Tự kỷ – Khoa nhi – Cẩm nang MSD – Phiên bản dành cho chuyên gia

  • Phân tích hành vi ứng dụng

  • Liệu pháp lời nói và ngôn ngữ

  • Đôi khi, cần sử dụng vật lý trị liệu và liệu pháp chuyên môn

  • Liệu pháp điều trị bằng thuốc

Điều trị rối loạn phổ tự kỷ thường là đa ngành và các nghiên cứu cho thấy những lợi ích có thể đo lường được từ các phương pháp tiếp cận chuyên sâu, dựa trên hành vi khuyến khích sự tương tác và giao tiếp có ý nghĩa. Các nhà tâm lý học và các nhà giáo dục thường tập trung phân tích hành vi, sau đó kết hợp các chiến lược quản lý hành vi với những vấn đề hành vi cụ thể ở nhà và ở trường. Xem thêm báo cáo lâm sàng năm 2020 về Xác định, Đánh giá và Quản lý Trẻ bị Rối loạn Phổ Tự kỷ của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ.

Phân tích hành vi ứng dụng (ABA) là một cách tiếp cận trị liệu trong đó trẻ em được dạy các kỹ năng nhận thức, xã hội hoặc hành vi cụ thể theo cách thức từng bước. Các cải tiến nhỏ được củng cố và xây dựng dần dần để cải thiện, thay đổi hoặc phát triển các hành vi cụ thể ở trẻ mắc ASD. Những hành vi này bao gồm các kỹ năng xã hội, kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp, đọc và học tập cũng như các kỹ năng học được như chăm sóc bản thân (ví dụ: tắm rửa, chải đầu), kỹ năng sinh hoạt hàng ngày, đúng giờ và năng lực công việc. Liệu pháp này cũng được sử dụng để giúp trẻ giảm thiểu các hành vi (ví dụ: gây hấn) có thể cản trở sự tiến bộ của trẻ. Liệu pháp phân tích hành vi ứng dụng được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của từng trẻ và thường được thiết kế và giám sát bởi các chuyên gia được chứng nhận về phân tích hành vi. Tại Hoa Kỳ, ABA có thể được cung cấp trong khuôn khổ của Kế hoạch Giáo dục Cá nhân hóa (IEP) thông qua trường học và ở một số tiểu bang được bảo hiểm y tế chi trả. Mô hình Phát triển, Sự khác biệt-Cá nhân, Dựa trên Mối quan hệ (DIR®), còn được gọi là Floortime (Thời gian dưới sàn), là một cách tiếp cận chuyên sâu khác dựa trên hành vi. DIR® dựa trên sở thích và các hoạt động ưa thích của trẻ để giúp xây dựng các kỹ năng tương tác xã hội và các kỹ năng khác. Hiện tại, có ít bằng chứng ủng hộ DIR/Floortime hơn ABA, nhưng cả hai liệu pháp đều có thể hiệu quả.

Liệu pháp lời nói và ngôn ngữ nên bắt đầu sớm và sử dụng nhiều phương tiện truyền thông, bao gồm chỉ dạy, trao đổi hình ảnh và các thiết bị truyền thông như các thiết bị phát lợi nói dựa trên biểu tượng trẻ em chọn trên máy tính bảng hoặc thiết bị cầm tay khác cũng như lời nói. Các nhà trị liệu vật lý và chuyên gia trị liệu nghề nghiệp lập kế hoạch và thực hiện các chiến lược để giúp đỡ trẻ bị ảnh hưởng còn bù cho những thiếu hụt đặc biệt về chức năng vận động, vận động có chủ đích và cảm giác.

Điều trị bằng thuốc có thể làm giảm triệu chứng. Có bằng chứng cho thấy các thuốc chống loạn thần không điển hình (ví dụ risperidone, aripiprazole) giúp giảm các vấn đề về hành vi, như hành vi nghi lễ, tự gây thương tích và hung dữ. Các loại thuốc khác đôi khi được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng cụ thể, bao gồm thuốc ức chế chọn lọc trên serotonin (SSRI) cho các hành vi nghi thức, thuốc bình thần (ví dụ valproate) cho các hành vi tự gây thương tích và hung hăng, và các thuốc hướng thần và các loại thuốc ADHD khác cho chứng mất chú ý, bốc đồng và tăng động.

Điều chỉnh chế độ ăn uống, bao gồm bổ sung vitamin và thức ăn không chứa gluten và không có casein, không thực sự có ích; tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn áp dụng dẫn tới việc cần giám sá sự thiếu hoặc thừa một số chất trong chế độ ăn. Các phương pháp tiếp cận và điều trị khác (ví dụ, tạo điều kiện cho trẻ trong giao tiếp, điều trị chelat, huấn luyện hợp nhất thính giác,liệu pháp oxy) chưa thấy hiệu quả.