Trường hợp trồng cây cần sa thì có bị pháp luật cấm không? Có phải chịu trách nhiệm về pháp luật hình sự không? Hành vi này bị xử phạt như thế nào?


Xin chào, theo tôi tìm hiểu thì việc trồng cây cần sa sẽ mang lại lợi nhuận rất cao. Tôi có một vấn đề thắc mắc là trường hợp trồng cây cần sa thì có bị pháp luật cấm không? Có phải chịu trách nhiệm về pháp luật hình sự không? Hành vi này bị xử phạt như thế nào?

Hành vi trồng cây cần sa thì có bị pháp luật cấm không?

Trồng cây cần sa

Căn cứ theo khoản 6 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy 2021 quy định cây có chứa chất ma túy là cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định.

Căn cứ Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy 2021 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

“Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Trồng cây có chứa chất ma túy, hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy.

2. Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

3. Chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

4. Giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần tới quy định của pháp luật.

5. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

6. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

7. Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.

8. Trả thù hoặc cản trở người thực thi nhiệm vụ phòng, chống ma túy, người tham gia phòng, chống ma túy.

9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

10. Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy.

11. Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.

12. Các hành vi bị nghiêm cấm khác do luật định liên quan đến ma túy.”

Như vậy, căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên thì cây cần sa là một loại cây có chứa chất ma túy, mọi hành vi trồng cần sa (loại cây có chứa chất ma túy) là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Hành vi trồng cây cần sa sẽ bị phạt hình sự như thế nào?

Căn cứ Điều 247 Bộ luật Hình sự 2015 (được bổ sung bởi điểm n khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như sau:

“Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

Như vậy, tùy theo các trường hợp cụ thể người trồng cây cần sa sẽ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên.

Hành vi trồng cây cần sa sẽ bị phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Căn cứ khoản 3, khoản 8 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với hành vi trồng cây cần sa như sau:

“Điều 23. Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy

[…]

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

[…]

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 và khoản 6 Điều này;

c) Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm b và g khoản 5 Điều này;

d) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.

[…]”

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, cá nhân có hành vi trồng cây cần sa có thể bị phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Đồng thời, sẽ bị tịch thu toàn bộ tang vật là cây cần sa và nếu là người nước ngoài có hành vi vi phạm thì sẽ bị trục xuất theo quy định tại khoản 8 điều này.