Từ kỹ sư xây dựng đến nhà sáng tạo nội dung mạng
Anh Nguyễn Bắc Bình, SN 1990, Thái Nguyên, sau khi tốt nghiệp đại học, anh trở thành kỹ sư xây dựng và làm việc cho một công ty tại quê nhà. Mỗi ngày từ 6 giờ 30 sáng cho đến chiều tối, nhiệm vụ của anh chủ yếu là đo đạc, điều hành máy móc và nhân lực, đồng thời giao nhận vật tư trên công trường. Ngày nào cũng làm việc 9 tiếng ngoài trời. Tuy cuộc cuộc sống lúc nào cũng gắn liền với khói bụi, nắng gió… nhưng anh Bình lại sở thích đầy bay bổng, đó là làm thơ.
Cách đây vài năm, khi các diễn đàn ảnh chế phát triển mạnh mẽ trên cộng đồng mạng, chàng kỹ sư xây dựng Nguyễn Bắc Bình còn từng được giới trẻ mệnh danh là “thánh thơ” vì những bài thơ ngắn gọn nhưng chứa nhiều hàm ý và cách gieo chữ “đi vào lòng người”. Đến thời điểm hiện tại, ngoài công việc kỹ sư xây dựng, anh còn trở thành một nhà sáng tạo nội dung truyền cảm hứng nhờ chính những vần thơ ngẫu hứng được “gieo” mỗi ngày.
Thích làm thơ
“Viết lách là đam mê của mình từ 6 năm trước. Mình viết vào tất cả thời gian rảnh, khi có ý tưởng nảy ra sẽ ghi nhanh vào điện thoại. Cuộc sống quanh mình có nhiều thứ thú vị, nếu mình chịu khó quan sát và chia sẻ sẽ dễ dàng nhận ra”, Bắc Bình nói với phóng viên. “Làm nghề xây dựng, nay đây mai đó, gặp đủ kiểu người nên chất liệu để viết nhiều lắm”.
Kể về thời điểm được cư dân mạng phong “thánh thơ”, anh chia sẻ: “Ngày ấy mình vừa tốt nghiệp đại học, lúc rảnh rỗi có tham gia một diễn đàn giải trí khá lớn. Hồi ấy mình khoái những ảnh chế, truyện chế mà phải suy luận, phân tích nên có tham gia bình luận “dạo” vừa để giao lưu, vừa để giải thích cho bạn bè, mọi người cùng xem. Nếu viết bình thường thì không có gì ấn tương, nên tất cả bình luận của mình đều bằng… thơ”. Có một điều khá thú vị là lúc đó mình có người bạn thân, hai thằng thi nhau xem ai làm thơ nhanh hơn, được nhiều lượt yêu thích hơn nên bắt đầu tập làm thơ và mê… thơ luôn từ đó. May mắn là được mọi người lại đón nhận rất nhiệt tình”.
Đến nay, anh vẫn duy trì sở thích làm thơ mỗi ngày. Nội dung chủ yếu là theo dòng thời sự, sự kiện đời sống. Anh thường theo dõi các thông tin báo chí, dư luận chia sẻ, sau đó tổng hợp nội dung để làm dàn ý rồi triển khai thành các bài thơ. Bài nào nhanh thì chỉ 10-15 phút là xong, có bài cần độ sâu sắc thì anh làm từ 1- 2 tiếng đồng hồ.
Số lượng bài thơ xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng đồng nghĩa với độ quan tâm của mọi người dành cho anh tăng lên. Sau khi được mọi người biết đến, nhiều người lạ nhắn tin cho anh để “xin thơ”. Anh đều vui vẻ, nhiệt tình làm thơ mà không tính toán. Tuy nhiên, có người còn nhờ anh làm thơ để mang đi thi thì 9X xứ trà thường từ chối vì hành vi này không công bằng: “thi thố đòi hỏi sự sáng tạo, chất xám của bản thân, nếu “làm hộ” có nghĩa là gian lận và đánh cắp quyền lợi của người khác”. Từ đó, trên facebook cá nhân, chàng kỹ sư xây dựng bắt đầu có… người hâm mộ, đến nay có gần 25.000 người theo dõi.
Thay vì các bài viết bình thường thì chàng kĩ sư xây dựng 9X rất thích làm thơ để bày tỏ góc nhìn, quan điểm sống trước một sự việc nào đó đang gây chú ý trong xã hội.
Thói quen thích làm thơ thể hiện ở cả những việc làm nhỏ hàng ngày, trên mạng xã hội. Hầu hết đều theo dạng thơ lục bát hoặc thơ năm chữ gieo vần, với nội dung khái quát vấn đề và đưa ra thông điệp tích cực đến cộng đồng mạng.
Ví dụ trong sự kiện cư dân mạng ồn ào tẩy tray hoặc có cái nhìn quá khắt khe với các nghệ sĩ làm từ thiện, anh Bình cũng làm bài thơ dí dỏm để châm biếm sự sói mói không cần thiết của một số bạn trẻ: “Những nhà đạo đức online/ Chắc gì đã giúp được ai nên hồn/ Núp sau bàn phím dạy khôn/ Thật ra là chẳng biết cái gì đâu”. Hay trong sự kiện 13 cán bộ, chiến sĩ cứu hộ công nhân thủy điện Rào Trăng 3 ‘mất tích’ do sạt lở đất vào hồi tháng 10 năm ngoái, Bắc Bình cũng có những câu thơ đầy xúc động để tưởng nhớ sự hi sinh anh dũng ấy: “Vào đêm mưa gió bão bùng/ Mười ba chiến sỹ anh hùng hy sinh/ Chúng ta kính cẩn nghiêng mình/ Cho sự mất mát thời bình hôm nay”. Bài thơ thu hút gần 2.000 lượt bày tỏ cảm xúc từ phía cộng đồng mạng và được chia sẻ trên nhiều diễn đàn, hội nhóm thời điểm ấy.
Trở thành nhà sáng tạo truyền cảm hứng
Trong một lần “bình luận dạo” bằng thơ cách đây 4 năm, một công ty truyền thông có tiếng tại Hà Nội, sở hữu mạng lưới các trang thông tin và fanpage lớn dành cho giới trẻ đã nhìn thấy và mời anh về làm việc. Nhiệm vụ chính của anh là điều hành và sáng tạo nội dung cho một hội nhóm với hơn 1,1 triệu thành viên kiêm kiểm duyệt nội dung cho một trang thông tin 2,3 triệu lượt theo dõi.
“Hồi đầu mình tính hợp tác làm việc vui vẻ thôi, không làm sâu. Rồi sau đó mình hay tham gia góp ý các sản phầm truyền thông của công ty, người quản lý lắng nghe và đưa mình vào vị trí phù hợp”.
Người viết thắc mắc: “Chưa từng học qua truyền thông thì làm sao biết cách để xử lý khủng hoảng bởi vốn dĩ chuyên ngành của anh là kỹ sư xây dựng?” – “Có thể do nghề xây dựng thuần tuý khối A ảnh hưởng. Mình ít bị cảm xúc chi phối khi đọc bài, viết bài. Và đặt bản thân vào vị trí người đọc để đánh giá rủi ro, nguy cơ từng bài viết”.
Ngoài làm thơ, Bắc Bình còn sáng tạo nhiều nội dung giải trí hài hước, thú vị xoay quanh các câu chuyện đời sống. Những sản phẩm này có thể hiển thị dưới dạng bài viết hoặc các đoạn hội thoại, trao đổi qua tin nhắn điện thoại. Những tình huống bất ngờ với những màn tương tác “hại não” đã đem đến sự thích thú cho người xem. Anh sở hữu nhiều bài viết, sản phẩm có mức độ lan tỏa mạnh mẽ và lượt tương tác khủng trên các diễn đàn mạng.
Kỹ sư xâu dựng là công việc để kiếm sống, còn sáng tạo nội dung (làm thơ, viết lách…) là sở thích cá nhân của anh Bình.
9 tiếng trên công trường, tối về rảnh rỗi anh dành cho đam mê riêng là làm thơ và sáng tạo nội dung tích cực trên các diễn đàn. Dưới mỗi bài thơ, câu chuyện anh thường để một dấu hiệu nhỏ là hình con bích đen và dấu bằng, ghép lại đọc là “bích bằng”, có nghĩa là Bắc Bình – tên của anh. Nếu vô tình xem được một bài viết, bức ảnh nào có kí tự trên, chắc chắn đó là sản phẩm sáng tạo của chàng kỹ sư xây dựng xứ trà xanh thơm thảo.
“Mục tiêu trong thời gian tới mình muốn tìm hiểu sâu hơn về truyền thông, góp phần xây dựng cộng đồng người dùng internet có tiếng nói tích cực hơn. Đồng thời, qua những sản phẩm sáng tạo có giúp tiếng nói, thông điệp của mình đến đông đảo mọi người. Mục tiêu dài hơi thì muốn giữ được đam mê và vẫn sản xuất ra được những nội dung thú vị được cộng đồng mạng đón nhận”, anh chàng kỹ sư xây dựng nói.