Tuyên Quang: Một số thành tựu Giáo dục – Đào tạo sau 30 năm đổi mới

Tuyên Quang: Một số thành tựu Giáo dục – Đào tạo sau 30 năm đổi mới

Chủ nhật, ngày 24 tháng 10 năm 2021 – 15:20

Đã xem: 160

  • A+
  • A-

Trải qua 30 năm, sự nghiệp giáo dục – đào tạo của tỉnh không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, chương trình kiên cố hóa trường, lớp học; đội ngũ giáo viên được bổ sung về số lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm trao Cờ Thi đua cho các tập thể tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 – 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 – 2022, tuyên dương học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh năm học 2020 – 2021. Nguồn ảnh: baotuyenquang.com.vn

Giai đoạn 1991-2001, tỉnh tập trung thực hiện các chương trình phổ cập giáo dục và xóa mù chữ nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục các cấp học đạt được những kết quả tích cực; đến năm 1995 Tuyên Quang là tỉnh miền núi đầu tiên và là tỉnh thứ 9 của cả nước được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ; năm 2001 tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở với 6/6 huyện, thị xã, 135/145 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Năm 2010, thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của ủTh tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015, năm 2012 Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỉnh đã thực hiện thành công chương trình phổ cập, là tỉnh thứ 7 trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Hệ thống trường, lớp từng bước được phát triển từ cấp học mầm non đến đại học; 100% xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 trường mầm non, 01 trường tiểu học, 01 trường trung học cơ sở; trung tâm các huyện và cụm xã có trường trung học phổ thông; đồng thời có các điểm trường lẻ để đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường; quan tâm phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông dân tộc nội trú và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 474 trường học, tăng 46,6% so với năm học 1991-1992. Trong đó: 152 trường mầm non, 136 trường tiểu học, 155 trường trung học cơ sở, 31 trường trung học phổ thông.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được đầu tư, trang cấp; đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt trên 70%, cơ bản đã xóa các phòng học tạm; hệ thống phòng học bộ môn, thư viện trường học, nhà hiệu bộ, nhà công vụ của giáo viên, nhà vệ sinh và các công trình phụ trợ được quan tâm đầu tư; tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia từng bước được nâng lên, toàn tỉnh có 227/474 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 47,9%; trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, trang cấp, bổ sung hằng năm, cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy – học.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô trường, lớp, học sinh và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục; đến nay, đội ngũ giáo viên toàn tỉnh có 14.763 người, được bố trí cơ bản đủ về số lượng ở các cấp học, hầu hết giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo.

Chất lượng giáo dục của các cấp học phổ thông được nâng cao qua các năm học; việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên được chú trọng và thực hiện tương đối hiệu quả; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông các năm cơ bản đạt trên 90%; kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh được duy trì tương đối ổn định về số lượng, chất lượng và nằm trong top khá của các tỉnh miền núi phía Bắc; triển khai tương đối hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và cuộc thi khoa học kỹ thuật hằng năm dành cho học sinh trung học; số lượng và chất lượng giải của các kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia tăng lên, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi cấp khu vực và cấp quốc gia; tỷ lệ học sinh học trung cấp, cao đẳng, đại học có xu hướng tăng, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề được quan tâm phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh trong thời kỳ mới; hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh và nhu cầu của người học. Đến nay, tỉnh có 01 trường đại học, 01 trường cao đẳng và 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Sau 30 năm kể từ khi tái thành lập tỉnh Tuyên Quang, sự nghiệp giáo dục và đào tạo có bước phát triển vượt bậc góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội./.

N.T.B.H