Tuyên Quang gặp khó trong việc nâng chuẩn giáo viên trung học phổ thông
GDVN- Tuyên Quang đang gặp vấn đề trong việc nâng chuẩn giáo viên đối với bậc trung học phổ thông, nên đội ngũ giáo viên vốn đã thiếu lại càng thiếu hơn.
Năm học mới 2022-2023 đang cận kề, đây là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với bậc trung học phổ thông. Bởi thế, nhiều địa phương đang lâm vào tình cảnh thiếu giáo viên ở một số môn học.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trần Thu Nga (Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang) đã thông tin về “bài toán” thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Thưa bà, xin bà cho biết thực trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang những năm gần đây và đặc biệt dự báo trong năm học tới (2022-2023)?
Bà Trần Thu Nga: Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 468 trường mầm non, phổ thông trong đó, có 152 trường mầm non; 132 trường tiểu học, 150 trường trung học cơ sở và trường liên cấp tiểu học – trung học cơ sở với 224.770 học sinh.
Số biên chế được giao 11.966 người làm việc; trong đó: mầm non 2.661 người; tiểu học 4.639 người; trung học cơ sở 2.964 người; trung học phổ thông: 1.702; 38 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.
So với nhu cầu và theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, hiện nay, số lượng người làm việc còn thiếu ở các cấp học trên địa bàn tỉnh là 5.421 người gồm: 3.855 giáo viên; 240 cán bộ quản lý và 1.326 nhân viên (kế toán, thư viện, thiết bị, y tế…).
Cụ thể, đối với cấp học mầm non thiếu: 3.228 người; cấp học tiểu học thiếu 692 người; cấp học trung học cơ sở thiếu 1.229 người; cấp học Trung học phổ thông thiếu 272 người.
Theo kế hoạch, số lớp, số học sinh năm học 2022-2023 tới, số lượng người làm việc còn thiếu so với nhu cầu và định mức quy định của tỉnh là 5.491. Trong đó, cấp học mầm non thiếu 3.204 người; tiểu học thiếu 771 người; trung học cơ sở thiếu 1.212 người; trung học phổ thông thiếu 304 người.
Bên cạnh những khó khăn đối với một số môn học mới, Tuyên Quang cũng như một số địa phương khác, gặp vấn đề trong việc nâng chuẩn giáo viên đối với bậc trung học phổ thông, nên đội ngũ giáo viên đã thiếu lại càng thiếu.
Năm học mới đang cận kề, nhiều địa phương đang xoay xở trước vấn đề thiếu giáo viên, đặc biệt với môn Lịch sử và các môn thuộc nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (đặc biệt là Âm nhạc, Mỹ thuật) ở bậc trung học phổ thông. Đội ngũ này trên địa bàn tỉnh hiện nay ra sao?
Bà Trần Thu Nga: Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 tỉnh Tuyên Quang ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh đầy đủ, kịp thời theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với việc triển khai thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Kế hoạch số 770/KH-BGDĐT ngày 11/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu dự kiến số tiết bắt buộc là 52 tiết/năm học, thì về số giáo viên Lịch sử hiện có cơ bản đáp ứng (số tiết Lịch sử chương trình chuẩn hiện nay theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT là 140 tiết (lớp 10: 52 tiết; lớp 11: 35 tiết; lớp 12: 52 tiết).
Đối với giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật: Năm học 2022-2023, áp dụng đối với lớp 10, hiện các trường trung học phổ thông trên địa bàn đang tuyển sinh và tư vấn cho học sinh lựa chọn môn học thuộc nhóm môn lựa chọn, đây là năm học đầu tiên đối với cấp trung học phổ thông.
Sở Giáo dục và Đào tạo chưa bố trí tuyển dụng giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật cho các trường trung học phổ thông (tránh tình trạng bố trí giáo viên nơi không có học sinh lựa chọn trong khi tỉnh đang thiếu biên chế).
Sau khi có số lượng đăng ký cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường trung học phổ thông phối hợp sử dụng giáo viên ở bậc trung học cơ sở trên cùng địa bàn xã, phường, thị trấn hoặc có thể mời giảng viên đủ điều kiện giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tham gia.
Các năm học sau, dựa vào hướng dẫn của Bộ, nhu cầu của học sinh và điều kiện của tỉnh, Sở sẽ dần bổ sung giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật cho các trường trung học phổ thông.
Riêng đối với Hoạt động giáo dục bắt buộc (Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn về các mô-đun theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập huấn cho tất cả giáo viên để thực hiện hoạt động giáo dục này, do đó, về chuyên môn cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện Hoạt động trải nghiệm.
Quan trọng là biên chế trong các cơ sở giáo dục có đủ nhân lực hay không, còn các giáo viên đều được tập huấn bài bản theo hướng dẫn của Bộ thì đều có thể thực hiện được.
Trước tình hình thiếu giáo viên như vậy, Sở đã có phương án, kế hoạch sắp xếp, bố trí như thế nào để đảm bảo nhiệm vụ năm học?
Bà Trần Thu Nga: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang đã có một số giải pháp để giải quyết một phần khó khăn do thiếu giáo viên. Cụ thể:
Thực hiện rà soát bố trí, phân công công tác và biệt phái giáo viên để cân đối số lượng giáo viên theo cơ cấu bộ môn giữa các trường học trên toàn tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học; ứng dụng các phần mềm dạy học trực tuyến.
Bên cạnh đó thực hiện sắp xếp trường, điểm trường, lớp học theo Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, giảm số điểm trường, đưa học sinh lớp 3 về điểm trường chính.
Đồng thời, giảm tối đa định mức nhân viên trong các đơn vị trường học để dành biên chế bố trí giáo viên dạy học.
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ, rà soát tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối số lượng người làm việc của các đơn vị khác sau giải thể, sáp nhập, hợp nhất và chuyển sang tự đảm bảo chi thường xuyên để bổ sung cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Trong năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cân đối, bổ sung thêm 94 biên chế cho cấp học mầm non.
Tích cực tham mưu thực hiện chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập tại một số phường, thị trấn.
Ngoài ra, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ đối với các đơn vị trường học hiện đang thiếu giáo viên.
Đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn, sắp tới chắc chắn cũng sẽ gặp phải vấn đề tương tự. Sở Giáo dục và Đào tạo có phương án phối hợp, hỗ trợ như thế nào để đảm bảo công tác dạy và học, khi bản thân tại các trường cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên?
Bà Trần Thu Nga: Đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, cấp huyện. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện tích cực rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên, sắp xếp biên chế, tuyển dụng giáo viên dạy văn hóa.
Đối với các đơn vị còn thiếu, căn cứ thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường trung học phổ thông chọn, cử giáo viên tham gia hỗ trợ giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên cùng địa bàn.
Sở có kiến nghị gì để giải quyết “bài toán” thiếu giáo viên đang gặp phải?
Bà Trần Thu Nga: Để có giáo viên dạy học và đảm bảo “có học sinh phải có giáo viên”, đáp ứng yêu cầu học tập cho con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn thiếu cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của tỉnh.
Trường hợp chưa bổ sung được biên chế, đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh bố trí bổ sung kinh phí hỗ trợ theo định mức biên chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo để các cơ sở giáo dục công lập hợp đồng thêm người làm việc hoặc chi tiền dạy thêm giờ cho giáo viên theo quy định.
Trân trọng cảm ơn bà!
Ngân Chi