Ưu nhược điểm của bộ sách Cánh diều lớp 1 | HoiCay – Top Trend news

Đổi mới sách giáo khoa: Cần cái nhìn thực tế

Đổi mới sách giáo khoa: Cần cái nhìn thực tế

Giờ học môn tiếng Việt của cô, trò Trường Tiểu học Quảng Ninh (Quảng Xương).

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những thay đổi căn bản đã chính thức triển khai từ năm học 2020-2021. Đến nay, sau hơn 1 tháng áp dụng đối với khối lớp 1 nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình với tinh thần đổi mới. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập trong việc sử dụng sách giáo khoa, đặc biệt là môn tiếng Việt ở bộ sách Cánh diều.

Sự thay đổi và những hạt sạn

Thay vì chỉ có một bộ sách giáo khoa như trước đây, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho phép các nhà trường chọn lựa cho mình 1 trong 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phê duyệt, gồm: Bộ Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục và bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Trong đó, có 4 bộ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành và bộ Cánh diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phát hành, Tổng chủ biên kiêm chủ biên là GS. Nguyễn Minh Thuyết. Không lâu khi đưa vào sử dụng, các bộ sách đều cho thấy những ưu điểm của mình, song, cũng không ít nhược điểm được đưa ra bàn luận. Nếu như các bộ sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành được cho là nặng, quá tải, trẻ phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học thiếu hiệu quả, gây mệt mỏi, thì bộ sách Cánh diều lại có quá nhiều sạn cần được thanh lọc. Nhiều chi tiết, nội dung ở môn tiếng Việt của bộ sách này đang khiến giáo viên, phụ huynh khó hiểu, không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1…

Không ít giáo viên bày tỏ và không thể lý giải nổi vì sao gà trống vốn chỉ là một con vật bình thường lại hóa thành… thú dữ trong cuốn sách này. Hay như thay vì sử dụng từ nhai, tác giả biên soạn lại dùng từ nhá (nhá cỏ, nhá dưa), gà con viết thành gà nhí… Đáng nói hơn là bộ sách trên còn đưa những bài tập đọc thiếu tính giáo dục, thậm chí cổ xúy bạo lực. Cô Nguyễn Thị H. giáo viên Trường Tiểu học Quảng Ninh (Quảng Xương) chia sẻ: Tôi vừa dạy cho học sinh bài tập đọc Chó xù, sách viết: Chó xù lù lù đi ra ngõ. Lũ gà ngỡ nó là sư tử, sợ quá. Sư tử đi qua. Nó ngó chó xù. Mi là sư tử à?. Chó xù sợ quá. Dạ… chỉ là chó xù ạ. Nội dung bài tập này giống kiểu xưng bá trong giang hồ, giáo dục học sinh nội dung này là không phù hợp. Hay như bài Sẻ, quạ. Sách viết: Sẻ ca ri… ri, Quạ là Quà Quà… Giáo viên chúng tôi đọc mà đang méo cả miệng huống gì học sinh. Mà từ bao đời nay, tiếng kêu của con quạ gắn liền với hai từ quạ, quạ chứ đâu phải quà, quà.

Ngoài những ngữ liệu nêu trên trong sách tiếng Việt của bộ Cánh diều còn khá nhiều nội dung khiến cả giáo viên và phụ huynh ngao ngán. Một phụ huynh có con học Trường Tiểu học Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) cho hay: Tôi đọc bài Hai con ngựa nhưng không hiểu câu chuyện dạy cho con tôi điều gì. Nếu theo nội dung bài học, khi được giao việc gì đó mà không muốn làm thì trốn đi là giải pháp tốt nhất hay sao?. Tôi thấy nội dung bài này thiếu tính nhân văn và không có tính giáo dục. Tôi cũng không hiểu lý do gì mà các nhà nghiên cứu lại lấy những câu chuyện có tính chất mưu mẹo, lười biếng, gian xảo, ranh mãnh… để học trò đọc và học?. Các con còn nhỏ, tâm hồn như tờ giấy trắng nhưng những bài học đầu đời lại được học những điều nhảm nhí, vô nghĩa, liệu có ổn?.

Khi áp dụng vào thực tiễn, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên mới nhận ra rằng, sách tiếng Việt của bộ Cánh diều rất ít thơ, tục ngữ, ca dao, đồng dao Việt Nam mà lại có nhiều câu chuyện ngụ ngôn. Vẫn biết truyện ngụ ngôn sẽ có những bài học được rút ra từ cái xấu, từ sự châm biếm. Nhưng đó là nguyên lý tiếp thu của người trưởng thành, có một nền tảng nhận thức nhất định. Trong khi não bộ của một đứa trẻ 6 tuổi chưa đủ khả năng để suy xét đặt ngược lại vấn đề. Ở lứa tuổi này, mỗi câu chuyện, mỗi bài học sẽ được tiếp nhận một cách đơn giản nhất. Còn nhớ, những quyển sách giáo khoa trước đây mà cha mẹ, anh chị chúng ta học, dù không tốt nước sơn nhưng thật sự là một loại gỗ quý. Hình thức tuy có thô sơ giản dị, không màu sắc sinh động, không bóng bảy… nhưng, mỗi bài học trong sách được lựa chọn kỹ càng, giàu tính giáo dục, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu, vần điệu nhịp nhàng… để lại nhiều dấu ấn và ký ức khó phai nhạt. Vậy, dấu ấn của thế hệ tương lai trưởng thành từ những trang sách với những bài học đang được coi là đầy sạn sẽ là gì?.

Cần cái nhìn thực tế

Giáo dục là sự nghiệp bồi dưỡng con người, giáo dục phải đặt nền móng cho trẻ em. Nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục là xây đắp nhân tính tốt đẹp, cuối cùng là hình thành xã hội tốt đẹp. Đánh giá giáo dục, thúc đẩy cải cách giáo dục cần phải xuất phát từ mục tiêu, nguyên tắc này. Với những đứa trẻ vừa chập chững đến trường, ấn tượng về những bài học đầu đời là rất quan trọng. Thế nên, những câu chuyện hay, ý nghĩa mang tính giáo dục đạo đức nền tảng, vừa có tính dân tộc vừa mang tính phổ quát được trình bày bằng một ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ thuộc, dễ nhớ… sẽ là hành trang, là ký ức theo suốt cuộc đời các em sau này. Điều này cũng đồng nghĩa, việc biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em phải làm sao gieo những hạt mầm lương thiện để từ đó khơi gợi và thức tỉnh nhân tính. Nếu không làm được việc này, mà trái lại còn viết ra những câu chuyện nhảm nhí, rỗng tuếch như những câu chuyện ngụ ngôn được tác giả sách giáo khoa Cánh diều xây dựng lên thì liệu có gieo những mầm xấu vào tâm hồn trẻ nhỏ?.

Nhiều người cho rằng, những người viết sách tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh diều vẫn thiếu một cái nhìn thực tế. Không ít sai sót của sách mà dư luận xã hội phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Trong một cuốn sách mà có quá nhiều đoạn văn phỏng theo ngụ ngôn của nhà văn nước ngoài không thành câu, trong khi kho tàng văn chương của Việt Nam có biết bao nhiêu khổ thơ hay, biết bao câu chuyện cổ dân gian đẹp lại rất ít xuất hiện. Và, có cả sự thưa vắng những bài học bày tỏ thái độ về mặt đạo đức như cảm ơn, xin lỗi. Đây là thực tế mà người viết sách phải nhìn ra và có trách nhiệm hơn trong việc viết sách của mình. Theo ông Bùi Ngọc Thịnh, chuyên viên giáo dục tiểu học, Phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương, nếu cứ triển khai giảng dạy và học tập với nhiều từ tối nghĩa sẽ tạo tâm lý lo lắng, bất an cho cả giáo viên và phụ huynh học sinh. Ngành chức năng và đơn vị có liên quan cần phải rà soát lại từng bài, từng mục để xem xét điều chỉnh, thay thế những ngữ liệu, nội dung chưa phù hợp bằng những từ ngữ trong sáng, gần gũi, mang tính phổ thông, đại chúng.

Cần lắng nghe tiếng nói phản biện từ dư luận, đó là thái độ cầu thị và khách quan của người làm khoa học. Có thể nhóm biên soạn sách có quan điểm riêng, nhưng phải đặt cái riêng vào cái chung và phải đạt mục đích cao nhất của giáo dục, nhất là đối với trẻ vỡ lòng. Vì vậy, hãy lắng nghe những góp ý, phân tích từ những người góp ý có trách nhiệm, để xem xét lại công trình bằng cái nhìn thực tế, khoa học. Thực tế, sự thẩm định của các nhà chuyên môn là rất quan trọng, nhưng đừng quên sự trả lời của Nhân dân, của các bậc phụ huynh và cả những người trực tiếp đứng lớp. Do đó, Bộ GD&ÐT cần lắng nghe những ý kiến đóng góp từ giáo viên và phụ huynh học sinh để từ đó điều chỉnh phù hợp. Ðồng thời, rút kinh nghiệm để xây dựng chương trình cho các bậc học khác.

Không thể phủ nhận những ưu điểm của những bộ sách giáo khoa mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, đổi mới không nhất thiết là phải làm khác cái cũ mà phải bổ sung, hoàn thiện cái cũ phù hợp với đặc điểm và sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Một cuốn sách giáo khoa chứa nhiều sạn về ngữ liệu, lỗi không chỉ nằm ở nhóm tác giả, đó còn là trách nhiệm của các hội đồng thẩm định và đơn vị quản lý Nhà nước đã phê duyệt nội dung đưa vào thực hiện. Được biết, trước phản ánh của dư luận, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa rà soát, xem xét lại, tiếp thu một cách cầu thị, khoa học những nội dung phản ánh.

Phong Sắc