Tự “nổ” chữa bách bệnh: Đa cấp Vision tồn tại bất hợp pháp tại Việt Nam?
–
Thứ năm, 22/10/2020 11:21 (GMT+7)
Những buổi khám chữa, phát thuốc bát nháo của bà Trần Thanh Tuyền ở nhà riêng tại TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã làm lộ nhiều bất thường trong cách phân phối các sản phẩm Vision tại Việt Nam.
Vợ chồng bà Tuyền (bìa phải) và ông Đài (giữa) trong sự kiện Vision Enegry Tour tại Thái Nguyên năm 2019. Ảnh: Sessia.com.
Vison, Freedom Group và Sissia
Như đã thông tin, dù không hề được đào tạo về chuyên môn, nhưng bà Trần Thanh Tuyền (còn gọi là An Trà, SN 1972) thường xuyên tổ chức những buổi khám chữa, phát thuốc rầm rộ cho các các bệnh nhân nan y tại địa chỉ số 16, tổ 10, phố Đầm Xanh, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên).
Thế nhưng cái được gọi là “thuốc” mà bà này bán ra và tung hô như “thần dược”, thực chất chỉ là các loại thực phẩm chức năng của hãng Vision. Đây là thương hiệu đa cấp từng rất thành công tại Việt Nam nhưng đã dừng hoạt động từ giữa năm 2018.
Vậy nhưng bà Tuyền cùng chồng là ông Hoàng Văn Thanh vẫn đang được cộng đồng Vision công nhận là thủ lĩnh cao cấp VIP Master, đồng thời vẫn hoạt động rất năng nổ trong lĩnh vực đào tạo, tuyển dụng.
Bà Tuyền vẫn xuất hiện thường xuyên trong các buổi hội thảo của Vision. Ảnh cắt từ clip phát trực tiếp hôm 4.7.2020.
Thực vậy trong suốt thời gian qua, không chỉ thường xuyên xuất hiện trên sân khấu các buổi hội thảo, tầm ảnh hưởng của cặp vợ chồng này còn lớn đến mức Thái Nguyên được chọn là 1 trong 3 địa điểm tại Việt Nam tổ chức sự kiện Vision Energy Tour 2019.
“TP Thái Nguyên không phải ngẫu nhiên được chọn làm nơi diễn ra Vision Energy Tour. Đây chính là thành phố của VIP Master mới Trần Thanh Tuyền và Hoàng Văn Thanh” – thông cáo của sự kiện khẳng định.
Vậy sau tuyên bố ngừng kinh doanh, việc tồn tại của Vision ở Việt Nam có bất hợp pháp? Xin được vắn tắt như sau:
Vision là tên gọi các dòng thực phẩm chức năng của Tập đoàn Vision International People Group. Dù luôn được quảng cáo là doanh nghiệp tỉ đô nhưng không có nhiều thông tin về tập đoàn này trên internet. Thậm chí ông chủ của Vision là Narek Sirakanyan – cũng gần như “tàng hình” trên các trang mạng chính thống.
Đa cấp Vision từng có thời kỳ phát triển rực rỡ tại Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Dẫu vậy, có một thực tế là các sản phẩm của hãng đã vào Việt Nam từ rất sớm (năm 2002) thông qua đối tác chính thức là Công ty TNHH Thương mại Vision Việt Nam. Bằng phương pháp bán hàng đa cấp, Vision Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm để rồi bất ngờ dừng hoạt động.
Anh Nguyễn Vũ N. (Hà Nội) – người có thời gian dài làm trong mạng lưới đa cấp Vision, nói với PV rằng đây là nỗ lực hòng “gạt Vision Việt Nam khỏi hệ thống chi trả hoa hồng”.
Anh này giải thích: Khi doanh thu sụt giảm, Tập đoàn Vision quốc tế muốn nguồn lợi từ thị trường Việt Nam chảy thẳng vào túi mình.
Cụ thể, đầu năm 2017, Tập đoàn Vision International hợp tác với Công ty Freedom Group (trụ sở tại Hồng Kông) và yêu cầu Vison Việt Nam chuyển đổi hệ thống quản lý nhà phân phối sang hệ thống Sessia Vision của Freedom Group.
Tháng 4.2018, Vision International đơn phương chấm dứt quyền vận hành Sessia Vision của Vision Việt Nam và yêu cầu các nhà phân phối phải đặt hàng trực tiếp từ Freedom Group. Trước cuộc chuyển giao đầy bất ngờ này, tháng 6.2018, Vision Việt Nam tuyên bố dừng mọi hoạt động đa cấp tại thị trường Việt Nam.
Vision Việt Nam gửi công văn đến từng địa phương thông báo chấm dứt hoạt động đa cấp. (Ảnh tư liệu)
Vấn đề ở chỗ, theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), cùng thời điểm kể trên, cơ quan này đã phát đi cảnh báo về hiện tượng kinh doanh đa cấp “chui” của Freedom Group vì Công ty này chưa được cấp phép kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam.
Và suốt từ đó đến nay, theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, Freedom Group vẫn không có thêm bất cứ động thái chính thức nào.
Giáp mặt thủ lĩnh
Trong nỗ lực làm rõ sự bất thường của Vision tại Việt Nam, PV Báo Lao Động đã tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Đài, người giới thiệu là tầng trên của cặp vợ chồng thủ lĩnh Tuyền – Thanh ở Thái Nguyên.
Giống như bà Tuyền, ông Đài cũng tự nhận có khả năng chữa được nhiều bệnh nan y. Căn chung cư của ông này ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, vừa là nơi để ở, vừa tiếp đón bệnh nhân.
Ông này khoe: “Ở đây bọn anh có chuyên gia. Bệnh gì kiểm tra cũng ra tất. Kể cả những chỉ số chưa vượt ngưỡng, bệnh viện chưa phát hiện ra thì ở đây đã phát hiện ra rồi. Những khách hàng và bệnh nhân mà đến đây hiệu quả gần như tuyệt đối”.
Ông Đài xác nhận, đa cấp Vision vẫn đang tồn tại, các sản phẩm của hãng vừa được đổi tên và mẫu mã thành Project V.
Muốn trở thành đối tác, người dùng phải cài đặt ứng dụng có tên Sessia. Sau đó, nếu giới thiệu được người, phát triển hệ thống thì sẽ có thu nhập từ hoạt động kinh doanh. Nếu gia nhập vào hệ thống của ông, người mới sẽ được hỗ trợ tận tình một tuần 2 buổi đào tạo kỹ năng. Ngoài ra, ông còn tuyển dụng hộ…
Ông Đài chỉ cách đặt hàng qua ứng dụng Sessia.
“Mình đặt hàng trực tiếp qua ứng dụng Session. Trong app, nếu những sản phẩm Việt Nam thiếu thì có thể mua quốc tế. Mình có tài khoản thì tiền sẽ đổ về. Mọi việc đều do Freedom Group thực hiện”, ông Đài nói.
Một thủ lĩnh khác là Lê Quang Độ (quê gốc Bắc Giang, sống tại TP HCM) cũng dành nhiều thời gian để chào mời PV vào hệ thống.
Ông Độ tận tình giải thích: “Kinh doanh với Vision thì có 2 thu nhập chính là mua buôn bán lẻ và tạo cộng đồng. Bạn gửi cho người ta đường link + mã khuyến mại của bạn. Khi người ta đăng ký với 2 yếu tố đấy thì dĩ nhiên họ nằm trong cộng đồng của bạn”.
Giao diện ứng dụng Sessia.
Về sơ đồ trả thưởng, theo ông Độ, mỗi người có thể được hưởng hoa hồng tới tầng thứ 5 nếu hoàn thành doanh số tối thiểu quy định 1 tháng là 190CV, tương đương 7,3 triệu đồng.
Bắt đầu từ tầng 6, nhà phân phối sẽ được hưởng 10% khi có tối thiểu 3 người tầng 1 cũng đạt mua lượng hàng tối thiểu. Khi đó bạn sẽ đạt trình độ VIP. “Tổng cộng công ty trả cho cộng đồng bạn tạo dựng ra là 56%”, ông Độ nói.
Theo ông Độ, ở Việt Nam hiện nay trên hệ thống còn khoảng 100.000 người. Trong số đó nhà phân phối thì khoảng 1.000 – 2.000 người.
Người đàn ông cũng chấn an rằng, các cản phẩm của Vision hiện vẫn đang được nhập chính hãng thông qua Công ty TNHH Coffeecell cứ không hoàn toàn là hàng trôi nổi.
Trụ sở của Coffeecell là căn nhà nằm cuối con ngách cụt nhỏ xíu.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, căn nhà đặt trụ sở của Coffeecell là một căn nhà nhỏ nằm kiêm tốn cuối con ngách cụt nhỏ xíu thuộc ngõ 42, phố Thịnh Liệt, Phường Thịnh Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Không chỉ luôn trong tình trạng cửa đóng then cài im ỉm, nơi đây còn là địa chỉ của một công ty khác chuyên về lịch vực vận tải.
Dù được giới thiệu là một trong các dự án chiến lược của Freedom Group, song thông tin về Coffeecell cũng vô cùng hạn chế. Bên cạnh đó, thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, giống như Freedom Group, Coffeecell cũng không được cấp phép kinh doanh đa cấp tại Việt Nam.
Có thể xử lý hình sự
Theo luật sư La Văn Thái (Đoàn luật sư Hà Nội), các hoạt động của Vision tại Việt Nam đang có đầy đủ dấu hiệu của hoạt động kinh doanh đa cấp “chui” và có thể xử lý hình sự theo điều 217a Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017.