Trường mầm non Tây Ninh, cảm xúc tích cực của cô và trò trong các hoạt động.
Nghề giáo viên mầm non hiện nay là nghề có cường độ lao động cao, thời gian làm việc của giáo viên trong các trường mầm non rất nhiều thường từ 6h30 đến 17h hàng ngày với các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ liên tục nối tiếp nhau: Đón trẻ, tổ chức cho trẻ thể dục sáng, tổ chức cho trẻ chơi ngoài trời, trẻ học, trẻ chơi ở các góc, trẻ ăn, trẻ ngủ, vệ sinh, hoạt động chiều, trả trẻ… Như vậy, công việc áp lực, cường độ lao động cao dễ dẫn tới nảy sinh những cảm xúc tiêu cực. Vì vậy cần phải thường xuyên bồi dưỡng cảm xúc tích cực cho giáo viên, giúp giáo viên tự điều chỉnh bản thân, có thể làm chủ được cảm xúc của mình, suy nghĩ và hành động tốt, chính xác và đạt được thành công. Để giáo viên thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình sau khi tập huấn chuyên đề bồi dưỡng cảm xúc tích cực do phòng GD&ĐT Tiền Hải tổ chức, BGH trường Mầm non Tây Ninh có những biện pháp chỉ đạo sát sao để giáo viên áp dụng trong tất cả các hoạt động hàng ngày bằng những hành động, việc làm cụ thể: Luôn yêu thương, ân cần với trẻ, đối xử công bằng với tất cả trẻ, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân trẻ; luôn cởi mở, vui vẻ với trẻ, tích cực tìm hiểu, phát hiện khả năng và sự khác biệt của trẻ, giúp đỡ trẻ trong các tình huống cụ thể; thấu hiểu trẻ, nắm bắt được nhu cầu cá nhân của trẻ, trạng thái, diễn biến tâm lý tình cảm, nhận ra những thay đổi nhỏ của trẻ để giúp trẻ biết thể hiện tình cảm, thái độ của mình với mọi người xung quanh. Đồng thời, giáo viên đã tạo được niềm tin ở trẻ, gần gũi với trẻ, có lòng yêu nghề, tận tụy, tâm huyết, kiên nhẫn, thân thiện với phụ huynh và đồng nghiệp, có khả năng quản lý cảm xúc tốt. Tích cực, sáng tạo những trò chơi hấp dẫn, vui nhộn tạo cho trẻ những cảm xúc tích cực khi tham gia các hoạt động.
Chính vì thế việc bồi dưỡng cảm xúc tích cực cho giáo viên mầm non là hoạt động cần thiết của mỗi nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Cảm xúc của giáo viên có quan hệ mật thiết trong hầu như mọi khía cạnh của quá trình giảng dạy và học tập, do đó việc người giáo viên biết kiểm soát cảm xúc của mình mỗi khi lên lớp là rất cần thiết. Đây cũng là giải pháp giúp chúng ta xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non thành “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Trường mầm non hạnh phúc” ở đó mọi trẻ em, các cô giáo hạnh phúc, gắn bó với trường, lớp và hun đúc tình yêu nghề ở mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non chung tay vì thế hệ trẻ mai sau./.
Một số hình ảnh minh họa: