TRUNG TÂM THÔNG TIN VÀ THƯ VIỆN KHOA HỌC – VIỆN KHOA HỌC TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC

Giới thiệuKết quả nghiên cứu khoa học

Dịch vụ công và xã hội hóa dịch vụ công trong điều kiện cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay

Đề tài tạo cơ sở lý luận để nhận thức đầy đủ về dịch vụ công và xã hội hoá dịch vụ công, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc đổi mới, cải cách quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công phù hợp với yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam hiện nay.

Mã số: ĐTĐL – 2004/13
Năm đăng ký: 2004
Chủ nhiệm đề tài: TS. Chu Văn Thành
Thư ký khoa học: TS. Nguyễn Minh Phương 
Năm nghiệm thu: 2007
Xếp loại: Xuất sắc

1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, việc đổi mới vai trò, trách nhiệm của nhà nước và bộ máy hành chính nhà nước trong quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công gắn liền với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công thực sự là một nhiệm vụ quan trọng cần phải tập trung giải quyết. 
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 của Chính phủ đặt ra yêu cầu: “Xây dựng quan niệm đúng đắn về dịch vụ công. Nhà nước có trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, nhưng không phải vì thế mà mọi công việc về dịch vụ công đều do cơ quan nhà nước trực tiếp đảm nhiệm. Trong từng lĩnh vực cần định rõ những công việc mà nhà nước phải đầu tư và trực tiếp thực hiện, những công việc cần chuyển giao cho các tổ chức xã hội đảm nhiệm”. 
Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Nghị định số 86/NĐ-CP của Chính phủ và các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương đã quy định rõ việc quản lý dịch vụ công là một trong những chức năng chủ yếu của bộ máy hành chính nhà nước.
 Tuy nhiên, hiện vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau về bản chất, phạm vi và đặc trưng của dịch vụ công; vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ công. Nhận thức về xã hội hoá dịch vụ công còn chưa đầy đủ, xem đó chỉ là biện pháp có tính chất tình thế nhằm huy động sự đóng góp của nhân dân trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp. Có thể nói, quan niệm, nhận thức về dịch vụ công chưa rõ, thống nhất và quan điểm về xã hội hoá chưa đúng đã dẫn đến tình trạng lúng túng trong việc xác định trách nhiệm của nhà nước về dịch vụ công; những việc nhà nước cần làm trong lĩnh vực này; lúng túng trong việc tách quản lý nhà nước với hoạt động cung ứng dịch vụ công; giữa chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp trong quản lý nhà nước với tổ chức cung ứng dịch vụ công. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên sự chậm trễ, vướng mắc trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công của Đảng và Nhà nước ta. 
Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài này không những tạo cơ sở lý luận để nhận thức đầy đủ về dịch vụ công và xã hội hoá dịch vụ công mà còn góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc đổi mới, cải cách quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công phù hợp với yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam hiện nay. 
2. Mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài
a) Mục tiêu
Làm rõ những vấn đề lý luận về dịch vụ công và xã hội hoá dịch vụ công; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý nhà nước đối với dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công theo tinh thần cải cách hành chính ở nước ta hiện nay.
b) Các nhiệm vụ chủ yếu
– Làm rõ bản chất, đặc trưng, các loại hình dịch vụ công và thực chất của xã hội hoá dịch vụ công.
– Phân tích, đánh giá thực trạng quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công và kết quả thực hiện chủ trương xã hội hoá một số loại hình dịch vụ công chủ yếu ở nước ta.
– Đề xuất, kiến nghị phương hướng và giải pháp đổi mới quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính nhà nước.
3. Nội dung nghiên cứu và kết cấu của báo cáo tổng hợp
 Ngoài phần mở đầu và kết luận, báo cáo được chia thành 3 chương:
 Chương 1: Dịch vụ công và xã hội hoá dịch vụ công – Cơ sở lý luận và thực tiễn. 
 I. Nhận thức về dịch vụ công và xã hội hoá dịch vụ công.
 II. Một số kinh nghiệm các nước trên thế giới về tổ chức cung ứng dịch vụ công.
 III. Vai trò của Nhà nước ta trong quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công qua các thời kỳ.
Chương 2: Thực trạng quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ công và xã hội hoá dịch vụ công.
 I. Khái quát về thực trạng quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công.
 II. Thực trạng cải cách dịch vụ hành chính công và những vấn đề đặt ra hiện nay.
III. Thực trạng quản lý, tổ chức cung ứng và xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công.
IV. Thực trạng quản lý, tổ chức cung ứng và xã hội hoá dịch vụ công ích.
Chương 3: Phương hướng, giải pháp đổi mới quản lý, tổ chức cung ứng và đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công.
I. Mục tiêu, quan điểm đổi mới quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công.
 II. Phương hướng và các giải pháp cải cách dịch vụ hành chính công.
 III. Phương hướng, giải pháp đổi mới quản lý và đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công.
 IV. Phương hướng, giải pháp đổi mới quản lý và đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động công ích.
4.  Những đóng góp mới của đề tài
 – Trên cơ sở hệ thống hoá các cách tiếp cận khác nhau về dịch vụ công, xã hội hoá dịch vụ công, đề tài đề xuất một quan niệm dịch vụ công phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay cũng như thông lệ quốc tế, đồng thời làm rõ bản chất, đặc trưng của dịch vụ công và xã hội hoá dịch vụ công; tiến hành phân loại dịch vụ công và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công.
– Đánh giá khái quát những thành tựu, hạn chế trong quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ công và việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hình dịch vụ công chủ yếu ở nước ta, từ đó cung cấp luận cứ cho việc đổi mới, cải cách quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ công và xã hội hoá dịch vụ công.
– Đề xuất phương hướng, giải pháp đổi mới quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính nhà nước.
5. Một số đề xuất, kiến nghị
– Cần tạo ra sự thống nhất về nhận thức đối với dịch vụ công là các dịch vụ đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu chung của người dân và cộng đồng, do Nhà nước bảo đảm, không vì mục tiêu lợi nhuận, góp phần ổn định, công bằng xã hội. Dịch vụ công bao gồm: dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích.
 Quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công là trách nhiệm ngày càng lớn của Nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. 
 – Nhận thức đúng thực chất của xã hội hóa dịch vụ công như là một trong những giải pháp chủ yếu để huy động mạnh mẽ các nguồn lực và phát huy năng lực tiềm tàng trong xã hội, góp phần cùng với Nhà nước phát triển dịch vụ công để đáp ứng tốt hơn nhu cầu và lợi ích của nhân dân. Từ đó có quan điểm đúng và rõ về đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công, nhưng không hạ thấp hoặc giảm bớt vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với khu vực này.
– Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ 2001, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành về quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công. Cần phân biệt rõ hai vai trò khác nhau của bộ máy chính quyền nhà nước đối với dịch vụ công là:
+ Vai trò quản lý nhà nước về thể chế chính sách, chiến lược quy hoạch phát triển, thanh tra, kiểm tra việc thực thi luật pháp, chính sách.
+ Vai trò là chủ thể chịu trách nhiệm bảo đảm thỏa mãn các dịch vụ công cho người dân về số lượng, chất lượng, giá cả và tính liên tục, kịp thời của việc cung ứng; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân.
Các bộ, ngành tiến hành rà soát hệ thống các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến các hoạt động dịch vụ công, kiến nghị đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện khung khổ luật pháp để điều chỉnh và quản lý các hoạt động dịch vụ công của đất nước. 
 – Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án và Nghị quyết “Đổi mới quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công giai đoạn 2006 – 2015” và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện “Chương trình cải cách dịch vụ sự nghiệp công giai đoạn 2006 – 2010”. 
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp tiến hành rà soát đánh giá chức năng, nhiệm vụ quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc phạm vi trách nhiệm được phân công, phân cấp và thực trạng hệ thống tổ chức các đơn vị dịch vụ công hiện có, từ đó xây dựng các chương trình, đề án cải cách quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Bài liên quan

Nghiên cứu cơ sở khoa học hoàn thiện chế độ công vụ ở Việt NamCơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương và phụ cấp mớiNghiên cứu lý luận về tổ chức nhà nước phục vụ cải cách bộ máy nhà nước giai đoạn 2001 – 2010Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dânLuận cứ khoa học của việc xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính nhà nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (2001-2010)