Tỷ giá hối đoái là gì? – Saigon Academy

• Vai trò của Chính phủ hay sự can thiệp của ngân hàng Trung ương

Tỷ giá hối đoái là gì? Lý thuyết tiền tệ về sự quyết định tỷ giá

Tỷ giá hối đoái là quan hệ so sánh giữa hai loại tiền tệ với nhau. Đó là, giá của một đơn vị tiền tệ nước này so với một lượng tiền tệ nước kia. Tỷ giá hối đoái được sử dụng trong giao dịch hàng hóa ngoại thương.







Tỷ giá hối đoái là gì?

Hối đoái (exchange) – là sự chuyển đổi từ một đồng tiền này sang đồng tiền khác.

Chẳng hạn chuyển đổi từ đồng Việt Nam (VND) sang dollar Mỹ (USD) hay từ Euro (EUR) sang Yen Nhật (JPY) v.v…

Sự chuyển đổi này xuất phát từ yêu cầu thanh toán giữa các cá nhân, các công ty, các tổ chức thuộc hai quốc gia khác nhau và dựa trên một tỷ lệ nhất định giữa hai đồng tiền.

Tỷ lệ đó gọi là tỷ giá hối đoái hay gọn hơn là tỷ giá.

Tỷ giá hối đoái (exchange rate) giữa hai đồng tiền chính là giá cả của đồng tiền này tính bằng một số đơn vị đồng tiền kia.

Ví dụ 1

Tỷ giá giữa USD và VND, viết là USD/VND, chính là số lượng VND cần thiết để mua 1 USD.

Luật Ngân hàng Nhà nước định nghĩa tỷ giá hối đoái là tỷ lệ giữa giá trị của đồng Việt Nam với giá trị của đồng tiền nước ngoài.

Tỷ giá này được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố.

Dựa vào tỷ giá Ngân hàng Nhà nước công bố, các ngân hàng thương mại quyết định tỷ giá của mình.

Xem thêm: Khóa học thanh toán quốc tế

Theo quy định của Luật quản lý ngoại hối, ngân hàng không được phép bán ngoại tệ tiền mặt một cách tự do cho khách hàng nên Vietcombank không cần thiết phải chào tỷ giá này. Cách niêm yết tỷ giá giữa VND và các ngoại tệ khác cũng tương tự như cách niêm yết tỷ giá USD và VND.

Ví dụ 2

Ngày 28/7/2018, ngân hàng tỷ giá USD và VND như sau: 1 USD = 22.549 VND

tỷ giá hối đoáitỷ giá hối đoái

Cơ sở xác định tỷ giá hối đoái

Các nước có nền kinh tế thị trường theo đuổi hệ thống tỷ giá linh hoạt (flexible exchange rate system), trong đó tỷ giá được quyết định bởi sự tác động giữa cung và cầu ngoại tệ trên thị trường nhằm đáp ứng cho nhu cầu giao dịch ngoại tệ phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội. Cơ chế quyết định tỷ giá được mô tả ở hình 2.1.

tỷ giá hối đoái là gìtỷ giá hối đoái là gì

Tỷ giá hối đoái là gì? Cầu ngoại tệ

Cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối chính là tổng doanh số ngoại tệ cần mua trên thị trường ngoại hối.

Cầu ngoại tệ phát sinh từ nhu cầu mua ngoại tệ của các tổ chức, bao gồm:

  • các nhà nhập khẩu;
  • các nhà dẫu tư;
  • các tổ chức tín dụng; và
  • các tổ chức khác, của các cá nhân,

nhằm phục vụ cho các mục đích thanh toán, đầu cơ và phòng ngừa rủi ro tỷ giá, và của Ngân hàng Nhà nước, nhằm mục đích can thiệp để bình ổn giá.

Tỷ giá hối đoái là gì? Cung ngoại tệ

Cung ngoại tệ trên thị trường ngoại hối chính là tổng doanh số ngoại tệ cần bán trên thị trường ngoại hối.

Cung ngoại tệ phát sinh từ nhu cầu bán ngoại tệ của các tổ chức, bao gồm:

  • các nhà xuất khẩu;
  • các nhà đầu tư;
  • các tổ chức tín dụng,
  • và các tổ chức khác, của các cá nhân,
  • nhằm phục vụ cho các mục đích thanh toán, đầu cơ và phòng ngừa rủi ro tỷ giá, và của Ngân hàng Nhà nước, nhằm mục đích can thiệp để bình ổn tỷ giá. .

Cân bằng cung – cầu

Ở điểm E số lượng ngoại tệ cung và cầu bằng nhau, tỷ giá được xác định USD/VND = 22.500.

Ở tỷ giá cao hơn, chẳng hạn USD/VND = 23.500, sẽ có một sự dư thừa dollar khiến cho giá dollar giảm và rồi tỷ giá có khuynh hướng giảm trở về vị trí cân bằng tại điểm E.

Ngược lại ở tỷ giá thấp hơn, chẳng hạn USD/VND = 23.000 sẽ có một sự thiếu hụt dollar khiến giá dollar gia tăng và rồi tỷ giá có khuynh hướng tăng đến điểm cân bằng E.

Vấn đề đặt ra là cái gì tác động khiến cho tỷ giá luôn luôn trở về trạng thái cân bằng. Có rất nhiều lý thuyết khác nhau lý giải điều này. Dưới đây xin giới thiệu những nội dung chính của các lý thuyết này.

Nguồn: Ngân hàng nhà nước

Lý thuyết thương mại về sự quyết định tỷ giá

Theo cách tiếp cận này, tỷ giá được quyết định bởi sự cân bằng giữa giá trị xuất khẩu và nhập khẩu.

Nếu giá trị nhập khẩu của một quốc gia vượt quá giá trị xuất khẩu của nó thì tỷ giá sẽ gia tăng, nghĩa là nội tệ giảm giá so với ngoại tệ.

Điều này khiến cho hàng xuất khẩu của quốc gia đó trở nên rẻ hơn đối với người ngoại quốc và hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với dân bản xứ.

Kết quả là, xuất khẩu gia tăng và nhập khẩu sụt giảm cho đến khi cán cân thương mại thăng bằng. Như vậy, lý thuyết này nhấn mạnh vai trò của ngoại thương trong việc quyết định sự cân bằng của tỷ giá.

Lý thuyết ngang giá sức mua

Bản thân lý thuyết ngang giá sức mua cũng hình thành hai quan điểm khác nhau nhưng bổ sung cho nhau.

Lý thuyết ngang giá sức mua tuyệt đối cho rằng tỷ giá chính là tỷ số giữa mức giá cả chung của hai nước. Điều này được diễn tả bởi công thức:

Rab = Pa/Pb,

trong đó

  • Rab là tỷ giá giữa đồng tiền A và đồng tiền B,
  • Pa và Pb là mức giá cả chung ở nước A và nước B.

Chẳng hạn mức giá cả chung ở Mỹ cao hơn ở Anh hai lần thì tỷ giá giữa bảng Anh và dollar Mỹ sẽ là R = GBP/USD = 2/1= 2 hay là 2 USD bằng 1 GBP.

Lý thuyết này dựa trên cơ sở các giả định đơn giản là:

  • không có chi phí vận chuyển,
  • không có thuế hải quan và
  • hàng hóa được tự do lưu thông từ nước này sang nước khác.

Bởi vì các giả định trên không đúng trên thực tế nên lý thuyết ngang giá sức mua tuyệt đối không được thuyết phục lắm.

Lý thuyết ngang giá sức mua tương đối cho rằng sự thay đổi tỷ giá trong một thời kỳ nào đó tỷ lệ với sự thay đổi mức giá cả chung của thời kỳ đó. Điều này được diễn tả bởi công thức:

Rab1 = [(Pa1/Pa0)/(Pb1/Pb0)]Rab0

Trong đó:

Rab1 và Rab0 lần lượt là tỷ giá ở thời kỳ đang xem xét và thời kỳ gốc.

Chẳng hạn mức giá cả chung không thay đổi ở nước B trong khi mức giá cả ở nước A tăng 50% thì theo thuyết ngang giá sức mua tương đối tỷ giá giữa đồng tiền A và đồng tiền B sẽ tăng 50% hay đồng tiền A sụt giá 50% so với đồng tiền B.

Tỷ giá hối đoái là gì? Lý thuyết tiền tệ về sự quyết định tỷ giá

Lý thuyết này cho rằng tỷ giá được quyết định trong quá trình cân bằng tổng cung và cầu tiền tệ của quốc gia.

Cung tiền tệ được giả định là không phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Nhà nước hay nói cách khác là ngân hàng Trung ương không can thiệp vào khối cung tiền tệ.

Cầu tiền tệ phụ thuộc vào mức thu nhập thực tế, mức giá chung và lãi suất. Mức thu nhập và giá cả càng cao thì cầu tiền tệ càng lớn. Ngược lại, lãi suất càng cao thì cầu tiền tệ càng nhỏ do chi phí cơ hội để sử dụng tiền tệ lớn.

tỷ giá hối đoái là gìtỷ giá hối đoái là gì

Sau khi tỷ giá hối đoái đạt đến sự cân bằng, giả sử ngân hàng Trung ương gia tăng khối cung tiền tệ, ví dụ 10%.

Thế là trạng thái cân bằng tỷ giá bị phá vỡ. Trong một thời kỳ dài, điều này dẫn đến sự gia tăng giá cả và sụt giảm sức mua tiền tệ, theo dự kiến là 10%.

Tuy nhiên, bởi vì sự gia tăng khối cung tiền tệ còn làm cho lãi suất sụt giảm và điều này ngay lập tức ảnh hưởng đến thị trường tài chính và tỷ giá hối đoái.

Chẳng hạn sự sụt giảm lãi suất khiến cho luồng đầu tư vào tài sản tài chính di chuyển ra bên ngoài. Kết quả là tiền tệ sụt giá không chỉ có 10% mà có thể cao hơn, ví dụ 16%.

Lý thuyết về sự quyết định tỷ giá

Cách tiếp cận về phía danh mục đầu tư.

Theo cách tiếp cận này, tỷ giá được quyết định trong quá trình cân bằng giữa tổng cung và cầu về tài sản tài chính và xuất nhập khẩu ở mỗi nước.

Sau khi tỷ giá đạt tới sự cân bằng, sự gia tăng khối cung tiền tệ quốc gia sẽ dẫn đến sự sụt giảm lãi suất ở nước đó. Điều này gây ra sự chuyển dịch đầu tư từ trái phiếu trong nước sang tiền tệ và trái phiếu nước ngoài. Kết quả của sự chuyển dịch này là sự sụt giảm giá trị nội tệ.

Theo thời gian, sự xuống giá của nội tệ sẽ kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Đến lượt điều này sẽ dẫn đến thặng dư thương mại và tăng giá đồng tiền trong nước khiến cho tỷ giá đạt đến sự cân bằng mới. Với sự phân tích đầy đủ hơn các khía cạnh của vấn đề, cách tiếp cận này bổ sung được những hạn chế của các lý thuyết trước và làm cho nó trở nên hiện thực hơn.

Quy ước tên đơn vị tiền tệ

Để thống nhất và tiện lợi trong các giao dịch ngoại hối, Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (International Standard Organization) gọi tắt là ISO quy ước tên đơn vị tiền tệ của một quốc gia được viết bằng 3 kí tự. Hai ký tự đầu là tên quốc gia, ký tự sau cùng là tên đồng tiền. Dưới đây là ví dụ minh họa quy ước ký hiệu đơn vị tiền tệ theo ISO.

Ví dụ 3: Quy ước ký hiệu tên đơn vị tiền tệ.
Tên đơn vị tiền tệ của Mỹ là USD.
• Hai ký tự đầu US viết tắt của The United States.
• Ký tự sau cùng (D) viết tắt tên của dollar.

Tên đơn vị tiền tệ của Anh là GBP.
• Hai ký tự đầu GB viết tắt của Great British.
• Ký tự sau cùng (P) viết tắt tên của pound.

Tên đơn vị tiền tệ của Việt Nam là VND.
• Hai ký tự đầu VN viết tắt của Việt Nam.
• Ký tự sau cùng (D) viết tắt tên của đồng.

Tương tự theo cách ký hiệu như trong ví dụ trên đây, chúng ta có tên của tất cả các đồng tiền trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế giao dịch chỉ có một số ngoại tệ mạnh mới thường xuyên được niêm yết. Dưới đây chỉ liệt kê các ngoại tệ thường gặp trong giao dịch trên thị trường ngoại hối quốc tế và ở Việt Nam.

Phương thức biểu thị tỷ giá hối đoái

Phương pháp trực tiếp

Là phương pháp thể hiện tỷ giá của một đơn vị ngoại tệ bằng một số lượng nội tệ trong nước.

Phương pháp gián tiếp

Yết giá gián tiếp (indirect quotation) là phương pháp biểu thị giá trị 1 đơn vị nội tệ thông qua một số lượng ngoại tệ nhất định.

Theo thông lệ các đồng tiền thường được yết giá gián tiếp gồm có bảng Anh, dollar úc và dollar New Zealand, các đồng tiền thường được yết giá trực tiếp gồm có Yên Nhật, Franc Thụy sĩ, dollar Singapore, và nhiều đồng tiền khác trong đó có đồng Việt Nam. Riêng dollar Mỹ và Euro vừa yết giá gián tiếp vừa được yết giá trực tiếp.

Phương pháp này thường áp dụng ở những nước có đồng nội tệ mạnh.

Xác định tỷ giá hối đoái theo phương pháp tính chéo

Trên thị trường hối đoái thế giới, đôi khi chỉ thông báo tỷ giá hối đoái giữa đôla Mỹ và các đồng ngoại tệ khác.

Vì vậy, cần xác định tỷ giá giữa các đồng tiền tệ khác nhau. Ví dụ: giữa đồng AUD với đồng JPY, giữa đồng EUR và đồng VND.

Các chuyên gia kinh tế phải sử dụng phương pháp tính chéo để xác định tỷ giá giữa các đồng tiền tệ không được niêm yết này.

Nội dung phương pháp tính chéo

Muốn xác định tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền B và C khi biết tỷ giá hoái đối giữa hai đồng tiền A và B; A và C, thì người ta chia tỷ giá giữa A và C cho tỷ giá giữa A và B.

Vận dụng phương pháp tính chéo

Công ty XNK Minh Tân xuất khẩu hàng hóa cho Công ty Machinary Santak và thu về được 1,5 triệu EUR. Doanh nghiệp muốn đổi số tiền này ra đôla Úc (AUD) để trả tiền nhập khẩu hàng hóa cho một lô hàng khác từ Úc.

Nguyên tắc: Ngân hàng áp dụng tỷ giá thấp khi mua và tỷ giá cao khi bán.

Ngân hàng sẽ trả cho Công ty XNK Minh Tân bao nhiêu AUD, biết tỷ giá hối đoái được công bố là:

1 USD = 0,9850/80 AUD

1 USD = 0,7310/30 EUR

Để xác định đúng số tiền AUD Công ty XNK Minh Tân sẽ nhận được. Ta xem ngân hàng sẽ áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ hay mua ngoại tệ.

Công ty sẽ bán đồng EUR cho ngân hàng để mua USD (ngân hàng bán USD: 1 USD = 0,7330 EUR) và sau đó dùng USD để mua AUD (ngân hàng mua USD: 1 USD = 0,9850 AUD).

Như vậy, số AUD Công ty sẽ nhận được từ ngân hàng khi bán 1,5 triệu EUR là: 1,5 triệu EUR x 1,34379363 = 2.015.688,95 AUD.

Các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái

Cũng như giá cả hàng hóa, tỷ giá thường xuyên biến động trên thị trường và chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Các yếu tố này thường tác động đến cung và cầu ngoại tệ, từ đó, tác động đến tỷ giá.

Theo kinh nghiệm và quan sát của các chuyên gia, tỷ giá thường chịu tác động của các yếu tố sau đây:

• Tình hình lạm phát trong và ngoài nước

Nếu tỷ lệ lạm phát trong nước cao hơn lạm phát ở nước ngoài, hàng hóa trong nước sẽ trở nên đắt đỏ hơn so với hàng hóa nước ngoài.

Điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu hàng hóa ngoại nhập và sụt giảm nhu cầu hàng hóa nội địa. Sự thay đổi nhu cầu hàng hóa này sau đó được chuyển dịch sang thị trường ngoại hối làm tăng cầu và giảm cung ngoại tệ. Kết quả là ngoại tệ lên giá so với nội tệ, hay tỷ giá gia tăng.

• Tình hình thay đổi lãi suất nội tệ và ngoại tệ

Nếu lãi suất trong nước tăng tương đối so với lãi suất ngoại tệ thì tài sản tài chính nội địa trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư hơn tài sản tài chính nước ngoài.

Điều này khiến các nhà đầu tư phải tái cấu trúc lại danh mục đầu tư đưa đến hệ quả là dòng vốn chảy ra khỏi thị trường vốn nước ngoài và chảy vào thị trường vốn nội địa. Sự thay đổi các dòng vốn đầu tư này sau đó cũng được chuyển dịch sang thị trường ngoại hối làm giảm cầu và tăng cung ngoại tệ. Kết quả là đồng tiền trong nước lên giá so với ngoại tệ, hay tỷ giá giảm.

• Tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối

Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ngoài thì nhập khẩu tăng trưởng nhanh hơn xuất khẩu. Kết quả là cầu ngoại tệ tăng nhanh hơn cung ngoại tệ làm cho ngoại tệ lên giá so với nội tệ.

• Vai trò của Chính phủ hay sự can thiệp của ngân hàng Trung ương

Chính phủ thông qua ngân hàng Trung ương có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối. Sự can thiệp này thực hiện bằng việc bán ra hoặc mua vào ngoại tệ với khối lượng lớn nhằm làm thay đổi quan hệ cung cầu ngoại tệ, từ đó, tác động đến tỷ giá nhằm đạt mục tiêu chính sách tiền tệ của ngân hàng Trung ương.

• Tác động của nhiễu yếu tố khác

Như tình hình ổn định chính trị, kỳ vọng và sự tấn công của nhà đầu cơ, giá vàng và giá dầu trên thị trường quốc tế, tình hình thu hút kiều hối,…

Các yếu tố trên đây có thể tác động riêng lẻ hoặc đồng thời tác động lên cung hoặc cầu ngoại tệ, từ đó, tác động đến tỷ giá. Việc hiếu và phân tích tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá rất quan trọng vì nó giúp chúng ta dự báo và hình thành kỳ vọng hợp lý về tỷ giá để từ đó có cơ sở ra quyết định liên quan đến giao dịch ngoại tệ.

Các loại tiền tệ sử dụng thanh toán và tín dụng

– Tiền tệ tính toán: là đơn vị tiền tệ được dùng để biểu hiện giá cả hàng hóa và tính toán giá trị hợp đồng.

– Tiền tệ thanh toán: là đơn vị tiền tệ được dùng để thanh toán trong hợp đồng.

Tùy theo thỏa thuận mà đồng tiền thanh toán có thể là đồng tiền của một trong hai nước hoặc một nước thứ ba.

Đồng tiền tính toán và đồng tiền thanh toán có thể giống nhau hoặc khác nhau.

Cơ sở để lựa chọn đồng tiền tính toán và thanh toán:

– Tập quán sử dụng đồng tiền trong thanh toán;

– Vị trí của đồng tiền đó trên thị trường quốc tế;

– Tính chuyển đổi và tình hình lạm phát của đồng tiền đó.

– Đồng tiền thanh toán thống nhất dùng trong các khu vực kinh tế trên thị trường.

Hiện nay, trong thanh toán quốc tế, đồng USD vẫn được sử dụng rộng rãi, chiếm tỷ trọng cao trên thế giới. Ngoài ra, các ngoại tệ tự do chuyển đổi như đồng EUR, GBP, JPY, CHF, AUD cũng được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

Các loại tỷ giá thông dụng

Trong đời sống kinh tế cũng như trên thực tế giao dịch, có nhiều loại tỷ giá khác nhau.

Phổ biến nhất có các loại tỷ giá sau:

  • Tỷ giá Ngân hàng Nhà nước,
  • tỷ giá ngân hàng thương mại và
  • tỷ giá liên ngân hàng;
  • tỷ giá tiền mặt và tỷ giá chuyển khoản;
  • tỷ giá mở cửa và tỷ giá đóng cửa.

Các loại tỷ giá này thường rất khác nhau, do đó, cần phân biệt rõ từng loại để tránh nhầm lẫn trong giao dịch.

Tỷ giá Ngân hàng Nhà nước

là tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố hàng ngày. Tỷ giá này thường dùng làm tỷ giá tham khảo cho các ngân hàng thương mại và làm tỷ giá tính toán trong công tác kế toán và kế hoạch.

Tỷ giá này không áp dụng trong giao dịch mua bán ngoại tệ. Trong giao dịch mua bán ngoại tệ người ta thường sử dụng tỷ giá của ngân hàng thương mại.

Tỷ giá ngân hàng thương mại

Trong quan hệ giao dịch với khách hàng các ngân hàng thương mại luôn phân biệt giữa khách hàng mua và khách hàng bán ngoại tệ. Nếu khách hàng đến mua ngoại tệ thì ngân hàng bán theo tỷ giá bán, nếu khách hàng đến bán ngoại tệ thì ngân hàng mua theo tỷ giá mua.

Giữa tỷ giá bán và tỷ giá mua có chênh lệch (spread) nhằm đảm bảo cho ngân hàng có thu nhập để trang trải chi phí giao dịch và tìm kiếm lợi nhuận thỏa đáng. Do vậy, khi yết giá ngân hàng thường yết cả giá mua và giá bán.

  • Tỷ giá của ngân hàng thương mại còn phân biệt rõ thêm tỷ giá tiền mặt và tỷ giá chuyển khoản.
  • Tỷ giá tiền mặt là tỷ giá ngân hàng thương mại áp dụng để mua ngoại tệ tiền mặt của khách hàng.

Tỷ giá chuyển khoản

là tỷ giá ngân hàng thương mại áp dụng để mua và bán ngoại tệ chuyển khoản với khách hàng.

Lưu ý, trong giao dịch ngoại tệ tiền mặt, ngân hàng thường chỉ có mua chứ không bán ngoại tệ tiền mặt cho khách hàng nên ngân hàng chỉ chào tỷ giá mua tiền mặt chứ không chào tỷ giá bán tiền mặt.

Ngoài ra, ngân hàng thương mại còn phân biệt hai loại tỷ giá nữa, đó là tỷ giá đóng cửa và tỷ giá mở cửa.

Sở dĩ như vậy là vì tỷ giá trên thị trường thay đổi rất nhanh nên có thể rất khác nhau ở những thời điếm khác nhau trong ngày giao dịch.

Tỷ giá đóng cửa là tỷ giá ở thời điểm cuối giờ giao dịch. Tỷ giá mở cửa là tỷ giá ở thời điểm đầu giờ giao dịch. Thông thường tỷ giá đóng cửa của ngày hôm trước bằng tỷ giá mở cửa của ngày hôm sau.

Cuối cùng, tỷ giá liên ngân hàng là tỷ giá áp dụng trong giao dịch mua bán ngoại tệ giữa các ngân hàng với nhau trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Tỷ giá này chỉ áp dụng cho khách hàng là ngân hàng khác chứ không phải là khách hàng thông thường.

Tác giả: Trần Quang Vũ
CEO Saigon Academy