Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12
Tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trước kỳ thi THPT quốc gia có vai trò quan trọng giúp cho các em có cơ sở lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường, tránh lãng phí về nhân lực sau đào tạo. Thời điểm này, cùng với việc tập trung ôn luyện, củng cố kiến thức, ngành GD và ĐT đang chỉ đạo các trường THPT, Trung tâm GDTX đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp nhằm giúp học sinh khối 12 chọn ngành, nghề phù hợp.
Học sinh lớp 12 trao đổi bài sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại Hội đồng thi Trường THPT Nam Trực.
Vừa qua, Trường THPT Mỹ Lộc chỉ đạo Tổ tư vấn hướng nghiệp và Đoàn Thanh niên phối hợp triển khai tư vấn hướng nghiệp nghề cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 qua hình thức online trên nền tảng Zoom và phát trực tiếp trên trang Facebook của nhà trường. Buổi chia sẻ tư vấn hướng nghiệp nghề thu hút được hàng nghìn học sinh nhà trường và các bậc phụ huynh học sinh, giáo viên và các học sinh của trường học khác tham gia. Tại buổi tư vấn, nhà trường đã tổng hợp thông tin để học sinh biết được thực trạng sinh viên ra trường không có việc làm, giải thích các nguyên nhân cụ thể; đồng thời chia sẻ cho học sinh những kỹ năng thiết yếu trong một số ngành cụ thể và những kỹ năng cơ bản nào phù hợp với ngành mình sẽ chọn, có thể đáp ứng được sự thay đổi công việc. Nhà trường cũng cung cấp cho học sinh những kỹ năng đánh giá năng lực bản thân, căn cứ vào thực tế điều kiện kinh tế của gia đình, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai để chọn ngành nghề trước khi quyết định chọn trường đại học. Ngoài ra, các em cũng được nghe thầy cô phân tích đặc điểm cấu trúc đề thi, thời gian và các kỳ thi được các trường tổ chức để biết cách lựa chọn về thời gian tham gia các kỳ thi, cách để khai thác tài liệu phù hợp với các khối ôn luyện thi đại học… Ngoài phần giải đáp trực tiếp những thắc mắc của học sinh tại chương trình tư vấn, nhà trường đã tiếp nhận nhiều câu hỏi của các em về địa chỉ hòm thư của nhà trường. Tổ tư vấn trả lời các em bằng văn bản hoặc qua email cá nhân.
Toàn tỉnh có 57 trường THPT với hơn 40 nghìn học sinh. Để tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, từ đầu năm học các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn hướng nghiệp, nhất là sau khi có các thông tin chính thức, đầy đủ về kỳ thi THPT quốc gia, phương án tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Công tác tư vấn hướng nghiệp được thực hiện bằng nhiều hình thức: lồng ghép vào các buổi sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp và một số môn học… Ngoài ra, các nhà trường còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, để mỗi thầy, cô giáo là một tư vấn hướng nghiệp thực sự hiệu quả cho học sinh, đồng thời tổ chức tìm hiểu nguyện vọng, năng lực, khối thi… mà học sinh quan tâm để kịp thời tư vấn, lựa chọn ngành, nghề phù hợp, tránh vì thiếu sự hiểu biết mà đăng ký ngành, nghề theo cảm tính. Các trường cũng tổ chức rà soát chất lượng thực của học sinh lớp 12 để phân loại theo trình độ nhận thức, bàn giao chất lượng cho giáo viên phụ trách. Các tổ, nhóm bộ môn và giáo viên trực tiếp ôn tập xây dựng chương trình và nội dung dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, trong đó lưu ý thời khóa biểu phải bảo đảm hợp lý, không gây quá tải cho học sinh trong từng buổi học và giúp các em làm quen với quy chế thi, rèn kỹ năng vận dụng kiến thức, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, tạo động lực giúp học sinh phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập. Tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất,
trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Các trường cũng dành nhiều thời gian hơn cho việc tổ chức sinh hoạt các chuyên đề ngoại khóa về công tác hướng nghiệp. Đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy tích cực tư vấn cho học sinh trong việc chọn môn thi tự chọn nhằm bảo đảm phù hợp với năng lực thực của học sinh, giúp các em khối 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệpTHPT một cách tốt nhất. Đồng thời mỗi giáo viên còn là một kênh thông tin cung cấp những ngành nghề, công việc phù hợp với năng lực học của mỗi học sinh. Việc định hướng cho học sinh lựa chọn môn thi tự chọn đúng với năng lực cũng như lựa chọn trường đại học, cao đẳng hay học nghề để sau này có một nghề nghiệp phù hợp với năng lực cũng như nhu cầu xã hội được xem là bước khởi đầu quan trọng trước kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, bên cạnh điều chỉnh kế hoạch dạy học, các nhà trường đặc biệt chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Với những học sinh có học lực trung bình, yếu nhà trường tích cực củng cố kiến thức và trao đổi thẳng thắn để phụ huynh nắm được sức học của con em mình, nên có hướng lựa chọn các trường nghề cho phù hợp với lực học và cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Đây được coi là giải pháp căn bản giúp mỗi gia đình, học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng “nghề”, hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội, nhằm khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Theo Bộ GD và ĐT, dự kiến năm nay thí sinh không phải đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng cùng lúc với đăng ký thi tốt nghiệp THPT như mọi năm. Những học sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ cần đăng ký sau khi thi xong. Khoảng thời gian đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ được bố trí hợp lý, đủ để thí sinh cân nhắc tất cả lựa chọn, nguyện vọng. Như vậy, thí sinh sẽ không phải quá lo lắng lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng ngay khi đăng ký thi tốt nghiệp. Hiện tại, các trường đại học, cao đẳng đã bắt đầu công bố chỉ tiêu, phương án tuyển sinh bậc đại học năm 2022, thực hiện đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Việc tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sẽ góp phần thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, Nam Định có ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%./.
Bài và ảnh: Hồng Minh