Ứng phó biến đổi khí hậu cần cách tiếp cận toàn cầu
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN đang tăng cường thúc đẩy sự hợp tác trong việc bảo vệ nông nghiệp, lâm nghiệp và an ninh lương thực. Nhiệt độ toàn cầu tăng sẽ làm giảm đáng kể năng suất và giá trị dinh dưỡng của cây trồng, đặc biệt là lúa gạo, cây trồng chủ lực của Đông Nam Á. Điều này có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng khu vực và giá cả thị trường, do đó phá vỡ sự ổn định kinh tế.
Khuôn khổ Đa ngành ASEAN về Biến đổi Khí hậu: Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp hướng tới An ninh Lương thực (AFCC) được xây dựng theo mục tiêu của Hội nghị Quan chức Cấp cao ASEAN về Nông nghiệp và Lâm nghiệp (SOM AMAF) năm 2009 nhằm cung cấp cơ chế phối hợp hành động và hợp tác để giải quyết các thách thức đối với an ninh lương thực.
Trong lĩnh vực y tế, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN (AHMM) đã thừa nhận thách thức của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng. Do là khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, ASEAN có thể thấy nhiều trường hợp mắc các bệnh do khí hậu gây ra hơn như sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh đường hô hấp.
Trong lĩnh vực tài chính, các khoản đầu tư bền vững cũng đang được cải thiện. Chẳng hạn, các cộng đồng doanh nghiệp ASEAN đã và đang tiến hành các cuộc đối thoại để giúp khu vực tư nhân tăng cường các cơ chế về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Theo cơ chế như vậy, các cân nhắc về khí hậu ngày càng được coi trọng trong các quyết định kinh doanh và đầu tư. Các sáng kiến khác như tiêu chuẩn Trái phiếu Xanh ASEAN đã được Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF) thúc đẩy dưới sự bảo trợ của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong khu vực và đáp ứng sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các khoản đầu tư xanh.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh COP 26, ngày 7/10, ASEAN đã công bố Báo cáo Tình hình Biến đổi Khí hậu đầu tiên của khu vực. Báo cáo cung cấp một cái nhìn tổng thể về tình trạng biến đổi khí hậu trong khu vực ASEAN và vạch ra các cơ hội hợp tác và phối hợp hướng tới các mục tiêu khí hậu năm 2050.
Báo cáo này đại diện cho một cột mốc quan trọng đối với ASEAN, thể hiện cam kết tập thể đổi mới, táo bạo hơn đối với chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu.
Báo cáo được thiết kế để thông báo và hướng dẫn toàn khu vực và các nước thành viên ASEAN hướng tới các mục tiêu đầy tham vọng về biến đổi khí hậu, thông qua một khuôn khổ về tính minh bạch và hành động chuyển đổi nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.. Ông Kung Phoak, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN
Trong quá trình xây dựng báo cáo, đại dịch Covid-19 xảy ra khiến các chuyên gia ASEAN nhanh chóng bổ sung về tiến trình phục hồi xanh và khả năng phục hồi cho Khung phục hồi toàn diện ASEAN như là một phần của ứng phó của ASEAN sau đại dịch.
Điều này tái khẳng định cam kết của khu vực trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19 và thúc đẩy việc thực hiện các ưu tiên của khu vực và địa phương hướng tới một tương lai bền vững và linh hoạt hơn.
Cùng với việc ra mắt Báo cáo Tình trạng ASEAN về Biến đổi Khí hậu, ASEAN cũng khởi động việc xây dựng Báo cáo Tình trạng Môi trường ASEAN lần thứ 6, sau khi Báo cáo cuối cùng được công bố vào năm 2017 như một phần của Lễ kỷ niệm Vàng ASEAN.
Nhận thức biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, không một quốc gia hay một tổ chức nào có thể hành động riêng lẻ, ASEAN những năm qua không ngừng gia tăng hợp tác với các quốc gia đối tác và các tổ chức quốc tế. Các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu với các quốc gia đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia,… thông qua các cơ chế hợp tác những năm qua đã mang lại nhiều kết quả khả quan.