Trung thực là gì? Mở rộng vốn từ trung thực, tự trọng

Trung thực là đức tính mà ta đã được ông bà, cha mẹ dạy từ thời thơ ấu. Nhưng với nhịp sống xô bồ của xã hội ngày nay thì liệu đức tính ấy có còn được lưu truyền như trước kia nữa hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê nhé!

1. Trung thực là gì?

Trung thực là một khía cạnh của nhân cách đạo đức con người được hiểu với nghĩa là sự ngay thẳng, thật thà, luôn nói lên sự thật. Trung thực chính là tôn trọng lẽ phải, không dối trá từ lời nói đến hành vi. Có thể hiểu đơn giản người trung thực là người không biết nói dối, họ sẵn sàng dũng cảm nói lên sự thật và sẵn sàng nhận lỗi khi phạm sai lầm.

 

1.1. Ý nghĩa của sống trung thực

Trung thực là một đức tính tốt, vì thế, khi giữ được lòng trung thực, sống trung thực, ngay thẳng sẽ giúp con người nâng cao được phẩm giá của chính mình. Trong xã hội nếu ai ai cũng sống trung thực thì sẽ giúp cho các mối quan hệ xã hội lành mạnh hơn, hòa đồng và cởi mở hơn. Những người sống trung thực, thật thà cũng sẽ nhận được sự tôn trọng của mọi người, được mọi người yêu mến, kính trọng.

 

1.2. Biểu hiện của lòng trung thực

Lòng trung thực được biểu hiện bởi nhiều hành động khác nhau. Tùy vào hoàn cảnh, trường hợp cụ thể mà sự trung thực sẽ khác nhau. Dưới đây là một vài biểu hiện về lòng trung thực để bạn tham khảo:

  • Với học sinh: Trung thực chính là không gian lận trong học tập, thi cử, không quay cóp bài, không nói dối thầy, cô giáo…
  • Với những người kinh doanh, buôn bán: Trung thực thể hiện qua việc không gian lận, không buôn lậu, làm trái pháp luật…
  • Với mọi người nói chung: Trung thực thể hiện qua sự tôn trọng lẽ phải, tin tưởng vào công lý, không bao che cái xấu, không ngại khi nhận sai, nhận khuyết điểm…

 

1.3. Tại sao cần phải trung thực?

  • Được mọi người yêu quý: Trung thực sẽ giúp bạn nâng cao được giá trị của bản thân. Từ đó, sẽ được nhiều người yêu mến và lấy đó làm gương để họ có thể noi theo và học hỏi.
  • Được tín nhiệm, tin tưởng: Một người trung thực là người luôn bảo vệ cho sự thật dù bất cứ giá nào. Chính vì thế, họ sẽ nhận được một sự tin tưởng nhất định trong lòng của người khác. Nhờ vậy, những người trung thực sẽ ngày càng được coi trọng và tín nhiệm vào một vị trí nhất định.
  • Nhận được sự kính trọng: Người có đức tính trung thực sẽ không bao giờ làm những việc trái với đạo đức lương tâm. Thế nên, họ sẽ nhận được sự kính trọng của mọi người dù ở bất kỳ độ tuổi nào.
  • Duy trì và phát triển các mối quan hệ: Được làm bạn với một người có đức tính trung thực sẽ làm cho đối phương cảm thấy an tâm, dễ chịu cũng như không cần phải qua suy nghĩ, cân nhắc về mối quan hệ này. Vì thế, khi bạn có tính trung thực bạn sẽ dễ dàng duy trì và phát triển các mối quan hệ của bản thân với mọi người xung quanh.
  • Nuôi dưỡng các giá trị đạo đức tốt đẹp: Trung thực là đức tính mà ông cha ta đã truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó nuôi dưỡng giá trị tinh thần của con người trong suốt bao năm qua. Nếu bạn vẫn duy trì được đức tính tốt này tức bạn đang nuôi dưỡng các giá trị đạo đức tốt đẹp mà ông cha ta đã để lại.
  • Góp phần xây dựng môi trường văn minh: Nếu muốn mọi thứ xung quanh mình trở nên tốt đẹp thì mình cần phải sống tốt, rèn luyện tính trung thực ở bản thân. Từ đó, lan truyền đức tính này đến mọi người xung quanh để họ đối xử với nhau một cách chân thành không vụ lợi.
  • Tôi luyện bản thân trở nên dũng cảm: Khi bạn dám đứng lên để bảo vệ sự thật, dẹp tan những mưu đồ dối trá thì bạn thật sự đã rất dũng cảm rồi. Bởi vì chỉ có những người trung thực mới dám đứng về phía công lý, dám nói sự thật và phê phán những điều dối trá. Thế nên, khi bạn có tính trung thực tức bạn đang tôi luyện bản thân ngày càng trở nên dũng cảm hơn.
  • Luôn cảm thấy yên bình trong tâm hồn: Người trung thực sẽ không biết nói dối và họ không cần phải suy tính quá nhiều lý do để che giấu sự thật hay phải cố gắng làm hài lòng một ai. Điều này sẽ giúp tâm hồn họ luôn cảm thấy thanh thản, yên bình.

 

2. Làm thế nào để sống trung thực?

2.1 Trong đời sống hằng ngày

Để sống trung thực trong đời sống hằng ngày bạn cần tin tưởng vào công lý, lẽ phải, dám đứng lên nói sự thật, lên án những việc làm sai trái, vi phạm đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, bạn cần có một góc nhìn xa trông rộng, không vì những lợi ích trước mắt mà đánh đổi cả danh dự, nhân phẩm hay tương lai của mình. Ngoài ra, bạn cần phải tích cực học hỏi, trau dồi những hạn chế của bạn thân, không được che lấp khuyết điểm mà phải tìm cách để khắc phục nó. Những người trung thực sẽ không cần phải thảo mai, giả tạo để lấy lòng người khác, cứ nói những điều thuộc về công lý lẽ phải mà không cần phải sợ mích lòng ai. Ngoài ra, bạn cần tạo nên một nguyên tắc riêng cho bản thân bởi người trung thực luôn tự tạo cho mình những nguyên tắc riêng để làm khuôn mẫu mà hành xử với mọi người. Không những thế, bạn cần phải đặt chữ tín lên hàng đầu trong mọi việc làm của bạn bởi vì chữ tín là một chữ khá quan trọng để hình thành nên một người trung thực, nói được làm được. Lưu ý: Dù không thảo mai, giả tạo nhưng bạn vẫn phải đảm bảo được phép lịch sự tối thiểu trong cách hành xử với người khác để giá trị của bản thân ngày càng được nâng cao hơn.

 

2.2 Trong môi trường công sở

Công sở là môi trường luôn có sự cạnh tranh về mặt lợi ích. Vì thế, nếu bạn là một người trung thực trong chính môi trường làm việc thì sẽ được đánh giá cao và được nể trọng. Để trở nên người trung thực trong môi trường làm việc bạn cần luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng thời hạn, không nên chậm trễ, bê tha trong công việc. Ngoài ra, bạn nên cạnh tranh công bằng với đồng nghiệp bằng sức năng lực thực sự của mình mà không dùng đến bất cứ chiêu trò nào. Bên cạnh đó, bạn luôn phải chủ động lắng nghe góp ý của người khác về những khuyết điểm của bản thân, luôn phải chấp nhận lỗi sai của mình và tìm cách khắc phục chúng. Trung thực còn thể hiện ở chỗ việc bạn dám nói dám làm, nói được thì sẽ làm được, không nên thất hứa hoặc nói suông. Không những thế, để trở thành một người trung thực bạn cần phải khiêm tốn với khả năng của bản thân, thể hiện sự chính trực, đặt lợi ích chung lên hàng đầu không vụ lợi chỉ vì lợi ích cá nhân.

 

2.3 Cách nhận diện người trung thực

  • Người trung thực không quan tâm có được yêu quý hay không? Có thể nói người trung thực sẽ khá thẳng thắn, họ sẽ nói những gì thuộc về lẽ phải mà họ cho là đúng, cũng không cần nói giảm nói tránh để lấy lòng bất cứ ai. Họ không hề ái ngại khi lời nói và hành động của mình sẽ không được lòng người khác. Người trung thực sẽ chẳng mấy để tâm đến cảm xúc của người nghe chỉ nói ra những điều mà họ cho là đúng và cần thiết.
  • Người trung thực không nịnh bợ, không thảo mai, không nói dối Những người thường lo lắng về việc lời nói của mình có làm hài lòng người khác hay không thường là những người tự ti, giả tạo. Họ sẽ nói những điều dối trá chỉ với mục đích lấy lòng người khác. Nhưng những người trung trực thì lại khác, họ không nịnh bợ, không thảo mai hay không cố đặt điều nói dối với bất cứ lý do gì. Mặc dù vậy, nhưng họ không phải là một người quá bất lịch sự. Họ vẫn có thể khen một người nào đó nếu như họ xứng đáng được khen hay tuyên dương.
  • Người trung thực có ánh nhìn thẳng, đầy chính trực Nghe có vẻ hơi cảm tính vì ta không thể nào đánh giá được bản chất của con người qua vẻ bề ngoài được. Đôi khi họ cố gắng diễn thật đạt để tạo nên một người đầy trung thực thì sao? Nhưng thực tế mà nói điệu bộ và thần thái của một người trung thực khó lòng mà bắt chước được. Họ luôn có ánh nhìn thẳng, đầy chính trực, hiên ngang. Họ không hề e ngại với việc nhìn vào mắt người khác với sự tự tin mãnh liệt.
  • Người trung thực có lời nói luôn đi đôi với hành động Người trung thực thường sẽ có cách hành xử rất quy tắc. Mọi lời nói của họ đều đi đôi với hành động mà họ làm. Họ không thể nói suông mà không thực hiện được. Họ luôn đặt chữ tín và trách nhiệm lên hàng đầu dù trong bất cứ hoàn cảnh nào hay làm bất kì công việc gì. Chính vì thế, họ luôn nhận được sự tin tưởng và tín nhiệm từ mọi người xung quanh.
  • Người trung thực luôn tuân theo nguyên tắc sống của bản thân Người trung thực là người luôn đặt ra những quy tắc riêng cho bản thân mình và những quy tắc đó không phải ai cũng thực hiện được. Mặc dù, bạn có dùng tiền hay bất cứ chiêu trò nào thì họ cũng không thể làm trái với quy tắc mà mình đặc ra cho bản thân họ. Họ luôn nghĩ rằng để trung thực thì cần phải tôn thờ sự thật, biết giữ chữ tín với người khác đặc biệt là chữ tín với chính bản thân của họ.
  • Người trung thực nhận biết rõ và công khai khuyết điểm bản thân Đã là con người thì không một ai hoàn hảo, ai cũng có những ưu điểm và khuyết điểm riêng biệt. Con người ta thường chỉ thích lộ ra những ưu điểm của mình và tìm cách che lấp đi khuyết điểm của bản thân. Nhưng với người trung thực thì khác, họ biết hạn chế của bạn thân họ ở đâu và công khai khuyết điểm của mình cho mọi người để ngày càng hoàn thiện bản thân của mình hơn.
  • Người trung thực là những người tin cậy để chia sẻ, dựa dẫm Nếu bạn có thể thoải mái chia sẻ những chuyện cá nhân, riêng tư với một người mà không cần phải đắn đo tức người đó đã tạo được một niềm tin vững chắc trong lòng của bạn. Với một người trung thực bạn sẽ dễ dàng để bạn chia sẻ, dựa dẫm vào khi bạn gục ngã hay gặp khó khăn vì họ sẽ khiến bạn an tâm khi chia sẻ cũng như giúp bạn hiểu rõ được sự thật của vấn đề hơn.

 

3. Mở rộng vốn từ trung thực, tự trọng:

Bài 1: Tìm những từ cùng nghĩa và những từ trái nghĩa với trung thực:

  •  Từ cùng nghĩa : thật thà.
  •  Từ trái nghĩa : gian dối. Gợi ý: Trung thực: ngay thẳng, thật thà.

=> Trả lời:

  • Từ cùng nghĩa với trung thực: thẳng thắn, ngay thẳng, ngay thật, chân thật, thật thà, thành thật, thực lòng, thực tình, thực tâm, bộc trực, chính trực, trung trực…
  • Từ trái nghĩa với trung thực: dối trá, gian dối, gian lận, gian manh, gian ngoan, gian giảo, gian trá, lừa bịp, lừa dối, bịp bợm, lừa đảo, lừa lọc…

Bài 2: Đặt câu với một từ cùng nghĩa với trung thực hoặc một từ trái nghĩa với trung thực. 

Gợi ý: Con suy nghĩ và đặt câu sao cho phù hợp.

=> Trả lời: Đặt câu:

  • Tô Hiến Thành là người rất chính trực.
  • Sự dối trá bao giờ cũng đáng ghét.

Bài 3: Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ tự trọng?

a) Tin vào bản thân mình.

b) Quyết định lấy công việc của mình.

c) Coi trọng và giữ gìn phẩm giá của mình.

d) Đánh giá mình quá cao và coi thường người khác.

Gợi ý: Tự: tự mình, chính mình. Trọng: coi trọng, tôn trọng.

=> Trả lời: Ý c: Tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm giá của mình.

Bài 4: Có thể dùng những thành ngữ, tục ngữ nào dưới đây để nói về tính trung thực hoặc về lòng tự trọng?

a) Thẳng như ruột ngựa.

b) Giấy rách phải giữ lấy lề.

c) Thuốc đắng dã tật.

d) Cây ngay không sợ chết đứng.

e) Đói cho sạch, rách cho thơm.

Gợi ý: Các câu tục ngữ trên được giải thích như sau:

  •  Thẳng như ruột ngựa: Tính tình thẳng thắn, không lươn lẹo.
  •  Giấy rách phải giữ lấy lề: Dù có nghèo khổ, khó khăn hay trong bất kì hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lòng tự trọng giống như giấy dù có rách thì cũng phải giữ được cái lề.
  • Thuốc đắng dã tật: Thuốc có đắng mới có thể khỏi bệnh; Lời chân thật, thẳng thắn mới có thể giúp nhau tiến bộ.
  •  Cây ngay không sợ chết đứng: Những người ngay thẳng, không làm việc xấu thì không cần phải sợ bất cứ điều gì cả.
  •  Đói cho sạch, rách cho thơm: Dù trong bất cứ hoàn cảnh đói khổ, vất vả cũng phải giữ gìn danh dự và phẩm giá của mình.

=> Trả lời: Các thành ngữ, tục ngữ a, c, d: nói về tính trung thực.
                 Các thành ngữ, tục ngữ b, e: nói về lòng tự trọng.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho quý bạn đọc những kiến thức hữu ích. Trân trọng cảm ơn!