Truyền thông xã hội thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa dân túy?

Khi sự ủng hộ với các tư tưởng cực đoan và chủ nghĩa dân túy trở nên rõ ràng hơn trên toàn thế giới, truyền thông và các mạng xã hội đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng. Nhưng các chuyên gia cho rằng đây chỉ là một lý do dễ dàng để che đậy những vấn đề xã hội phức tạp hơn.

Truyền thông và các mạng xã hội đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng

Sau sự kiện những kẻ khủng bố lái xe đâm vào người đi bộ ở London hôm 3/6, Thủ tướng Anh Theresa May đã phản ứng bằng cách nói rằng các công ty Internet như Google và Facebook đã cung cấp không gian cho những tư tưởng cực đoan được “nuôi dưỡng.”

Bà May đã kêu gọi nước Anh dẫn dắt các chính phủ dân chủ “đạt được các thỏa thuận quốc tế quy định không gian mạng phải ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cực đoan và hoạt động lên kế hoạch khủng bố.”

Tại Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu của DW, cuộc tranh luận về vai trò của truyền thông trong việc tạo điều kiện cho chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa dân túy đã trở thành tâm điểm, với các nhà báo và chuyên gia cùng đặt câu hỏi về cách mọi người bị cực đoan hóa, cách các chính phủ thao túng truyền thông và có phải các mạng xã hội thực sự có lỗi ở đây.

Ahmad Mansour là một chuyên gia quốc tế hàng đầu về chủ nghĩa cực đoan, người làm việc với các thanh thiếu niên dễ bị tổn thương để xác định nguồn gốc của sự cực đoan. 

Ông đã có bài phát biểu tại cuộc thảo luận của Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu, do Trung tâm An ninh và Quản lý Quốc tế (CISG) và Viện Tự do Tôn giáo Quốc tế (IIRF )tổ chức với tựa đề “Nếu tìm kiếm cái tôi là một câu hỏi, liệu cực đoan hóa có phải là câu trả lời?”

Lớn lên như một người Arab Israel, Mansour nói rằng ông từng là một người theo chủ nghĩa Hồi giáo khi còn là thiếu niên, và quan điểm của ông đã thay đổi sau khi đi học để trở thành một nhà tâm lý học. Mansour nói rằng nhiều người Hồi giáo thực sự là những “nhà tâm lý học giỏi.”

Họ có thể xác định được những người trẻ tuổi thiếu cái tôi và lý tưởng và sẽ sử dụng điều đó để buộc họ phải cảm thấy mình cần được xác định và định hướng. Thay vì truyền thông trực tiếp đóng góp cho chủ nghĩa cực đoan, Mansour nói rằng truyền thông cung cấp cho những cá nhân dễ bị tổn thương cơ hội để tìm thấy mình trong một nhóm nào đó.

Theo ông, sự cô lập, thiếu cái tôi và những khó khăn trong quan hệ gia đình là những yếu tố chính để xác định một cá nhân có dễ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan hay không. Mansour cũng nhấn mạnh rằng xã hội dân sự cần một định nghĩa mới về bạo lực.

“Bạo lực không bắt đầu khi chúng ta bắn nhau”, ông nói. “Những thuyết âm mưu là một loại bạo lực, bôi nhọ người khác là một loại bạo lực, khiến mọi người sợ hãi cũng là một loại bạo lực.”

Ahmad Mansour là một chuyên gia quốc tế hàng đầu về chủ nghĩa cực đoan. (Nguồn: dw.com)

‘Một kẻ cực đoan cần một mạng lưới’

Christine Schirrmacher, giáo sư nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Bonn (Đức) lưu ý trong cuộc thảo luận rằng mặc dù Internet được nhiều người tin là một nhân tố chủ yếu trong chủ nghĩa cực đoan, đa phần các nghiên cứu lại không công nhận lý thuyết đó.

“Điểm khởi đầu thực sự là một mối liên hệ cá nhân với một người chỉ dẫn và một nhóm nào đó,” bà nói. “Một không gian có sự hồi đáp và một mối liên hệ cá nhân là những yếu tố cần thiết.” 

Bà cũng nói thêm rằng những người online một mình và tán thành những tư tưởng cực đoan ít có khả năng cực đoan hóa về hành động. “Một kẻ cực đoan cần một mạng lưới,” bà nhận định.

Một số nhóm chuyên gia truyền thông tại cuộc thảo luận nói rằng truyền thông cần cẩn thận với cách giải thích các hành động khủng bố và sử dụng các thuật ngữ không tái hiện những hình mẫu hay định kiến có thể dẫn đến hình thức tường thuật về sự cực đoan. 

Những người khác cho rằng truyền thông có thể góp phần tạo ra luồng tường thuật tích cực hơn bằng cách đăng những câu chuyện về các cá nhân đã đối mặt với những khó khăn xã hội nhưng không tìm đến các đối tượng cực đoan.

Sự cô lập và nhầm lẫn về văn hóa

Mohammed Hashemi, một nhà báo kiêm nhà phân tích chính trị từ Iran tham dự hội nghị nói rằng theo kinh nghiệm cá nhân ông, một cá nhân sống trong một nền văn hóa nước ngoài cần phải chủ động, nếu không họ sẽ bị cô lập. “Các nhóm khủng bố như IS có thể cho mọi người những thứ mang tính phiêu lưu, cho họ một món vũ khí và hứa hẹn về sự phấn khích,” ông nói. “Thử tưởng tượng một người đang cô đơn và bạn cho họ những thứ đó mà xem.”

Một nhà tư vấn độc lập từ Nam Phi tham gia cuộc thảo luận cho biết những lời giảng đạo công khai về văn hóa khiến ông thấy bực bội, và rằng ở Đức, truyền thông phải chịu trách nhiệm vì đã tạo ra một bầu không khí sợ hãi Hồi giáo, trong khi thực tế không có bằng chứng về bất kỳ mối đe dọa nào.

“Tôi không hiểu nỗi sợ hãi ở châu Âu và Đức là gì, với tôi những mối đe dọa về văn hóa chỉ là sự phân biệt chủng tộc trong một cái lốt khác.” Ông cũng bất đồng với quan điểm của Mansour về việc tái định nghĩa bạo lực, và cho rằng đó là một hành động sa lầy.

“Trong một xã hội tự do nơi chủ nghĩa khủng bố chỉ là một mối đe dọa nhỏ – xếp sau chứng nghiện rượu hay tai nạn ô tô – nếu chúng ta đưa ra một định nghĩa mới về bạo lực, điều đó sẽ dẫn đến việc hình sự hóa nhiều loại hình tự do ngôn luận.”

Sự trỗi dậy của truyền thông xã hội dân túy
Những kẻ cực đoan và khủng bố không phải những đối tượng duy nhất sử dụng truyền thông để thay đổi suy nghĩ và thao túng những lời tường thuật. Các chính phủ và những người theo chủ nghĩa dân túy cũng đang dùng các mạng xã hội và truyền thông kỹ thuật số để bẻ cong sự thật và định hình ý kiến dư luận theo ý mình.

Tại một cuộc thảo luận khác ở Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu do Quỹ Friedrich Naumann chủ trì, “vai trò của truyền thông (xã hội) trong xã hội phân cực mức độ cao,” các chuyên gia truyền thông xã hội từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Ba Lan và Malaysia đã nói về cách chính quyền nước họ sử dụng mạng xã hội để thúc đẩy các chương trình nghị sự và củng cố quyền lực.

Anna Dudek, một biên tập viên của Oko.press ở Ba Lan nói rằng sự trỗi dậy của chính phủ đa số cực hữu ở Ba Lan đã kéo theo sự suy giảm tự do báo chí và truyền thông độc lập. Theo bà, các kênh tin tức đại chúng đã bị chính quyền tiếp quản và sử dụng để sản xuất các nội dung tuyên truyền thay vì báo chí. Truyền thông xã hội cũng đang bị thao túng.

“Họ đăng những đoạn thông tin nhỏ vẽ nên chân dung những đối thủ chính trị như những con quỷ,” Dudek cho biết. Bà cũng nói thêm rằng với tư cách một nền tảng truyền thông trực tuyến, Oko.press thường xuyên lật ngược lại những thông tin sai lệch được chính phủ Ba Lan tuyên truyền trên mạng xã hội.

Doanh nhân truyền thông xã hội Gareth Cliff cho biết ở Nam Phi, chính phủ trả tiền cho mọi người dùng mạng xã hội để “sản xuất ra sự phẫn nộ và chia rẽ.”

“Chính phủ sẽ tìm những tuyên bố được khuếch đại bởi cơ chế phẫn nộ trên mạng xã hội và các chính trị gia sẽ lợi dụng điều này để cho thấy có những vấn đề lớn, trong khi thực tế chẳng có gì,” ông nói.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, những cuộc công kích truyền thông đại chúng đã trở thành chuyện thường nhật, và truyền thông xã hội đang bị lật đổ bởi những người ủng hộ chính phủ phân cực xã hội hơn. Murat Şevki Çoban, một nhà báo tại Platform.24, một trang tin tức ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết cách kể chuyện được phân cực theo cá tính. “Chúng tôi có một người hùng hoặc một kẻ phản anh hùng, nhưng câu chuyện nhất định phải về một ai đó,” ông nói.

Những cuộc thảo luận sôi nổi ở Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu đã cho thấy rằng bất chấp những vai trò của truyền thông trong việc làm lan rộng chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa dân túy, không có sự đồng thuận nào về mức độ gần gũi thực sự giữa những mối liên hệ này.

Cái tôi cá nhân, nhu cầu của con người và những sự năng động xã hội vẫn là trọng tâm ảnh hưởng đến các kết quả của việc truyền bá chủ nghĩa cực đoan hay những quan điểm dân túy./.

Tổng hợp