Tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tuổi chịu trách nhiệm hành chính
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hành chính mới nhất năm 2021. Quy định về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, độ tuổi phải chịu trách nhiệm hành chính mới nhất.
1. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính
Để đảm bảo được trật tư an ninh, an toàn xã hội, luật pháp Việt Nam đã ban hành hệ thống pháp luật chặt chẽ, can thiệp vào tất cả các lĩnh vực trong thực tế đời sống từ hình sự, dân sự, hành chính, thương mại, doanh nghiệp, lao động, bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, việc ban hành các quy định pháp luật chỉ đáp ứng được phần nào nhằm hạn chế, khắc phục, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật chứ không thể nào ngăn chặn hoàn toàn.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Trong thời gian gần đây, các hành vi vi phạm hình sự, dân sự và hành chính có xu hướng tăng lên, đặc biệt là có nhiều trường hợp trẻ vị thành niên vì hiểu biết, nhận thức còn chưa được toàn diện dẫn đến việc vướng vào vi phạm pháp luật nhưng nhiều bậc phụ huynh, nhiều gia đình lại dựa vào việc con, cháu mình còn nhỏ nên coi nhẹ. Vậy, theo quy định của pháp luật thì độ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính là bao nhiêu? Trong phạm vi bài viết này, Luật Dương Gia mời các bạn tham khảo quy định của pháp luật về vấn đề này.
Xem thêm: Các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trong xử lý vi phạm hành chính
2. Độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự
Trước hết, cần phải hiểu rõ thế nào là trách nhiệm hình sự: hiểu đơn giản trách nhiệm hình sự của một cá nhân, tổ chức là việc cá nhân, tổ chức phạm tội phải tự mình chịu trách nhiệm và chịu những hậu quả pháp lí bất lợi đối với hành vi vi phạm, hành vi phạm tội của chính mình. Đây là một loại trách nhiệm mang tính pháp lí, phạm vi của nó bao gồm nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự qua tất cả các giai đoạn từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đến khâu điều tra, truy tố và xét xử, chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự bao gồm cả biện pháp tư pháp và hình phạt và phải chịu mang án tích đối với hành vi mình đã gây ra.
Độ tuổi đủ khả năng chịu trách nhiệm hình sự là một vấn đề đáng được quan tâm, điều này thể hiện rõ vai trò của Nhà nước trong việc quản lí những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, và nhằm mục đích răn đe, hạn chế các hành vi này. Cụ thể, tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về độ tuổi đủ để một cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm hình sự như sau:
Bất cứ cá nhân nào có độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên căn cứ theo tuổi thực tế được ghi nhận theo quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm do chính bản thân mình gây ra, trừ những trường hợp có quy định khác.
Riêng đối với tội giết người, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định của pháp luật tại Điều 134 của Bộ luật này, tội hiếp dâm hoặc tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm mà đối tượng người bị hại là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội bắt cóc nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, tội cướp tài sản; tội phạm mang tính chất rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định cụ thể tại một trong Điều sau đây thì chỉ cần người đó từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự:
Đối với tội liên quan đến quyền con người bao gồm tội cưỡng dâm quy định tại Điều 143 của Bộ luật này; tội mua bán người trái pháp luật (Điều 150); tội mua bán người mà đối tượng là trẻ em dưới 16 tuổi (Điều 151);
Tội liên quan đến tài sản của người khác bao gồm tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 của Bộ luật này; tội trộm cắp tài sản (Điều 173); tội cướp giật tài sản (Điều 171) hoặc tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178);
Tội vi phạm các quy định của pháp luật đối với các chất ma túy và các tiền chất tại Điều 248 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; tội tàng trữ trái phép chất ma túy quy định tại Điều 249; tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252);
Các tội các theo quy định của pháp luật mang tính chất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các Điều 265, 266, 285, 286, 287, 289, 290, 299, 303, 304 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trong đó, có thể hiểu tội rất nghiêm trọng là tội mà áp dụng mức xử phạt cao nhất của khung hình phạt theo quy định của Bộ luật này có thời gian từ 07 năm tù đến 15 năm tù, gây nguy hại lớn cho xã hội, tội đặc biệt nghiêm trọng là tội có mức cao nhất của khung hình phạt có thời gian trên 15 năm tù hoặc áp dụng hình thức xử phạt tù chung thân hoặc tử hình, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, mà mức độ gây hại được cho là đặc biệt lớn đối với xã hội.
Tuy nhiên, vấn đề về độ tuổi chỉ là một yếu tố để làm căn cứ xác minh một con người có đủ điều kiện để truy cứu và chịu trách nhiệm hình sự không, ngoài yếu tố này còn cần phải cân nhắc đến khả năng nhận thức, cụ thể tại Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định cụ thể như sau:
Trường hợp người nào thực hiện hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội, đặc biệt nguy hiểm cho xã hội nhưng người đó đang trong tình trạng mất khả năng nhận thức, khi đang mắc bệnh tâm thần có xác nhận, kiểm tra của cơ sở y tế có thẩm quyền hoặc bất cứ căn bệnh nào khác dẫn đến không còn khả năng nhận thức hoặc không còn khả năng điều chỉnh hành vi của mình thì được pháp luật xem xét không phải chịu trách nhiệm hình sự trước hành vi của mình đã gây ra. Việc xác định một người có đúng là đang trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là một vấn đề vô cùng quan trọng khi bảo vệ quyền lợi của các bên và đảm bảo việc xử lí đúng người, đúng tội đối với những hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Xem thêm: Năng lực trách nhiệm hình sự là gì? Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
3. Độ tuổi xử phạt hành chính
Về độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính thì theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra. (Điềm a Khoản 1 Điều 6).
Xử phạt hành chính là một hình thức xử phạt mà trong đó các biện pháp xử lí không được áp dụng đối với các đối tượng không được coi là tội phạm theo quy định của pháp luật. Các hình thức xử phạt được áp dụng khi xử phạt hành chính bao gồm: phạt cảnh cáo, phạt nộp tiền hoặc tước đi quyền sử dụng giấy phép, thu giữ chứng chỉ hành nghề;…
Độ tuổi có thể áp dụng biện pháp xử phạt hành chính được quy định cụ thể tại Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 06 năm 2012 như sau: Áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi mà cố tình vi phạm khi người vi có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên thì sẽ bị xử phạt hành chính về mọi hành vi vi phạm của mình không căn cứ vào ý chí chủ quan của người đó.
Ngoài ra, cũng trong Luật này, tại các Điều 90,92 có quy định:
Khi một người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu cấu thành một tội phạm rất nghiêm trọng mà do ý chí chủ quan người đó cố tình thực hiện và người đó có độ tuổi từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thì pháp luật áp dụng biện pháp xử lí hành chính là được giáo dục tại xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú đối với trường hợp cá nhân có cư trú hợp pháp, nếu trong trường hợp cá nhân đó không có cư trú hoặc cư trú không hợp pháp thì sẽ áp dụng biện pháp xử lí đưa vào trường giáo dưỡng.
Đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà tính chất vi phạm là đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội mà do người đó cố ý thực hiện thì áp dụng biện pháp xử kí đưa vào trường giáo dưỡng.
Trên đây là những thông tin cụ thể quy định của pháp luật Việt Nam về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hành chính. Rất mong có thể đem lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc để hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của bản thân.
Xem thêm: Cách tính tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự 2015
4. Độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự mới nhất
Tóm tắt câu hỏi:
Khoảng 19 giờ ngày 07/3/2019, Nguyễn Văn C (SN 1980) cùng Đinh Văn X và một số người khác ngồi uống rượu tại nhà chị Trần Thị H. Trong lúc uống rượu, C và X xảy ra xô xát. X tức giận đánh 02 cái vào mặt C. Sau đó C và mọi người ra về còn X ngủ lại tại nhà H. Khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, C quay lại nhà H để yêu cầu X phải xin lỗi. Khi đến nhà H, C gọi cửa nhưng H không mở, C liền nhặt 01 đoạn gậy tre dài 70cm, đường kính 04cm rồi đạp cửa xông vào nhà. Thấy X đang nằm ngủ trên giường, C dùng gậy đánh vào đầu X, X vùng dậy chạy nhưng C vẫn đuổi theo, tiếp tục dùng gậy đánh vào đầu và người X gây thương tích 8%. Ngày 17/4/2019, X làm đơn yêu cầu khởi tố C về việc đã đánh mình gây thương tích. C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015. Giả sử C là người chưa thành niên thì C có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã thực hiện không?
Luật sư tư vấn:
Theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là ba năm tù, nên căn cứ vào khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 thì hành vi của phạm tội của C thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng.
Ở tình huống giả định C là người chưa thành niên.
+ Căn cứ vào khoản 1 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015: “1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.”.
+ Theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vậy ta có 2 trường hợp:
– Nếu tại thời điểm phạm tội C dưới 16 tuổi: C không phải chịu trách nhiệm hình sự
– Nếu tại thời điểm phạm tội C từ đủ 16 tuổi: C phải chịu trách nhiệm hình sự.
Xem thêm: Người chưa thành niên là gì? Quy định về người chưa thành niên phạm tội?
5. Tuổi phải chịu trách nhiêm hình sự đối với tội xâm phạm sở hữu
Luật hình sự mỗi nước khác nhau lại có quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự khác nhau nó hoàn toàn tuỳ thuộc vào thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và sự phát triển về sinh học của con người ở mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”.
Vấn đề đặt ra là người chưa đủ 14 tuổi lại không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ gây ra? Khoa học luật hình sự xác định tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn về sự phát triển tâm sinh lý của con người, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển về quá trình nhận thức của con người và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
Người chưa đủ 14 tuổi, trí tuệ chưa phát triển đầy đủ nên chưa nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội về hành vi của mình, chưa đủ khả năng tự chủ khi hành động nên họ không bị coi là có lỗi về hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện. Hành vi được coi là không có lỗi là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên họ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi được coi là người chưa có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Do đó, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm theo quy định của pháp luật chứ không chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội phạm. Theo luật khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp chưa đủ 18 tuổi khi thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì khi điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định rõ tuổi của họ. Cách tính đủ tuổi là tính theo tuổi tròn. Ví dụ: Sinh ngày 01/01/1980 thì ngày 01/01/1994 mới đủ 14 tuổi và ngày 01/01/1996 mới đủ 16 tuổi. Trong trường hợp không có điều kiện xác định chính xác ngày sinh thì tính ngày sinh theo ngày cuối cùng của tháng sinh. Ví dụ: Chỉ biết tháng sinh của người phạm tội là tháng 4/1981 mà không biết ngày nào thì lấy ngày 30/4/1981 là ngày sinh của họ. Trường hợp cũng không có điều kiện xác định chính xác tháng sinh thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng năm sinh là ngày sinh của người phạm tội. Ví dụ: Chỉ biết năm sinh của người phạm tội là năm 1983 thì ngày sinh của người phạm tội là ngày 31/12/1983. Các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử phải tiến hành hết các biện pháp xác minh mà không thể chứng minh được ngày tháng năm sinh thì mới lấy ngày cuối cùng trong tháng hoặc tháng cuối cùng trong năm làm ngày sinh của người phạm tội. Trong hồ sơ vụ án nhất thiết phải có bản sao giấy khai sinh (nếu là trường hợp có giấy khai sinh), nếu là trường hợp không có giấy khai sinh các biên bản xác minh thì phải có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu có nhiều tài liệu phản ánh tuổi của người phạm tội khác nhau thì việc xác định tuổi của người phạm tội theo hướng có lợi cho họ.
Xem thêm: Các trường hợp loại trừ, không phải chịu trách nhiệm hình sự
6. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản
Tóm tắt câu hỏi:
Đức biết gia đình anh Mạnh thường không có ai ở nhà vào buổi sáng. Khoảng 9h ngày 26/7/2019, Đức phá khóa vào nhà anh Mạnh để lấy tài sản. Đức đang dắt chiếc xem máy của anh Mạnh ra sân (chiếc xe máy trị giá 31 triệu đồng), đúng lúc đó anh Mạnh quay về nhà, phát hiện và hô hoán. Đức bị mọi người bắt giữ. Hành vi của Đức có thể bị xử lí theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015.
Câu hỏi: Giả sử Đức mới chỉ 15 tuổi thì Đức có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Tại sao? Em xin cảm ơn anh/chị.?
Luật sư tư vấn:
Theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội trộm cắp tài sản như sau:
“Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
…”
Theo đó, hành vi của Đức bị bắt quả tang đang ăn trộm chiếc xe máy có trị giá 31 triệu đồng và bị áp dụng theo khoản 1 Điều 173 tối đa ba năm tù. Theo khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 quy định về phân loại tội phạm như sau:
“a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
…”
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài:1900.6568
Như vậy, tội trộm cắp tài sản của Đức là tội ít nghiêm trọng, trường hợp Đức chỉ mới 15 tuổi thì theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
…
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Do đó, Đức không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp tội ít nghiêm trọng này.