Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn: Tự chủ giúp gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp
Thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn chủ động gắn kết với doanh nghiệp từ việc xây dựng chương trình đào tạo gắn với thị trường lao động, đến đảm bảo học sinh, sinh viên (HSSV) ra trường có việc làm ngay.
Tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 10 tỷ đồng/năm nhờ tự chủ
Bà Võ Thị Tuyết Nhung- Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn cho biết, trước khi thực hiện tự chủ, nhà trường đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp để đưa HSSV đi thực tập sản xuất nhưng với thời lượng ít và chủ yếu vẫn theo yêu cầu của chương trình đào tạo dẫn đến sự hợp tác này chỉ mang tính một chiều.
Từ năm 2016, sau khi tự chủ, Nhà trường đã tăng cường quan hệ với doanh nghiệp. Đặc biệt khi Luật giáo dục nghề nghiệp được ban hành, nhà trường được tự chủ trong việc xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và các doanh nghiệp. Nhà trường chủ động mời các chuyên gia từ các doanh nghiệp tham gia các ban chủ nhiệm xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo trong quá trình xây dựng lại chương trình đào tạo của 14 nghề.
Cùng với đó, nhà trường đã chú trọng hơn trong việc đưa HSSV đến với các doanh nghiệp để thực tập sản xuất, đúng chuyên môn, ngành nghề đào tạo, làm quen với công nghệ mới, với cách thức tổ chức sản xuất tại doanh nghiệp.
Hiện nay, tất cả HSSV học tại trường đều được thực tập tại doanh nghiệp với thời lượng từ 4 đến 10 tháng tùy theo hệ, ngành nghề đào tạo. Trường đã ký kết hợp tác với hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để triển khai công tác này. Nhiều doanh nghiệp cam kết HSSV sau khi tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng quay lại doanh nghiệp làm việc sẽ được ký hợp đồng làm việc chính thức mà không cần phải thử việc.
Hiện một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Phụ kiện và Nhà thép Nhất, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất… đã ký thỏa thuận đặt hàng với nhà trường sinh viên 2 ngành điện công nghiệp và cơ khí. Sau khi tốt nghiệp, doanh nghiệp sẽ nhận 100% HSSV vào làm việc với mức lương ban đầu trên 7 triệu đồng/tháng.
Cũng theo bà Nhung, từ sau khi thực hiện tự chủ, nhà trường đã triển khai mạnh mẽ việc đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đến nay, nhà trường đã đào tạo cho hơn 200 học viên theo đơn của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Bà Nhung cho biết, nhờ liên kết chặt chẽ đào tạo với doanh nghiệp nên tỷ lệ HSSV tốt nghiệp có việc làm ngay luôn đạt trên 90%. Uy tín, thương hiệu nhà trường được lan tỏa trong vùng và trên cả nước. Chính vì vậy mà trong điều kiện tuyển sinh khó khăn, mức thu học phí tăng, nhưng hàng năm tỷ lệ tuyển sinh của trường luôn đạt 95% kế hoạch đặt ra, lưu lượng bình quân HSSV học tại trường luôn đạt từ 3.200 đến 3.500 người.
Số thu từ dịch vụ giáo dục của nhà trường trong 3 năm thực hiện tự chủ luôn tăng, năm 2019 là 36 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2015 (thời điểm chưa thực hiện tự chủ). Mỗi năm, nhà trường tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 10 tỷ đồng (kinh phí chi thường xuyên).
Thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước
Sau khi thực hiện tự chủ, nhà trường vẫn đảm bảo lương cho cán bộ, giáo viên. Đồng thời, thực hiện tăng lương sớm hơn quy định, bổ sung thêm phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ quản lý (Đảng, chính quyền, đoàn thể). Bên cạnh đó, nhà trường vẫn đảm bảo giữ ổn định mức thưởng tháng lương thứ 13. Mức chi thu nhập tăng thêm năm 2018 và dự kiến năm 2019 tăng 2,5 lần so với năm 2015. Thu nhập của cán bộ, giảng viên và người lao động năm sau luôn cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, theo bà Nhung, vì là một trong 3 trường nghề đầu tiên trên cả nước thực hiện tự chủ nên nhà trường gặp không ít khó khăn. Sau khi tự chủ, nhà trường hoàn toàn không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía địa phương trong việc tạo cơ chế, chính sách, hỗ trợ đặt hàng đào tạo, mà cắt hoàn toàn ngân sách và biên chế. Mặc dù vậy, các văn bản quy định về công tác cán bộ, nhân sự, tài chính vẫn phải thực hiện theo quy định, mang tính “xin, cho”, nhà trường chưa thật sự được toàn quyền quyết định về cán bộ, nhân sự. Quy trình, thủ tục vẫn phải theo quy định của địa phương quản lý, không khác so với các trường không tự chủ.
Bà Nhung đề xuất Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự chủ chuyển đổi cơ chế hoạt động thông qua tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp…. Đồng thời, đổi mới chính sách ưu đãi tín dụng đối với học sinh, sinh viên cho phù hợp với cơ chế tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ khi thực hiện chuyển từ cơ chế học phí sang giá dịch vụ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng chính sách, tạo cơ chế để các doanh nghiệp có trách nhiệm cùng với trường nghề trong quá trình giảng dạy, thực tập, tạo cơ hội việc làm cho HSSV./.
Bùi Tư