Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc – một nhân tố đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Là người yêu nước chân chính của dân tộc Việt Nam, tượng trưng cao đẹp của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý tưởng độc lập, tự do với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suốt đời chăm lo xây dựng và củng cố, phát triển khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế… dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công vấn đề đoàn kết dân tộc ở nước ta trong thời đại mới, mà trước Người, các nhà yêu nước Việt Nam chưa ai giải quyết được. Với chính sách đoàn kết đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dìu dắt dân tộc ta từ chỗ chưa có đồng tâm hiệp lực đến đoàn kết nhất trí trong cả nước, xây dựng được một lực lượng hùng hậu, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược giành độc lập tự do cho đất nước. Tư tưởng đại đoàn kết là một trong những tư tưởng cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nó sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.
Thực ra không một nhà yêu nước nào lại không thấy lợi của sự đoàn kết. Nhưng làm thế nào để đoàn kết được một dân tộc trong đó bao gồm nhiều giai cấp, tầng lớp, nhiều tôn giáo… thì không phải ai cũng đưa ra được giải pháp đúng đắn. Lầm lẫn bạn, thù sẽ dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong chính sách đoàn kết, hoặc sẽ đoàn kết vô nguyên tắc… Xác định đúng vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, đặc biệt là công nhân và nông dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra một đường lối cách mạng đúng đắn là làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối đó hoàn toàn phù hợp với chủ nghĩa Mác – Lênin, với lập trường của giai cấp công nhân – giai cấp tiên tiến nhất của lịch sử và dân tộc. Đường lối đó không những đáp ứng được nguyện vọng thiêng liêng nhất của cả dân tộc là đánh đổ chế độ thuộc địa tàn bạo mà còn đáp ứng quyền lợi thiết thân của nhân dân lao động nước ta mà số đông là nông dân. Đó là đường lối lãnh đạo của giai cấp công nhân, đường lối lấy công – nông làm “gốc” của cách mạng, coi công – nông là “chủ” của cách mạng, trên cơ sở đó, sẽ tiến hành đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, mọi tôn giáo, dân tộc… chĩa mũi nhọn vào kẻ thù của cách mạng là chủ nghĩa đế quốc và phong kiến địa chủ bán nước. Đường lối đó cũng bao hàm cả việc lôi cuốn những người yêu nước chân chính đến gần với chủ nghĩa xã hội, đi dần vào chủ nghĩa xã hội, làm cho mặt trận dân tộc thống nhất ngày càng mạnh mẽ. Hành động theo đường lối đó, Đảng ta ngay từ khi mới thành lập đã đi ngay vào cuộc vận động phong trào yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, trước hết là công nhân và nông dân, xây dựng khối liên minh công nông vững mạnh. Với chính sách, chủ trương đúng đắn và sáng tạo, với tấm lòng nhân ái bao la, bao dung và độ lượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hoá tất cả mọi người, dìu dắt mọi người đoàn kết chiến đấu, “đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt qua những cơn sóng gió, an toàn đi đến bờ biển hạnh phúc của nhân dân”.
Trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng, quyết tâm sắt đá giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân, biết dựa chắc vào sức mạnh quần chúng, kết hợp với sự sáng suốt và nhạy cảm đặc biệt về chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta đã vận dụng có hiệu quả sách lược tạm hoãn với Tưởng để rảnh tay đánh Pháp, rồi tạm hoà hoãn với Pháp để đánh đuổi Tưởng và bè lũ tay sai của Tưởng, giành thời gian củng cố lực lượng chuẩn bị cho cả nước đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, Mặt trận dân tộc cứu nước rộng rãi và vững chắc đã làm cho nhân dân ta “Kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ nước cướp nước”(1).
Sau khi thành thắng thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến mới – cuộc đọ sức với đế quốc Mỹ. Trong cuộc chiến đấu mới đầy khốc liệt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở rộng và củng cố mặt trận dân tộc thống nhất hơn nữa nhằm đoàn kết bất cứ người nào không thân Mỹ. Người nói: “Từ Nam đến Bắc, ai là người tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì chúng ta sẵn sàng đoàn kết với họ, thật thà hợp tác với họ, thật sự đoàn kết với họ dù trước đến nay họ đã theo phe phái nào”(2).
Sức mạnh đoàn kết của quân và dân ta từ Bắc vào Nam đã giúp nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ thực hiện được mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra là Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, hoàn toàn giải phóng miền Nam khỏi ách thực dân mới của Mỹ trong cuộc tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc thực hiện đại đoàn kết dân tộc không phải là việc nhất thời, chỉ cần thiết trong kháng chiến chống ngoại xâm, mà là một công việc lâu dài, không thể thiếu ngay cả trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người nói: “Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”(3). Người dạy rằng, xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân và sự phồn vinh của Tổ quốc. Sự nghiệp đó thật to lớn, khó khăn, nhưng nếu biết phát huy được đầy đủ tinh thần yêu nước, lao động sáng tạo của hàng chục triệu quần chúng nhân dân thì khó khăn nào cũng sẽ khắc phục được. Vì vậy, phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân, các dân tộc anh em, đồng bào các tôn giáo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ”
Phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc”(4).
Với chủ trương, chính sách đoàn kết dân tộc đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng thành công khối đại đoàn kết toàn dân mà hình ảnh của nó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lớn mạnh.
Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nội dung cơ bản là những quan điểm mác xít về đoàn kết dân tộc, đoàn kết giai cấp, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin về chiến lược tìm bạn đồng minh cho giai cấp vô sản vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nó cũng là sự kế thừa tư tưởng đoàn kết chiến đấu và chiến thắng của dân tộc ta qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Thấm nhuần lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã phát huy trong truyền thống đoàn kết và yêu nước rất vẻ vang của dân tộc đến một mức độ chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Mặt trận đoàn kết dân tộc đã trở thành một trong những nhân tố thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong một thời kỳ vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc. Nó đã được chứng minh qua những thắng lợi rực rỡ mà quân và dân ta đã giành được trong gàn một thế kỷ qua. Đó là thắng lợi vô cùng to lớn của sức mạnh đoàn kết chiến đấu của nhân dân lao động và của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Những thắng lợi đó không tách rời chính sách Mặt trận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó cũng là thắng lợi của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để lại cho chúng ta.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng tư tưởng của Người về đại đoàn kết dân tộc vào tình hình mới của đất nước và luôn được Đảng ta coi là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong các kỳ Đại hôi đại biểu toàn quốc của Đảng, không một kỳ đại hội nào lại không nhắc đến vấn đề đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang đi vào chiều sâu của sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đang được triển khai trên toàn lãnh thổ; công cuộc mở rộng xây dựng đất nước và đa phương hoá, đa dạng hoá mối quan hệ với các nước trên thế giới đã đem lại những thành tựu vô cùng lớn lao. Bên cạnh đó, hoàn cảnh mới cũng đặt ra không ít những thách thức và nguy cơ cho sự nghiệp đổi mới.
Muốn thắng lợi thì chỉ có một con đường đó là đoàn kết, đoàn kết là sức mạnh vô địch, chỉ có đoàn kết mới thành công, đây là điều mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã khẳng định và nhấn mạnh nhiều lần.
Với tầm quan trọng như vậy, vấn đề đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế luôn được Đảng và Nhà nước ra quan tâm xây dựng củng cố và phát triển qua các thời kỳ Đại Hội, các thời kỳ lịch sử trọng đại của đất nước.
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá IX đã ra nghị quyết về phát huy sức mạnh địa đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghị quyết đã khẳng định rõ và chính xác những thành tựu đã đạt được trong thời gian đổi mới gần 20 năm qua và cũng nêu lên những hạn chế cần được khắc phục. Chẳng hạn khối đại đoàn kết dân tộc, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân chưa thật sự bền chặt và đang đứng trước những thách thức mới. Biểu hiện cụ thể của nó là: Lòng tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ của một bộ phận nhân dân chưa vững chắc, phần vì đời sống còn nhiều khó khăn, phần vì bất thường trước những bất công xã hội và trước tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí còn khá phổ biến và nghiêm trọng, kỷ cương phép nước nhiều lúc, nhiều nơi không nghiêm, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp; các vụ khiếu kiện đông người vẫn còn nhiều, có lúc có nơi rất gay gắt; Việc tập hợp nhân dân vào Mặt trận và các đoàn thể, các tổ chức xã hội còn nhiều hạn chế, nhất là ở khu vực kinh tế tư nhân, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ở một số vùng có đông đồng bào có tôn giáo, đồng bào dân tộc thiếu số… Để khắc phục những hạn chế và tồn tại đã nêu, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá IX đã chỉ rõ mục tiêu chung là: “Củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”(5)./.
________________
(1) Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, T.6, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.171.
(2) Sđd, T.8, tr.49.
(3) Sđd, T.10, tr.605.
(4) Sđd, T.10, tr.605.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá IX, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.12, 13.