Trung Quốc ra chiến lược ‘Hướng Tây’ mới nhằm đối phó nguy cơ bị cô lập

Chú thích ảnh
Kế hoạch “Hướng Tây” mới của Trung Quốc nhằm phát triển các tỉnh miền Trung và miền Tây.
Ảnh: Tân Hoa xã

Trung Quốc đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới từ khu vực miền Tây giàu năng lượng, trong bối cảnh xuất khẩu – vốn chủ yếu dựa vào các tỉnh duyên hải miền Đông, chịu tác động tiêu cực từ đại dịch, đối diện với sức ép ngày một lớn trong bối cảnh Mỹ đe dọa phân tách kinh tế. 

Chiến lược “Hướng Tây” được Bắc Kinh công bố ngày 17/5 xuất hiện tại thời điểm chính quyền hoạch định chiến lược một thế giới hậu COVID-19 ít hữu nghị hơn, dễ đoán định hơn đối với Trung Quốc. Trong khi lãnh đạo chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục mở cửa, chiến lược mới hướng đến mục tiêu đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hướng nội và tập trung vào thị trường nội địa rộng lớn. 

“Tăng cường nỗ lực để thúc đẩy khu vực miền Tây là một quyết định quan trọng, để xử lý yêu cầu cân bằng phát triển vùng miền, điều phối các lợi ích tổng thể, cả đối nội và đối ngoại”, tài liệu mới được Chính phủ và Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng công bố. 

Trong kế hoạch này, Trung Quốc nêu ra nhiều dự án hạ tầng giao thông mới cho miền Tây, trong đó có tuyến đường sắt Tứ Xuyên-Tây Tạng, đường sắt cao tốc chạy dọc theo sông Dương Tử, cùng với đó là một loạt sân bay, đập chứa nước, thủy lợi. Chính phủ cũng sẽ phát triển các dự án năng lượng mới, như các cơ sở trữ dầu mỏ, khí đốt, khuyến khích các dự án công nghiệp dịch chuyển sản xuất về phía Tây thay vì tái bố trí ở ngoài nước. 

Trước đó, năm 1999, Trung Quốc đã đề ra kế hoạch “Đại khai phát miền Tây”, bao trùm hơn 10 tỉnh, chiếm 3/4 diện tích và 1/4 dân số Trung Quốc. Kế hoạch này thu được một số kết quả, nhưng cũng còn hạn chế nhất định.

Đến cuối năm 2018, tức sau gần 20 năm thực hiện “Đại khai phát miền Tây” đã giúp nâng cao mức đóng góp về sản lượng kinh tế của khu vực này từ 1,8% lên 20,5% tổng GDP quốc gia. Cùng với đó, chênh lệch phát triển vùng miền xét trên tổng GDP, doanh thu, thương mại giữa miền Đông với miền Tây vẫn cách xa. 

Thế nhưng các tỉnh miền Tây đã chứng tỏ được khả năng trụ vững về kinh tế tốt hơn trong đại dịch COVID-19 vừa qua. GDP của Trung Quốc trong quý 1 năm nay giảm 6,8%, với mức giảm sâu đến từ các trung tâm sản xuất miền Đông như Quảng Đông hay Chiết Giang. Các tỉnh miền Tây, nổi bật là Tân Cương, duy trì được sức đề kháng áp đảo so với miền Đông, với GDP giảm nhẹ. 

Chiến lược mới thừa nhận tầm quan trọng của khu vực miền Tây trong việc thực hiện các mục tiêu của chính phủ Trung Quốc về xóa nghèo vào cuối năm nay. Nó cũng tạo ra cho Trung Quốc dư địa để điều chỉnh chiến lược. 

Trung Quốc đã có lịch sử lâu đời về lập kế hoạch kinh tế tự cường. Khi quan hệ Xô-Trung xấu đi vào những năm 1950, nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông quyết định dịch chuyển nhiều dự án công nghiệp quốc gia lên khu vực miền núi, để bảo đảm an toàn phòng trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh.