó khăn. Đôi khi dễ khiến độc giả lầm tưởng vào sự dễ dàng này, tuy nhiên, trên tất cả, các yếu tố thần kì chỉ giúp những nhân vật chính diện. Chi tiết này thể hiện niềm tin to lớn và mãnh liệt của người dân vào chân lý ở hiền chắc chắn sẽ gặp lành. Sự giúp đỡ này là tất yếu, là phần thưởng xứng đáng cho tấm lòng lương thiện và nỗ lực chiến đấu với khó khăn của học. Nhờ sự phù trợ của lực lượng thần kì, xung đột được giải quyết bao giờ cũng theo hướng người tốt, thật thà, lương thiện chiến thắng, hạnh phúc; kẻ xấu, tham lam, độc ác thất bại, bị trừng trị đích đáng. Sự chiến thắng và hạnh phúc của nhân vật hiền lành, lương thiện trong truyện cổ tích thần kì gần như chỉ là biểu hiện của niềm tin vào triết lí ở hiền gặp lành
Nhìn chung, yếu tố thần kì vừa là đặc trưng nghệ thuật, vừa là tư tưởng của những người sáng tác nên tác phẩm. Nó là biểu hiện rõ ràng nhất cho ước mơ công lý của người dân Việt Nam, sự đấu tranh không ngừng cho công bằng của xã hội.