Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm

Trong các bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh đã đề cập nhiều đến tiết kiệm và thực hành tiết kiệm. Người đã luận giải kỹ các nội dung về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm.

1. Tiết kiệm là gì ?

– Theo Hồ Chí Minh, tiết kiệm “là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”.

– Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng.

– Tiết kiệm là tích cực. “Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực” (1).

2. Vì sao phải tiết kiệm ?

– Để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc.

– Để tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước. Điều này càng quan trọng khi nước ta là nước dân chủ nhân dân, không thể tích lũy vốn theo kiểu thực dân, đế quốc bằng cách cướp bóc thuộc địa, bóc lột công nhân, nông dân, vay nợ nước ngoài…

– Để nhanh chóng đưa nước ta ra khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu, hậu quả của 80 năm đô hộ, vơ vét của đế quốc Pháp rồi đến phát xít Nhật.

3. Nội dung của tiết kiệm

– Tiết kiệm sức lao động. Tức là phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, “1 người làm bằng 2, 3 người”.

– Tiết kiệm thời giờ. Bác nói: “Thời giờ tức là tiền bạc”; “Một tấc bóng là một thước vàng”. “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại” (2). Tiết kiệm thời giờ của mình và tiết kiệm thời giờ của người khác.

– Tiết kiệm tiền của. Phải tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình. Việc này liên quan tới tiết kiệm sức người, tiết kiệm thời giờ.

4. Ai cần phải tiết kiệm ?

– Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước hết là các cơ quan, bộ đội, các xí nghiệp.

– Nội dung tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay trong vị trí công tác của mình. Bộ đội, chiến sĩ thì tiết kiệm đạn, quân nhu, chiến lợi phẩm…; cán bộ cơ quan hành chính thì tiết kiệm thời gian, giấy, mực…; cán bộ tư pháp tiết kiệm thời giờ cho dân khi triển khai nhanh công việc…

5. Ý nghĩa của chống tham ô, lãng phí, quan liêu

a) Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng

– Tham ô, lãng phí, quan liêu là nọc độc xấu xa của chế độ cũ. Muốn xây dựng một xã hội mới phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ.

 

– Chống tham ô, lãng phí, quan liêu để xây dựng đội ngũ, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ ta tiến bộ.

 

Hồ Chí Minh phân tích, có những người trong lúc đấu tranh thì trung thành, hăng hái, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng. “Chúng ta phải cứu vãn họ, giúp họ khôi phục đạo đức cách mạng”, “giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng”.

 

– Theo Bác, chúng ta làm cách mạng là để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng dân chủ mới. Đó là một xã hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính. Cho nên phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ, phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

b) Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ

– Tất cả mọi người, từ bộ đội đến đồng bào ủng hộ Chính phủ, đoàn thể để kháng chiến kiến quốc là một hình thức dân chủ tập trung. Không ai có thể lợi dụng quyền lực, vị trí công tác để tham ô, lãng phí của công, quan liêu, hách dịch với người khác.

 

– Cán bộ được giao quyền điều khiển bộ đội, chăm nom chiến sĩ… Đồng thời chiến sĩ và đồng bào có quyền đòi hỏi cán bộ phải làm tròn nhiệm vụ, có quyền chỉ trích những cán bộ nào không làm tròn nhiệm vụ đó. Vì vậy, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là để xây dựng tổ chức, đoàn thể vững mạnh.

 

– Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. “Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công” (3).

 

– Phải thực hành dân chủ để động viên được quần chúng tham gia và nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu. “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình” (4). Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng.

c) Chống tham ô, lãng phí, quan liêu sẽ giúp chúng ta hoàn thành đầy đủ kế hoạch

– Thắng lợi trong cuộc chiến chống tham ô, lãng phí, quan liêu sẽ giúp chúng ta đoàn kết hơn nữa, nâng cao năng suất hơn nữa.

– Giúp cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, để nâng cao đời sống của nhân dân.

 

– Giúp cán bộ cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật thà phụng sự bộ đội và nhân dân.- Giúp chính quyền ta thành một chính quyền trong sạch, vững mạnh xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào.

(1). Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 2002, t.6, tr.485.

(2). Sđd, t.5, tr.637

(3) (4) Sđd, t.6, tr.495