Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật

Đổi mới tư duy trong sáng tạo khoa học kỹ thuật

Người viết: Dương Xuân Bảo

Sáng tạo kỹ thuật là hoạt động của con người liên quan đến sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa và cao hơn nữa là liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, mẫu hữu ích – các đối tượng thường được pháp luật Nhà nước bảo hộ. Nhờ sáng tạo kỹ thuật mà nhiều người đã đi vào lịch sử của nhân loại như Tô-mát E-đi-xơn với các sáng chế bóng đèn điện, máy quay đĩa, tàu điện. Gút-đi-a với sáng chế lưu hóa cao su. Ru-bích với sáng chế khối vuông kỳ diệu. Tôn Thất Tùng với phương pháp mổ gan độc đáo. Sáng tạo kỹ thuật chính là chiếc cầu nối cực kỳ quan trọng để biến các tri thức khoa học, kỹ năng kỹ thuật thành các sản phẩm, giải pháp cụ thể có thể tính được bằng tiền (là hàng hóa trao đổi). Vì vậy, hoạt động sáng tạo kỹ thuật có thể nói là một trong những hoạt động quan trọng nhất của xã hội.

Hiện nay, chúng ta đang nói nhiều đến việc đổi mới tư duy, trong đó phải nói tới đổi mới tư duy trong sáng tạo kỹ thuật. Vậy đổi mới tư duy trong sáng tạo kỹ thuật là gì? Làm cách nào để tăng hiệu quả trong hoạt động này làm cho các sản phẩm mới xuất hiện ngày càng nhiều, các bài toán kỹ thuật thực tế ngày càng được giải quyết một cách nhanh chóng và kịp thời, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho xã hội? Đổi mới tư duy sáng tạo kỹ thuật nhằm đáp ứng được các yêu cầu đó. Để đổi mới tư duy trong sáng tạo kỹ thuật, chúng ta phải làm được hai yêu cầu chính sau đây:

1. Hiểu được tư duy cũ trong sáng tạo kỹ thuật là gì, có những khuyết điểm gì?

2. Đưa ra được tư duy mới trong sáng tạo kỹ thuật, điều đó có nghĩa là phải đưa ra được một chương trình cụ thể mới cho phép giải quyết các vấn đề trong hoạt động sáng tạo kỹ thuật với một hiệu quả cao hơn, tránh được các khuyết điểm của phương pháp tư duy cũ.

Từ xưa đến nay, thông thường khi nhận được một bài toán kỹ thuật thực tế không có phương pháp giải sẵn, thí dụ hãy tìm một mẫu ấm pha chè mới có khả năng tiêu thụ cao; tìm phương pháp lọc nước biển thành nước ngọt với khối lượng lớn, hiệu suất cao cho các đảo xa; nước ta là nước có nhiều bão, hãy tìm phương pháp chống bão cho các cổ thụ có hiệu quả và ít tốn kém. Nhiều người thường chỉ dùng phương pháp mò mẫm, thử cách này không được thì thử cách khác. Thí dụ thời trước, để tìm vật liệu cho sợi tóc bóng đèn điện, nhà sáng chế E-đi-xơn đã dùng cả sợi bông, đay, tre, tóc, để thử nghiệm. Phương pháp làm việc kiểu này được các nhà khoa học gọi là phương pháp “thử, sai”. Rõ ràng bằng phương pháp này muốn đi tới các sáng chế, các nhà khoa học phải mất nhiều thời gian, sức lực, năng lượng và vật liệu để thử nghiệm và khả năng thành công rất nhỏ.

Tư duy cũ trong sáng tạo kỹ thuật chính là tư duy theo phương pháp “thử, sai”. Phương pháp tư duy này còn kém hiệu quả vì tính bảo thủ, trì trệ của bộ óc mà trong khoa học gọi là sức ì trong tư duy, là bức tường tâm lý. Sức ì trong tư duy mà ở bất cứ ai cũng có liên quan chặt chẽ với những kinh nghiệm sống, kiến thức thu được. Trong nhiều trường hợp, sức ì tâm lý cản trở những người làm công tác khoa học đi đến các giải pháp sáng tạo. Để thay thế được phương pháp “thử, sai” và tránh được sức ì tâm lý hiện nay, người ta sử dụng phương pháp luận sáng tạo.

Phương pháp luận sáng tạo nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan đến sáng tạo kỹ thuật như các thuật sáng chế, thí dụ thuật đặt ngược lại vấn đề, thuật kết hợp và chia nhỏ, thuật năng động hóa. Các phương pháp khử sức ì trong tư duy như phương pháp “kích thước, giá cả, thời gian”, phương pháp tập kích não, phương pháp đối tượng tiêu điểm, phát hiện các quy luật phát triển của hệ kỹ thuật, thí dụ quy luật phối hợp nhịp điệu, quy luật chuyển từ mức vĩ mô sang mức vi mô, phân loại các bài toán sáng chế thành các bài toán chuẩn và dùng lời giải chuẩn để giải quyết.

Để chinh phục được các đỉnh núi cao, các vận động viên leo núi không thể không được học và rèn luyện các bài tập leo núi, sử dụng các dụng cụ đặc hiệu như dây leo, búa chim, bình dưỡng khí. Cũng như vậy, để chinh phục các đỉnh cao trong khoa học – kỹ thuật, các nhà khoa học cũng cần được nghiên cứu phương pháp luận sáng tạo, sử dụng tốt các kỹ thuật sáng chế, các phương pháp kích thích nảy sinh ý tưởng mới, đặc biệt là tập rèn luyện óc sáng tạo của mình qua các bài toán kỹ thuật thực hành trước khi đi đến các sáng chế, phát minh thật sự. Thực tiễn dạy và học phương pháp luận ở Liên Xô đã cho thấy hiệu quả rất cao, thí dụ từ năm 1972 đến 1981, riêng Trường phương pháp luận sáng tạo ở thành phố Đơ-nhe-prô-pê-trốp-xcơ với chín khóa học, đào tạo được 500 học viên, đã có 350 bằng tác giả sáng chế; số tiền làm lợi cho Nhà nước nhờ áp dụng các sáng chế đó lên tới hàng chục triệu rúp. Ở nước ta hiện nay, phương pháp luận sáng tạo đang được nghiên cứu và dạy thử (ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh). Chúng ta hy vọng rằng phương pháp luận sáng tạo sẽ trở thành chiếc “chìa khóa vạn năng” giúp các nhà khoa học và sản xuất đi tới các sản phẩm hàng hóa cụ thể để làm giàu cho đất nước.

(Báo “Nhân Dân”, ra ngày 24/11/1988)