Vai trò của chính quyền xã đối với quản lý phát triển xã hội

Toàn cảnh buổi tập huấn tuyên truyền về chính quyền điện tử cho người dân. Ảnh: Quangninh.gov.vn

Nhận thức được vai trò quan trọng của chính quyền xã trong quản lý, điều hành các quá trình kinh tế – xã hội và an ninh, trật tự, trong đó có quản lý phát triển xã hội trên địa bàn, Đảng và Nhà nước ta luôn có sự quan tâm đặc biệt đến công tác kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở nói chung và chính quyền xã nói riêng. Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa X) về xây dựng nông thôn mới khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò to lớn, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính phủ có Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã từng bước đạt được những kết quả nhất định, đời sống người dân nông thôn ngày càng được nâng lên, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được cải thiện, các vấn đề xã hội ở nông thôn đang dần được giải quyết. Nhưng do tác động của nhiều yếu tố, trên thực tế hiện nay, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn vẫn chưa đồng bộ ở từng địa phương, phát triển chưa cân đối giữa các vùng miền, khu vực. Nhiều hạng mục chưa thật sự phát huy hết vai trò, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Ở nông thôn còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc cần giải quyết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo, phân hóa giàu nghèo, việc làm của nông dân, thay đổi cơ cấu lao động khu vực nông thôn… Đây cũng là một tất yếu khách quan, bởi trong thực tiễn quản lý, nhất là quản lý phát triển xã hội, khi một vấn đề đã được giải quyết thường kéo theo các vấn đề mới phát sinh.

Để có cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền xã trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, trong bài viết này xin giới thiệu một số kết quả điều tra xã hội học về thực hiện nhiệm vụ quản lý phát triển xã hội của chính quyền xã và những nhân tố ảnh hưởng tới vai trò của chính quyền xã trong quản lý phát triển xã hội thuộc Đề tài KX.02/11-15 “Vai trò của chính quyền xã đối với quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay”.

1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý phát triển xã hội của chính quyền xã

Trên thực tế, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý phát triển xã hội, chính quyền xã phải chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch về phát triển xã hội; ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để có thể thực hiện tốt công tác quản lý phát triển xã hội; tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý phát triển xã hội; tổ chức cung ứng có hiệu quả và đảm bảo chất lượng các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa xã hội cho người dân và cộng đồng. Bên cạnh đó, chính quyền xã cần tạo điều kiện để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp tham gia giải quyết các vấn đề xã hội; thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý các vi phạm đối với các vấn đề xã hội.

Qua kết quả điều tra xã hội học cho thấy, số ý kiến đánh giá chính quyền xã thực hiện tốt các hoạt động trên đều không cao, chỉ có hoạt động “tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý phát triển xã hội” đạt tỷ lệ trên 50% (cụ thể: 57,5%), còn các hoạt động khác có tỷ lệ đánh giá chính quyền xã hiện đang thực hiện tốt nằm trong khoảng từ 42,5% đến 48,6%. Cụ thể: xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển xã hội: 48,6%; tổ chức cung ứng các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội cho người dân, cộng đồng: 48,2%; tạo điều kiện để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp giải quyết các vấn đề xã hội: 46,7%; thực hiện thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý các vi phạm đối với các vấn đề xã hội: 44,8%; chủ động ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể quản lý phát triển xã hội: 42,5%.

Tỷ lệ ý kiến đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động quản lý phát triển xã hội của chính quyền xã ở mức trung bình dao động từ 40,7% đến 49,3%; mức kém dao động từ 1,3% đến 9,7%, trong đó hoạt động có tỷ lệ bị đánh giá kém thấp nhất là hoạt động “tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý phát triển xã hội” (1,3%); hoạt động có tỷ lệ đánh giá kém cao nhất là “thực hiện thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý các vi phạm đối với các vấn đề xã hội” (9,7%).

2. Kết quả giải quyết các vấn đề xã hội của chính quyền xã

Nhóm nghiên cứu đã xác định 16 vấn đề xã hội cần giải quyết trên địa bàn nông thôn hiện nay, bao gồm: tạo việc làm cho nông dân, thay đổi cơ cấu nghề nghiệp; xoá đói giảm nghèo; hạn chế phân hóa giàu nghèo; đảm bảo công bằng xã hội, bình đẳng giới, dân tộc thiểu số; bảo trợ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương; phát triển giáo dục, đào tạo; nâng cao dân trí; công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, kết hôn; chăm sóc sức khoẻ người dân; ngăn chặn tệ nạn xã hội: ma tuý, mại dâm, buôn lậu; giải quyết hậu quả chiến tranh; hạn chế di dân tự do; xuất khẩu lao động tự phát; bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn; an toàn thực phẩm do ô nhiễm và hóa chất độc hại; bảo vệ môi trường tự nhiên; xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh; thực hiện chính sách tôn giáo; bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Để đánh giá về kết quả giải quyết các vấn đề xã hội của chính quyền xã, nhóm nghiên cứu đã chia thang đo kết quả thành ba mức: “tốt”, “chưa tốt” và “yếu kém”.

Số liệu về tỷ lệ ý kiến đánh giá kết quả giải quyết các vấn đề xã hội của chính quyền xã là “tốt” được chia thành 3 nhóm cao, trung bình và thấp. Kết quả giải quyết các vấn đề xã hội của chính quyền xã cũng được chia thành 3 mức rất tốt, tốt và khá tốt, tương đương với 3 nhóm tỷ lệ: từ trên 60% tương đương với rất tốt; từ 40% đến dưới 60% tương đương với “tốt” và dưới 40% tương đương với tương đối tốt.

Với cách phân loại như vậy, có 4 vấn đề được đánh giá là rất tốt, gồm: 1) bảo đảm an ninh trật tự xã hội; 2) thực hiện chính sách tôn giáo; 3) xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh; 4) phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí. Có 3 vấn đề được đánh giá ở mức tương đối tốt (mức thấp nhất): 1) an toàn thực phẩm do ô nhiễm và hóa chất độc hại; 2) hạn chế di dân tự do, xuất khẩu lao động tự phát; 3) tạo việc làm cho nông dân, thay đổi cơ cấu nghề nghiệp. Chín vấn đề còn lại được đánh giá ở mức tốt (mức trung bình).

Mặc dù tỷ lệ đánh giá kết quả giải quyết các vấn đề xã hội của chính quyền xã ở mức “yếu kém” đều không cao ở tất cả các lĩnh vực (dao động từ 3%-12%), nhưng nếu sắp xếp các lĩnh vực được đánh giá theo tỷ lệ từ cao đến thấp (tương đương với yếu kém nhất và ít yếu kém nhất) thì có 5 lĩnh vực được đánh giá yếu kém nhất là: an toàn thực phẩm do ô nhiễm môi trường và hóa chất; hạn chế di dân tự do, xuất khẩu lao động tự phát; bảo vệ môi trường; ngăn chặn tệ nạn xã hội; bảo trợ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương và tạo việc làm cho nông dân.

3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của chính quyền xã đối với quản lý phát triển xã hội

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của chính quyền xã đối với quản lý phát triển xã hội. Trong đó, ba yếu tố: nhận thức và năng lực của cán bộ, công chức cấp xã; hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn xã và kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn có tỷ lệ khá cao, ở mức trên 87% và mức độ chênh lệch tỷ lệ hầu như không đáng kể (tỷ lệ lựa chọn lần lượt là: 87,8%; 87,7% và 87,4%). Tiếp đến là các yếu tố khác được sắp xếp theo thứ tự giảm dần của người trả lời như sau: mức sống của người dân (85,6%); phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân (80,7%); vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản (78,7%); quan hệ dòng họ, gia đình (76,5%); quan hệ tộc người (65,8%).

4. Khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý phát triển xã hội của chính quyền xã

Trong 6 vấn đề được cho là khó khăn, vướng mắc của chính quyền xã trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý phát triển xã hội, với yêu cầu chỉ lựa chọn tối đa 3 vấn đề mà người được hỏi cho là quan trọng nhất, kết quả khảo sát cho thấy, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền xã hạn chế là khó khăn, vướng mắc có tỷ lệ lựa chọn cao nhất (56,8%); tổ chức bộ máy của chính quyền xã chưa phù hợp có tỷ lệ lựa chọn thấp nhất (38,5%). Các khó khăn khác có tỷ lệ lựa chọn lần lượt như sau: sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành chưa kịp thời, sâu sát: 52,7%; phong tục tập quán của người dân còn lạc hậu: 50,8%; sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ở xã chưa tốt: 43%; quy định nhiệm vụ quản lý phát triển xã hội của chính quyền xã chưa hợp lý: 40,5%.

5. Nguyên nhân hạn chế hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển xã hội của chính quyền xã

Khi đánh giá về những nguyên nhân làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển xã hội của chính quyền xã, yếu tố “trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức xã hạn chế” được xem là nguyên nhân quan trọng nhất (với 62%), tiếp đến là các yếu tố: nhiệm vụ phát triển xã hội lớn, phức tạp nhưng nguồn lực còn hạn chế: 53,7%; thiếu cơ chế phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, tổ chức xã hội: 51,7%; thể chế, chính sách về phát triển xã hội chưa phù hợp đặc điểm vùng, miền: 50,7%; chức năng, nhiệm vụ phát triển xã hội của từng cấp, từng ngành chưa rõ: 48,5%; cán bộ, công chức xã thiếu trách nhiệm trước đòi hỏi của người dân: 48%; tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức của chính quyền xã chưa hợp lý: 47,5%; cơ sở hạ tầng yếu kém: 46,3%; quy định nhiệm vụ, quyền hạn quản lý xã hội của chính quyền xã chưa hợp lý: 36,4%; sự chống phá của các thế lực thù địch: 11,8%.

6. Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền xã với việc quản lý phát triển xã hội

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý phát triển xã hội, chính quyền xã ở nước ta hiện nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, chính quyền xã đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và chịu tác động bởi nhiều nhân tố khác nhau làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển xã hội của chính quyền xã. Vì vậy, để phát huy vai trò và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển xã hội của chính quyền xã, trong thời gian tới cần chú trọng làm tốt các vấn đề sau:

Một là, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền xã bao gồm cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền xã cần phải được nghiên cứu, xem xét cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ dân trí của từng địa phương. Tuy nhiên, việc đổi mới cần phải dựa trên nguyên tắc: chính quyền xã là nơi thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhà nước ở cấp xã nhưng cũng là nơi gần gũi, gắn bó trực tiếp với người dân nông thôn. Vì vậy, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền xã phải đảm bảo sức mạnh của nhà nước nhưng đồng thời đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo, đúng pháp luật, phù hợp với truyền thống và điều kiện của mỗi địa phương, tránh tình trạng hình thức, kém hiệu lực, hiệu quả hoặc lạm quyền, tùy tiện.

Hai là, chú trọng đến trình độ, năng lực của cán bộ, công chức và đại biểu Hội đồng nhân dân xã; thực hiện nghiêm túc cơ chế bãi miễn đại biểu Hội đồng nhân dân xã hoặc tinh giản, thay thế những cán bộ, công chức xã kém về phẩm chất, năng lực; bảo đảm dân chủ thực sự trong giới thiệu và bầu cử Hội đồng nhân dân xã; minh bạch, công khai trong tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã nhằm phát huy năng lực và đề cao vai trò trách nhiệm của nhóm đối tượng này trong việc tham gia quản lý phát triển xã hội ở cơ sở. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã nên thực hiện theo hai hướng: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức hiện có và tăng cường trí thức trẻ về công tác tại các địa phương.

Ba là, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Để làm được điều này, trước hết cần phải có sự phân định rõ trách nhiệm của chính quyền xã đối với công tác quản lý phát triển xã hội ở địa phương, bao gồm: phân định trách nhiệm của chính quyền xã với chính quyền cấp trên; phân định trách nhiệm giữa Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã. Thực tế hiện nay, khi đánh giá về hoạt động của Hội đồng nhân dân xã, vẫn có ý kiến cho rằng hoạt động của Hội đồng nhân dân xã bị chi phối bởi Ủy ban nhân dân xã, tình trạng này cần phải được thay đổi và chấm dứt.

Bốn là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị –  xã hội trong việc tham gia quản lý nhà nước và phản biện xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy vai trò của các tổ chức này trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội ở địa phương; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở.

Năm là, phát huy vai trò giám sát của người dân địa phương và Hội đồng nhân dân cấp xã đối với các hoạt động của Ủy ban nhân dân xã, đảm bảo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Sáu là, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội ở địa phương. Một trong những chức năng quan trọng của chính quyền xã hiện nay là điều tiết sự tự quản của cộng đồng thôn/làng trong địa bàn xã. Vai trò này của chính quyền xã là vô cùng quan trọng trong bối cảnh văn hóa của hầu hết các vùng nông thôn ở nước ta luôn bị các mối quan hệ cộng đồng truyền thống như quan hệ tộc người, quan hệ làng xóm, quan hệ dòng tộc… chi phối. Đặc biệt, hiện nay ở nông thôn đang xuất hiện ngày càng nhiều các nhóm xã hội tự nguyện, chính quyền xã cần phải có các giải pháp hữu hiệu để phát huy và điều tiết được sự tự quản của cộng đồng

Nguyễn Thị Phương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển