Truyền thông xã hội và các giải pháp quản lý, phát triển

Thứ năm, 27 Tháng 2 2020 16:29

19938 Lượt xem

(LLCT) – Truyền thông xã hội xuất hiện đã tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích về truyền tải, tiếp nhận, chia sẻ thông tin, tri thức phục vụ các nhu cầu đa dạng của cộng đồng. Tuy nhiên, với cơ chế lan truyền thông tin có tốc độ chóng mặt, khó kiểm soát, truyền thông xã hội đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống xã hội, đặc biệt trong văn hóa ứng xử, phát ngôn trên mạng xã hội. Trên cơ sở phân tích những tác động tích cực và tiêu cực của truyền thông xã hội, bài viết đề xuất các nhóm giải pháp tới các chủ thể như: các cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội; chủ thể quản lý và hoàn thiện cơ sở pháp luật; nhà cung cấp các dịch vụ truyền thông xã hội và các cơ quan quản lý các phương tiện truyền thông…  nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của truyền thông xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho truyền thông xã hội phát triển đúng định hướng, phù hợp với văn hóa dân tộc.

1. Khái niệm truyền thông xã hội

Khái niệm truyền thông xã hội (social media) ra đời từ một vài thập kỷ trước với sự xuất hiện của mạng internet và hệ thống tin nhắn BBS (Bulletin Board System)(1). Tuy nhiên cho đến khi nền tảng Web 2.0 ra đời –  công nghệ giúp người dùng tự xây dựng nội dung và kết nối với nhau thì kỷ nguyên của truyền thông xã hội mới thực sự bùng nổ. Khái niệm truyền thông xã hội hiện nay được hiểu là các nền tảng (platform) cung cấp cho người sử dụng internet dựa trên công nghệ web 2.0.

Các tác giả Andreas Kaplan và Michael Haenlein trong bài viết trên Tạp chí Business horizons đã định nghĩa truyền thông xã hội là “những ứng dụng internet xây dựng trên nền tảng công nghệ và lý tưởng của web 2.0 mà tạo điều kiện cho việc kiến tạo và trao đổi thông tin của người dùng”(2).

Theo định nghĩa chính thức của Bộ Thông Tin và Truyền thông, truyền thông xã hội là “hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”(3).

Như vậy, truyền thông xã hội là các công nghệ thông qua mạng internet trên các thiết bị truy cập internet mà tương tác tạo điều kiện cho việc tạo và chia sẻ thông tin, ý tưởng và các hình thức thể hiện khác thông qua các cộng đồng trên mạng internet. Truyền thông xã hội có một số tính năng như:

(1) Truyền thông xã hội là các ứng dụng dựa trên internet tương tác.

(2) Nội dung do người dùng tạo ra, ví dụ như bài đăng hoặc nhận xét văn bản, ảnh, video thông qua tất cả các tương tác trực tuyến, là huyết mạch của phương tiện truyền thông xã hội.

(3) Người dùng tạo hồ sơ mà trang web hoặc ứng dụng được thiết kế và duy trì bởi tổ chức truyền thông xã hội.

Truyền thông xã hội tạo điều kiện cho sự phát triển của các mạng xã hội trực tuyến bằng cách kết nối hồ sơ của người dùng với các cá nhân hoặc nhóm khác trên cơ sở tương tác với nhau.

Người dùng thường truy cập các dịch vụ truyền thông xã hội thông qua các công nghệ dựa trên web trên máy tính (để bàn hoặc xách tay) hoặc các ứng dụng trên điện thoại thông minh và máy tính bảng. Khi người dùng tham gia vào các dịch vụ điện tử này, họ kết nối với nhau trên các nền tảng tương tác cao, thông qua đó các cá nhân, cộng đồng và tổ chức có thể chia sẻ, đồng sáng tạo, thảo luận và sửa đổi nội dung do người dùng tạo hoặc nội dung được tạo trước được đăng trực tuyến.

Phương tiện truyền thông xã hội khác với phương tiện truyền thông trên giấy (ví dụ: tạp chí và báo chí) và phương tiện điện tử truyền thống như phát sóng truyền hình… theo nhiều cách, bao gồm chất lượng, phạm vi, tần suất, tính tương tác, khả năng sử dụng, tính trực tiếp và hiệu suất. Các phương tiện truyền thông xã hội hoạt động trong một hệ thống truyền đối thoại (nhiều nguồn tới nhiều đích). Điều này trái ngược với phương tiện truyền thông truyền thống hoạt động theo mô hình truyền tải logic đơn (một nguồn tới nhiều đích), chẳng hạn như một tờ báo được gửi đến nhiều thuê bao hoặc đài phát thanh phát cùng một chương trình cho toàn thành phố. Một số trang web truyền thông xã hội phổ biến nhất với hơn 100 triệu người dùng đã đăng ký như: Facebook (và Facebook Messenger liên kết của nó), Youtube, WhatApp, Skype, Qzone, WeChat, Instagram, Twitter, Flickr, Google Plus, Go.vn, Baidu Tieba…

Giữa truyền thông xã hội (social media) và mạng xã hội (social network) có một chút khác nhau trong nội hàm khái niệm. Về mặt bản chất công nghệ, hai khái niệm này đều cùng chỉ một bản thể: đó là những website dựa trên nền tảng web 2.0 để giúp người sử dụng có thể tạo lập và truyền tải thông tin. Tuy vậy, thuật ngữ truyền thông xã hội mang nghĩa rộng hơn, bao hàm cả phương tiện lẫn nội dung truyền thông, trong khi mạng xã hội nhấn mạnh nhiều hơn đến nền tảng công nghệ tạo ra nó(4). Trong bài viết, hai thuật ngữ này được sử dụng thay thế cho nhau.

2. Tác động của truyền thông xã hội ở Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người (xếp thứ 15 trên thế giới, trong đó, tỷ lệ sử dụng internet chiếm hơn 60%), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet. Một thống kê đáng chú ý là thời gian sử dụng internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng/ngày(5). Điều này chứng minh rằng, người Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng để phục vụ các nhu cầu khác nhau. Mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam hiện nay là Facebook và Zalo. Facebook vẫn là mạng xã hội được nhiều người Việt dùng nhất hiện nay. Theo thống kê, tính đến tháng 4-2018, có 58 triệu người Việt Nam dùng Facebook, đưa Việt Nam đứng top 7 quốc gia có lượng người dùng Facebook đông đảo nhất trên thế giới. Zalo hiện có khoảng 40 triệu người sử dụng hàng tháng. Đây là một con số đáng kể khi tổng lượng người sử dụng Zalo chiếm tới một nửa dân số Việt Nam và bằng gần 70% số người sử dụng Facebook(6). Với số lượng người tham gia mạng xã hội như thống kê, cộng đồng “công dân mạng” (netizens) của Việt Nam đã hình thành nên một xã hội mạng lưới (network society) thực sự lớn mạnh và rộng khắp. Dưới sự trợ giúp của internet và các nền tảng công nghệ, các thành viên trong mạng lưới đó tự tạo ra một lượng thông tin khổng lồ, và cùng tự lan truyền khối lượng thông tin đó đến với nhau. Nền tảng công nghệ giúp cho việc chia sẻ đường link và thông tin giữa các cá nhân trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều. Một thông tin thú vị có khả năng trở nên lan truyền rất nhanh, được truyền tải thông qua mạng xã hội một cách chóng mặt khi lan truyền từ cộng đồng của cá nhân này sang cộng đồng của cá nhân khác. Ví dụ trang tin vnexpress.net có khoảng 2 triệu likes trên mạng xã hội Facebook, điều đó đồng nghĩa với việc bất cứ bài báo nào được đăng lên fanpage của trang tin này thì đều có thể được tiếp cận bởi gần 2 triệu người. Về mặt lý thuyết, con số người đọc bài báo có thể tăng lên gấp bội, khi chỉ cần một phần trong số 2 triệu người đó chia sẻ đường liên kết trong cộng đồng của mình. Với cơ chế lan truyền thông tin có tốc độ chóng mặt, khó kiểm soát cùng con số thống kê về số người sử dụng mạng xã hội, chúng ta có thể hình dung phần nào những tác động của truyền thông xã hội tới mọi mặt của đời sống.

Tác động tích cực

Thông qua internet, thông tin trên mạng xã hội được thu thập, phát tán rộng rãi và nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Do không bị chi phối bởi những yếu tố về thời gian, không gian, biên giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp hay trình độ học vấn… nên mọi người khi tham gia mạng xã hội dù là ở bất cứ địa điểm nào trên toàn cầu đều có thể dễ dàng làm quen, kết bạn và tương tác với nhau trên mạng xã hội, hình thành mạng lưới quan hệ rộng khắp mà hình thức giao tiếp truyền thống (mặt đối mặt) không thể thực hiện được (ví dụ mạng xã hội Twitter, trung bình một phút lại có thêm 320 ngàn tài khoản mới và hơn 98 ngàn đoạn thông điệp được chia sẻ)(7). Nhờ đó mà ngày nay, mỗi cá nhân, tập thể không chỉ giới hạn quan hệ xã hội trong cùng một tộc người, một cộng đồng cư dân, hay một quốc gia, vùng lãnh thổ, mà trái lại, quan hệ xã hội được mở rộng, vượt qua giới hạn về mặt địa lý, sắc tộc, tôn giáo… Truyền thông xã hội với sự hỗ trợ của internet đã góp phần quan trọng biến nhân loại trên khắp thế giới trở thành thành viên của một đại gia đình, xóa nhòa giới hạn về không gian, tạo lập một thế giới phẳng mà ở đó mọi người liên hệ với nhau thông qua mạng xã hội. Với tiện ích ưu việt đó, truyền thông xã hội đang góp phần tạo ra mối quan hệ rộng rãi cho nhiều thành viên trong cộng đồng tham gia mạng xã hội.

Thông qua việc kết nối các thành viên cùng sở thích trên internet với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian và thời gian, mọi người, đặc biệt là giới trẻ được gia tăng sự hiểu biết với thế giới, được tiếp cận với tri thức nhân loại, có cơ hội được tham gia các diễn đàn trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức bổ ích trong cuộc sống và trong công việc, tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin về các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội… như các chương trình đào tạo việc làm, tình nguyện, phong trào thanh niên lập nghiệp, thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, thanh niên tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa…; qua đó họ có cơ hội phát huy năng lực, sở trường của bản thân, hướng tới cuộc sống có ích, lành mạnh và từng bước hoàn thiện nhân cách, rèn luyện bản lĩnh, trau dồi lý tưởng sống.

Về lợi ích kinh tế, hệ thống mạng xã hội giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân buôn bán, kinh doanh. Các phương tiện tiếp thị truyền thống như qua đài, quảng cáo trên truyền hình và đăng báo hiện nay đã lỗi thời và tiêu tốn rất nhiều tiền. Tuy nhiên, với phương tiện truyền thông xã hội, các doanh nghiệp có thể kết nối với các khách hàng, mục tiêu của họ miễn phí, chỉ tốn tiền điện và thời gian. Thông qua Facebook hoặc Zalo và các trang mạng xã hội khác, các doanh nghiệp, tổ chức cũng như các cá nhân buôn bán, kinh doanh giảm được rất lớn các chi phí tiếp thị, quảng cáo cũng như các chi phí khác như: chi phí thuê mặt bằng, giao dịch… đồng thời có thể buôn bán, kinh doanh 24/24, bất kể thời gian nào trong ngày. Chỉ cần nhận phản hồi của khách, các chủ thể kinh doanh có thể lập tức chốt đơn hàng và giao hàng ngay vào ngày hôm sau. Điều đó giúp tăng thời lượng bán hàng và doanh thu cũng tăng lên đáng kể. Việc mua hàng online cũng mang đến rất nhiều lợi ích cho khách hàng. Người mua hàng có thể đặt hàng bất cứ đâu, bất kể thời gian nào chỉ với những thao tác rất đơn giản.

Với sự phủ sóng ngày càng rộng của các công cụ mạng xã hội, truyền thông xã hội được xem là phương pháp truyền thông hữu hiệu nhất cho người viết blog, nhà báo và người sáng tạo nội dung. Những trang web mạng xã hội mở ra cơ hội cho tất cả các nhà văn và người viết blog, cho phép họ kết nối với những người đọc am hiểu công nghệ và chia sẻ các kinh nghiệm cũng như bài báo của họ. Những độc giả này tiếp tục chia sẻ những bài báo, trang blog hay kinh nghiệm đó trên mạng xã hội, từ đó mở rộng mạng lưới những người theo dõi các thông tin. Bằng phương thức này, truyền thông xã hội góp phần xây dựng hình ảnh, vị thế của cá nhân và tổ chức xã hội.

Tác động tiêu cực

Bên cạnh những tiện ích nêu trên, sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống xã hội. Với cơ chế lan truyền thông tin nhanh, khó kiểm soát, các giá trị xã hội (bao gồm các giá trị tốt đẹp, chuẩn mực và các giá trị lệch chuẩn), các quy tắc, luật lệ thành văn cũng như bất thành văn của xã hội tác động mạnh tới quá trình xã hội hóa cá nhân của các thành viên tham gia. Thông tin trên mạng xã hội vô cùng đa dạng, phong phú và nhiều chiều, thậm chí nhiều vấn đề được đưa ra đôi khi quá đà, không kiểm soát. Việc truyền tin trên mạng xã hội cũng dễ bị “tam sao thất bản”, bị thổi phồng, thiếu tính chính xác, thiếu sự kiểm chứng và dễ bị chi phối bởi hiệu ứng đám đông và phản ứng dây chuyền. Việc đăng tải và chia sẻ thông tin mà hầu như không gặp phải trở ngại nào, cùng với tâm lý thích nổi tiếng, thích được chú ý khiến cho một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội tìm mọi cách để đăng tải những thông tin gây sốc, những tít “giật gân”, câu khách.  Đó là môi trường thuận lợi cho những thông tin, hình ảnh, video clip có nội dung vi phạm đạo đức lan tràn. Việc tham gia các trò chơi game bạo lực, nghe và xem các clip có nội dung không lành mạnh lan truyền trên các trang mạng xã hội cũng gây ra những tác động không nhỏ đối với đạo đức người dùng,  đặc biệt với trẻ em. Chúng có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi các thông tin lan truyền trên trang web mạng xã hội nếu chúng được phép tham gia mạng xã hội. Khi xem những bức hình, thông tin có chứa nội dung bạo lực hoặc nhạy cảm trên mạng xã hội, trẻ em có thể bị tác động và dẫn đến những thay đổi tiêu cực trong nhận thức, hành vi.

Trong truyền thông xã hội, tính ẩn danh, lạc danh của nguồn phát tin đã khiến người tham gia có thể tùy tiện phát ngôn hơn so với mặt đối mặt. Khi ẩn danh, người phát ngôn trên mạng xã hội khiến họ cảm tưởng sẽ không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào về hành vi hay phát ngôn của mình. Tính khó kiểm soát của các thông tin trên mạng xã hội dẫn đến tình trạng nói dối, văng tục, chửi thề trên mạng xã hội của người tham gia, đặc biệt là thanh niên diễn ra phổ biến và có tác động không nhỏ đến việc hình thành khuôn mẫu, văn hóa ứng xử của họ ở ngoài đời thực trái với thuần phong, mỹ tục. Trong thực tiễn đã có nhiều trường hợp thanh thiếu niên phạm tội, vi phạm các giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội là do bắt chước, làm theo các hành vi của một nhân vật, cá nhân trong sự kiện nào đó được lan truyền trên mạng xã hội. Đây là những nguy cơ hàng đầu dẫn tới các tiêu cực và tệ nạn xã hội.

Do tính khó kiểm soát thông tin và tính năng lạc danh, ẩn danh của người tham gia mạng xã hội mà truyền thông xã hội dễ trở thành phương tiện để các thế lực xấu, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước ta sử dụng gây rối loạn thông tin, mất trật tự xã hội và an ninh quốc gia. Chúng phát tán các thông tin xấu, không đúng sự thật trên mạng xã hội  nhằm lôi kéo, kích động cộng đồng mạng tham gia các hoạt động hội họp, biểu tình không phù hợp với quy định của pháp luật, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lừa bịp, mỵ dân, gieo rắc tư tưởng không lành mạnh, gây mất niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước. Trong khi đó, phần lớn người tham gia mạng xã hội là thanh niên, chưa có nhiều trải nghiệm, chưa đủ bản lĩnh để “tỉnh táo” sàng lọc thông tin nên những dạng thông tin độc hại với tốc độ phát tán, lan truyền rất nhanh, dễ tạo hiệu ứng xã hội theo chiều rộng sẽ làm “méo mó” nhận thức, tác động tiêu cực đến hành vi của thanh niên trên không gian mạng cũng như ngoài đời thực.

3. Các giải pháp phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của truyền thông xã hội

a) Nhóm giải pháp đối với người tham gia mạng xã hội

Một là, cần chú trọng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm khi tham gia các nền tảng truyền thông xã hội của mọi công dân. Bản thân các trang thông tin điện tử hay mạng xã hội chỉ là công cụ cho người dùng sử dụng. Các mặt trái của truyền thông xã hội chỉ tồn tại khi ý thức cộng đồng chưa được giáo dục đầy đủ. Cần nêu ra và giáo dục cho cộng đồng những nguyên tắc khi tham gia truyền thông xã hội. Trong mọi môi trường giáo dục, từ gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông liên cá nhân cần định hướng giá trị để mọi người, đặc biệt là tầng lớp thanh niên biết tránh khỏi các biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và hành vi. Ngoài những cảm xúc đẹp, những hình ảnh giàu tính thẩm mỹ, những khoảnh khắc quý giá của tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình… trong cuộc sống được đưa lên các trang mạng xã hội, mọi người khi tham gia mạng xã hội còn phải có ý thức phản bác các thông tin phiến diện, sai trái, những luận điệu xuyên tạc nhằm gây mất an ninh trật tự xã hội hoặc gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.

Hai là, khi tham gia môi trường mạng, các thành viên mạng xã hội nên lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng thanh lịch, văn minh. Đồng thời cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không sử dụng ngôn ngữ lai căng, tục tĩu, cá biệt, có tính bạo lực; chỉ đăng, phát thông tin rõ nguồn gốc, đã được kiểm chứng. Đặc biệt, các công dân mạng không được lập nhóm, hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân; không “vào hùa” theo đám đông khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó hoặc không có căn cứ. Trong quá trình đăng tải các thông tin, các công dân mạng không đăng những thông tin bịa đặt, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây kích động bạo lực, phân biệt dân tộc, vùng miền, giới tính, tôn giáo, hình ảnh trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, thông tin vi phạm pháp luật; không sử dụng những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị làm phiền bởi các tin rác hay bị lấy cắp thông tin tài khoản.

Ba là, các cư dân mạng cần nắm rõ và tuân thủ các quy định của Luật An ninh mạng. Trên cơ sở đó, mỗi cư dân mạng cần biến trang mạng xã hội của mình thành một kênh thông tin lành mạnh và thực hiện truyền thông xã hội trên tinh thần trách nhiệm cộng đồng, kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình, phản bác… những thông tin phản động, độc hại trên mạng xã hội.

Bốn là, các cá nhân khi tham gia mạng xã hội cần trang bị các kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin. Việc người dùng nâng cao sức “đề kháng”, trang bị hiểu biết về pháp luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử văn minh, lịch lãm trong tranh luận, phản biện, có năng lực về tin tức, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội là rất quan trọng. Có như vậy, việc khai thác, sử dụng mạng xã hội mới hiệu quả, thiết thực và lành mạnh, người dùng mới có thể bảo vệ những giá trị của bản thân, của cộng đồng và dân tộc.        

b) Nhóm giải pháp liên quan đến chủ thể quản lý và hoàn thiện cơ sở pháp luật

Một là, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng, tập trung nghiên cứu xây dựng Luật về quản lý thông tin trên mạng để có thể tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp; tích cực xây dựng khung khổ pháp luật khoa học, tiến bộ để truyền thông xã hội hoạt động, phát triển lành mạnh, đúng hướng; kịp thời bổ sung, hoàn thiện các văn bản cần thiết phù hợp với thực tiễn để bảo đảm môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch, công khai và bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân khi tham gia truyền thông xã hội. Kịp thời thể chế hóa các hướng dẫn Luật An ninh mạng năm 2018 góp phần vào quản lý tốt truyền thông xã hội.

Hai là, hoàn thiện và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng sâu rộng tới các tầng lớp xã hội và xây dựng những biện pháp xử phạt, chế tài đối với các cư dân mạng vi phạm luật. Các cá nhân, tổ chức cần phải có trách nhiệm pháp lý với các thông tin đưa lên mạng xã hội hay trang thông tin điện tử nhằm hạn chế tối đa những phát ngôn, hành xử thiếu văn hóa trên mạng xã hội.

Ba là, xây dựng và hoàn thiện các văn bản cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Luật Báo chí 2016, trong đó chú trọng việc nâng cao vai trò định hướng thông tin của các cơ quan báo chí truyền thống, tích cực, chủ động phê phán, phản bác thông tin xấu, độc trên mạng để góp phần khắc phục những mặt trái của truyền thông xã hội.

c) Nhóm giải pháp liên quan đến chủ thể cung cấp mạng xã hội

Một là, các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ, khai thác dịch vụ, nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam. Yêu cầu các đối tác phải thể hiện sự hợp tác, tuân thủ các quy định khi vào Việt Nam như đặt cơ quan đại diện, thiết lập tính chính danh của người dùng trong đăng ký tài khoản, phối hợp tích cực để kịp thời bóc gỡ những trang mạo danh các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, xóa bỏ triệt để các tài khoản đưa thông tin sai sự thật,… Cần coi trọng hơn các biện pháp kinh tế, yêu cầu trách nhiệm của những doanh nghiệp phải tương xứng với lợi ích mà họ được hưởng.

Hai là, những đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cần thường xuyên có những cảnh báo gửi đến khách hàng, tránh để bị kẻ xấu lợi dụng mạo danh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi khách hàng của mình.

d) Nhóm giải pháp đối với các cơ quan quản lý các phương tiện truyền thông

Một là, để quản lý tốt, các cơ quan có chức năng quản lý, giám sát các phương tiện truyền thông cần nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, phù hợp, theo kịp tốc độ biến động của truyền thông xã hội… thay vì chỉ dừng ở quy tắc điều chỉnh mang tính khuyến nghị đạo đức và văn hóa. Bởi lẽ, khi các ràng buộc pháp lý không cụ thể, rõ ràng và đủ mạnh thì các quy tắc đạo đức, văn hóa cũng rất khó để đi vào cuộc sống.

Hai là, tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan và của cả hệ thống chính trị. Cần xử lý nghiêm những hành vi mạo danh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cá nhân, đơn vị; xử lý hình sự những hành vi mạo danh để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tích cực triển khai thực hiện Luật An ninh mạng với các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những hành vi vi phạm, gây hại như lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên internet, mạng xã hội…

Ba là, tăng cường các biện pháp kỹ thuật. Việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế, ngăn chặn những thông tin độc hại, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Việt Nam vẫn rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Các đơn vị chuyên trách về an ninh mạng cần kịp thời hỗ trợ với các tổ chức, cá nhân khi phát hiện dấu hiệu xuất hiện những “lỗ hổng” của việc bảo mật và cả khi bị tội phạm tin học tấn công.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019 

(1) Globe, Gordon: “The history of social networking”, Tạp chí Digital Trend, http://www.digitaltrends.com, ngày 22-11-2013.

(2) Kaplan, Andreas M., and Michael Haenlein: “Users of the world, unite! The challenges and opportunities of Social Media”, Tạp chí Business horizons 53.1 (2010): 59-68.

(3) Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định Về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng, Số: 72/2013/NĐ-CP.

(4) Nguyễn Khắc Giang: “Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến môi trường báo chí Việt Nam”, Tạp chí Khoa học – Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 31, Số 1 (2015) 12-19.

(5) “Hơn 60% dân số Việt Nam dùng internet,

truy cập trung bình 7 tiếng/ ngày”, https://www.24h. com.vn, https://tuyengiao.vn, ngày 6-12-2018.

(6) “Điểm danh 11 mạng xã hội ưa thích của người Việt Nam”, http://tuyengiao.vn, ngày 11-2-2019.

(7) Nguyễn Thị Trường Giang (chủ biên): Báo mạng điện tử và những vấn đề cơ bản, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.21.

ThS Nguyễn Thị  Lan

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh