từ nhiều nghĩa « TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

1. Biến đổi ý nghĩa của từ là gì?

Trong hoạt động giao tiếp ngôn ngữ của xã hội, thường xuyên xuất hiện những nhu cầu về từ và cách diễn đạt để biểu thị những sự vật, hiện tượng hay khái niệm mới, cũng như để tạo ra những hiệu quả giao tiếp mới. Song, nếu chỉ đáp ứng các nhu cầu đó bằng cách tạo ra ngày càng nhiều từ mới thì đến một lúc nào đó, hệ thống ngôn ngữ sẽ bao gồm một số lượng rất lớn các đơn vị từ vựng. Điều đó có thể làm cản trở quá trình giao tiếp, do người ta phải ghi nhớ quá nhiều đơn vị. Mặt khác, trong quá trình phát triển của xã hội, một số sự vật hiện tượng hay khái niệm bị mất đi hoặc thay đổi đi. Do đó, những đơn vị từ vựng biểu thị chúng có thể bị loại bỏ. Để khắc phục tình trạng này, ngôn ngữ một mặt cho phép sử dụng khả năng kết hợp những yếu tố hữu hạn trong hệ thống với nhau để diễn đạt cái vô hạn trong lời nói và tạo ra một số lượng nhất định các yếu tố mới, song mặt khác, cũng cho phép sử dụng những đơn vị từ vựng có sẵn nhưng thay đổi nghĩa cũ đi hoặc bổ sung thêm nghĩa mới. Khả năng thứ hai này dẫn đến sự biến đổi ý nghĩa của từ. Sự biến đổi ý nghĩa của từ là một trong những hình thức hoạt động cơ bản của hệ thống từ vựng để đáp ứng nhu cầu về các phương tiện biểu đạt. Do sự biến đổi ý nghĩa của từ mà trong các ngôn ngữ, một số từ trở thành từ nhiều nghĩa (hoặc cũng được gọi là từ đa nghĩa).

Sự biến đổi ý nghĩa của từ thực chất là lấy một từ để biểu đạt một số loại sự vật có quan hệ gần gũi với nhau về một phương diện nào đấy, cho nên giữa các nghĩa của từ nhiều nghĩa vẫn có những mối liên quan nhất định. Sự khác nhau giữa các nghĩa của từ nhiều nghĩa không phải là sự khác nhau hoàn toàn: sự biến đổi ý nghĩa ở đây thường đi theo xu hướng làm thay đổi một thành phần ý nghĩa nào đấy của từ. Do đó, nói đến hiện tượng nhiều nghĩa, ta có thể phân biệt các trường hợp:

– Nhiều nghĩa do sự biến đổi về ý nghĩa biểu vật. Đây là trường hợp thay đổi mối quan hệ giữa từ ngữ âm với sự vật hay hiện tượng (gọi là cái biểu vật). Chẳng hạn, từ ‘mũ’ trong tiếng Việt có thể có hai ý nghĩa biểu vật (ví dụ: ‘mũ đội đầu’ và ‘mũ van’), nhưng thực ra ý nghĩa biểu niệm chỉ là một (cái dùng để chụp lên đầu người hay vật).

– Nhiều nghĩa do sự biến đổi ý nghĩa biểu niệm. Đó là trường hợp làm thay đổi mối quan hệ giữa vỏ âm thanh của từ với nội dung khái niệm mà từ biểu thị (cái biểu niệm). Ví dụ: Trong từ ‘che’ của tiếng Việt, ta có thể phân biệt hai ý nghĩa biểu niệm khác nhau: 1) Dùng một vật để phủ hoặc bịt nhằm ngăn không cho nhìn thấy một vật khác, ví dụ như ‘che miệng’, ‘che mắt’; 2) Dùng một vật phủ hoặc bịt nhằm ngăn cản tác động từ bên ngoài đối với một vật khác, ví dụ như ‘che nắng’, ‘che mưa’. Trong cả hai trường hợp này, thành phần ý nghĩa biểu vật có thể chỉ là một.

– Nhiều nghĩa do sự biến đổi ý nghĩa ngữ dụng. Đó là khi có sự thay đổi về sắc thái biểu cảm của từ. Thường thì sự thay đổi này đi theo hai hướng: 1) Bổ sung sắc thái biểu cảm cho một từ vốn có nghĩa trung hoà về mặt biểu cảm, chẳng hạn như từ ‘tếch’ của tiếng Việt được bổ sung thêm ý phê phán (ví dụ: “Thế là hắn tếch thẳng”); 2) Thay đổi giá trị biểu cảm của từ (xấu đi hay tốt lên), ví dụ như từ ‘tệ’ trong tiếng Việt vốn có nghĩa tiêu cực (như trong: ‘đối xứ tệ’), nhưng có thể được dùng với nghĩa tích cực (ví dụ như trong: “Con bé ấy có duyên tệ”).

– Hiện tượng từ nhiều nghĩa là hiện tượng phổ biến trong tất cả các ngôn ngữ. Trong tiếng Nga chẳng hạn, từ ‘golova’ có thể dùng để chỉ ‘cái đầu’, ‘đầu óc’ (ví dụ: ‘sv’etnaja golova’ = đầu óc sáng suốt), nhưng cũng có thể dùng để chỉ ‘người đứng đầu’ (ví dụ: ‘gorodskoj golova’ = thị trưởng) hoặc “hàng đầu” (ví dụ: ‘idti v golove’ = đi hàng đầu), v.v…, hay trong tiếng Anh: từ ‘hand’ có thể chỉ ‘bàn tay’, ‘phía’ (ví dụ: ‘on all hands’ = từ mọi phía), ‘công nhân’ (ví dụ: ‘hands wanted’ = tuyển mộ công nhân), kim đồng hồ, v.v…

– Cần phải lưu lý một điều là không nên lẫn lộn ý nghĩa của từ với cách dùng từ. Cách dùng từ là sự lựa chọn và sử dụng từ theo một nghĩa cụ thể nào đó trong lời nói. Nó mang tính chất cá nhân và nhất thời. Trong khi đó thì ý nghĩa của từ là cái nội dung chứa đựng trong từ đã được xã hội chấp nhận và có tính bền vững tương đối. Chẳng hạn, nghĩa của từ ‘cắn’ trong ‘nước cắn da’ thuộc về cách dùng từ. Tất nhiên, khi dùng một từ, người ta phải dựa vào ý nghĩa của nó và trên cơ sở ý nghĩa đó mà phát triển thêm. Có những trường hợp, cách dùng từ được xã hội chấp nhận và sau một thời gian, nó trở thành ý nghĩa chung của từ. Ví dụ: Từ ‘tồn tại’ trong tiếng Việt nguyên được dùng để biểu thị khái niệm triết học chỉ ‘giới tự nhiên vật chất, thế giới bên ngoài có một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý kiến, tư duy, cảm giác của chúng ta’. Nhưng sau đó, trong khẩu ngữ, người ta dùng nó với ý nghĩa ‘thiếu sót, nhược điểm’ hay ‘cái còn phải tiếp tục nghiên cứu, giải quyết’ (ví dụ: “Trong hoạt động công đoàn, còn có nhiều tồn tại”), và nghĩa này đã trở nên phổ biến, được xã hội sử dụng rộng rãi.

2. Các loại nghĩa trong từ nhiều nghĩa

– Từ có nhiều nghĩa, do đó muốn hiểu đúng ý nghĩa của từ, ta phải xem xét nó trong những tình huống hoặc ngữ cảnh cụ thể (sau đây ta sẽ gọi chung là ngữ cảnh). Ngữ cảnh, nói một cách đơn giản, là tình huống, bối cảnh ngôn ngữ, trong đó từ xuất hiện với một ý nghĩa cụ thể của nó. Thông qua ngữ cảnh, ta có thể xác định được những yếu tố hạn chế phạm vi ý nghĩa của từ, làm cho nghĩa được sử dụng nổi rõ lên. Đó là các yếu tố liên quan đến người nói, người nghe, địa điểm giao tiếp, thời gian giao tiếp, môi trường ngôn ngữ của từ, v.v… Trong một ngữ cảnh cụ thể, ta sẽ hiểu đúng ý nghĩa đang được sử dụng của từ (trừ những trường hợp người ta cố ý tạo ra cách hiểu nước đôi của từ). Ví dụ: ý nghĩa của từ ‘dầu’ trong tiếng việt chỉ có thể xác định được nhờ vào ngữ cảnh, bởi vì đó có thể là ‘dầu ăn’, ‘dầu bôi trơn’, ‘dầu đun bếp’, v.v…

– Mỗi một từ nhiều nghĩa thường có nghĩa cơ bản, hay nghĩa chính, và nghĩa mở rộng hay nghĩa phụ. Nghĩa cơ bản thường là nghĩa gốc của từ, tức là cái nội dung khái niệm nguyên thuỷ mà từ được dùng để biểu thị. Trái lại, nghĩa mở rộng thường được hiểu là nghĩa được bổ sung thêm vào từ bằng cách mở rộng nghĩa cơ bản. Thông thường, nghĩa mở rộng được hình thành do sự liên tưởng với nghĩa cơ bản theo một cách thức nào đấy (ví dụ: theo sự giống nhau về hình dáng, kích thước, màu sắc, công dụng, v.v…). Chẳng hạn, từ ‘head’ của tiếng Anh có nghĩa chính là ‘cái đầu’. Căn cứ vào hình dáng, vị trí, chức năng của “cái đầu” mà người ta đã mở rộng thêm ý nghĩa của từ này và do đó, nó còn có nghĩa là ‘bắp’ (bắp cải), ‘người đứng đầu’, ‘con’ (vật), ‘thủ trưởng’, ‘hàng đầu’, v.v… hay trong tiếng Nga, từ ‘lëgki’ có nghĩa là ‘nhẹ, thưa, mỏng manh’; dựa vào nghĩa chính này, người ta đã bổ sung thêm cho nó nhiều nghĩa phụ, chẳng hạn: ‘nhanh nhẹn’, ‘dễ dàng’, ‘nhẹ dạ’, ‘hời hợt’, v.v…

– Tuy nhiên, việc xác định nghĩa chính và nghĩa mở rộng của từ nhiều khi gặp nhiều khó khăn, vì rằng trong nhiều trường hợp, ranh giới giữa chúng không thật rõ rệt. Sau một thời gian sử dụng, nghĩa mở rộng có thể dần dần trở thành một nghĩa chính khác của từ. Chẳng hạn, những ý nghĩa “trông đẹp ra”, “bán chạy”, “hút” của từ ‘ăn’ (ví dụ: ‘ăn ảnh’, ‘ăn khách’, ‘ăn thuốc’) là những nghĩa mở rộng được hình thành trên cơ sở của nghĩa chính là “nhai và nuốt thức ăn”, nhưng hiện nay các nghĩa đó đã trở thành những nghĩa chính khác của từ ‘ăn’. Nói chung, ta có thể căn cứ vào mức độ phụ thuộc vào ngữ cảnh để phân biệt hai loại nghĩa trên của từ: thường thì nghĩa chính là nghĩa mà người sử dụng ngôn ngữ có thể nói ra ngay mà không cần phải có ngữ cảnh, còn nghĩa mở rộng là những nghĩa cần phải có ngữ cảnh mới có thể xác định được. Thực vậy, khi nghe thấy từ ‘đứng’ chẳng hạn, người Việt trước tiên liên tưởng đến cái nghĩa chính của nó là “trạng thái cố định tương đối (không di chuyển), lưng giữ thẳng, chân duỗi, bàn chân giẫm đất” mà không cần một ngữ cảnh nào cả. Còn nghĩa ”được xếp hạng” của nó thì cần phải có ngữ cảnh đi kèm mới có thể nhận thấy được (ví dụ như trong: “đứng nhất lớp”). Như vậy, mức độ phụ thuộc vào ngữ cảnh của ý nghĩa từ ở đây cần được hiểu là khả năng nhận biết một ý nghĩa của từ khi từ bị tách ra khỏi ngữ cảnh, chứ không nên hiểu là sự phụ thuộc của nghĩa từ vào ngữ cảnh nói chung, bởi vì như trên đã nói, đối với một từ nhiều nghĩa thì việc xác định một nghĩa cụ thể của nó luôn luôn phụ thuộc vào ngữ cảnh.

– Ngoài việc phân biệt hai loại nghĩa như trên, người ta còn có thể phân biệt nghĩa đen và nghĩa bóng của từ. Song thực ra, đây chỉ là cách gọi khác của nghĩa cơ bản và nghĩa mở rộng, chỉ có điều khái niệm nghĩa bóng theo cách hiểu thông thường có nội hàm hẹp hơn nghĩa mở rộng, và do đó, người ta thường nói tới nghĩa bóng trong những trường hợp nghĩa mở rộng gợi ra sự liên tưởng nước đôi hay hiệu quả văn học. Đó là những trường hợp sử dụng từ mang tính cá nhân nhiều hơn.

– Cuối cùng, cần phải nói thêm rằng: Cũng giống như ở mặt cấu tạo của từ, mối quan hệ giữa các loại ý nghĩa trong từ nhiều nghĩa có khi mang tính chất tầng bậc và do đó, người ta cũng có thể nói tới nghĩa gốc và các nghĩa phái sinh thuộc những cấp bậc khác nhau. Chẳng hạn, từ một nghĩa cơ bản ban đầu (nghĩa gốc), người ta mở rộng thêm một nghĩa nào đấy, rồi sau đó lại bổ sung thêm một ý nghĩa khác trên cơ sở của nghĩa mở rộng đó… Ví dụ: từ ‘thẻ’ trong tiếng Việt có nghĩa gốc là ‘mảnh tre hay gỗ được dùng để viết khi chưa có giấy’; trên cơ sở nghĩa này, người ta bổ sung thêm nghĩa ‘mảnh tre, hay gỗ… có ghi một nội dung bói toán’, rồi sau đó trên cơ sở nghĩa mở rộng này, người ta lại bổ sung thêm nghĩa ‘mảnh xương hay ngà có ghi chức tước của quan lại để họ đeo ở trước ngực’ và cuối cùng từ này lại được dùng để chỉ chung tất cả các loại ‘giấy chứng nhận tư cách thành viên của một tổ chức nào đấy’ (ví dụ: ‘thẻ hội viên’, ‘thẻ đảng’, ‘thẻ khác hàng’).

(còn nữa)

__________________________________________