Trung Quốc đã soán ngôi cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới của Mỹ ?

TRUNG QUỐC – KINH TẾ THẾ GIỚI

Khái niệm « đại cường quốc » thường được dùng để nói về nhiều lĩnh vực như khả năng đóng góp cho trật tự thế giới hoặc sự phát triển quân sự. Còn « đại cường quốc kinh tế » thường được đo lường bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Quảng cáo

Theo thước đo GDP, Ấn Độ dẫn đầu thế giới, bỏ xa Trung Quốc cho đến những năm 1500. Sau đó, Trung Quốc vươn lên dẫn đầu cho đến giữa thế kỷ 19. Khi Cách mạng công nghiệp diễn ra, Đế quốc Anh đã giành ngôi đầu bảng trước khi bị Hoa Kỳ soán ngôi ngay trước Đệ nhất Thế chiến. Và từ hơn một thế kỷ qua, Mỹ vẫn được coi là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, vị thế của Mỹ vẫn bị thách thức. Năm 1956, khôi nguyên Nobel Kinh tế, Maurice Allais, chỉ ra rằng với tốc độ sản xuất công nghiệp của Liên Xô thời đó, với mức tăng trưởng 4-10%, tương tự Hoa Kỳ hồi thế kỷ 19, Liên Xô có thể đuổi kịp Mỹ vào khoảng những năm 1970-1975. Nhưng các cuộc khủng hoảng dầu lửa và khủng hoảng kinh tế đã khiến Liên Xô không thể bắt kịp Mỹ về kinh tế.  

Rồi đến những năm 1980, Nhật Bản cũng được cho là có khả năng bắt kịp Hoa Kỳ. GDP của Nhật tăng 5% mỗi năm so với tỉ lệ tăng trưởng 1% của Hoa Kỳ. Với tốc độ đó, Nhật Bản có thể trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Thế nhưng, cuối cùng, điều đó cũng chưa từng xảy ra do sự trì trệ kinh tế của Nhật Bản.

Gần đây, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã cho phép nước này nhanh chóng vượt qua tất cả các nước khác về nhiều tiêu chí đánh giá và leo lên vị trí thứ hai trên toàn thế giới. Hiện giờ, theo các chỉ số đo lường, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang cạnh tranh cho vị trí dẫn đầu. Thứ bậc xếp hạng đã thực sự thay đổi ? Đây là câu hỏi mà nhà nghiên cứu Stéphane Aymard, đại học Rochelle, Pháp nêu lên trong bài viết « Trung Quốc đã (lại) trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới ? », đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 26/04/2022. RFI Tiếng Việt giới thiệu bài viết.

GDP : Trung Quốc bắt kịp Mỹ

Trong Tổng quan Kinh tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Trung Quốc năm 2022 đạt 18.000 tỷ đô la so với 24.000 tỷ đô la của Hoa Kỳ.

Đối với Ngân hàng Thế giới (WB), tổng GDP của Trung Quốc và Mỹ lần lượt là 15.000 tỉ đô la và 21.000 tỉ đô la. Đà tiến của Trung Quốc cho thấy chỉ cần 3-4 năm nữa là GDP Trung Quốc có thể bắt kịp Hoa Kỳ. Nếu tính GDP theo sức mua tương đương, thì Trung Quốc (23.000 tỉ đô la), đã vượt Mỹ (20.000 tỉ đô la).

Trung Quốc cũng đã có một bước nhảy vọt về thương mại trong 2 thập kỷ qua. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới mà Trung Quốc trở thành thành viên từ năm 2001, tỷ trọng của Trung Quốc về xuất khẩu hàng hóa trên thế giới đã tăng từ 5,9% lên thành 15,2% trong giai đoạn 2003-2020, ngược lại tỷ trọng của Hoa Kỳ giảm từ 9,8% xuống còn 8,4%. Như vậy là hiện nay Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đạt 2.600 tỉ đô la về giá trị, so với 1.400 tỷ đô la của Hoa Kỳ. « Công xưởng thế giới » nay đã trở thành nhà cung ứng hàng đầu cho hơn 60 nước, trong đó có khoảng 20 nước châu Phi.

Cú đặt cược trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D)

Ngoài chỉ số GDP, Trung Quốc hiện đang cạnh tranh với Hoa Kỳ về sáng chế, phát minh. Trung Quốc đã trở thành quốc gia nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế hàng đầu thế giới vào năm 2011, trước Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong một thời gian dài bị xem là một nước chuyên sao chép, Trung Quốc trong vài thập kỷ đã tập trung vào phát minh, sáng chế, nghiên cứu và phát triển. Theo Tổ chức Thế giới về Sở hữu Trí tuệ, Trung Quốc ngày càng vượt xa các nước khác, số bằng sáng chế nhiều hơn gấp đôi so với Mỹ, chiếm 43% toàn thế giới.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển là đáng kể và cũng đã tăng mạnh. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), khoản đầu tư của Trung Quốc hồi năm 2000 chỉ chiếm 0,9% GDP nhưng đến năm 2020 đã chiếm tới 2,4% GDP. Trong cùng kỳ, Pháp chỉ tăng từ 2,1% lên thành 2,3%, Hoa Kỳ từ 2,6% lên thành 3,4%. Tính theo giá trị, đầu tư của Trung Quốc đã tăng từ 38 tỉ đô la năm 2000 lên thành 563 tỉ đô la vào năm 2020, đứng thứ 2 thế giới, sau Hoa Kỳ (664 tỉ đô la). Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ về số nhà nghiên cứu (2 triệu so với 1,4 triệu). Nhưng nếu làm phép so sánh về mạng lưới doanh nghiệp, Hoa Kỳ vẫn dẫn trước Trung Quốc, với tổng giá trị trên thị trường chứng khoán lớn hơn gần 4 lần, nhờ các tập đoàn như Apple, Microsoft, Amazon, Facebook … Nhưng khoảng cách này ngày càng được rút ngắn với sự vươn lên của các tập đoàn Trung Quốc như Tencent, Alibaba …

Về phía Trung Quốc, các gã khổng lồ kỹ thuật số được thành lập muộn hơn nhưng tăng trưởng rất mạnh : Alibaba có doanh thu 72 tỉ đô la (so với 296 tỉ đô la của Amazon), Tencent có 1,2 tỉ người dùng, Baidu chiếm khoảng 80% lượt truy cập ở Trung Quốc, Xiaomi chiếm 13,5 % thị phần (nhiều hơn cả Apple nhưng sau Samsung). Xét về giá trị trên thị trường chứng khoán, nhóm BATX (gồm các tập đoàn Baidu, Alibaba, Tencent và Xiaomi) chỉ bằng 1/3 so với nhóm GAFA (Google, Apple, Facebook và Amazon) nhưng doanh thu tăng nhanh hơn.

Sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc còn thể hiện ở vai trò ngày càng quan trọng của nước này trên thị trường nguyên vật liệu thô. Về sắt và thép, theo Tổ chức Thương mại Thế giới, Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, chiếm 13% thị phần, bỏ xa Hoa Kỳ (4%). Trung Quốc còn là nước khai thác nhiều vàng nhất (hơn Úc, Nga, Hoa Kỳ) và sản xuất nhiều nhôm nhất (hơn Nga, Canada và Ấn Độ).

Tuy nhiên, về dầu và các nhiên liệu khác, Hoa Kỳ vẫn là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, chiếm 8,6% thị phần, bỏ xa Trung Quốc (chỉ với 2,6%). Lĩnh vực quan trọng sống còn này vẫn còn là vấn đề đối với Trung Quốc, nước chiếm 21% tổng kim ngạch nhập khẩu của thế giới. Điều này có nghĩa là nếu những vật liệu nhập khẩu này cho phép Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa thành phẩm nhiều hơn thì Trung Quốc càng được hưởng lợi.

Trong tương lai, Trung Quốc cũng có thể chiếm vị trí thống trị trong nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, nước này đang đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực điện : 1/5 số xe hơi bán ra hiện nay là xe điện và một số thành phố đang thay thế tất cả xe khách thông thường bằng xe khách chạy điện. Trung Quốc đang đầu tư vào ngành điện ở khắp nơi trên thế giới, thông qua công ty State Grid Corp of China (SGCC), nhà điều hành mạng lưới và phân phối điện lớn nhất trên thế giới hiện nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Đăng ký

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế