Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là gì?

TRUY XUẤT NGUỒN GỐC LÀ GÌ?

Khi mua bất cứ một sản phẩm, hàng hóa gì, người tiêu dùng đều muốn biết xem sản phẩm đó do công ty nào sản xuất, nhập khẩu từ nước nào, ngày sản xuất – hạn sử dụng là bao giờ, quy trình sản xuất – chất lượng sản phẩm ra sao,… Việc tìm hiểu tất cả những thông tin đó được gọi là truy xuất nguồn gốc. Truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh (Định nghĩa trong Thông tư số 01/VBHN-BNNPTNT)

Thông thường sau khi đăng ký truy xuất nguồn gốc thành công, một loại tem điện tử gọi là tem truy xuất nguồn gốc sẽ được gắn lên sản phẩm giúp khách hàng có thể tự mình tra cứu thông tin sản phẩm thông qua phần mềm quét mã.

SẢN PHẨM NÀO CẦN TRUY XUẤT NGUỒN GỐC?

Tại Việt Nam, ngày 30/09/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BYT Quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Theo đó, nhóm sản phẩm bắt buộc truy xuất nguồn gốc bao gồm:

  • Nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, đá thực phẩm (nước đá dùng liền và nước đá dùng để chế biến thực phẩm) (Trừ nước đá sử dụng để bảo quản, chế biến sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
  • Thực phẩm chức năng
  • Các vi chất bổ sung vào thực phẩm
  • Phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm
  • Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (Trừ những dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương được sản xuất trong cùng một cơ sở và chỉ để dùng cho các sản phẩm thực phẩm của cơ sở đó)
  • Các sản phẩm khác không được quy định tại danh mục của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngoài ra, tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới cũng có quy định bắt buộc truy xuất nguồn gốc với một số mặt hàng thủy sản, nông sản khi doanh nghiệp muốn nhập khẩu hàng hóa vào nước họ.

TẠI SAO CẦN TRUY XUẤT NGUỒN GỐC?

Truy xuất nguồn gốc là yêu cầu tất yếu trong thời đại mới. Từ tháng 4/2018. doanh nghiệp Trung Quốc xin nhập khẩu nông sản từ Thái Lan và Việt Nam phải có giấy phép của cơ quan chức năng với đầy đủ các thông tin sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung. Từ ngày 1/1/2019, Mỹ yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ đối với hàng thủy sản nhập khẩu để ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát hoặc giả mạo xâm nhập vào thị trường Mỹ theo Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP). Tại EU, quy định IUU của Chương trình chống nạn khai thác bất hợp pháp cũng tương tự như SIMP. Theo đó từ năm 2019, nếu các mặt hàng tôm, cá kiếm, cá ngừ, ghẹ xanh của Việt Nam mà không có hồ sơ truy xuất nguồn gốc thì sẽ rất khó để cập cảng Mỹ. Ngoài ra, tất cả các mặt hàng nông sản và thủy sản muốn xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Canada, Hàn Quốc,… đều bắt buộc phải thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Có thể nói truy xuất nguồn gốc là việc cả thế giới đang làm và nếu muốn hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Nếu doanh nghiệp đăng ký truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình thì sẽ kiện rất thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội phát triển và hợp tác kinh doanh.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Không chỉ là xu hướng được áp dụng ở nước ngoài mà ngay tại thị trường Việt Nam cũng có quy định về truy xuất nguồn gốc như: Thông tư số 01/VBHN-BNNPTNT ngày 18/05/2018 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không đảm bảo an toàn; Thông tư số 25/2019/TT-BYT ngày 30/09/2019 do Bộ Y tế ban hành Quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế; Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Như vậy, thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình tức là doanh nghiệp đang chấp hành luật pháp quốc gia và quốc tế.

Nhưng ngay cả khi truy xuất nguồn gốc không phải là một quy định bắt buộc để hàng hóa được phép lưu hành trên thị trường thì người tiêu dùng và các đối tác kinh doanh cũng luôn có nhu cầu tìm kiếm thông tin sản phẩm. Khi tính công khai, minh bạch của các thông tin về sản phẩm được đảm bảo thì tính cạnh tranh của sản phẩm cũng được nâng cao. Một sản phẩm có các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ chắc chắn sẽ được tin dùng hơn một sản phẩm không có thông tin gì. Và vì các nội dung được công khai nên chất lượng và mức độ an toàn của sản phẩm cũng được đảm bảo phần nào.

Đặc biệt khi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng thì việc đăng ký truy xuất nguồn gốc là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Truy xuất nguồn gốc giúp ngăn chặn và hạn chế các loại hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, đồng thời là hàng rào bảo vệ cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

3 NGUYÊN TẮC CỦA TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

Theo Điều 3 – Thông tư số 25/2019/TT-BYT, Bộ Y tế đề ra 3 nguyên tắc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm bao gồm:

  • Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm theo nguyên tắc một bước trước – một bước sau, bảo đảm theo dõi và nhận diện được công đoạn sản xuất trước và công đoạn sản xuất sau trong cơ sở sản xuất; cơ sở sản xuất, kinh doanh trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đã sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm.
  • Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo lô sản xuất đối với sản phẩm thực phẩm cần truy xuất.
  • Khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng thông tin được trích xuất từ hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm do cơ sở thiết lập theo quy định tại các Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này và các nguồn thông tin khác có liên quan.

TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP TRONG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

Theo Điều 7 – Thông tư số 25/2019/TT-BYT, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm có trách nhiệm:

  • Thiết lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh sản phẩm thực phẩm.
  • Lưu trữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm của cơ sở trong thời gian tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm, 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm đối với dụng cụ, vật liệu chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng.
  • Phải thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này và gửi báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm về cơ quan có thẩm quyền tối đa 5 ngày làm việc kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu truy xuất của cơ quan có thẩm quyền.
  • Phân tích, xác định nguyên nhân gây mất an toàn đối với lô sản phẩm thực phẩm phải truy xuất. Trường hợp sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn phải được thu hồi và xử lý theo đúng quy định pháp luật.
  • Việc áp dụng hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm theo mã nhận diện sản phẩm được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

YÊU CẦU THÔNG TIN VỚI HỆ THỐNG DỮ LIỆU TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

  1. Với cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm

Căn cứ vào Điều 4 của Thông tư số 25/2019/TT-BYT, khi thiết lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm phải tổ chức, ghi chép, lưu trữ, bảo đảm sẵn sàng trích xuất và báo cáo được các thông tin sau đây:

  • Thông tin về lô sản xuất của sản phẩm thực phẩm:Tên sản phẩm thực phẩm; Số lô sản xuất của sản phẩm thực phẩm; Số lượng sản phẩm thuộc lô sản phẩm thực phẩm đã sản xuất; Ngày sản xuất của lô sản phẩm thực phẩm; Hạn sử dụng đối với sản phẩm thực phẩm có quy định bắt buộc ghi hạn sử dụng;Mã nhận diện sản phẩm thực phẩm (nếu có); Nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến của lô sản phẩm thực phẩm: tên, các thông tin về nguồn gốc sản phẩm theo quy định đối với sản phẩm sản xuất trong nước, các thông tin về xuất xứ hàng hóa theo quy định đối với sản phẩm nhập khẩu; Bao bì, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dùng để bao gói lô sản phẩm thực phẩm: tên, các thông tin về nguồn gốc sản phẩm theo quy định đối với sản phẩm sản xuất trong nước, các thông tin về xuất xứ hàng hóa theo quy định đối với sản phẩm nhập khẩu.
  • Số lượng sản phẩm của lô sản xuất đã xuất kho, còn tồn ở các kho của cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm.
  • Danh sách tên, địa chỉ của khách hàng, các đại lý phân phối sản phẩm thực phẩm (nếu có); số lượng sản phẩm của lô sản xuất đã nhập, đã bán và còn tồn tại kho.
  1. Với cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm

Căn cứ vào Điều 5 của Thông tư số 25/2019/TT-BYT, khi thiết lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải tổ chức, ghi chép, lưu trữ, bảo đảm sẵn sàng trích xuất và báo cáo được các thông tin sau đây:

  • Tên, địa chỉ của cơ sở cung cấp sản phẩm thực phẩm cho cơ sở kinh doanh.
  • Thông tin về loại sản phẩm thực phẩm, số lượng sản phẩm của lô sản phẩm thực phẩm đã nhập, đã bán và còn tồn ở kho cơ sở kinh doanh.
  • Danh sách tên, địa chỉ của khách hàng, các đại lý phân phối sản phẩm thực phẩm (nếu có); số lượng sản phẩm của lô sản xuất đã nhập, đã bán và còn tồn tại kho.

QUY TRÌNH TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

Bước 1: Khảo sát sơ bộ

Rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào, trang trại, nhà xưởng tới khi sản phẩm được đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhà sản xuất cần theo dõi sát sao mỗi công đoạn để đảm bảo những thông tin cung cấp cho khách hàng là chính xác và cụ thể nhất.

Bước 2: Thực hiện truy xuất nguồn gốc

Truy xuất nguồn gốc phù hợp với quy trình hoạt động và quy định của doanh nghiệp, đảm bảo khách hàng sẽ tra cứu được những thông tin cơ bản cần thiết

Bước 3: Xây dựng biểu mẫu

Thiết kế các biểu mẫu để nhập thông tin sản phẩm, quy trình sản phẩm, thành phần,…Dựa vào biểu mẫu này, công ty cung cấp giải phần mềm sẽ xây dựng phần mềm sao phù hợp với đặc thù của mỗi bên

Bước 4: Thiết lập hệ thống phần mềm

Công ty cung cấp giải phần mềm xây dựng hệ thống phần mềm đảm bảo hiển thị đầy đủ các thông tin mà nhà cung cấp muốn gửi tới khách hàng đồng thời phải dễ sử dụng.

Bước 5: Hướng dẫn sử dụng

Người dùng thường khá bỡ ngỡ khi tiếp cận với một phần mềm mới, vì vậy công ty cung cấp giải phần mềm phải cung cấp đào tạo, hướng dẫn để khách hàng nào cũng có thể sử dụng thành thạo phần mềm

Bước 6: Triển khai thực hiện

Đưa phần mềm vào sử dụng trong thực tế, có cơ chế bảo hành và hỗ trợ cho người sử dụng

Để được tư vấn về truy xuất nguồn gốc bạn có thể liên hệ với thuvientieuchuan.org theo số Hotline: 0948.690.698