Từ ghép là gì? Ví dụ cụ thể và dễ hiểu
Ở bài viết này, mình sẽ cố gắng để bạn hiểu từ ghép là gì cùng với việc phân tích những ví dụ kèm theo. Mình nghĩ rằng, hiểu được vấn đề từ bản chất sẽ giúp mọi thứ trở nên rõ ràng hơn.
1. Từ ghép là gì?
1.1. Khái niệm từ ghép
Để hiểu rõ về khái niệm “từ ghép” là gì, chúng ta sẽ bắt đầu với khái niệm “từ” là gì?
“Từ” là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa hoàn chỉnh và dùng để đặt câu. Một “từ” có thể có một hoặc nhiều “âm tiết” (một số tài liệu sẽ gọi là “tiếng”). Vậy, “âm tiết” hoặc “tiếng” là gì?
Âm tiết là “đơn vị phát âm nhỏ nhất trong ngôn ngữ”. Những từ có 01 âm tiết được gọi là “từ đơn”, từ có hai âm tiết trở lên được gọi là “từ phức”.
Hãy xem ví dụ dưới đây và bạn sẽ hiểu thêm từ đơn là gì và từ phức là gì.
Ví dụ: “tôi” là từ đơn (có một âm tiết); “bà ngoại” là 01 từ phức (gồm có 02 âm tiết là “bà” và “ngoại”).
“Từ phức” lại được chia làm 02 nhóm từ, đó là: Từ ghép và từ láy. Về cơ bản:
-
Từ ghép là từ phức mà các âm tiết có quan hệ với nhau về ngữ nghĩa.
-
Từ láy là từ phức mà các âm tiết có cấu tạo giống nhau hoặc tương tự nhau nhằm diễn tả một nghĩa nào đó hoàn chỉnh (có thể làm tăng hoặc giảm nghĩa tiếng chính). Các âm tiết trong từ láy có thể chỉ có 01 âm tiết có nghĩa, cũng có thể không có âm tiết nào có nghĩa khi tách riêng ra.
Như vậy, từ ghép là những từ có hai âm tiết trở lên và các âm tiết có mối quan hệ với nhau về ngữ nghĩa.
1.2. Ví dụ về từ ghép
Ví dụ 1 (về từ ghép):
Xét ví dụ ở trên, “bà ngoại” là từ phức và cũng là một từ ghép.
Cụ thể: “bà” và “ngoại” có mối quan hệ với nhau về ngữ nghĩa, âm tiết “ngoại” làm rõ nghĩa cho âm tiết “bà” (tức để làm rõ là đang đề cập đến bà, nhưng là bà ngoại chứ không phải là bà nội).
Ví dụ 2 (về từ KHÔNG phải là từ ghép):
“Đẹp đẽ” KHÔNG phải là từ ghép. “Đẹp đẽ” là một từ phức và cũng là một từ láy. Cụ thể:
-
“Đẹp” và “đẽ” là hai âm tiết có phụ âm đầu trùng lặp, có cấu tạo tương tự nhau.
-
Từ “
đẹp đẽ” là một từ có nghĩa. Tuy nhiên, khi tách riêng thì “đẹp” là âm tiết có nghĩa còn “đẽ” là âm tiết không có nghĩa.
2. Công dụng của từ ghép trong Tiếng Việt
Là một trong những thành phần cấu tạo nên cấu trúc của câu, từ ghép là từ “có thực nghĩa” nên việc sử dụng từ ghép có công dụng:
-
Đối với người viết, người nói: giúp diễn tả chính xác các từ ngữ trong câu văn hay trong lời nói.
-
Đối với người nghe, người đọc: giúp hiểu nội dung thông tin mà người nói muốn truyền tải dễ dàng hơn mà không cần phải suy đoán.
3. Các loại từ ghép
Dựa vào mối quan hệ về ngữ nghĩa của các âm tiết, về cơ bản, từ ghép được chia làm 02 loại: từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ.
3.1. Từ ghép chính phụ
a) Từ ghép chính phụ là gì?
Từ ghép chính phụ là từ ghép có âm tiết chính và âm tiết phụ. Trong đó, âm tiết phụ bổ sung nghĩa cho âm tiết chính.
Ví dụ về từ ghép chính phụ:
Từ ghép “bà ngoại” là từ ghép chính phụ. Trong đó, âm tiết “bà” là âm tiết chính và có ý nghĩa khái quát chỉ những người bà nói chung. Còn âm tiết “ngoại” là âm tiết phụ và có ý nghĩa bổ sung, phân loại cho âm tiết chính, chỉ người bà được nói đến ở đây là bà ngoại – mẹ của mẹ mình.
b) Phân loại từ ghép chính phụ
-Từ ghép chính phụ gốc Việt (về cơ bản, âm tiết chính và âm tiết phụ là từ gốc Việt).
+ Từ ghép chính phụ gốc Việt bậc 1: (âm tiết chính là từ đơn). Ví dụ: hoa hồng, hoa lan, hoa phượng…
+ Từ ghép chính phụ gốc Việt bậc 2: (âm tiết chính là từ ghép). Ví dụ: động cơ đốt trong, máy bay không người lái…
-Từ ghép chính phụ gốc Hán
+Từ ghép chính phụ gốc Hán: phụ trước – chính sau. Ví dụ: bạch mã (“bạch” là âm tiết phụ, “mã” là âm tiết chính – con ngựa trắng)
+Từ ghép chính phụ gốc Hán: chính trước – phụ sau. Ví dụ: đại diện (“đại” là âm tiết chính, “diện” là âm tiết phụ – thay mặt)
3.2. Từ ghép đẳng lập
a) Từ ghép đẳng lập là gì?
Từ ghép đẳng lập là từ ghép có các âm tiết bình đẳng nhau về mặt ngữ pháp, không phân âm tiết chính, âm tiết phụ.
Ví dụ 1 (về từ ghép đẳng lập): Từ ghép “ông bà” là từ ghép đẳng lập. Trong đó, âm tiết “ông” và âm tiết “bà” không phụ thuộc nhau về mặt ngữ pháp, không phân âm tiết chính và âm tiết phụ.
Lưu ý: Tuy bình đẳng nhau về mặt ngữ pháp nhưng các âm tiết trong từ ghép đẳng lập vẫn sẽ thuộc một phạm trù ngữ nghĩa hoặc có mối quan hệ logic nào đó với nhau.
Ví dụ 2 (về nội dung ở lưu ý): Như từ ghép đẳng lập “ông bà” nói trên, “ông” và “bà” vẫn có mối liên hệ đó là chỉ những người sinh ra cha mẹ.
b) Phân loại từ ghép đẳng lập
-Từ ghép đẳng lập gốc Việt (các âm tiết đều là từ gốc Việt)
+Từ ghép đẳng lập gốc Việt có các âm tiết gần nhau về nghĩa. Ví dụ: đất cát, ruộng vườn…
+Từ ghép đẳng lập gốc Việt có các âm tiết trái nhau về nghĩa. Ví dụ: may rủi, khen chê…
-Từ ghép đẳng lập gốc Hán (các âm tiết đều là từ gốc Hán)
+Từ ghép đẳng lập gốc Hán gồm các âm tiết đã được Việt hóa hoàn toàn. Ví dụ: công tư, thuận lợi…
+Từ ghép đẳng lập gốc Hán gồm các âm tiết chưa được Việt hóa hoàn toàn. Ví dụ: mĩ lệ, kiến thiết…
+Từ ghép đẳng lập vừa có âm tiết gốc Hán, vừa có âm tiết gốc Việt. Ví dụ: nuôi dưỡng (“nuôi” là gốc Việt, “dưỡng” là gốc Hán), binh lính (“binh” là gốc Hán, “lính” là gốc Việt).
4. Nghĩa của từ ghép
-
Nghĩa của từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa (tức là nghĩa của từ ghép chính phụ sẽ hẹp hơn so với nghĩa của âm tiết chính).
Ví dụ 1: Trong từ ghép chính phụ “bà ngoại” thì nghĩa của từ ghép chính phụ “bà ngoại” sẽ hẹp hơn so với nghĩa của âm tiết “bà” – là âm tiết chính (như phân tích ở trên, “bà” có thể là bà nội, bà ngoại, bà cố…)
-
Nghĩa của từ ghép đẳng lập có tính chất hợp nghĩa (tức là nghĩa của từ ghép đẳng lập sẽ khái quát hơn nghĩa của các âm tiết tạo nên từ ghép đẳng lập).
Ví dụ 2: Lại xét về ví dụ từ ghép đẳng lập “ông bà” đã đề cập ở các mục trước. Nghĩa của từ ghép đẳng lập “ông bà” khái quát hơn so với nghĩa của âm tiết “ông” và nghĩa của âm tiết “bà”.
5. Cách phân biệt từ ghép
5.1. Phân biệt từ ghép và từ láy
Giống nhau:
-
Có từ hai âm tiết trở lên
-
Một số từ ghép sẽ giống từ láy nếu có một âm tiết có nghĩa và một âm tiết hơi mờ nghĩa. Ví dụ: từ ghép “thơm ngát” có thể bị nhầm là từ láy vì âm tiết chính “thơm” có nghĩa, còn âm tiết “ngát” với một số người sẽ hơi mờ nghĩa.
-
Một số từ ghép sẽ giống từ láy nếu có lặp phụ âm. Ví dụ: từ ghép “thúng mủng” có thể bị nhầm là từ láy vì có lặp phụ âm “ung”.
Khác nhau:
-
Về cơ bản, từ ghép và từ láy khác nhau về mối quan hệ ngữ nghĩa của các âm tiết.
-
Nếu các âm tiết tạo thành từ đều có nghĩa thì đó là từ ghép.
5.2. Phân biệt từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ
Giống nhau: Đều là từ ghép.
Khác nhau:
-Về mối quan hệ giữa các âm tiết:
-
Từ ghép chính phụ: mối quan hệ kết hợp giữa các âm tiết là không bình đẳng (có âm tiết chính và âm tiết phụ).
-
Từ ghép đẳng lập: mối quan hệ kết hợp giữa các âm tiết là bình đẳng (không phân biệt âm tiết nào chính và âm tiết nào phụ).
-Về ngữ nghĩa (đã phân tích ở mục trên):
-
Từ ghép chính phụ: có tính chất phân nghĩa.
-
Từ ghép đẳng lập: có tính chất hợp nghĩa.
6. Kết luận
Mình đã cố gắng chọn lọc thông tin và sưu tầm những ví dụ đặc trưng để hy vọng truyền đạt đến bạn những nội dung về từ ghép một cách dễ hiểu nhất.
“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, trong nhiều trường hợp chúng ta có thể sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu và xác định nghĩa của một từ nào đó, hãy kiểm tra lại với từ điển để vừa để học từ, vừa để sử dụng từ đúng hơn bạn nhé!
Giang Béc