Truyền thông đại chúng và vấn đề cá nhân hóa – xã hội hóa nhân cách con người Việt Nam

Cá nhân mỗi người là một chỉnh thể đơn nhất, vừa mang tính cá biệt, vừa mang tính phổ biến. Cái chung của nhân cách xã hội chi phối nhân cách cá nhân thông qua hệ giá trị và chuẩn mực của nó, biểu hiện thành thế giới quan và nhân sinh quan, thành tư tưởng và đạo đức, tình cảm và niềm tin, thành hành vi trong hoạt động và ứng xử của con người trong cộng đồng xã hội.

Cá nhân mỗi người là một chỉnh thể đơn nhất, vừa mang tính cá biệt, vừa mang tính phổ biến. Cái chung của nhân cách xã hội chi phối nhân cách cá nhân thông qua hệ giá trị và chuẩn mực của nó, biểu hiện thành thế giới quan và nhân sinh quan, thành tư tưởng và đạo đức, tình cảm và niềm tin, thành hành vi trong hoạt động và ứng xử của con người trong cộng đồng xã hội.

Bài viết sau đây sẽ phân tích vai trò, tác động của các phương tiện truyền thông trong việc “cá nhân hóa” nhân cách của mỗi con người trong xã hội hiện đại, đồng thời, tạo dựng, hình thành những “khuôn mẫu” giá trị giúp họ thực hiện quá trình xã hội hóa nhân cách của mình.

Cá nhân hóa và xã hội hóa nhân cách

Trong tiến trình phát triển lịch sử tư tưởng nhân loại, con người và bản chất con người, mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên và xã hội, vai trò chủ thể lịch sử của con người và vấn đề phát triển con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Con người được sinh ra là những cá thể. Nhưng để trở thành con người với tư cách là chỉnh thể sinh vật – xã hội đặc biệt (theo quan điểm của Marx), con người cần được bồi đắp, rèn luyện, trải nghiệm,… trong các mối quan hệ xã hội. Mỗi thời kỳ lịch sử có một “kiểu xã hội của cá nhân” mang tính định hướng về thế giới quan, phương pháp luận cho hoạt động của con người trong thời kỳ lịch sử cụ thể đó. Cá nhân là chủ thể của lao động, của quan hệ xã hội và của nhận thức nhằm thực hiện chức năng cá nhân và chức năng xã hội trong một giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử.

Xã hội hóa là quá trình cá nhân gia nhập cộng đồng xã hội, học tập bắt chước lẫn nhau, và học cách đóng vai trò xã hội theo đúng khuôn mẫu hành vi, để được xã hội tiếp nhận như một thành viên chính thức. Xã hội hóa là sự thống nhất, đối lập giữa hai khuynh hướng: Tiêu chuẩn hóa và cá thể hóa. Trong khi học hỏi và lĩnh hội, cá nhân vừa là con người riêng vừa là con người xã hội. Có 4 môi trường xã hội hóa quan trọng nhất đối với con người là: gia đình; nhà trường và các tổ chức xã hội; nhóm xã hội, bạn bè,… và các phương tiện truyền thông đại chúng (PTTĐC).

Truyền thông đại chúng là một dạng thức truyền thông đặc biệt trong lịch sử loài người – khi người truyền thông tin có thể truyền tải thông điệp cho đông đảo quần chúng về số lượng và rộng khắp về địa lý – điều mà các cách thức truyền thông trước đó không thể nào có được. Thông qua nội dung thông tin, thời lượng và cách thức chuyển tải thông điệp trên các PTTTĐC, các giá trị và chuẩn mực được chuyển giao và xã hội hóa, qua đó, hệ thống xã hội mới được hình thành và phát triển.

Phương tiện truyền thông mới – Công chúng mới “cá nhân hóa”

Marshal McLuhan đưa ra luận điểm nổi tiếng “Phương tiện là thông điệp” (The Medium is the Message) và cho rằng, kỹ thuật là sự nối dài của hệ thống thần kinh của con người, vì thế những thay đổi về kỹ thuật có thể dẫn tới những cách thức tri giác và nhận thức mới. Trong những tác phẩm như “The Gutenberg Galaxy” và “Understanding Media: The Extension of Man”, ông cho rằng, ngành in đã giới hạn tư duy của chúng ta theo những mô thức đơn tuyến (linear patterns), theo cách các ý nghĩ kế tiếp nhau theo một trật tự mang tính khuôn mẫu. Các phương tiện truyền thông điện tử, và đặc biệt là TV, theo cách diễn đạt của ông – đã đem lại cho chúng ta “tất cả cùng một lúc” và do đó, phá vỡ lôgic đơn tuyến của văn hóa đọc trước đó (Dominick, 1996). Theo McLuhan chính phương tiện là thứ tái cấu trúc xã hội con người, tạo mới và chi phối hoạt động của con người, làm thay đổi mối quan hệ giữa con người với con người.

Các PTTTĐC mới như điện thoại smartphone và Internet đã tạo tiền đề thúc đẩy quá trình cá nhân hóa của mọi người trong xã hội, thể hiện rõ nét nhất ở các khía cạnh: có vật sở hữu riêng, có thể thể hiện cá tính, tính cách riêng của mình trên những đồ vật, vật dụng ấy, có thể lựa chọn dịch vụ/sản phẩm tùy theo mục đích, nhu cầu của mình. Điện thoại di động với chức năng cơ bản là kết nối xã hội đang là vật sở hữu vật bất ly thân của nhiều người trong xã hội. Theo Báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2019,số thuê bao điện thoại đạt 143,3 triệu số trong khi dân số Việt Nam là hơn 96 triệu người. Thời gian sử dụng điện thoại trung bình là 2,5 giờ/ngày, đồng thời, có tới 80% người sử dụng mạng xã hội trên thiết bị smartphone. Đã có 64 triệu người dùng Internet, tăng 28% so với năm 2017, trong đó 94% sử dụng Internet hàng ngày, với thời gian trung bình mỗi ngày 6 giờ 42 phút. Theo nghiên cứu của chúng tôi 91,7% số người được hỏi từ 20 đến 50 tuổi, đang sống ở thành thị có email cá nhân và thường online để gửi và nhận email, hơn 42% trong số họ sử dụng mạng xã hội, nhiều nhất là Facebook.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế cũng như quá trình hội nhập nhanh với đờisống chính trị, văn hóa, xã hội của thế giới, đờisống văn hóa của người dân đô thị cũng có nhiều thay đổi hơn, đặc biệt là vai trò của các cá nhân dần được nâng lên. Các phương tiện truyền thông mới giúp thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình này nhờ việc các cá nhân ý thức hơn về bản thân mình thông qua các tương tác với những người khác bằng phương tiện riêng, địa chỉ riêng, tên riêng của chính bản thân mình.

Truyền thông xã hội tương tác, cho phép người sử dụng đồng thời là người sản xuất tin, thực hiện chia sẻ, trao đổi các thông tin và ý tưởng thông qua các quan hệ ảo và cộng đồng ảo. Tuy nhiên, nếu các PTTTĐC truyền thống khiến các cá nhân tách mình ra khỏi đời sống xã hội, giam mình trong không gian riêng, thì các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ di động lại làm cho các cá nhân luôn được kết nối, cho dù,sự kết nối này là sự kết nối biệt lập của từng cá nhân trên mạng lưới không gian ảo.

Theo kết quả khảo sát của tác giả, 78% công chúng sử dụng mạng xã hội để thể hiện, chia sẻ thông tin bản thân, 85% để cập nhật thông tin từ bạn bè, 56,5% số người được hỏi cho biết họ tự tin trao đổi, nêu ý kiến của mình trên mạng Internet hơn ở ngoài đời.

Giao tiếp thông qua các phương tiện truyền thông đang giảm đi tính thân mật trong giao tiếp trực tiếp giữa các cá nhân, gia đình và xã hội. Trả lời câu hỏi của tác giả “từ khi sử dụng Internet, những thói quen sau đây của anh/chị đã thay đổi như thế nào?” 49% số người được hỏi cho rằng thời gian gặp gỡ, thăm hỏi trực tiếp bạn bè, người thân đã giảm đi, 30% cho biết vẫn giữ nguyên và chỉ có 12% cho rằng thời gian vật chất để thăm hỏi người thân và bạn bè tăng lên.

Sự thân thuộc và phổ biến của hình thức giao tiếp và kết nối mạng lưới xã hội trên mạng đã khiến giới trẻ hiện nay có những sự thay đổi rõ rệt trong quan niệm về thời gian, ý nghĩa của thời gian, phân bổ thời gian, cách thức sử dụng thời gian,… Internet mang tới thế giới giải trí tuyệt vời cho giới trẻ nhưng cũng không ít người dùng mắc chứng nghiện Internet.

Khác với ấn tượng thông thường ta vẫn nghe nói “mạng là thế giới ảo” nghiên cứu về trải nghiệm của người sử dụng Internet cho thấy, các bạn trẻ nhận thức được ý nghĩa thực, trải nghiệm thực, quan hệ thực trong thế giới mạng trong khi không phủ nhận những tác động to lớn của thế giới mạng đến cuộc sống thực của họ.

Tính tương tác cao và đa chiều của Internet cũng đi cùng với nguy cơ khó có thể kiểm soát được các mối quan hệ trên mạng, nhiều người dùng đã bị rơi vào bẫy lừa đảo tiền, tình, danh tiếng, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng thực sự ngoài đời…

Nhiều thông tin thất thiệt, có điều kiện lan tỏa mạnh mẽ trên mạng Internet, tạo ra hiệu ứng đám đông, gây nhiễu và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thực của con người, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Các khuôn mẫu giá trị trên truyền thông

Lý thuyết nhân cách học tập xã hội và kỹ thuật thay đổi hành vi (Social Learning Theory) của Albert Bandura cho rằng, mỗi cá nhân đều hấp thụ các hình mẫu và dần dần có xu hướng bắt chước hành động và suy nghĩ giống như các nhân vật mẫu này. Lý thuyết của Bandura đưa ra quá trình tự kiểm soát, quá trình vận hành tạo nên nhân cách của mỗi cá nhân, gồm 3 bước: Có khả năng lưu giữ, có khả năng học theo và có động cơ bắt chước – một bộ phận quan trọng trong quá trình học tập một thao tác mới.

Theo lý thuyết của Bandura, nhân cách là một quá trình tiếp cận giao thoa giữa 3 đại lượng: môi trường, hành vi và quá trình phát triển tâm lý của mỗi một cá nhân. Truyền thông đại chúng mang lại cho con người những kinh nghiệm xã hội, những mẫu văn hóa mang tính tiêu chuẩn dưới cách nhìn phổ biến, qua đó, truyền thông đại chúng là môi trường xã hội quan trọng trong hoạt động xã hội hóa con người, nơi con người học các quy tắc ứng xử, các giá trị và chuẩn mực xã hội để có thể hòa nhập tốt nhất với cộng đồng.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, báo chí chủ lực như Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân thường xuyên khắc họa những tấm gương điển hình trong chiến đấu, lao động sản xuất theo tinh thần “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương” và “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”…

Bước vào giai đoạn 1954 – 1975, báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động trong điều kiện mới, vừa bước vào thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa đấu tranh thống nhất đất nước.Báo chí giai đoạn này phản ánh những gương điển hình như Hợp tác xã Đại Phong (tỉnh Quảng Bình); Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng); phong trào thi đua “Hai tốt” (dạy tốt, học tốt) theo tấm gương điển hình của Trường Phổ thông cấp II Bắc Lý (Hà Nam)…

Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng về số lượng và loại hình thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng nước ta có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao dân trí, giải trí. Báo chí đi đầu trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế,…

Thông tin đại chúng đã góp phần rất quan trọng đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, thị hiếu, hình thành nhân cách và lối sống của công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ, điển hình là các phong trào “Thi đua yêu nước”, “Vì biển đảo thân yêu”, “Tháng hành động vì người nghèo”, “Thắp sáng ước mơ”, “Đi bộ vì môi trường”, “Mang âm nhạc đến bệnh viện”, “Áo ấm cho trẻ em miền núi”, “Chung tay xây quỹ người nghèo”, “Ngày chủ nhật đỏ, hiến máu cứu người”…

Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả tuyên truyền nhân tố mới, điển hình tiên tiến chưa ngang tầm với thực tiễn đổi mới. Bên cạnh việc số lượng bài viết về nhân tố mới, điển hình tiên tiến chưa nhiều, báo chí có ít bài viết phân tích sâu, lý giải đầy đủ về những tính chất điển hình trong hoạt động văn hóa xã hội. Các thể loại báo chí, đặc biệt là những bài viết theo dạng Ký chân dung còn thưa vắng. Hình thức thể hiện trong các bài viết về nhân tố mới, điển hình tiên tiến chưa phong phú, sinh động, lôi cuốn người đọc, do vậy, sức lan tỏa chưa lớn, hiệu quả tuyên truyền chưa cao.

Trong khi đó, cùng với sự du nhập và hội nhập với văn hóa truyền thông đại chúng thế giới, báo chí Việt Nam trong khoảng chục năm trở lại đây bắt đầu xuất hiện hiện tượng báo chí “về người nổi tiếng”, xuất hiện thoạt tiên cùng với sự ra đời của dòng tạp chí giải trí những năm 1990 và đến đầu thế kỷ XXI thì bùng nổ trên mạng Internet.

Hơn 85% số người nổi tiếng được đăng tải trên báo Tiền phong và Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh năm 2017-2019 là những nhân vật trong showbiz, như ca sỹ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu, thậm chí là những hot girl không có tài năng gì ngoài xinh đẹp và chịu khó đăng nhiều ảnh của bản thân mình trên Facebook.

Báo Nhân Dân điện tử, trong 3 năm 2017 – 2019 có 117 bài viết về tấm gương các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nghệ nhân,… có uy tín, có nhiều đóng góp cho cộng đồng và xã hội như NSND Thế Anh, Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, GS, NGND Hà Văn Tấn, GS Phan Huy Lê, nghệ nhân Nguyễn Xuân Dũng, nhà báo Đỗ Phượng, NGND Hoàng Kiều, họa sỹ Lưu Công Nhân…

Tuy nhiên, mỗi nhân vật chỉ xuất hiện trên báo một lần trong 3 năm khảo sát. Với tần suất xuất hiện ít ỏi như vậy, tên tuổi của các nhân vật này khó đi vào tâm trí công chúng trẻ so với những gương mặt gần như ngày nào cũng được truyền thông nhắc tới như Hồ Ngọc Hà, Ngọc Trinh, Đàm Vĩnh Hưng,…

Khác với các con đường giáo dục định hướng giá trị truyền thống khá mô phạm thông qua gia đình hay trường học, với đặc tính phổ cập, nhanh chóng, kịp thời và rộng khắp, các PTTTĐC có diện bao phủ lớn tới mọi đối tượng trong xã hội.

Chính khả năng tác động mạnh mẽ của báo chí tới công chúng, đặc biệt trong xã hội tiêu thụ, khiến người làm báo càng phải xác định rõ hơn về đạo đức và trách nhiệm xã hội của mình trong việc lập kế hoạch, lựa chọn, chắt lọc, xử lý và đăng tải thông tin về người nổi tiếng. Cần xác định rõ việc thẩm định, đánh giá và định hướng dư luận trong việc xác lập mục tiêu định hướng giá trị, thang giá trị và chuẩn mực giá trị, đồng thời, báo chí cần lên tiếng phê phán nếu người nổi tiếng đi ngược lại các giá trị đạo đức được xã hội công nhận.

Có như thế, người nổi tiếng mới nâng cao ý thức giữ gìn hình ảnh, lối sống của họ và báo chí về người nổi tiếng mới góp phần định hướng lối sống tốt đẹp cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ trong bối cảnh hiện nay./.

_____________________________

Bài viết đăng trên Tạp chí điện tử Người làm báo ngày 13.5.2020

Bài viết dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài KX.01.37/16-20 do Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ.

Tài liệu tham khảo
1. E. Van den Hagg, 1957. Of Happiness and of Despair We Have No Measure. In trong cuốn “Mass Culture” do B. Rosenberg và D.M. White (chủ biên). NXB Free Press.
2. J. R. Dominick, 1996. The Dynamics of Mass Communication. 5th Edition, McGraw-Hill.
3. Kerry Ferris và Scott Harris, 2011. Stargazing: Celebrity, fame and social interaction, Routledge, New York.
4. Daniel Broostin, 1982. The Image: A Guide to PseudoEvents in America.New York: Athenneum

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương