Trung tâm ngoại ngữ tuyển giáo viên nước ngoài như trò khôi hài
Tại các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhiều trung tâm ngoại ngữ ưu tiên tuyển dụng người nước ngoài với yêu cầu thấp, “Tây” là được, không cần bằng cấp, chứng chỉ.
“T
ôi luôn dạy học trong tình trạng thiếu tỉnh táo. Thỉnh thoảng, tôi đi thẳng từ chỗ tiệc tùng tới nơi dạy, xịt thêm ít nước hoa để át mùi bia rượu, thuốc lá”, Michael Weiler – giáo viên tiếng Anh 20 tuổi tại Bắc Kinh, Trung Quốc – chia sẻ.
Michael được mời làm gia sư cho một nữ sinh 14 tuổi với học phí khá cao, dù anh không được đào tạo, càng không có chứng chỉ nào về giảng dạy tiếng Anh.
“Thầy giáo” 20 tuổi đến từ Áo nhưng luôn giới thiệu mình là người Mỹ vì “phụ huynh thích thế”.
“Thỉnh thoảng, tôi quên mất mình nói với họ tôi sinh ra ở Connecticut hay Chicago nữa”, Michael ngượng ngùng nói.
‘Giáo viên cứ Tây là được’
Michael không phải “giáo viên nước ngoài” duy nhất không bằng cấp, chứng chỉ đang dạy tiếng Anh tại các thị trường màu mỡ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Người ta dùng cụm từ “khát ngoại ngữ” để diễn tả tình trạng hàng triệu người dân các nước châu Á đổ xô học tiếng Anh.
Dạy ngoại ngữ trở thành thị trường béo bở tại nhiều nước châu Á. Ảnh: Market Ed.
Theo thống kê của China Daily, năm 2016, hơn 400 triệu người dân nước này học tiếng Anh. Thị trường dạy tiếng Anh thu về khoảng 104,2 tỷ nhân dân tệ, tương đương 372 nghìn tỷ đồng. Con số này dự kiến đạt mức 220 tỷ nhân dân tệ.
Tại Nhật Bản, hàng triệu người lớn cũng tham gia các khóa học tiếng Anh, trong khi thị trường Hàn Quốc chưa từng giảm nhiệt.
Điều này dẫn đến tình trạng hàng loạt trung tâm mọc lên cùng nhu cầu về số lượng lớn giáo viên, cả người bản địa lẫn nước ngoài.
Theo thống kê của International TEFL Academy, năm 2012, hơn 100.000 giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại Trung Quốc. Con số này tăng nhanh chóng qua các năm.
Hàn Quốc có khoảng 24.000 giáo viên bản ngữ. Số lượng giáo viên nước ngoài tại hai nước này tăng khoảng 1.000 người mỗi tháng.
Nhật Bản cũng lên kế hoạch tăng giáo viên nước ngoài lên 10.000 người.
Nhu cầu khổng lồ này dẫn đến việc giáo viên nước ngoài thuộc diện “không thể bị sa thải”, theo lời của Samuel Cowell – thầy giáo 29 tuổi làm việc ở Trung Quốc.
Thêm vào đó, nhằm đánh bóng hình ảnh, nhiều trung tâm ưu tiên tuyển dụng giáo viên nước ngoài, bất kể họ có nghiệp vụ sư phạm hay có phải là người bản ngữ hay không.
Việc tuyển dụng người nước ngoài trở nên đơn giản với tiêu chí thống nhất: Chỉ cần là người da trắng.
Quá trình xin việc của Michael Weiler diễn ra như trò khôi hài nhưng lại là tình trạng chung của nhiều người.
“Họ đưa cho tôi một tấm thẻ màu đỏ, hỏi tôi màu gì. Tôi trả lời ‘red’ và trúng tuyển”, anh kể.
Người nước ngoài dễ được tuyển dụng làm giáo viên nhờ tâm lý “chuộng” Tây của người học. Ảnh: China Daily.
Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở tiền lương. Một trung tâm tiếng Anh ở Bắc Kinh có bảng giá cụ thể dựa trên quốc tịch: 10.000 tệ cho người bản ngữ, 8-9.000 tệ với công dân châu Âu có chứng chỉ sư phạm, 6.000 tệ đối với giáo viên châu Phi và châu Á.
Người bản ngữ được ưu tiên, bất kể trình độ của họ đến đâu hay họ có chứng chỉ, kinh nghiệm giáo dục hay không.
Đó là nội bộ trung tâm. Bên ngoài, nhiều trung tâm đăng thông tin giả về lý lịch, trình độ giáo viên nước ngoài.
“Cuối năm học, hàng loạt học sinh đổ xô ôn thi TOEFL để nộp hồ sơ vào ĐH Hong Kong. Lúc này, các trung tâm giới thiệu toàn bộ học sinh của tôi đều vượt qua bài thi TOEFL, tôi là chuyên gia luyện thi TOEFL. Nhưng tôi thậm chí chưa từng thi lấy chứng chỉ này”, Samuel xấu hổ thừa nhận.
Trung tâm tiếng Anh coi ngoại ngữ là mặt hàng kinh doanh. Họ thổi phồng mọi thứ, từ giáo viên đến chương trình giảng dạy.
Giáo viên trở thành diễn viên đóng vai những người bản ngữ giàu kinh nghiệm giảng dạy, chịu khó quên đi xuất thân thực sự của mình để đổi lại mức lương cao, bởi việc giảng dạy thực sự đơn giản, không cần lên giáo trình cụ thể.
Hạn chế giáo viên nước ngoài
Trước tình trạng trường học, trung tâm thuê người nước ngoài dạy tiếng Anh mà không cần bằng cấp. Cuối năm 2016, Trung Quốc thử nghiệm loại dần những người này.
Theo đó, họ thử nghiệm hệ thống giấy phép lao động mới, phân loại lao động nước ngoài thành 3 loại khác nhau A, B, C.
Ngoài ra, quy định mới bắt buộc tất cả giáo viên tiếng Anh nước ngoài phải là người bản ngữ, có bằng cử nhân của đất nước đó và 2 năm kinh nghiệm giảng dạy.
Điều này có thể phần nào hạn chế việc người nước ngoài nào cũng có thể làm giáo viên tiếng Anh.
Tuy nhiên, biện pháp này còn nhiều bất cập. Nó có thể loại luôn những giáo viên tiếng Anh giàu kinh nghiệm chỉ vì họ không đến từ nước có ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh. Khái niệm “bản ngữ” cũng không rõ ràng.
Trung Quốc hạn chế giáo viên nước ngoài trước tình trạng tuyển dụng dễ dãi. Ảnh minh họa: GoAbroad.
Ngoài ra, quy định này chỉ kiểm soát được giáo viên ở trường học. Các trung tâm vẫn sẽ tìm cách “lách luật”, tiếp tục thuê “người Tây da trắng” vào giảng dạy dù học đến từ Áo, Italy hay Nga và không có chứng chỉ sư phạm.
Trong khi đó, Hàn Quốc từng mạnh tay trong việc “siết” giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh.
Cảnh sát nước này từng bắt giữ 150 giáo viên tiếng Anh hoạt động trái phép. Những người này đến từ Canada và chủ yếu dạy học tại các trung tâm ngoại ngữ.
Vụ bắt giữ này diễn ra sau sự việc hai giáo viên tiếng Anh người Canada đánh nhau trước cửa quán bar ở Seoul, Hàn Quốc. Một trong hai người dạy học bất hợp pháp dựa trên visa du lịch.
Trước đó, một số người cũng đăng bài chửi mắng, dẫn đến cuộc điều tra của báo chí, phát hiện hàng loạt giáo viên tiếng Anh người nước ngoài không có học vấn và dạy học lười biếng, thiếu trách nhiệm.
Họ được các nhà tuyển dụng khuyến khích đến Hàn Quốc làm giáo viên, chỉ cần cung cấp bản sao bằng giả. Dù yêu cầu tuyển dụng thấp, những người nước ngoài này lại nhận mức lương khá cao.
Trong một chương trình phỏng vấn trên MBC, khách mời khẳng định “95% giáo viên nước ngoài tại Hàn Quốc kém chất lượng”.
Chính phủ Hàn Quốc quyết liệt trục xuất người nước ngoài dạy ngoại ngữ trái phép. Cuộc điều tra phát hiện khoảng 20.000 người không có bằng cấp, giấy tờ hợp lệ làm việc tại các trung tâm dạy tiếng Anh.
Dù vậy, với sự ra đời của hàng loạt trung tâm tư nhân cùng nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng tăng của người dân, nước này vẫn khó kiểm soát được chất lượng đội ngũ giáo viên nước ngoài cũng như của các trung tâm dạy tiếng Anh.