Ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ trong rải vụ thu hoạch na – tăng năng suất và giá trị cho người trồng na
Ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ trong rải vụ thu hoạch na – tăng năng suất và giá trị cho người trồng na
Lượt xem: 532
Những năm gần đây cây na là một trong những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, việc phát triển các vùng trồng na được xem là một giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đưa quả na trở thành sản phẩm đặc sản, có thương hiệu trên thị trường. Năm 2020, diện tích trồng na trên địa bàn tỉnh là 352 ha, những vùng trồng na được đánh giá ngon nổi tiếng như huyện Mai Sơn, Thuận Châu. Thời gian qua, mặc dù người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho cây na, tuy nhiên quá trình sản xuất na tại các địa phương trong tỉnh đang gặp phải một số vấn đề như: Người dân trồng na chưa theo quy hoạch, quả na chín tập trung, thời gian thu hoạch ngắn, kỹ thuật trồng và chăm sóc na chưa đảm bảo dẫn đến hiệu quả chưa cao so với tiềm năng của vùng. Để khắc phục khó khăn này, năm 2019, Trường Cao đẳng Sơn La chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ xây dựng mô hình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch trong sản xuất Na tại Sơn La”. Đề tài đưa ra mục tiêu: Xây dựng được quy trình thâm canh Na áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nâng cao năng suất chất lượng rải vụ thu hoạch, từ đó chuyển giao kết quả nghiên cứu cho cơ sở áp dụng vào thực tế sản xuất mang lại giá trị kinh tế cho người dân từ sản phẩm na.
Mô hình trồng mới giống na dai tại xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu
Quá trình triển khai đề tài nhóm nghiên cứu đã khảo sát, điều tra đánh giá về điều kiện đất đai, nhu cầu sản suất cây ăn quả tại các huyện, từ đó lựa chọn 03 huyện Mai Sơn, Yên Châu và Mộc Châu để thực hiện đồng bộ các biện pháp canh tác rải vụ na như: cắt tỉa, cưa đốn, bón phân, thụ phấn cho cây na. Sau gần 03 năm nghiên cứu, thử nghiệm thực tế, kết quả cho thấy, thời gian đốn tỉa nên tiến hành từ 15 tháng 01 đến đầu tháng 2 trong năm, lúc này cây đã có một khoảng thời gian ngủ nghỉ, tích luỹ dinh dưỡng, thời tiết khí hậu thuận lợi cho việc sinh trưởng phát triển cây trồng. Vì vậy số lượng lộc bật ra nhiều, thời gian ra hoa ngắn và tập trung hơn, theo kết quả nghiên cứu từ thí nghiệm tỷ lệ đậu quả đạt 87%, số quả trên cây đạt gần 50 quả, năng suất đạt 9.610,0 kg/ha. Đối với phương pháp đốn tỉa, thực hiện đốn lửng (để lại những cành có đường kính từ 1,5 cm trở lên, cách đầu cành 30 – 40 cm) cho năng suất, chất lượng quả cao nhất, tỷ lệ đậu quả đạt 85%, quả có hình dạng, màu sắc đẹp, độ brix là 26,9, hàm lượng nước là 76,46%, đường tổng số 19,83%, vitamin C 50,2mg/100.
Một trong những kỹ thuật có ảnh hưởng lớn đến khả năng đậu quả cũng như mẫu mã, năng suất na đó chính là vấn đề thụ phấn, với kết quả nghiên cứu độ thành thục của hoa đực đến chất lượng quả na thì kỹ thuật thụ phấn qua việc lấy phấn từ hoa màu trắng đã hé nở cho năng suất, chất lượng quả cao, thời gian thụ phấn vào sáng sớm từ 5 giờ đến 8 giờ hoặc chiều tối từ 17 giờ đến 19 giờ tỷ lệ đậu quả cao hơn. Kỹ thuật cắt tỉa những hoa nhỏ ở cành nhỏ; quả vẹo, bé, sâu bệnh cho tỷ lệ quả tròn đều, nhờ đó mà năng suất, chất lượng quả na cũng được nâng lên. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất na người dân cũng cần quan tâm đến bón phân cân đối hợp lý như: Sử dụng phân chuồng, một số loại phân bón qua lá kết hợp với sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh hại trong quá trình sản xuất na đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thành viên Hợp tác xã Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn hướng dẫn kỹ thuật thụ phấn cho cây na
Song song với việc nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tác động vào cây na, thạc sĩ Đỗ Thị Minh Hải cùng nhóm nghiên cứu thực hiện xây dựng mô hình ghép cải tạo vườn na lâu năm năng suất thấp bằng giống na Hoàng hậu, quy mô 1 ha tại Hợp tác xã xây dựng và Nông nghiệp Bảo Khánh, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Qua theo dõi, đánh giá, sau 13 ngày ghép cây bật mầm, tỷ lệ sống đạt 94,17%, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tốc độ phát triển thân, cành nhanh gấp 3 đến 5 lần so với giống na dai, tỷ lệ ra hoa đạt 100%. Thời gian thu hoạch của giống na Hoàng hậu khá dài, từ khi đậu quả đến khi thu hoạch khoảng 120 ngày, quả to trung bình từ 0,6 – 1,2 kg, mã đẹp, chịu hạn và chịu rét khá tốt, ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, dễ chăm sóc phù hợp với khí hậu của tỉnh Sơn La, giá bán giao động từ 35.000 đồng đến 60.000 đồng/kg.
Mô hình trồng mới giống Na tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, bản Bó Phương, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu.
Ngoài việc đưa giống na mới vào sản xuất tại những vùng có điều kiện khí hậu thích hợp, năm 2019 đề tài còn tiến hành trồng mới 3 ha giống na dai áp dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng rải vụ thu hoạch, tại 3 huyện Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu. Các chỉ tiêu sinh trưởng được theo dõi đánh giá theo từng giai đoạn phát triển cũng như sự thích nghi của cây na đối với những vùng đất chưa trồng na từ trước đến nay. Sau hơn 2 năm chăm sóc, năm 2021, cây na trồng tại 3 huyện cho quả, qua so sánh quả na trồng tại Yên Châu có đường kính, chiều dài, khối lượng, chất lượng trung bình cao hơn trồng tại huyện Mai Sơn, Mộc Châu. Thời gian thu hoạch tại huyện Yên Châu sớm nhất bắt đầu thu hoạch từ 22/6, Mộc Châu thu hoạch quả vào 09/7, cuối cùng là huyện Mai Sơn thu hoạch từ 20/7 trong năm. Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, bản Bó Phương xã Yên Sơn, huyện Yên Châu trồng 1 ha, với 600 cây na dai từ tháng 6/2019 khi trường Cao đẳng Sơn La triển khai trồng thử nghiệm cây na tại huyện Yên Châu, quá trình sản xuất gia đình được cán bộ nhóm đề tài hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như áp dụng giải pháp thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch. Sau thời gian trồng thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, năm 2021, cây cho quả bói, gia đình thu được 2 tấn quả, chất lượng, mẫu mã quả đẹp, giá bán trên 30.000 đồng/kg. Ngoài trồng na dai gia đình còn học hỏi kinh nghiệm một số mô hình có hiệu quả tại các huyện để đầu tư, chuyển đổi ghép cải tạo thêm giống na Sầu riêng nhằm đa dạng sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Sau khi áp dụng thành công các biện pháp rải vụ na và kết quả từ mô hình, trường Cao đẳng Sơn La phối hợp với các huyện tổ chức 03 tập huấn chuyển giao kết quả nghiên cứu cho người dân tại các địa phương.
Sau gần 3 năm nghiên cứu tại nhiều điểm có địa hình, khí hậu khác nhau, cây na đều cho kết quả tốt, là cây trồng hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cho người dân, là cơ sở khoa học để các huyện đưa vào quy hoạch vùng sản xuất na tập trung, trở thành hàng hoá chủ lực hướng tới xây dựng thành công thương hiệu Na của tỉnh Sơn La trong thời gian tới. Các biện pháp kỹ thuật đồng bộ nêu trên sẽ làm tăng độ phì của đất, giúp cây sinh trưởng tốt, từ đó, tăng năng suất, chất lượng, kéo dài thời gian thu hoạch mang lại giá trị kinh tế cho người dân trồng na.
Ánh Nguyệt