Trung-Nhật-Hàn : Nỗi đau quá khứ không nguôi và toan tính chiến lược của Bắc Kinh – Tạp chí tiêu điểm
Sắp tròn dịp 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai, với biến cố hai quả bom nguyên tử thả xuống hai thành phố Nhật Bản, Hiroshima và Nagazaki, chấm dứt một giai đoạn vô cùng kịch tính và bi thảm của thế kỷ XX. 70 năm trôi qua, nhưng quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn thường xuyên căng thẳng mỗi khi chạm đến những vết thương quá khứ : những tội ác của đế quốc Nhật Bản tại Trung Quốc, Hàn Quốc trước 1945. Vì sao ảnh hưởng của quá khứ lại dai dẳng đến như vậy đối với các quốc gia Đông Bắc Á ? Những vết thương của bạo lực và chiến tranh đã được các bên đối xử như thế nào vì các mục tiêu chiến lược hiện tại ?
Quảng cáo
Chương trình tạp chí « Địa chính trị/Géopolitique» của RFI có cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu chính trị Châu Á Valérie Niquet (phụ trách bộ phận Châu Á của Fondation pour la recherche stratégique) và chuyên gia về Nhật Bản Céline Pajon, làm việc tại Viện IFRI (Viện quan hệ quốc tế của Pháp), đồng tác giả cuốn « Chủ nghĩa dân tộc tại Nhật Bản và Trung Quốc. Những hệ lụy cho mối quan hệ song phương » (« Nationalismes en Chine et au Japon. Implications pour la relation bilatérale »), Nxb IFRI ấn hành năm 2014.
Nhật-Trung-Hàn và Pháp-Đức-Algeri : tương đồng và khác biệt
Trong thời gian ít tháng gần đây, tại khu vực Đông Bắc Á có một vài động thái cho thấy dường như có một số nỗ lực từ các phía mở đầu cho một khả năng giảm căng thẳng, cụ thể như cuộc hội kiến hồi tháng 2/2015 giữa các ngoại trưởng Trung-Nhật-Hàn, lần đầu tiên kể từ ba năm nay. Tuy nhiên, những hồi ức về chiến tranh hay giai đoạn đô hộ của Nhật Bản mỗi khi có dịp lại nổi lên chi phối tình cảm của một bộ phận công luận Hàn Quốc hay Trung Quốc, gây sóng gió cho các quan hệ song phương. Trong vấn đề phức tạp này, một cái nhìn so sánh có lẽ rất cần thiết. Liên Hiệp Châu Âu thường được lấy làm hình mẫu cho việc giữa các quốc gia không chỉ có các quan hệ thương mại, làm ăn kinh tế, mà còn cả các nỗ lực để tạo lập một nền tảng chung, trên cơ sở đó, mà có những trao đổi ý tưởng, tạo lập các mục tiêu chung giữa các quốc gia thành viên, mà không ít trong số đó từng là kẻ thù trong quá khứ. Tại sao khu vực Đông Bắc Á lại chậm trễ hơn trong chuyện này ? Sau đây mời quý vị nghe một số phân tích của nhà nghiên cứu Valérie Niquet :
« Có thể nói những vấn đề lịch sử giữa Pháp và Đức đã được giải quyết từ rất sớm. Và tình hình ở Châu Á là hoàn toàn khác, vì một loạt các lý do. Điểm chung duy nhất là, mặc dù Nhật Bản và Đức từng là đồng minh trong Thế chiến Hai, nhưng các hành xử của đế quốc Nhật tại các xứ thuộc địa cũ, như Hàn Quốc, Trung Quốc, hay những nơi khác tại Châu Á, những dấu ấn đặc biệt tàn ác của thời kỳ này vẫn chưa phai.
Nếu như Pháp và Đức có thể xích lại gần nhau trong một thời gian khá là ngắn, sau Thế chiến Hai, vào thời điểm mà nước Đức còn chưa thực hiện được ‘‘nghĩa vụ ký ức’’ (devoir de mémoire) đối với quá khứ phát xít trong chiến tranh. Sự hòa giải giữa ba quốc gia này còn xa mới kết thúc, vì một lý do cơ bản như sau. Quan hệ mang tính chiến lược ở Châu Á rất khác, bởi vì Nhật Bản và Trung Quốc không thuộc cùng một ‘‘phe’’, không giống như trường hợp Pháp và Tây Đức vào thời điểm hai bên hòa giải. Trong trường hợp của Nhật Bản hay Trung Quốc có nhiều động cơ dẫn đến việc sử dụng các chủ đề dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Ở Nhật, tính chất dân tộc chủ nghĩa có thể nói là ít hơn, trong khi đó Trung Quốc có quan điểm dân tộc chủ nghĩa hết sức cứng rắn. Tại nước này, một quan điểm như vậy gần như là nhân tố duy nhất mang lại tính chính đáng (chính trị) cho đảng Cộng sản Trung Quốc, đang độc quyền lãnh đạo đất nước, và muốn tiếp tục nắm quyền. Đảng Cộng sản Trung Quốc cảm thấy tính chính đáng của mình hết sức mong manh.
Còn ở Hàn Quốc, chúng ta thấy chế độ này mới chuyển sang dân chủ hóa từ những năm 1990. Và Tổng thống Hàn Quốc hiện nay phải làm cho mọi người quên đi người cha, một nhà cựu độc tài. Bản thân cha bà, ông Park Chung Hy, cũng là tướng trong quân đội Nhật Bản trong thời kỳ Đại chiến Hai. Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là không rõ ràng, có thể so sánh với quan hệ giữa Pháp và Algeri, với một mặt là một quá khứ chung rất sâu đậm, và mặt khác, một ý chí chính trị – ít nhất là đúng với trường hợp Algeri và Hàn Quốc – dựa vào việc nhắc lại quá khứ để có lẽ phần nào quên đi một số khó khăn mà hai quốc gia này phải đối mặt trong hiện tại.
Nhật Bản rõ ràng phải đối mặt với những căng thẳng chiến lược lớn, đặc biệt đối diện với Trung Quốc, trong khi đó đây không phải là vấn đề đối với Hàn Quốc. Hiển nhiên là trước một Trung Quốc ngày càng gây lo ngại, tình cảm chống Trung Quốc gia tăng tại Nhật. Nhật Bản quyết tâm có một quân đội mạnh hơn, quyết tâm duy trì bằng mọi giá – kể cả với sự tham gia đóng góp nhiều hơn – quan hệ liên minh với Hoa Kỳ, được Tokyo nhìn nhận như là yếu tố cơ bản của sự ổn định chiến lược của khu vực ».
Đông Bắc Á không tham dự vào giải quyết hậu quả chiến tranh ngay từ đầu
Để hiểu được vì sao căng thẳng vẫn thường trực tại Đông Bắc Á, 70 năm sau chiến tranh, nhà nghiên cứu Céline Pajon nhấn mạnh đến giai đoạn ngay sau Thế chiến, rất phức tạp tại khu vực :
« Khác với Châu Âu, Hoa Kỳ có vai trò đặc biệt quan trọng với Nhật Bản, với sự đóng quân lâu dài. Tại Nhật, phía Mỹ đã áp đặt một số quan điểm về lịch sử vào thời điểm diễn ra phiên tòa Tokyo. Hiệp định hòa bình San Francisco năm 1951 đã không có sự tham gia của Trung Quốc và Hàn Quốc. Như vậy, các quốc gia Đông Bắc Á tham dự rất ít vào việc giải quyết vấn đề chiến tranh. Có những sự lừa lọc, nhiều chuyện bị bỏ qua. Từ đó mà nẩy sinh các tranh chấp lãnh thổ, vấn đề trách nhiệm của Nhà nước Nhật trong chiến tranh (…)
Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ chưa có quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Triều Tiên đang trong chiến tranh. Nhật Bản ở trong tình trạng rất yếu, dưới sự cai trị của Mỹ. Trong thời kỳ chiếm đóng của Mỹ, có sự kiểm duyệt cản trở việc thảo luận về trách nhiệm của Nhật đối với quá khứ quân phiệt. Trong bối cảnh chiến tranh Lạnh, từ 1948 đến 1951, Mỹ đã thả ra khỏi nhà tù nhiều nhân vật bảo thủ rất tiêu biểu, từng có vai trò quan trọng trong giai đoạn trước chiến tranh. Hành động của Mỹ có phần làm xáo trộn hiện trạng, gây khó khăn cho việc giải thích về trách nhiệm của Nhật Bản đối với quá khứ ».
Trung Quốc cần « kẻ thù Nhật Bản » sống mãi
Trở lại với vấn đề các quốc gia Đông Bắc Á đánh dấu dịp tưởng niệm lịch sử 70 năm kết thúc Thế chiến II bằng các hoạt động gì ? Cái nhìn của các chuyên gia tập trung vào phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 8 tới. Phát biểu của lãnh đạo Nhật Bản theo tư tưởng « bảo thủ » được các nước láng giềng rất trông đợi, đặc biệt là xem xem cử chỉ hối lỗi của ông Abe sẽ được thể hiện ra sao. Trong thời gian gần Hàn Quốc thì tập trung vào vấn đề « các phụ nữ giải sầu », nô lệ tình dục của quân đội đế quốc Nhật. Cho dù, vấn đề hối lỗi của nước Nhật đã được biết đến mới đây nhất qua chuyến công du Hoa Kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe. Theo chuyên gia Céline Pajon, báo chí Nhật Bản hồi tháng 6 cho hay lập trường của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản là phát biểu của Thủ tướng Nhật sẽ chỉ mang tính chất cá nhân của Thủ tướng, chứ không đại diện cho chính phủ Nhật. Nhà nghiên cứu Valérie Niquet cũng nhắc đến những hành động tưởng niệm khác :
« Bên cạnh đó, còn có các cuộc kỷ niệm khác về mặt biểu tượng cũng có ý nghĩa quan trọng, qua đó mỗi phía khẳng định lập trường của mình. Trung Quốc đang chuẩn bị rất tích cực một cuộc duyệt binh rất lớn nhằm nhấn mạnh một điều là : chính đảng Cộng sản Trung Quốc đã mang lại chiến thắng trong cuộc chiến chống Nhật. Ở đây, chúng ta có một quan điểm gần với Liên Xô trước đây khi đối diện với nước Đức.
Trong suốt thời gian tồn tại, Matxcơva không ngừng nhắc đến vai trò của đảng Cộng sản trong cuộc chiến chống kẻ thù là phát xít Đức tại Châu Âu, cũng như kẻ thù là phát xít Nhật tại Châu Á. Ở đây chúng ta thấy rõ một lô gic, để mang lại tính chính đáng cho đảng Cộng sản Trung Quốc, đó là cần phải làm sao cho kẻ thù Nhật Bản ‘‘sống mãi’’.
Tuy nhiên, tại Đài Loan lại cũng có những cuộc kỷ niệm mang tính cạnh tranh khác. Bắc Kinh rất muốn mời các cựu chiến binh Đài Loan tham dự cuộc diễu binh, nhưng phía Đài Loan rất lưỡng lự.
Chúng ta thấy cái hiện tại có mặt rất rõ trong hồi ức về quá khứ. Đài Loan cáo buộc Bắc Kinh khai thác quá khứ, Trung Quốc không thừa nhận rằng : chính chính quyền Trung Hoa Dân quốc tại Hoa Lục (tiền thân của Đài Loan) là lực lượng chủ yếu chống Nhật, quan trọng hơn rất nhiều so với đảng Cộng sản. Ở đây, chúng ta chạm đến một điểm căn bản của cuộc tranh luận về ký ức lịch sử ở Châu Á. Trên thực tế không phải là hồi ức, cho dù những sự kiện lịch sử có phần can dự vào chuyện này, mà cái chủ yếu là cuộc đọ sức trong hiện tại và cách thức mà mỗi bên xác lập vị trí của mình, đặc biệt là Trung Quốc, muốn khẳng định vị trí của mình trong quan hệ với các láng giềng ».
Trung Quốc : làm thân Hàn, xoa dịu Nhật
Nói đến quan hệ giữa ba quốc gia Đông Bắc Á không thể không tính đến vai trò của Hoa Kỳ. Bắc Kinh, cho dù có ý muốn giữ căng thắng với Tokyo, cũng không thể đẩy Nhật Bản hoàn toàn vào thế đối địch. Bà Vélerie Niquet phân tích :
« Hàn Quốc và Nhật Bản vốn là hai chỗ dựa của Hoa Kỳ tại Châu Á, hai quốc gia này càng trở nên quan trọng hơn trong chiến lược “tái cân bằng”, hay “xoay trục” của Mỹ. Hoa Kỳ hiện tại cho rằng, về mặt kinh tế, nhưng đặc biệt là về mặt chiến lược, trọng tâm là ở Châu Á, vì vậy Washington muốn nương tựa vào hai đồng minh quan trọng này, không để bị ảnh hưởng bởi các cuộc tranh cãi vô ích. Hoa Kỳ muốn quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản cải thiện, để mọi thứ có thể vận hành tốt, đặc biệt trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Ta nói đến quan hệ tốt giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, điều này là đúng. Mỗi bên đều muốn thúc đẩy một quan hệ liên minh đối trọng, đối diện với ‘‘đối thủ’’ chung là Nhật Bản. Tuy nhiên, quan hệ Trung Quốc với Hàn Quốc không đơn giản, không kể vấn đề xung đột liên quan đến biển Hoa Đông (đơn cử vấn đề khu vực nhân dạng phòng không mà Trung Quốc đơn phương áp đặt). Hàn Quốc hiện diện nhiều về kinh tế tại Trung Quốc, còn Trung Quốc là đối tác quan trọng của cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chúng ta cũng cần ghi nhận sự giảm nhẹ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Biến chuyển này là rất rõ nét. Trong hội nghị an ninh Shangri La tại Singapour mới đây, Bắc Kinh tỏ ra rất khoan dung với Tokyo. Trung Quốc gần như thi hành chiến lược chìa tay ra với Nhật Bản. Tokyo ghi nhận sự tiến triển này, nhưng đồng thời cũng ghi nhận rằng Bắc Kinh khá nối tiếng với cách ứng xử, khi xoa dịu, khi thay đổi tùy theo lợi ích chiến lược của mình.
Hiện tại, lợi ích chiến lược của Trung Quốc tập trung vào khu vực Biển Đông, nơi căng thẳng rất cao. Đặc biệt là, Bắc Kinh không muốn để một xung đột bùng nổ, điều này có thể gây hại cho quan hệ hiện tại với Hoa Kỳ. Hơn nữa, trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ tái khẳng định mạnh mẽ rằng quần đảo Senkaku nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.
Bắc Kinh, với thái độ hết sức thực dụng, sẵn sàng lấn tới, nếu điều kiện cho phép ; nhưng cũng sẵn sàng xuống thang, giải hòa, nếu thấy rằng các hệ quả có thể gây hại cho lợi ích của mình ».
Ly gián Hoa Kỳ với châu Á : chiến lược của Bắc Kinh
Nhà nghiên cứu Châu Á Valérie Niquet giải thích thêm về nguyên tắc hành xử của Trung Quốc :
« Thực sự là trong nhiều năm, đặc biệt là những năm 1980, người ta đã nhiều lần phê phán Nhật Bản, và đặc biệt là từ phía Hoa Kỳ, việc Tokyo nhận được nhiều trợ giúp và hỗ trợ quốc phòng của Mỹ, mà không cần có nỗ lực nào. Chúng ta thấy, sự tiến triển hiện nay rõ ràng là đáp ứng lại ý chí cá nhân của Thủ tướng Nhật, đưa Nhật Bản vươn mình trở thành một quốc gia ‘‘bình thường’’, kể cả về mặt quân sự, tuy với các giới hạn rất lớn trong hiện tại.
Nhưng mặt khác, Tokyo phải mang lại cho Washington các bảo đảm, cho thấy Nhật Bản sẵn sàng can dự, đứng về phía Hoa Kỳ, không chỉ trong các vấn đề liên quan đến quyền lợi riêng của Nhật Bản. Để Hoa Kỳ, để công luận Hoa Kỳ, để Quốc hội Mỹ sẵn sàng hy sinh vì Senkaku, Nhật Bản cần phải thể hiện sẵn sàng ý chí hỗ trợ Hoa Kỳ trên một lĩnh vực khác.
Tôi muốn bổ sung thêm một điểm : việc tái khẳng định quan hệ Tokyo – Washington càng trở nên quan trọng hơn, tôi tin rằng Hoa Kỳ hiểu rõ điều này, bởi vì toàn bộ chiến lược của Trung Quốc hiện nay là làm rạn nứt quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, tất nhiên, nhưng đồng thời cả quan hệ giữa Hoa Kỳ với các quốc gia châu Á khác. Tất cả các phát biểu mà Trung Quốc đưa ra hiện nay, đặc biệt trong các đối thoại chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington, là nhắm tái khẳng định các lợi ích chung rất quan trọng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và Hoa Kỳ không nên can dự vào các ‘‘tranh cãi địa phương’’, Châu Á có thể được quản lý bởi chính các nước Châu Á, mà không cần Hoa Kỳ đưa các vấn đề an ninh của mình vào khu vực.
Phát ngôn của Trung Quốc nhằm nói với Mỹ là đừng có dính dáng vào những tranh chấp về cơ bản không có gì quan trọng với các vị. Còn về phần mình, chúng tôi không xâm phạm đến lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ tại khu vực. Nhưng đặc biệt là, quý vị đừng nên ủng hộ các quốc gia như, Nhật Bản, Philippines hay Việt Nam. Đây là một chiến lược rất rõ ràng của Trung Quốc đối với Mỹ. Đây là điều mà Nhật Bản rất lo ngại ».
Vừa áp đặt quyền lãnh đạo, vừa tránh xung đột
Về các giới hạn của chiến lược hành xử của Trung Quốc, Valérie Niquet ghi nhận :
« Chúng ta ở trong bối cảnh, một quốc gia như Trung Quốc tìm cách áp đặt – không phải việc kiểm soát thực tế trên toàn bộ một lãnh thổ, như biển Hoa Đông -, mà vấn đề là tìm cách áp đặt quyền lãnh đạo tại Châu Á. Và nỗ lực này được thực hiện thông qua các trắc nghiệm, để xem xem hành động như vậy có được chấp nhận không. Hiện tại, hành động như vậy không được các đối tác của Bắc Kinh chấp nhận.
Hiển nhiên là những biến chuyển theo hướng tiêu cực luôn luôn có thể xảy ra, nhưng điều này là có giới hạn, bởi lẽ chiến lược của Trung Quốc được xây dựng trên một loạt các hành động thăm dò, với chủ trương không đi quá xa, để thử phản ứng của các nước láng giềng. Trung Quốc đã thành công trong việc lấn tới ở nơi này, nơi khác. Nhưng Bắc Kinh cũng rất ý thức được sự yếu kém của mình về mặt quân sự. Trung Quốc đã phát triển rất nhiều sức mạnh quân sự. Quốc gia này sở hữu vũ khí hạt nhân. Trung Quốc là một thế lực cần phải tính đến.
Đối với Việt Nam hay Philippines chẳng hạn, Trung Quốc rõ ràng là vượt trội. Tuy nhiên, Trung Quốc biết rằng, nếu có một xung đột thực sự xảy ra với Nhật Bản, và nhất là với Hoa Kỳ, thì quân đội Trung Quốc sẽ có rất ít cơ may chống chọi lại được. Điều này sẽ rất tổn hại cho cốt lõi chiến lược hiện tại của Trung Quốc: đó là sự tồn vong của chế độ hiện hành tại Trung Quốc.
Lập luận này cho thấy : cuối cùng thì Trung Quốc sẽ trắc nghiệm, với các lý do chính trị nội bộ, về cơ bản là để khẳng định vai trò trung tâm trong khu vực, nhưng chắc chắn Bắc Kinh sẽ không đi quá xa, đến mức phải nhận lấy một phản ứng quân sự thực sự của Tokyo hoặc Washington ».
Viễn cảnh về một chuyển đổi chính trị tại Trung Quốc
Tưởng tượng tương lai cũng là một cách để có thể hiểu thêm hiện tại. Trả lời cho câu hỏi, liệu trong hai thập niên tới, phải chăng với đà phát triển hiện nay Trung Quốc sẽ vươn lên thành trở thành quốc gia thống trị khu vực, Valérie Niquet bình luận :
« Đấy là một cái nhìn mang tính báo động rất cao. Chắc chắn viễn cảnh như vậy sẽ thức tỉnh những ai ở Nhật Bản có quan điểm rằng : nền quốc phòng chỉ là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, quan điểm mang tính báo động cao này đã không tính đến tương lai của chính Trung Quốc. Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh rằng, một chìa khóa của các diễn biến tại Châu Á trong hai mươi năm nữa. Trước hết là, mọi khả năng đều để ngỏ, tuy nhiên việc đưa ra một viễn cảnh về sự lớn mạnh tuần tự của Trung Quốc và sự biến mất của Hoa Kỳ là (giả thiết) rất cực đoan.
Theo tôi, chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến sự chuyển đổi chính trị của Trung Quốc, dưới dạng này hoặc dạng khác. Và chính là xung quanh hiện tượng ấy mà diễn ra những sự chuyển biến khác tại Châu Á, kể cả về mặt chiến lược, giống như những gì xảy ra tại Châu Âu. Và chúng ta có thể tưởng tượng thêm một kịch bản khác nữa, đó là sự xích gần lại giữa một Trung Quốc được bình thường hóa với một Nhật Bản và một Hàn Quốc. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ thấy nổi lên một cực Châu Á mạnh, có thể tự khẳng định trước một bên là Hoa Kỳ và bên kia là Châu Âu ».
***
Nhận xét của Valérie Niquet có thể coi như một lời tạm kết cho chương trình tạp chí Tiêu điểm thời sự tuần này của RFI về chủ đề « Trung-Nhật-Hàn : Vết thương quá khứ và các toan tính hiện tại » trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tái cân bằng sang khu vực Châu Á –Thái Bình Dương, và nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, đã thức tỉnh trước nguy cơ Trung Quốc. Theo các chuyên gia, sự bình ổn của khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là điểm nóng Bắc Triều Tiên, phụ thuộc rất nhiều vào các diễn biến chính trị tại Trung Quốc : chừng nào quốc gia toàn trị này còn mượn đến con bài chủ nghĩa dân tộc cực đoan để làm chỗ dựa nhằm duy trì tính chính đáng của chế độ, thì chừng ấy những vết thương quá khứ, những tội ác chiến tranh khó mà được nhìn nhận một cách bình tĩnh và tỉnh táo, lòng hối hận khó được bộc lộ và được đón nhận một cách chân thành. Việc Bắc Kinh chuẩn bị cho đợt kỷ niệm 70 năm ngày đầu hàng của quân đội Nhật với cuộc duyệt binh rầm rộ, cùng hàng trăm hoạt động văn hóa, nghệ thuật trọng thể ở quy mô quốc gia cho thấy quá khứ đau thương tiếp tục được chính quyền sử dụng cho mục đích tuyên truyền. Theo AFP, 78 năm sau biến cố đế quốc Nhật mở màn cuộc xâm lăng Trung Quốc, một cụ bà 95 tuổi sống tại cầu Marco Polo, ngoại ô Bắc Kinh (người chứng kiến cuộc đụng độ đầu tiên giữa quân đội Nhật và quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc), kể lại : cho đến giờ bà không bao giờ tin Nhật Bản có thể trở thành bạn của Trung Quốc.
Cũng trong dịp này, một biến cố khác đáng ghi nhận. Đó là thái độ của Hàn Quốc đối với Nhật Bản. Nhân dịp Unesco đưa vào danh sách Di sản Nhân loại Thế giới nhiều địa điểm công nghiệp của Nhật Bản thời Minh Trị Thiên Hoàng, Ngoại trưởng Hàn Quốc có lời khen ngợi : « Lần đầu tiên Nhật Bản thừa nhận thực tế lịch sử của việc nhiều người Triều Tiên bị bắt và bị cưỡng bức lao động trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt » tại các cơ sở này, sau khi Tokyo hứa sẽ đưa thông tin về tình trạng lao động khổ sai tại các địa điểm được Unesco vinh danh. Báo Nhật Japan Times thì kêu gọi chính quyền có biện pháp để du khách biết được « mặt tối trong quá khứ » của các di tích lịch sử này (xem thêm phần “Ký ức lịch sử mãnh liệt tại các nước Bắc Á” trong bài điểm báo của RFI ngày 05/07/2015).
Tin bài liên quan
Nhật tái tạo ván cờ châu Á vì mối đe dọa Trung Quốc
Nhật Bản tham vấn nhân sĩ về lịch sử và tương lai đất nước
Mỹ-Nhật-Úc thắt chặt liên minh để kềm hãm Trung Quốc ?
Tập Cận Bình không lay chuyển được trục Mỹ-Nhật-Hàn
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nhật Bản có dấu hiệu trỗi dậy mạnh mẽ
Bóng đen Trung Quốc ám ảnh suốt Thượng đỉnh Nhật – ASEAN
Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc đang hồi hấp hối?
Pháp-Đức kỷ niệm 50 năm hòa giải sau Thế chiến thứ hai
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký
Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế