Trung tâm Hành chính công tỉnh Thanh Hóa – bước đột phá mạnh mẽ trong hiện đại hóa nền hành chính nhà nước – ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA | ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Việc triển khai, xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công là quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện bước đột phá quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước của tỉnh, trong đó trọng tâm là nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ, tăng tính công khai, minh bạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, thông minh, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở giải thể bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện nay đang thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Theo đó, Trung tâm Hành chính công là đầu mối tập trung để thực hiện việc tiếp nhận, tư vấn, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân theo quy định.

Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, hiện nay Trung tâm Hành chính công tỉnh Thanh Hóa đã chính thức đi vào hoạt động với chức năng giải quyết  1.236/1.427 TTHC của 15 cơ quan sở, ban, ngành. Hiện, trung tâm được bố trí tại tầng 1 và sảnh tầng 2 của Thư viện tỉnh, với 34 bàn giao dịch của các sở, ban, ngành để tiếp nhận hồ sơ; có các bàn hướng dẫn, thu phí, lệ phí và trả kết quả TTHC trực tiếp và gián tiếp qua bưu điện. Cơ sở vật chất của trung tâm được đầu tư đồng bộ và hiện đại, có bảng điện tử thông báo tình trạng xử lý hồ sơ, khu vực kê khai thủ tục, hệ thống máy tính, máy photocopy và các ki-ốt lấy số thứ tự, tra cứu thông tin; được trang bị hệ thống phần mềm một cửa điện tử, hệ thống thông tin hướng dẫn, màn hình cảm ứng tra cứu TTHC, phủ sóng wifi và nhiều dịch vụ tiện ích miễn phí khác nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Đặc biệt, với việc ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, hiện đại, thống nhất trong giải quyết TTHC, trung tâm thực hiện tốt vai trò của mình là đầu mối xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm xử lý TTHC đến các cơ quan, đơn vị liên quan, bảo đảm kết nối việc quản lý hồ sơ từ trung tâm về các sở, ngành và ngược lại. Bên cạnh đó, hệ thống này còn cho phép công dân, doanh nghiệp đánh giá trực tiếp thái độ phục vụ của công chức tại Trung tâm Hành chính công, qua đó tăng tính minh bạch, hạn chế tiêu cực trong giải quyết các TTHC.

Trước đó, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông, góp phần khắc phục được tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh và giảm được phiền hà, tiêu cực trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, việc tổ chức giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị đã nảy sinh những bất cập, hạn chế, không đáp ứng đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua khảo sát, đánh giá cho thấy, mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC chỉ đạt từ 70 đến 80%, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, nhiều ý kiến phản hồi của tổ chức, cá nhân không được giải quyết triệt để. Vì vậy, việc thành lập và đưa Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh đi vào hoạt động sẽ kiểm soát được một cách toàn diện, bao quát việc giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Việc giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp của các sở, ban, ngành sẽ được trung tâm theo dõi chặt chẽ. Nếu hồ sơ, thủ tục bị giải quyết quá hạn thì các sở, ban, ngành trực tiếp giải quyết TTHC phải công khai xin lỗi các tổ chức, cá nhân và có văn bản giải trình với UBND tỉnh. Đây được xem là cách làm mới trong việc thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông, hướng tới nền hành chính phục vụ; chuyên môn hóa, tách hoạt động chuyên môn với nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân, thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, nâng cao năng lực, trách nhiệm của công chức chuyên môn về kỹ năng và thái độ phục vụ nhân dân, thay đổi tác phong, thái độ làm việc của cán bộ, công chức; bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong cách thức tiếp nhận dịch vụ công; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC; tăng cường cơ chế giám sát và tự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức, góp phần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước.

Theo đó, Trung tâm Hành chính công tỉnh Thanh Hóa có các nhiệm vụ cụ thể sau:

Niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ, rõ ràng các quy định về TTHC (giấy tờ, hồ sơ…); mức thu phí, lệ phí (nếu có); thời gian giải quyết; quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ; trách nhiệm của các bộ phận, tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết TTHC.

Thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Thực hiện việc tiếp nhận, tư vấn, hướng dẫn tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ giải quyết công việc; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại các đơn vị áp dụng theo hình thức giám sát bằng công nghệ thông tin.

Rà soát, kiểm tra tính hợp lệ theo quy định về hồ sơ của tổ chức, cá nhân đối với các TTHC đã được UBND tỉnh phê duyệt đưa vào giải quyết tại trung tâm.

Theo dõi, đôn đốc công chức các cơ quan, đơn vị được bố trí đến làm việc tại trung tâm để tiếp nhận, hướng dẫn, thẩm định hồ sơ, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ trì theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải quyết các TTHC theo đúng chức năng, nhiệm vụ đảm bảo tiến độ và thời hạn trả kết quả cho tổ chức, cá nhân theo quy định.

Tiếp nhận, xử lý hoặc báo cáo cơ quan thẩm quyền những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với những nội dung liên quan đến việc giải quyết TTHC và việc thực hiện nhiệm vụ của công chức tại trung tâm theo quy định.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện những công việc có liên quan trong quá trình giải quyết các TTHC liên thông; trao đổi công tác nghiệp vụ; phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức làm việc tại trung tâm.

Phối hợp chặt chẽ, đúng nguyên tắc với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu các quy định của Nhà nước về cải cách hành chính, chính quyền điện tử; tổng hợp, báo cáo đề xuất với UBND, Chủ tịch UBND tỉnh việc điều chỉnh, sửa đổi, thay thế, bổ sung danh mục, quy trình và các nội dung liên quan khác trong việc giải quyết TTHC tại trung tâm. Phối hợp trong công tác đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức được bố trí về làm nhiệm vụ tại trung tâm.

Đề xuất nâng cấp cơ sở vật chất, phần mềm ứng dụng; tích hợp dữ liệu hoạt động, thực hiện công tác an ninh mạng và một số nội dung khác trong phạm vi hoạt động của trung tâm.

Đề xuất việc đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân; cung cấp dịch vụ hỗ trợ qua tổng đài để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của tổ chức, cá nhân về các TTHC tại trung tâm; tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về tổ chức hoạt động của trung tâm.

Quản lý nhân sự, tài sản, cơ sở vật chất, kỹ thuật của trung tâm theo quy định của pháp luật; bố trí khoa học, hợp lý các khu vực cung cấp thông tin, giải quyết TTHC, trang thiết bị phục vụ tổ chức, cá nhân đến giải quyết TTHC tại trung tâm. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo theo quy định.

Thực hiện việc thu phí, lệ phí (nếu có) theo quy định. Thực hiện một số nhiệm vụ khác khi được cấp có thẩm quyền giao.

Việc đưa Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động chính thức đang là tiền đề quan trọng tạo bước đột phá mạnh mẽ đối với nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2017 – 2020. Với phương châm “Công khai, minh bạch, chính xác, hiệu quả”, cải cách hành chính lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ để góp phần nâng cao hiệu lực chỉ đạo, điều hành của các cấp, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo sự thuận lợi cao nhất cho tổ chức, công dân.

Cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Đối với Thanh Hóa, “Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh” là một trong bốn khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020; theo đó, đã đặt ra mục tiêu là “Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng dịch vụ công…”. Vì vậy, sự ra đời của Trung tâm Hành chính công có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ hành chính công, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch; nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước và tổ chức, công dân, hướng tới một nền hành chính Nhà nước hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội  Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Nguồn tin: baothanhhoa.vn