Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu trục lợi
Chiều 14/4, Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho biết, đã có thông báo kết luận thanh tra (KLTT) về việc tổ chức các lớp dạy nghề cho người thất nghiệp và công tác quản lý, sử dụng tài chính của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh (thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội). Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2020.
KLTT cho biết, qua kiểm tra, một số lớp dạy nghề có nhiều dấu hiệu thể hiện việc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh (DVVL) không tổ chức giảng dạy trên thực tế hoặc tổ chức gộp nhiều lớp thành một lớp hoặc lớp học có học viên không đi học. Nhưng trung tâm vẫn làm thủ tục thanh toán kinh phí hỗ trợ học nghề tại Bảo hiểm xã hội thành phố.
Đây là việc làm có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp, cần phải chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hồ Chí Minh để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Về quản lý, sử dụng tài chính, KLTT cho rằng, Trung tâm DVVL đã không gửi, báo cáo kế hoạch mua sắm tài sản năm 2019, năm 2020 cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) để theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện theo quy định.
Một số lớp dạy nghề có nhiều dấu hiệu thể hiện việc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh không tổ chức giảng dạy trên thực tế nhưng vẫn làm thủ tục thanh toán kinh phí hỗ trợ…
Trung tâm DVVL thực hiện gói thầu mua xe ô tô đã qua sử dụng với giá trị 99,5 triệu đồng theo hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn chưa đảm bảo trình tự, thủ tục. Đồng thời, Trung tâm DVVL cũng không thực hiện mở thẻ tài sản cố định theo quy định đối với 29 xe ô tô dạy lái xe hạng B2 thuộc sở hữu của trung tâm.
Từ tháng 4/2016 đến tháng 9/2021, Trung tâm DVVL chi hỗ trợ chưa đúng quy định cho 5 cá nhân thuộc Sở LĐTB&XH trong công tác phối hợp giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy chế chi tiêu nội bộ.
Đến nay, Trung tâm DVVL đã thu hồi hơn 198,2 triệu đồng/278,1 triệu đồng (không bao gồm số thuế thu nhập cá nhân do đã nộp cho cơ quan thuế). Trung tâm đã điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ và đang tiếp tục việc thu hồi khoản chi nêu trên đối với 3 cá nhân với tổng số tiền còn phải thu là 79,9 triệu đồng.
Trung tâm DVVL còn chi chưa phù hợp quy định một số nội dung cho các đơn vị, cá nhân không phải là cán bộ, nhân viên, người lao động của trung tâm từ Quỹ phúc lợi trong năm 2019, năm 2020 với tổng số tiền là hơn 115 triệu đồng.
KLTT cũng cho rằng đối với các đơn vị như Trường Cao đẳng Thủ Thiêm (trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh), Trường Trung cấp Lê Thị Riêng (trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên các quận: 4, 6, Tân Bình cho Trung tâm DVVL thuê/mượn một phần trụ sở để làm Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp và tổ chức các lớp dạy nghề khi chưa có đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là chưa đảm bảo nguyên tắc việc quản lý sử dụng tài sản công.
Tổng số tiền các đơn vị nêu trên đã nhận từ việc cho Trung tâm DVVL thuê một phần trụ sở để làm Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2019 và 2020 là 684 triệu đồng.
Đối với Bảo hiểm xã hội thành phố, cơ quan này nhận được số tiền 167 triệu đồng (là kinh phí hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp đã thanh toán cho Trung tâm DVVL trước đây) trong tháng 12/2020 nhưng đến ngày 24/12/2021 mới có văn bản gửi Sở LĐTB&XH để phối hợp làm rõ số tiền đã nhận là chậm trễ xử lý, chưa đúng quy định…
Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Trung tâm DVVL tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm, đề ra hướng khắc phục về các vi phạm, thiếu sót đối với các tập thể và cá nhân có liên quan.