Tư tưởng V.I.Lênin về quan hệ giai cấp – dân tộc và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ hai, 27 Tháng 7 2020 12:06

18973 Lượt xem

(LLCT) – Giá trị bền vững trong tư tưởng của V.I. Lênin khi giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc, giai cấp nhấn mạnh đến vấn đề dân tộc ở thời đại nào cũng được nhận thức và giải quyết trên lập trường và theo quan điểm của một giai cấp nhất định. Đây là cơ sở lý luận và phương pháp luận cho việc xác định chiến lược, sách lược của Đảng và nhân dân ta về vấn đề giai cấp, dân tộc trên cơ sở vừa đảm bảo sự thống nhất, vừa đáp ứng sự khác nhau giữa lợi ích giai cấp, quốc gia và nhân loại trên nền tảng truyền thống yêu nước và nhân ái của dân tộc. 

Từ khóa: V.I.Lênin, quan hệ dân tộc – giai cấp, Đảng Cộng sản Việt Nam.

1. Quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về quan hệ dân tộc – giai cấp

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph. Ăngghen đã đề cập đến vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Các ông cho rằng, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở giai đoạn đầu mang tính chất dân tộc, vì phong trào vô sản là phong trào độc lập của khối đại đa số, mưu lợi ích cho khối đại đa số. Vì vậy, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, không phải là cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu mang hình thức dân tộc. Từ đó, C.Mác đã kêu gọi: “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu”(1).

C.Mác và Ph. Ăngghen cho rằng, khi chủ nghĩa tư bản bước vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, giai cấp tư sản ngày càng tỏ ra lỗi thời về mặt lịch sử, chỉ có giai cấp vô sản mới thống nhất được lợi ích của giai cấp mình với lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc, có khả năng xóa bỏ triệt để tình trạng bóc lột, đem lại độc lập thực sự cho dân tộc mình và cho các dân tộc khác, tức là cho toàn nhân loại tiến bộ. Chỉ có giai cấp vô sản với bản chất cách mạng và sứ mệnh lịch sử của mình mới có thể thực hiện được điều này. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra điều kiện quan trọng hàng đầu cho thắng lợi của cách mạng là sự đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản. Vì vậy, các ông nêu khẩu hiệu: “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”(2).

Như vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen đã thấy được mối quan hệ gắn bó giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Hai ông không xem nhẹ vấn đề dân tộc. Tuy nhiên, hai ông không đi sâu giải quyết vấn đề dân tộc vì về cơ bản, ở châu Âu, vấn đề dân tộc đã được giải quyết trong cách mạng tư sản. Do đó, tại các nước này, mâu thuẫn cơ bản của xã hội là mâu thuẫn giữa hai giai cấp đối kháng: tư sản và vô sản. Hơn nữa, vào thời của C.Mác và Ph.Ăngghen, hệ thống thuộc địa đã có, nhưng các cuộc đấu tranh giành độc lập chưa phát triển mạnh.

Do vậy, trong sự nghiệp giải phóng xã hội, hai ông nhấn mạnh đến giải phóng giai cấp công nhân. Các ông viết: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác sẽ được xóa bỏ” và: “Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”(3). Theo hai ông, để giải quyết sự đối kháng dân tộc, trước hết phải giải quyết sự đối kháng giai cấp, giải phóng giai cấp là nhiệm vụ trung tâm, là điều kiện để giải phóng dân tộc. Sau này, V.I.Lênin đã nhận xét, đối với Mác so với vấn đề giai cấp vô sản thì vấn đề dân tộc chỉ là vấn đề thứ yếu.

2. Quan điểm của V.I.Lênin

Nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, giai cấp tư sản trở thành giai cấp phản động toàn diện: quân sự hóa về kinh tế, phát xít hóa về chính trị, gây chiến tranh xâm lược khắp nơi, thế giới xuất hiện hai hệ thống là các nước đế quốc và các nước thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Lúc này, vấn đề dân tộc, dân tộc thuộc địa trở thành những vấn đề cấp bách và nóng bỏng trong phong trào cách mạng thế giới và gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản. Cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc chống chủ nghĩa đế quốc trở thành một nội dung cơ bản, có quan hệ hữu cơ với cuộc đấu tranh chung của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản, đấu tranh giữa bóc lột và bị bóc lột, giữa chủ nghĩa đế quốc và các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc. Phát triển luận điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen trong điều kiện lịch sử đó, V.I.Lênin đã viết nhiều tác phẩm về vấn đề dân tộc, cũng như bàn về mối quan hệ giữa giai cấp công nhân và dân tộc, tiêu biểu như Về quyền dân tộc tự quyết năm 1914 và Sơ thảo lần thứ nhất những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa năm 1920. Trong các tác phẩm đó, tư tưởng của V.I.Lênin về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc được thể hiện qua một số nội dung sau:

Một là, V.I.Lênin phê phán chủ nghĩa dân tộc của giai cấp tư sản. Người khẳng định, giai cấp tư sản đã giải quyết một cách trừu tượng và hình thức vấn đề dân tộc và quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Đó là một sự dối trá, thủ tiêu đấu tranh giai cấp nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản. Thực chất chủ nghĩa dân tộc của giai cấp tư sản là vị kỷ, hẹp hòi, cá lớn nuốt cá bé, tạo ra những quốc gia độc lập về phương diện chính trị, nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào chủ nghĩa tư bản về phương diện kinh tế, tài chính và quân sự. Người viết: “Chế độ dân chủ tư sản, do bản chất của nó, vốn có cái lối đặt vấn đề một cách trừu tượng hoặc hình thức về quyền bình đẳng nói chung, trong đó bao gồm cả quyền dân tộc bình đẳng. Nấp dưới hình thức quyền bình đẳng của cá nhân nói chung, chế độ dân chủ tư sản tuyên bố quyền bình đẳng hình thức hoặc quyền bình đẳng trên pháp luật giữa kẻ hữu sản và người vô sản, giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột, do đó làm cho những giai cấp bị áp bức bị lừa dối một cách ghê gớm. Ý niệm bình đẳng, – bản thân nó chỉ là sự phản ánh những quan hệ sản xuất hàng hóa, – đã bị giai cấp tư sản biến thành một vũ khí đấu tranh chống lại việc thủ tiêu giai cấp dưới chiêu bài của quyền bình đẳng tuyệt đối của cá nhân. Ý nghĩa thật sự của việc đòi quyền bình đẳng chung quy chỉ là đòi thủ tiêu giai cấp”(4).

Từ đó, V.I.Lênin phê phán chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân tộc sôvanh, vì Người cho rằng điều này sẽ có hại cho phong trào công nhân của chính nước đó nói riêng và phong trào quốc tế vô sản nói chung: “người nào đứng trên quan điểm của chủ nghĩa dân tộc thì tự nhiên là người đó sẽ đi đến chỗ có ý thức muốn dùng bức vạn lý trường thành để quây bọc lấy dân tộc mình và phong trào công nhân của dân tộc mình, người đó sẽ không băn khoăn ngay cả trước việc phải xây những bức tường riêng ở từng thành phố, địa phương, làng mạc, người đó sẽ không ngần ngại dùng cả sách lược chia rẽ và phân tán để biến thành con số không lời di huấn vĩ đại về việc làm cho vô sản thuộc mọi dân tộc, mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ, sát cánh và thống nhất nhau lại”(5).

Người còn nói: “Những thành kiến dân tộc cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chiến tranh, những thành kiến này được nuôi dưỡng thường xuyên tại những nước văn minh vì lợi ích của các giai cấp thống trị, nhằm làm cho quần chúng vô sản không chú ý tới những nhiệm vụ giai cấp của bản thân họ và quên mất nghĩa vụ đoàn kết giai cấp quốc tế”(6).

Hai là, cùng với việc phê phán chủ nghĩa dân tộc của giai cấp tư sản, V.I.Lênin khẳng định, vấn đề dân tộc phải được giải quyết trên quan điểm của giai cấp vô sản. Bởi vì, chỉ có giai cấp vô sản mới bảo vệ quyền tự do thực sự của các dân tộc và sự thống nhất của công nhân thuộc mọi dân tộc.

Người khẳng định: “Nhưng, đối với giai cấp tư sản thì yêu sách về quyền bình đẳng dân tộc trên thực tế thường là sự tuyên truyền cho tính bản vị dân tộc và chủ nghĩa sôvanh và rất thường hay gắn liền với việc tuyên truyền cho sự chia rẽ dân tộc và việc làm cho các dân tộc xa rời nhau. Chủ nghĩa quốc tế vô sản tuyệt đối không dung hòa với lập trường đó vì chủ nghĩa quốc tế tuyên truyền không những cho sự gần gũi giữa các dân tộc, mà cho cả sự liên hợp của công nhân thuộc tất cả các dân tộc ở một quốc gia trong những tổ chức thống nhất của giai cấp vô sản”(7).

Từ đó, V.I.Lênin luôn đặt quan hệ dân tộc – giai cấp vào tiến trình của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa để xem xét.

Ba là, khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa dân tộc và giai cấp, V.I.Lênin cho rằng việc gắn kết phong trào công nhân với phong trào giải phóng dân tộc là vấn đề sống còn, là điều kiện tiên quyết trong sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. V.I.Lênin nêu ra khẩu hiệu kêu gọi sự đoàn kết rộng lớn của giai cấp công nhân toàn thế giới với các dân tộc bị áp bức: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Năm 1924, trong “Lênin và các dân tộc phương Đông”, Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Lênin là người đầu tiên đã hiểu và đánh giá hết tầm quan trọng lớn lao của việc lôi cuốn nhân dân các nước thuộc địa vào phong trào cách mạng. Lênin là người đầu tiên chỉ rõ rằng, nếu không có sự tham gia của các dân tộc thuộc địa, thì cách mạng xã hội không thể có được”(8).

Tuy nhiên, V.I.Lênin nhấn mạnh sự phụ thuộc của vấn đề dân tộc vào vấn đề giai cấp. Vì vậy, dù thấy được vai trò quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng V.I.Lênin vẫn khẳng định sự thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc bị lệ thuộc vào sự thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc: “Nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng”(9). V.I.Lênin cũng phê phán xu hướng tuyệt đối hóa vấn đề dân tộc, đặt vấn đề dân tộc lên trên vấn đề giai cấp, biến vấn đề dân tộc thành “bái vật”. Người cho rằng, lợi ích dân tộc phải đặt dưới lợi ích giai cấp: “Giai cấp tư sản bao giờ cũng đặt những yêu sách dân tộc của mình lên hàng đầu. Nó nêu những yêu sách đó ra một cách tuyệt đối. Đối với giai cấp vô sản, những yêu sách đó phải phục tùng lợi ích của cuộc đấu tranh giai cấp”(10).

Bên cạnh đó, Người khẳng định vấn đề dân tộc có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt, giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc sẽ góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giai cấp, vào cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Do đó, Ông kiên quyết đấu tranh chống xu hướng xem nhẹ vấn đề dân tộc, chỉ thấy vấn đề giai cấp mà không thấy vấn đề dân tộc và gọi đó là thái độ “hư vô dân tộc”.

“Kinh nghiệm của chúng tôi cho phép chúng tôi tin tưởng sắt đá rằng chỉ có một sự quan tâm lớn lao đến lợi ích của các dân tộc khác nhau thì mới loại trừ được nguồn gốc của mọi sự xung đột, mới trừ bỏ được lòng nghi ngờ lẫn nhau, mới trừ bỏ được nguy cơ gây ra những mưu đồ nào đó, mới tạo ra được lòng tin, nhất là lòng tin của công nhân và nông dân không nói cùng một thứ tiếng; nếu không có lòng tin đó thì những quan hệ hòa bình giữa các dân tộc cũng như sự phát triển thuận lợi đôi chút của tất cả những gì là quý báu trong nền văn minh hiện đại, đều tuyệt đối không thể có được”(11).

Bốn là, V.I.Lênin khẳng định phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa là một bộ phận trong cách mạng vô sản thế giới. Sau thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, phong trào giải phóng dân tộc trở thành một trào lưu lớn trên thế giới. V.I.Lênin đặc biệt nhấn mạnh sự kết hợp giữa cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở các nước tiên tiến với phong trào dân tộc, dân chủ ở các nước chậm phát triển: “Cuộc cách mạng xã hội  chủ nghĩa có thể tiến hành được dưới hình thức kết hợp cuộc nội chiến của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản trong các nước tiên tiến với cả một loạt phong trào dân chủ cách mạng, kể cả phong trào giải phóng dân tộc trong các nước chưa phát triển”(12). Từ đó, Người cùng với Quốc tế cộng sản bổ sung khẩu hiệu nêu trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”(13). Theo đó, giai cấp vô sản ở các nước tư bản cần ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, đồng thời, giai cấp vô sản ở các nước thuộc địa cần có sách lược đúng đắn để lãnh đạo tốt phong trào giải phóng dân tộc. V.I.Lênin cho rằng nếu được sự ủng hộ, giúp đỡ của các giai cấp vô sản ở các nước tiến tiến, các nước lạc hậu có thể không trải qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa mà quá độ thẳng lên chế độ Xô viết (chủ nghĩa xã hội)…(14). Cùng với đó, giai cấp vô sản ở mỗi dân tộc đều phải ý thức đoàn kết, thực hiện chủ nghĩa quốc tế vô sản: “…còn chủ nghĩa quốc tế vô sản thì đòi: thứ nhất, lợi ích của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản trong một nước phải phục tùng lợi ích của cuộc đấu tranh của giai  cấp  vô  sản  trong phạm vi  toàn thế  giới; hai  là, các dân tộc đang chiến thắng giai cấp tư sản, phải có khả năng và sẵn sàng chịu đựng những hy sinh rất lớn của dân tộc mình để lật đổ tư bản quốc tế”(15).

Tư tưởng nêu trên của V.I.Lênin là sự đóng góp to lớn và phát triển chủ nghĩa Mác, có tác dụng chỉ đạo giai cấp vô sản lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Sau này, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: Lênin đã đặt tiền đề cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa. Giá trị bền vững trong tư tưởng của V.I.Lênin khi giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc, giai cấp là ở chỗ ông luôn nhấn mạnh, vấn đề dân tộc ở thời đại nào cũng được nhận thức và giải quyết trên lập trường và theo quan điểm của một giai cấp nhất định. Trong thời đại tư bản chủ nghĩa đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa phải đứng trên lập trường của giai cấp vô sản và cách mạng vô sản mới giải quyết được đúng đắn vấn đề dân tộc. Do vậy, đây là những cơ sở lý luận và phương pháp luận cho việc xác định chiến lược, sách lược của các Đảng Cộng sản về vấn đề giai cấp, dân tộc trên cơ sở vừa đảm bảo sự thống nhất, vừa đáp ứng sự khác nhau giữa lợi ích giai cấp, dân tộc và nhân loại.

3. Sự vận dụng của Đảng Cộng sản

Việt Nam

Tiếp thu quan điểm của V.I.Lênin, trên nền tảng truyền thống yêu nước và nhân ái của dân tộc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp một cách hài hòa, hợp lý.

Một là, trong giai đoạn mới thành lập, Hồ Chí Minh – Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam – có quan điểm riêng, độc đáo về vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc. Người cho rằng: Phải kết hợp và giải quyết hài hòa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, song phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và trước hết.

Luận điểm này của Người xuất phát từ cơ sở thực tiễn của phương Đông và Việt Nam. Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc và tay sai nổi trội hơn mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với địa chủ phong kiến, giữa tư sản với vô sản. Do đó, không phải giải quyết vấn đề giai cấp rồi mới giải quyết vấn đề dân tộc như ở phương Tây. Ngược lại chỉ có thể giải quyết vấn đề dân tộc mới giải phóng được giai cấp. Quyền lợi dân tộc và giai cấp là thống nhất, quyền lợi dân tộc không còn, thì quyền lợi mỗi giai cấp, mỗi bộ phận trong dân tộc cũng không thể thực hiện được. Quan điểm này sau này thể hiện rõ ở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, năm 1941 do Người chủ trì: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận giai cấp phải đặt dưới sự tồn vong sinh tử của quốc gia dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được tự do độc lập cho toàn dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(16). Do vậy, Người kêu gọi: Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập” và “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(17).

Sự vận dụng sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa dân tộc và giai cấp trong chủ nghĩa Mác – Lênin có tác dụng lớn lao đối với việc tập hợp lực lượng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam cũng như ở các nước thuộc địa nói chung.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, trong khi nêu cao vấn đề dân tộc, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh không bao giờ hạ thấp hoặc coi thường vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp. Đối với Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản thống nhất với nhau. Hơn thế, trong những điều kiện nhất định, chủ nghĩa dân tộc có thể phát triển thành chủ nghĩa quốc tế vô sản, “khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì đã lâu lắm rồi, phần lớn thế giới sẽ xôviết hóa và lúc đó, nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”(18). Bởi vậy, chủ nghĩa dân tộc theo Hồ Chí Minh, hoàn toàn không phải là thứ chủ nghĩa dân tộc phong kiến, tư sản hay của Quốc tế II, mà là chủ nghĩa dân tộc chân chính, theo lập trường chủ nghĩa Mác – Lênin, gắn dân tộc với quốc tế, dân tộc với giai cấp, hướng tới triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Như vậy, chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh dùng ở đây, nói như C.Mác, không phải như giai cấp tư sản đã hiểu, mà là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính của người dân bản xứ.

Hai là, đường lối cách mạng Việt Nam xuyên suốt và nhất quán qua các giai đoạn cách mạng với quan điểm: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cụ thể hóa bằng chính sách dân tộc trên 3 nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển.

Đại hội VIII của Đảng đã rút ra 6 bài học chủ yếu của 10 năm đổi mới. Trong đó, bài học đầu tiên là “giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”(19).

Đặc biệt, Đại hội IX đã đưa ra luận điểm mang tầm khái quát lý luận về quan hệ giai cấp, lợi ích giai cấp và lợi ích giai cấp dân tộc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lợi ích giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích toàn dân tộc trong mục tiêu chung: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Đại hội X của Đảng (năm 2006) tiếp tục nêu những quan điểm mới trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc ngay trong quan niệm về Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Từ thực tiễn phong phú của cách mạng, Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm lớn: nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội – ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”(20).

Ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giải quyết mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc trên lập trường giai cấp vô sản, đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Do đó, Đảng ta nhấn mạnh, khi khẳng định đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết không có nghĩa là bỏ qua chủ nghĩa quốc tế vô sản, bỏ qua trách nhiệm quốc tế vì sự tiến bộ và phát triển của tất cả các dân tộc. Cần xác định rõ rằng, ngày nay, mọi việc làm vì tiến bộ và phát triển chung của nhân loại đều làm cho nhân loại tiến gần hơn đến chủ nghĩa xã hội. Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết đồng thời với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, mong muốn là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong quan hệ quốc tế vì độc lập, hòa bình và tiến bộ là làm tốt nghĩa vụ quốc tế của dân tộc Việt Nam.

Dân tộc, giai cấp và mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn đòi hỏi phải giải đáp. Điều đó càng cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt quan điểm của các nhà kinh điển, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và giai cấp trong tình hình mới, làm cơ sở vững chắc cho việc vận dụng, hoạch định, tổ chức và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, để đưa dân tộc ta vượt qua mọi thử thách, vững bước trong quá trình xây dựng một đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020

(1), (3) C.Mác và Ph.Ăngghen:  Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.623-624, 624.

(2) Theo tiếng Anh, khẩu hiệu này được dịch là: “Những người lao động trên toàn trái đất liên hiệp lại” (Workers all of land unite).

(4), (13), (14), (15) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.198, 198-199, 198-199, 203.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.393-394.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.17, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.227.

(7), (10) V.I.Lênin: Toàn tập, t.25, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.167, 319.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.136.

(9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tr.199.

(11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.281.

(12) VI.Lênin: Toàn tập, t.30, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1981, tr.146.

(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.198.

(17) Hồ Chí Minh, Sđd, t.2, tr.108.

(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.467.

(19) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1996, tr.70.

(20) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.65.

TS Phạm Thị Hoàng Hà

TS Nguyễn Thị Thu Huyền

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh