Tuổi già và sức khoẻ

Trên toàn thế giới, tỷ lệ người trên 60 tuổi đang tăng lên nhanh chóng hơn bất cứ nhóm tuổi nào do tuổi thọ ngày càng cao và giảm tỷ lệ sinh. Điều này mang đến vừa thách thức vừa cơ hội cho y tế công cộng và sự phát triển kinh tế xã hội của các nước. Cụ thể là làm gia tăng nhu cầu cả về chăm sóc sức khỏe lẫn chăm sóc lâu dài, đòi hỏi một lực lượng lao động có kỹ năng và tạo nên nhu cầu có môi trường thân thiện với người già ở các thành phố và vùng lân cận.

Khi người ta già đi, khả năng cơ bản (tổng của khả năng thể lực và trí óc) có xu hướng giảm sút và bệnh tật thường là mạn tính và phức tạp. Tình trạng đa bệnh tật (có nhiều bệnh mạn tính cùng một lúc) tăng lên cùng với tuổi. Tuy nhiên, hệ thống y tế ở nhiều nước được thiết kế để phục vụ những người trẻ, với những dịch vụ chẩn đoán và điều trị các bệnh cấp tính, do đó các nhân viên y tế cần phải được đào tạo và đào tạo lại về những bệnh lý hay gặp ở người già, như là đau mạn tính, suy giảm chức năng, bệnh lý tâm thần, cùng với các bệnh mạn tính khác như  bệnh tim mạch và đái tháo đường

Đầu tư vào cho người già có thể giúp họ tiếp tục đóng góp nhiều hơn, trước hết là đóng góp cho gia đình, cho cộng đồng hoặc rộng hơn là cho xã hội. Tổ chức y tế thế giới đưa ra khái niệm Tuổi già Khỏe mạnh thông qua 4 lĩnh vực can thiệp chính: định hướng hệ thống y tế theo nhu cầu của người già; phát triển hệ thống y tế bền vững và bình đẳng để cung cấp các dịch vụ chăm sóc dài hạn; xây dựng môi trường thân thiện với người già; và cải thiện sự đánh giá, theo dõi và nghiên cứu các vấn đề của người già (Chiến lược Toàn cầu và Kế hoạch Hành động về Tuổi già và Sức khỏe” – 2016)

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, nên không có nhiều thời gian chuẩn bị cho những thách thức đối với tình trạng dân số già. Do đó, những giải pháp phù hợp và kịp thời nên được đưa ra để có thể đảm bảo khả năng đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng lên nhanh chóng đối với người già. Cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người già cần phải toàn diện, liên tục và phối hợp giữa các tuyến và giữa các cơ sở y tế. Để đáp ứng nhu cầu này, hệ thống y tế cần được định hướng lại về phía chăm sóc sức khỏe ban đầu, với sự phối hợp nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời; cùng với việc trao trách nhiệm cho cộng đồng và hỗ trợ phong trào Tuổi già Khỏe mạnh.