Trưng bày sản phẩm thiết kế sáng tạo Hà Nội
Tối 11/11, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 với chủ đề “Sáng tạo và công nghệ” đã chính thức khai mạc tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Lễ hội do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở VTTT TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiến (Hà Nội) tổ chức… Ngoài ra còn có sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-HABITAT và Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft)…
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu khai mạc Lễ hội
Đây là hoạt động thường niên, nhằm hiện thực hóa các cam kết của Hà Nội với UNESCO. Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ 25 không gian sáng tạo nghệ thuật với gần 50 hoạt động tham quan, trải nghiệm, tương tác dưới hình thức triển lãm, trưng bày, sắp đặt, tọa đàm, hội thảo, trình diễn nghệ thuật…
Phát biểu tại sự kiện khai mạc lễ hội, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, để thực hiện hiệu quả, đúng lộ trình 6 cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, Hà Nội triển khai nhiều hoạt động gắn với đẩy mạnh phát huy truyền thống sáng tạo của người Hà Nội được đúc kết từ hơn nghìn năm lịch sử với thúc đẩy phát triển các giá trị văn hóa mới trong các chương trình phát triển văn hóa – kinh tế – xã hội. Đồng thời triển khai tích cực, kiên trì Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tạo nên những chuyển động tích cực, rõ nét trên toàn thành phố.
Triển lãm giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng, sản phẩm làng nghề truyền thống.
Hiện nay, Hà Nội đang có đầy đủ tiềm năng, lợi thế, trở thành vườn ươm, nơi hội tụ, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa chất lượng có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế.
Qua sự kiện, Thành phố Hà Nội kêu gọi tới toàn thể nhân dân Thủ đô cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội – từ thành phố vì hoà bình trở thành Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Trong đó, với nhiệm vụ trọng tâm là đặt sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Không gian trưng bày về “huyền thoại” dép lốp tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng
Với mục đích tôn vinh những sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2022 sẽ có 3 sự kiện điểm nhấn.
Đó là, triển lãm Trưng bày giới thiệu sản phẩm thiết kế sáng tạo, do Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ.
Triển lãm sắp đặt các gian hàng, không gian trưng bày sản phẩm thiết kế, sáng tạo; tạo những không gian văn hóa giới thiệu các sản phẩm và ứng dụng của nghề truyền thống đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống đương đại.
hấp dẫn đông đảo người xem
Các không gian trưng bày tại triển lãm gồm: Không gian thiết kế và cuộc sống – Nghệ nhân Việt Nam; Không gian thiết kế mây tre lá tự nhiên; Không gian thiết kế lụa thêu và thời trang; Không gian thiết kế sản phẩm gốm, gỗ và sơn mài…
Cùng với đó là triển lãm Không gian thiết kế bền vững sẽ diễn ra tại Trung tâm thông tin triển lãm Hà Nội, 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tinh hoa nghề mây tre đan tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm.
Với quy mô 300 – 350m2, triển lãm sẽ trưng bày và giới thiệu các ý tưởng thiết kế sáng tạo với chủ đề “Thiết kế bền vững”, hướng tới phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên, tái chế.
Bên cạnh đó là các sản phẩm thời trang kế thừa tính truyền thống văn hóa nhưng lại được sử dụng dưới góc nhìn hiện đại và đi theo xu hướng thời trang hiện hành.
Một mô hình thiết kế sáng tạo được trưng bày tại không gian đi bộ .
Và cuối cùng là tọa đàm Kinh nghiệm thiết kế phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội được tổ chức vào ngày 15/11 tới tại Trung tâm tinh hoa Làng Việt, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.
Dự kiến sẽ có khoảng 100-150 đại biểu, là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xúc tiến, chuyên gia nghiên cứu, các nhà thiết kế, các trường đại học liên quan đến lĩnh vực thiết kế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân làng nghề,…tham dự tọa đàm.
Khu trưng bày hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước.
Tại tọa đàm, các chuyên gia sẽ thảo luận, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề phát triển, đưa yếu tố thiết kế vào sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới xây dựng hệ sinh thái thiết kế để phát triển bền vững làng nghề Hà Nội.